kita group giới thiệukita group dự ánkita group liên hệkita group STELLA MEGA CITYkita group STELLA RESIDENCE
Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV: Đoàn ĐBQH tỉnh thảo luận ở tổ về Dự án Luật Nhà giáo và Luật Việc làm (sửa đổi)

Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV: Đoàn ĐBQH tỉnh thảo luận ở tổ về Dự án Luật Nhà giáo và Luật Việc làm (sửa đổi)

Sáng 9/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường nghe các nội dung: Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Việc làm (sửa đổi); Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Nhà giáo. Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết về thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự. Sau đó, thảo luận ở tổ về Dự án Luật Nhà giáo và Dự án Luật Việc làm (sửa đổi). Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam thảo luận ở tổ 18 gồm các tỉnh: Hà Nam, Thanh Hóa và Trà Vinh.

Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV Đoàn ĐBQH tỉnh thảo luận ở tổ về Dự án Luật Nhà giáo và Luật Việc làm sửa đổi
Quang cảnh phiên họp sáng 9/11. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam Phạm Hùng tham gia ý kiến thảo luận ở tổ đối với hai Dự án Luật Nhà giáo và Luật Việc làm (sửa đổi).

Về dự án Luật Việc làm (sửa đổi) đại biểu Phạm Hùng Thắng cho rằng đây là dự án luật quan trọng, có tính thực tiễn cao, tác động tới nhiều đối tượng; liên quan đến nhiều bộ luật, luật và các văn bản quy phạm pháp luật khác. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, rà soát các văn bản quy phạm pháp luật và cam kết quốc tế có liên quan để điều chỉnh, bổ sung, bảo đảm tính đồng bộ trong hệ thống pháp luật; đồng thời luật phải có tính dự báo cao, đáp ứng những thay đổi nhanh chóng của lao động và việc làm. Cùng với đó, đại biểu đã đưa ra đề xuất đối với một số điều luật cụ thể:

Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV Đoàn ĐBQH tỉnh thảo luận ở tổ về Dự án Luật Nhà giáo và Luật Việc làm sửa đổi
Các đại biểu dự thảo luận ở Tổ 18.

Tại Điều 8 dự thảo luật về đối tượng vay vốn hỗ trợ tạo việc làm, duy trì, mở rộng việc làm, đề nghị bổ sung thêm đối tượng những người lao động bị ảnh hưởng bởi thiên tai, địch họa, dịch bệnh. Như đợt mưa lũ lịch sử do ảnh hưởng bởi cơn bão Yagi vừa qua, có những làng bản bị xoá sổ hoàn toàn, nhiều người lao động mất trắng tài sản, sinh kế… đây là những đối tượng gặp rất nhiều khó khăn nếu không có nguồn vốn hỗ trợ.

Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV Đoàn ĐBQH tỉnh thảo luận ở tổ về Dự án Luật Nhà giáo và Luật Việc làm sửa đổi
Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Phạm Hùng Thắng phát biểu thảo luận.

Khoản 1 Điều 28 dự thảo luật về thông tin thị trường lao động, đề nghị bổ sung thêm điểm đ, cụ thể: “đ) Định hướng phát triển kinh tế - xã hội; quy hoạch lĩnh vực, ngành, nghề”. Theo đại biểu, định hướng phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch lĩnh vực, ngành, nghề có tác động trực tiếp đến sự phát triển thị trường lao động, do đó người lao động, doanh nghiệp cần được cung cấp, tiếp cận nguồn thông tin, từ đó có những định hướng, quyết định chính xác hơn.

Về Trung tâm dịch vụ việc làm quy định tại Điều 49 và Điều 50 dự thảo luật theo đại biểu chưa có nhiều đổi mới về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ so với các quy định hiện hành. Trung tâm này đóng vai trò quan trọng đối với việc cung cấp thông tin dịch vụ cho doanh nghiệp và người lao động, nhưng hiện nay chưa có chính sách đủ mạnh để phát triển, thu hút đội ngũ tư vấn viên có năng lực, trình độ chuyên môn sâu, có khả năng phân tích, dự báo thị trường chuyên nghiệp, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của các trung tâm. Vì vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, bổ sung giải pháp phát triển trung tâm, như ưu tiên bố trí nguồn vốn từ ngân sách nhà nước để đầu tư, hiện đại hóa cơ sở vật chất, hạ tầng, công nghệ cho các trung tâm, trong đó ngân sách Trung ương hỗ trợ cho các địa phương để đầu tư cơ sở vật chất, nhất là các địa phương ở khu vực miền núi, biên giới, hải đảo, vùng khó khăn.

Khoản 1 Điều 65 dự thảo luật về mức, thời gian, thời điểm hưởng trợ cấp thất nghiệp “1. Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 6 tháng đã đóng bảo hiểm thất nghiệp gần nhất trước khi thất nghiệp…”.

Đề nghị xem xét nâng mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng lên 75% mức bình quân tiền lương đóng bảo hiểm thất nghiệp trước khi nghỉ việc. Vì phần lớn doanh nghiệp hiện nay đóng cho người lao động theo mức lương tối thiểu vùng nên 60% tiền hưởng trợ cấp thất nghiệp rất thấp. Với tiền lương bình quân đóng bảo hiểm thất nghiệp khoảng 5,56 triệu đồng giai đoạn 2022-2023, trợ cấp thất nghiệp người lao động nhận được 3,3 triệu đồng mỗi tháng. Trong khi đó, chi tiêu bình quân của gia đình lao động vào giữa năm 2023 khoảng 11,7 triệu đồng/tháng. Mức trợ cấp thất nghiệp như trên chưa đáp ứng 30% chi phí sinh hoạt thực tế của gia đình lao động.

Đối với Dự án Luật Nhà giáo, đại biểu Phạm Hùng Thắng nhất trí với sự cần thiết ban hành luật nhằm thể chế đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về giáo dục, đào tạo, nhất là quan điểm phát triển giáo dục, đào tạo là quốc sách hàng đầu; góp phần hoàn thiện hành lang pháp lý, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật về nhà giáo; kịp thời bổ sung các chính sách mới, đặc thù để xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo. Đồng thời tham gia một số ý kiến về phạm vi điều chỉnh của luật, chính sách tiền lương và đãi ngộ; tuổi nghỉ hưu đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục mầm non…

P.V (tổng hợp)

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy