Tiếp tục hội nghị thảo luận, lấy ý kiến đối với một số dự án Luật được Quốc hội xem xét thông qua và cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV, tại phiên thảo luận chiều 11/10, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh đã lấy ý kiến đối với Luật Đấu thầu (sửa đổi). Đồng chí Phạm Hùng Thắng, Tỉnh uỷ viên, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì hội nghị. Dự hội nghị có các đồng chí ĐBQH tỉnh; lãnh đạo Ban Kinh tế - Ngân sách HĐBD tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố, thị xã; lãnh đạo Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Phạm Hùng Thắng, Tỉnh uỷ viên, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh cho biết: Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) lần này có nhóm các quy định sửa đổi, bổ sung nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác đấu thầu, bảo đảm cạnh tranh, công bằng, minh bạch trong hoạt động đấu thầu.
Về bố cục, dự thảo Luật gồm 10 chương, 98 điều. So với Luật Đấu thầu 2013, dự thảo Luật đấu thầu (sửa đổi) lần này sửa đổi 75 điều, bổ sung mới 21 điều, giữ nguyên 2 điều, bãi bỏ 12 điều.
Những nội dung cụ thể của dự thảo Luật được xây dựng trên cơ sở 5 nhóm chính sách đã được Chính phủ, Quốc hội thông qua, gồm: Nhóm các quy định sửa đổi, bổ sung nhằm xác định rõ phạm vi điều chỉnh, nguyên tắc áp dụng Luật Đấu thầu; nhóm các quy định sửa đổi, bổ sung nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác đấu thầu, bảo đảm cạnh tranh, công bằng, minh bạch trong hoạt động đấu thầu; nhóm các quy định sửa đổi, bổ sung nhằm đơn giản hóa quy trình, thủ tục thực hiện hoạt động đấu thầu lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư, cắt giảm thời gian, chi phí trong hoạt động đấu thầu; nhóm các quy định sửa đổi, bổ sung nhằm hoàn thiện chính sách đấu thầu mua sắm hàng hóa trong nước, mua sắm các sản phẩm đổi mới sáng tạo, mua sắm xanh, mua sắm sản phẩm, dịch vụ được cung cấp bởi nhóm lao động yếu thế nhằm góp phần thúc đẩy sản xuất trong nước, thực hiện mục tiêu kinh tế - xã hội, phát triển bền vững và bảo vệ môi trường; nhóm các quy định sửa đổi, bổ sung nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về đấu thầu, phòng chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong hoạt động đấu thầu.
Cho ý kiến góp ý tại hội nghị, đại diện lãnh đạo các sở, ngành, các địa phương trong tỉnh cơ bản nhất trí cao về bố cục, sự cần thiết phải sửa đổi Luật Đấu thầu để phù hợp với các quy định hiện hành.
Các đại biểu đã thảo luận, góp ý kiến để bổ sung, làm rõ hơn về một số nội dung: Phạm vi điều chỉnh, nguyên tắc áp dụng Luật Đấu thầu; hoạt động lựa chọn nhà thầu thực hiện các gói thầu thuộc dự án đầu tư phát triển của doanh nghiệp nhà nước; hoạt động lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất thuộc trường hợp phải tổ chức đấu thầu theo quy định của pháp luật về đất đai; các hành vi bị cấm trong đấu thầu; vấn đề chỉ định thầu; lựa chọn nhà thầu cung cấp thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế; việc đơn giản hóa quy trình, thủ tục thực hiện hoạt động đấu thầu lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư, cắt giảm thời gian, chi phí trong hoạt động đấu thầu; đối tượng được hưởng ưu đãi trong lựa chọn nhà thầu; quy định về ưu tiên, ưu đãi cho nhà thầu có sử dụng lao động thuộc nhóm yếu thế; các hành vi bị cấm trong hoạt động đấu thầu; những trường hợp bị cấm tham gia đấu thầu…
Các ý kiến đóng góp tại hội nghị sẽ được Đoàn ĐBQH tỉnh tiếp thu, ghi nhận, tổng hợp để báo cáo lên Quốc hội trước kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.
|
Sáng 11/10, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh tổ chức hội nghị thảo luận, lấy ý kiến đối với Luật Đất đai sửa đổi. Đồng chí Phạm Hùng Thắng, Tỉnh uỷ viên, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì hội nghị. Dự hội nghị có các đồng chí ĐBQH tỉnh; lãnh đạo Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố, thị xã; lãnh đạo Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh.
|
Nguyễn Oanh