Nhân dân Hà Nam “chia lửa” cùng tiền tuyến lớn, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước

Những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, quán triệt nhiệm vụ chiến lược mà Đảng, Bác Hồ vạch ra, Đảng bộ, nhân dân Hà Nam vừa ra sức xây dựng quê hương, vừa sẵn sàng “chia lửa” với tiền tuyến lớn ở khắp các mặt trận, góp sức cùng cả nước giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. 

Ngay từ năm 1959, Đảng bộ và nhân dân Hà Nam đã có sáng kiến tổ chức kết nghĩa với Đảng bộ, nhân dân tỉnh Biên Hòa, chính thức khởi xướng và làm lan rộng ra cả nước phong trào kết nghĩa giữa các tỉnh, thành phố của hai miền Nam - Bắc. Ngày 20/7/1959, 16 nghìn người đại diện các tầng lớp nhân dân trong tỉnh đã nô nức tham dự cuộc mít tinh lớn tại thị xã Phủ Lý (nay là thành phố Phủ Lý) biểu thị tinh thần đoàn kết với đồng bào Biên Hoà. Cũng từ đây, nhiều thửa ruộng, công trình thủy lợi, vườn cây, tuyến đường, trường học... trên quê hương Hà Nam đã được đặt tên Biên Hòa. Phong trào chăn nuôi, trồng cây, phong trào làm thêm giờ "Vì miền Nam, vì Biên Hòa" dấy lên rộng khắp ở các cấp, ngành, đoàn thể và mọi lứa tuổi. Phong trào gửi bưu thiếp tới đồng bào miền Nam, đồng bào Biên Hòa; quyên góp tiền ủng hộ các gia đình nạn nhân Biên Hòa bị chính quyền Mỹ- Ngụy sát hại… nhằm khẳng định tình đoàn kết, sự ủng hộ đối với đồng bào miền Nam đã thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân trong tỉnh tham gia.

Thể hiện tình cảm Bắc - Nam ruột thịt, tháng 6/1962, Tỉnh ủy Hà Nam phát động phong trào "Ngày thứ Năm đấu tranh thống nhất", tuyên truyền, giáo dục, cổ vũ tinh thần đấu tranh thống nhất Tổ quốc cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, tăng cường tình kết nghĩa Hà Nam - Biên Hòa. Tháng 10/1962, Đoàn đại biểu Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam ra thăm miền Bắc, tinh thần thi đua “mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt, sẵn sàng chiến đấu vì sự nghiệp thống nhất nước nhà” càng được dịp phát triển sâu rộng hơn trong các tầng lớp nhân dân Hà Nam. Nổi bật trong phong trào thi đua xây dựng miền Bắc, chi viện miền Nam trên quê hương Hà Nam là phong trào thi đua "Hai tốt" ở Trường Cấp II Bắc Lý Anh hùng. 

Nhân dân Hà Nam “chia lửa” cùng tiền tuyến lớn góp phần giải phóng miền Nam thống nhất đất nước
Xe tăng quân giải phóng tiến thẳng vào Dinh Độc Lập vào trưa 30/4/1975. Ảnh tư liệu

Hướng về miền Nam, “chia lửa” cùng đồng bào miền Nam, thực hiện Lệnh Động viên cục bộ (ngày 5/5/1965) của Chủ tịch Hồ Chí Minh, hàng ngàn quân nhân phục viên, xuất ngũ ở các huyện, thị trong tỉnh đã viết đơn tình nguyện trở lại quân đội, trực tiếp cầm súng chiến đấu ở khắp các mặt trận của hai miền Nam, Bắc. Ngày 7/4/1965, tại chùa Phương Khê (Ngọc Sơn, Kim Bảng), 627 quân nhân phục viên, xuất ngũ của huyện Kim Bảng, Duy Tiên và thị xã Phủ Lý đã nô nức tái ngũ lên đường Nam tiến. Tiếp đó, ngay trong tháng 5/1965, toàn tỉnh Hà Nam đã thực hiện bốn đợt tuyển quân, tiễn đưa 9.630 thanh niên tòng quân ra mặt trận. Hàng vạn thanh niên nam, nữ của quê hương Hà Nam cũng hăng hái tình nguyện tham gia lực lượng thanh niên xung phong (TNXP), làm nhiệm vụ chiến đấu và phục vụ chiến đấu. 

Tháng 5/1965 cũng là thời điểm cuộc chiến tranh chống phá hoại của đế quốc Mỹ đã lan đến quê hương Hà Nam. Mở đầu là sự kiện máy bay Mỹ bắn phá cầu Đoan Vĩ và đoạn quốc lộ 1A (thuộc khu vực xã Thanh Hải, Thanh Liêm). Hàng chục quả bom Mỹ đã ném xuống đầu cầu bờ sông phía Bắc, cắt đứt một bên thân cầu và mặt cầu. Không nao núng trước bom đạn của kẻ địch, lực lượng phòng không tại chỗ của dân quân xã Thanh Hải (bố trí tại các trận địa điểm cao đặt trên núi Đất, núi Rồng) đã kịp thời nổ súng đánh trả máy bay địch. Dưới bom đạn đánh phá ác liệt của kẻ thù, các chiến sĩ dân quân, tự vệ địa phương lập tức có mặt, cứu chữa người bị thương, giúp công binh dựng nhà cho xe vượt cầu Đoan Vĩ kịp thời. Chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ ngày càng ác liệt và lan rộng. 8 giờ ngày 7/11/1965, 12 máy bay phản lực Mỹ thay nhau đánh phá mục tiêu thuộc ga xe lửa, bến phà, cầu đường bộ, cầu đường sắt Phủ Lý và khu vực các trận địa pháo Châu Sơn, Hồng Phú. Lập tức, hàng loạt trận địa pháo cao xạ, súng máy 12,7 ly và súng trường của các đơn vị dân quân, tự vệ đã kịp thời đánh trả. Vào lúc 11 giờ cùng ngày, một chiếc máy bay F4 của địch trúng đạn bốc cháy, xác rơi xuống Biển Đông, mở đầu cho những chiến công liên tiếp bắn rơi máy bay Mỹ của quân và dân Hà Nam thời gian sau đó.

