Sáng 6/1, tại điểm cầu Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị tổng kết công tác ngành ngoại giao năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.
Cùng dự có Phó thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ ngoại giao Bùi Thanh Sơn; lãnh đạo các bộ, ban, ngành, cơ quan trung ương, các cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài và lãnh đạo UBND tỉnh tại 63 điểm cầu trong toàn quốc.
Dự hội nghị tại điểm cầu Hà Nam có đồng chí Trần Xuân Dưỡng, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành, địa phương.
Năm 2024, công tác đối ngoại được triển khai đồng bộ, hiệu quả, với nhiều hoạt động sôi động, đạt được những kết quả tích cực. Các hoạt động đối ngoại, nhất là đối ngoại cấp cao được triển khai hiệu quả, nâng tầm quan hệ đối ngoại của đất nước. Bám sát đường lối đối ngoại Ðại hội Ðảng toàn quốc lần thứ XIII, năm 2024 hoạt động đối ngoại được triển khai một cách bài bản và rộng khắp với nhiều đối tác và tại nhiều diễn đàn, cơ chế đa phương quan trọng. Lãnh đạo chủ chốt Việt Nam đã tiến hành tổng cộng 60 hoạt động đối ngoại, trong đó, có 21 chuyến thăm tới các nước và tham dự các hội nghị đa phương lớn; đón 25 đoàn lãnh đạo các nước thăm Việt Nam. Những chuyến thăm, hoạt động đối ngoại này đạt được nhiều kết quả quan trọng có tầm chiến lược và lâu dài, nhất là việc nâng tầm, nâng cấp quan hệ với các đối tác chủ chốt và đưa quan hệ đi vào chiều sâu, hiệu quả. Cục diện đối ngoại được củng cố, mở rộng, tạo nền tảng vững chắc cho bảo vệ và xây dựng Tổ quốc. Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 194 quốc gia, nâng cấp quan hệ lên Ðối tác chiến lược toàn diện với Australia, Pháp và Malaysia, nâng cấp lên Ðối tác chiến lược với Brazil và thiết lập quan hệ Ðối tác toàn diện với Mông Cổ và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), nâng tổng số lên 32 đối tác chiến lược và đối tác toàn diện; ký kết hơn 170 thỏa thuận hợp tác trên nhiều lĩnh vực.
Xác định rõ vai trò trung tâm của nền ngoại giao trong kỷ nguyên mới, năm 2024, ngoại giao kinh tế đã góp phần quan trọng tạo đà bứt phá cho tăng trưởng. Các động lực tăng trưởng truyền thống về thương mại, đầu tư, du lịch, lao động được làm mới, sâu sắc hơn, hiệu quả hơn, nhất là với các thị trường lớn, các đối tác đầu tư chủ chốt truyền thống ở Ðông Bắc Á, châu Mỹ...Đến nay, chúng ta đã khai thác hiệu quả 17 Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với hơn 60 đối tác, tháo gỡ các rào cản thị trường; góp phần phục hồi xuất khẩu, đưa kim ngạch thương mại dự kiến đạt con số kỷ lục gần 800 tỷ USD; đón bắt làn sóng chuyển dịch đầu tư, đưa Việt Nam tiếp tục là một trong những nước tiếp nhận FDI lớn trên thế giới; khai thác hiệu quả lợi ích của các cam kết, thỏa thuận quốc tế; thúc đẩy các thành viên Liên minh châu Âu (EU) phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam-EU (EVIPA); tìm kiếm, mở ra thị trường mới như sản phẩm Halal cho xuất khẩu của Việt Nam. Ngoại giao kinh tế cũng thúc đẩy các động lực mới, nhất là ngoại giao công nghệ, đổi mới sáng tạo, hợp tác bán dẫn… với các đối tác chủ chốt, các tập đoàn lớn, qua đó kết nối, tranh thủ các đối tác trong chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI)…
Cùng với ngoại giao kinh tế, công tác thông tin đối ngoại, ngoại giao văn hóa, công tác người Việt Nam ở nước ngoài, bảo hộ công dân cũng đã đạt được những thành tựu quan trọng; góp phần vận động thành công UNESCO ghi danh thêm 6 danh hiệu/di sản, nâng tổng số danh hiệu UNESCO lên 71. Công tác người Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục được đẩy mạnh, thực hiện tốt chính sách chăm lo của Ðảng và Nhà nước với gần 6 triệu đồng bào, huy động nguồn lực cho phát triển với hàng nghìn dự án đầu tư và hàng chục tỷ USD kiều hối. Thông tin đối ngoại quảng bá mạnh mẽ hình ảnh đất nước, con người, văn hóa, thành tựu đổi mới của đất nước ra thế giới...
Việc sắp xếp tổ chức, bộ máy các cơ quan làm công tác đối ngoại theo tinh thần Nghị quyết 18 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã được triển khai quyết liệt, cùng với xây dựng, chỉnh đốn Ðảng về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống; đáp ứng yêu cầu công tác ngoại giao trong tình hình mới.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã biểu dương những kết quả đạt được của ngành ngoại giao trong năm 2024, góp phần giữ vững môi trường hòa bình, hợp tác và phát triển; đồng thời cũng chỉ ra một số nhiệm vụ trọng tâm mà ngành ngoại giao cần thực hiện trong năm 2025. Được xác định là năm quan trọng, có ý nghĩa đặc biệt đối với dân tộc ta, là năm kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, 80 năm thành lập nước và 50 năm thống nhất đất nước, năm nước rút thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, năm bản lề bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, vì vậy, hoạt động đối ngoại, nhất là đối ngoại cấp cao cần tiếp tục được triển khai hiệu quả. Trong đó, ngoại giao kinh tế đóng vai trò trung tâm, nhằm giữ đà, đẩy mạnh hơn quan hệ với các đối tác chủ chốt, đối tác quan trọng và mở rộng quan hệ với các đối tác tiềm năng; khai thác hiệu quả hơn nữa những thỏa thuận, cam kết đã ký kết với các nước; tạo đột phá trong quan hệ kinh tế - thương mại, đầu tư, lao động... thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới. Ngoại giao công nghệ, ngoại giao bán dẫn, ngoại giao kinh tế số là trọng tâm, đột phá của ngoại giao kinh tế thời đại mới. Đặc biệt, trong bối cảnh tình hình thế giới vẫn có những diễn biến phức tạp, khó lường, cơ hội nhiều, thách thức lớn, để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, đòi hỏi chúng ta cần phải xây dựng một nền đối ngoại, ngoại giao ngày càng toàn diện, hiện đại, chuyên nghiệp.
Theo đó, ngành ngoại giao cần tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy làm công tác đối ngoại tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả song hành với các cơ chế, chính sách thuận lợi và các nguồn lực đủ mạnh cho công tác đối ngoại; xây dựng đội ngũ cán bộ đối ngoại, ngoại giao không chỉ có trình độ, năng lực, bản lĩnh chính trị mà còn phải dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới sáng tạo, dám tiên phong, đột phá, có kỹ năng và trình độ ngang tầm quốc tế; kiên trì đường đối ngoại giao độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa. Nắm chắc tình hình trong nước, ngoài nước để có những phản ứng linh hoạt, chủ động tham mưu các chính sách đối ngoại tránh bị động, bất ngờ. Tiếp tục rà soát mục tiêu của năm 2025 và của nhiệm kỳ; thực hiện hiệu quả Nghị quyết 18 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, sắp xếp tinh gọn bộ máy ngành ngoại giao, nâng cao hiệu lực, hiệu quả; tiếp tục giữ vững cục diện ngoại giao thuận lợi, cởi mở, vừa giữ được độc lập chủ quyền dân tộc, vừa hội nhập hợp tác và phát triển; góp phần thúc đẩy lực lượng sản xuất mới...
Sự kết hợp hiệu quả, linh hoạt giữa các đường lối, chủ trương ngoại giao kinh tế, ngoại giao văn hóa và công tác người Việt Nam ở nước ngoài... sẽ phát huy "sức mạnh mềm" của dân tộc, lan tỏa mạnh mẽ hình ảnh Việt Nam độc lập, tự chủ, hoà hiếu, hợp tác, hữu nghị và phát triển, tự tin, vững vàng bước vào kỷ nguyên mới.
Minh Thu