Bước sang năm 1966, 1967, trước âm mưu tăng cường chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, quân và dân các địa phương trong tỉnh đã tích cực phân công trực chiến suốt ngày đêm. 15 giờ ngày 27/5/1967, một tốp gồm 3 máy bay A4 của địch bất ngờ kéo đến oanh tạc một số khu vực của huyện Bình Lục, ném nhiều bom phá, bom bi phá hủy cầu Sắt (An Mỹ), phá sập nhiều nhà kho, nhà ga, nhà dân, một phần cầu tạm trên đường sắt và nhiều đoạn đường bộ ở khu vực Cầu Họ (Trung Lương), máng Bùi (Trịnh Xá)… Bình tĩnh chờ cho máy bay địch hạ thấp độ cao đúng vào tầm ngắm, các trận địa phòng không của ta ở khu vực Cầu Họ, An Nội… đồng loạt nổ súng, một chiếc máy bay địch trúng đạn bốc cháy lao ra phía Biển Đông, những chiếc còn lại vội vàng tháo chạy. Tin chiến thắng từ trận đánh này có sức cổ vũ mạnh mẽ lực lượng dân quân, tự vệ đang trực chiến săn máy bay địch tại các trận địa phòng không trong toàn tỉnh. Đây là chiến thắng đầu tiên của quân dân Hà Nam dùng súng bộ binh bắn rơi máy bay Mỹ.

“Chia lửa” với tiền tuyến lớn, vừa chiến đấu bảo vệ quê hương, quân và dân Hà Nam vừa làm tròn nhiệm vụ chuyển tải lương thực vào chiến trường miền Nam. Ngày 29/5/1967, tại các khu cảng đường sông Đọ Xá, Bến Đá, Nhà máy xay… (thuộc thị xã Phủ Lý) nhân dân đã tập kết được hơn 1 nghìn tấn thóc và bột mì chờ chuyển đi. Sáng sớm hôm sau (30/5), đoàn tàu 16 toa chở 600 tấn hàng cũng vừa đến thị xã Phủ Lý đang chờ chuyển bánh thì bất ngờ, vào 9 giờ 30 phút cùng ngày, nhiều tốp máy bay địch ập đến bắn phá từ hướng Bạch Thượng (Duy Tiên) qua Phủ Lý tới Kiện Khê (Thanh Liêm). Nhờ tinh thần cảnh giác, trực chiến cao độ, “lưới lửa phòng không” tầm thấp, tầm trung từ các mặt trận của quân và dân Hà Nam đã kịp thời đánh trả, bắn cháy một máy bay Mỹ, bảo vệ an toàn hàng hóa chi viện cho chiến trường miền Nam. 

Nhân dân Hà Nam “chia lửa” cùng tiền tuyến lớn góp phần giải phóng miền Nam thống nhất đất nước
Thành phố Phủ Lý hôm nay. Ảnh: Trương Dũng

Năm 1972, đế quốc Mỹ leo thang trở lại cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng không quân, nhân dân Hà Nam lại bước vào cuộc chiến đấu mới. Với tinh thần quyết tâm chiến thắng giặc Mỹ xâm lược, quân và dân trong tỉnh đã đánh trả quyết liệt, bắn rơi 8 máy bay Mỹ, giữ vững sản xuất và bảo đảm giao thông thông suốt, góp phần chuyển tải vũ khí, lương thực vào tiền tuyến lớn, “chia lửa” cùng chiến trường miền Nam. Trong chiến thắng 12 ngày đêm của trận “Điện Biên Phủ trên không”, quân dân Hà Nam đã sát cánh cùng với quân dân Thủ đô Hà Nội và các đơn vị bộ đội chủ lực đập tan cuộc tập kích chiến lược của Mỹ, buộc chúng phải ký Hiệp định Paris tháng 1/1973. "Mỹ cút", nhân dân Hà Nam lại cùng cả nước dồn sức "đánh cho Ngụy nhào". Hướng về tiền tuyến lớn, lực lượng vũ trang Hà Nam tiếp tục nô nức lên đường ra mặt trận, “chia lửa” với các chiến trường ở miền Nam. Cuối tháng 2/1975, toàn tỉnh có 5.179 thanh niên nhập ngũ; các huyện, thị trong tỉnh cũng đã huy động, chi viện chiến trường 8.648 tấn lương thực. Chuẩn bị cho yêu cầu cao hơn của chiến trường, nhân dân Hà Nam đã tích cực thi đua: làm thêm giờ, tăng năng suất, tiết kiệm hàng nghìn tấn lương thực, thực phẩm để ủng hộ quân đội và đồng bào những vùng mới giải phóng. 

11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, lá cờ Quyết chiến quyết thắng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập, Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử thắng lợi hoàn toàn. Trong niềm vui của ngày “toàn thắng về ta”, Đảng bộ và nhân dân Hà Nam càng thêm nức lòng tự hào vì đã có những đóng góp to lớn về sức người, sức của, cùng cả nước thực hiện thành công ý nguyện thiêng liêng của Bác Hồ kính yêu: Giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. 

Thế Vĩnh (tổng hợp)

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy