kita group giới thiệukita group dự ánkita group liên hệkita group STELLA MEGA CITYkita group STELLA RESIDENCE
Xứng đáng với sự quan tâm và niềm tin yêu của Bác Hồ

Xứng đáng với sự quan tâm và niềm tin yêu của Bác Hồ

Sinh thời, dù phải gánh vác những công việc hệ trọng liên quan đến vận mệnh quốc gia, dân tộc, nhưng Bác Hồ kính yêu luôn dành sự quan tâm sâu sắc, thiết thực, cụ thể đến mọi lứa tuổi, tầng lớp nhân dân, dõi theo, động viên, khuyến khích kịp thời đối với phong trào thi đua yêu nước ở các địa phương, vùng miền. Trong quá trình xây dựng và phát triển, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Hà Nam cũng luôn nhận được sự quan tâm đầy trách nhiệm và sâu nặng ân tình đó.

Ngay từ những năm 1930, khi phong trào đấu tranh của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh dâng cao, mà điển hình là cuộc tuần hành biểu dương lực lượng của nông dân Bồ Đề (Bình Lục), Bác Hồ (với tên gọi Nguyễn Ái Quốc đang hoạt động ở nước ngoài) đã kịp thời đề cập, ca ngợi sự kiện này trong thư gửi Quốc tế Nông dân. Tiếp đó, ngày 20/4/1931, trong thư gửi Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc cũng đã có những nhận định, đánh giá cao vai trò, sức mạnh của lực lượng cách mạng và tổ chức quần chúng ở Đảng bộ Hà Nam, Thái Bình, Nam Định.

Năm 1945, ngay sau khi giành được chính quyền, mặc dù công việc của vị Chủ tịch nước một quốc gia vừa tuyên bố độc lập còn bộn bề khó khăn, thử thách, nhưng Bác Hồ vẫn dành thời gian viết thư thăm hỏi, động viên Đảng bộ, nhân dân Hà Nam trong việc khắc phục hậu quả trận vỡ đê bắc sông Châu. Sự quan tâm của Bác làm xúc động bao cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân trong tỉnh, khích lệ mọi người thêm quyết tâm chiến thắng thiên tai, vượt qua khó khăn, thử thách. Quan tâm đến việc xây dựng, củng cố, phát triển chính quyền cách mạng ở các địa phương, đầu năm 1946, theo đề nghị của Ban Cán sự Đảng tỉnh Hà Nam, Bác Hồ đã viết thư mời cụ Đặng Quốc Kiều - một nhân sĩ yêu nước nổi tiếng, có uy tín đứng ra đảm nhận trọng trách Chủ tịch Ủy ban Hành chính tỉnh Hà Nam. Đầu năm 1946, Bác cũng đã dành thời gian đi thăm một số tỉnh, trong đó có Hà Nam. Ngày 11/1/1946, Bác về thăm, động viên Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Hà Nam.

Tiếp đó, những năm đầu cuộc kháng chiến chống Pháp, hưởng ứng chủ trương “Kháng chiến toàn dân, toàn diện” của Trung ương Đảng và Bác Hồ, Đảng bộ, nhân dân Hà Nam hăng hái quyên góp tiền của, lương thực ủng hộ kháng chiến. Trong số các tập thể điển hình tiêu biểu về thành tích ủng hộ kháng chiến phải kể đến dòng họ Lại (xã Phù Vân, huyện Kim Bảng, nay thuộc thành phố Phủ Lý) đã tiết kiệm, quyên góp ủng hộ kháng chiến: 50kg gạo, 105kg đồng, chì, thép, thiếc.

Năm 1949, các gia đình họ Lại Phù Vân còn động viên con em hăng hái tòng quân tham gia kháng chiến. Trước ngày khám tuyển, đại diện các gia đình tổ chức ôn lại truyền thống vẻ vang của dòng họ, động viên hơn 60 người trong họ tổ chức thành đoàn, rước quốc kỳ, biểu ngữ, vừa hô vang khẩu hiệu cổ động, vừa đi lên đình Phương Khê (Ngọc Sơn, Kim Bảng) khám tuyển. Kết quả: 17 thanh niên con em trong họ trúng tuyển lên đường ra trận. Với thành tích đáng tự hào đó, họ Lại Phù Vân được Ủy ban Hành chính Kháng chiến huyện Kim Bảng tặng Giấy khen. Đặc biệt, mùa Xuân Canh Dần 1950, họ Lại Phù Vân vô cùng vinh dự nhận được thư khen của Bác Hồ.

Nội dung bức thư khen Bác gửi đã được Ban Khánh tiết họ Lại trân trọng khắc bia, lưu giữ tại từ đường: “Trong lúc nước nhà kháng chiến gay go, Họ đã lắng nghe tiếng gọi của Chính phủ hăng hái tòng quân, bảo vệ đất nước và góp phần chung sức kháng chiến mọi mặt với Chính phủ là biểu hiện tinh thần yêu nước rất cao. Tôi mong rằng: Các họ trong cả nước Việt Nam, họ nào cũng như họ Lại Phù Vân thì ta không cần phải đánh giặc cũng phải lui. Vậy tôi thay mặt Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa khen ngợi và cảm ơn họ. Mong họ tin tưởng Chính phủ và đoàn kết xung quanh Chính phủ để cùng kháng chiến kiến quốc”.

Trong suốt thời kỳ kháng chiến chống Pháp, những tấm gương chiến đấu dũng cảm khắp mọi miền đất nước, trong đó có Hà Nam cũng luôn được Bác Hồ biểu dương, khen ngợi kịp thời. Tháng 7/1954 Bác Hồ viết bài báo “Không biết” (đăng trên Báo Cứu quốc số 8631, ngày 8/7/1954) bày tỏ sự cảm phục và ca ngợi các cụ già và thanh, thiếu niên Đức Bản đã hy sinh anh dũng trong trận càn Ăm-phi-bi. Bác cũng đề nghị Chính phủ truy tặng Huân chương Kháng chiến và suy tôn liệt sỹ đối với 32 cụ già, thanh thiếu niên Đức Bản.

Xứng đáng với sự quan tâm và niềm tin yêu của Bác Hồ
Bác Hồ thăm bà con nông dân đang đắp đập Cát Tường ngày 14/01/1958. Ảnh tư liệu

 Hoà bình lập lại, trong phong trào thi đua tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế, ngày 22/4/1955, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Hà Nam vinh dự được nhận Cờ thi đua luân chuyển của Bác, ghi nhận, biểu dương thành tích dẫn đầu các địa phương trong công tác làm thuỷ lợi, đắp đê, phòng chống lụt bão. Tháng 6/1957, Bác viết thư động viên, thăm hỏi thương, bệnh binh Trại an dưỡng Hà Nam (nay là Trung tâm điều dưỡng thương binh Duy Tiên). Ngày 14/1/1958, lần thứ hai Bác về thăm Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Hà Nam, dự hội nghị sơ kết công tác phòng, chống hạn và trực tiếp xuống động viên, cổ vũ cán bộ, nhân dân đang tham gia làm thủy lợi chống hạn tại công trường đắp đập Cát Tường, An Hòa (sau là An Mỹ, nay thuộc thị trấn Bình Mỹ, Bình Lục). Để kịp thời biểu dương phong trào, Bác đã trực tiếp trao Cờ thi đua "Đơn vị chống hạn khá nhất" cho huyện Bình Lục, tặng Huy hiệu của Người cho những cá nhân xuất sắc trong phong trào chống hạn của huyện Bình Lục và tỉnh Hà Nam.

Luôn quan tâm, dõi theo phong trào thi đua yêu nước của các địa phương và tỉnh Hà Nam, ngày 7/7/1961, Bác Hồ trực tiếp viết bài đăng trên Báo Nhân Dân biểu dương điển hình ngành giáo dục - Trường Cấp II Bắc Lý (Lý Nhân, Hà Nam) và đề nghị phát động trong cả nước phong trào thi đua "Hai tốt" (Dạy thật tốt, học thật tốt) theo gương Bắc Lý. Ngày 18/10/1961, thực hiện lời dạy của Bác, Bộ Giáo dục và Công đoàn Giáo dục Việt Nam tổ chức hội nghị phát động phong trào thi đua "Hai tốt" (tại Phủ Lý, Hà Nam), tuyên dương thành tích điển hình Trường Bắc Lý; công nhận Trường Bắc Lý là lá cờ đầu toàn ngành và phát động phong trào thi đua "Hai tốt" với khẩu hiệu: "Tích cực thi đua dạy thật tốt, học thật tốt, đuổi kịp và vượt Bắc Lý".

Tiếp đó, hội nghị tổng kết hai năm phong trào thi đua "Hai tốt" (tổ chức từ ngày 2 đến ngày 8/8/1963 tại Hà Nội), Bác đã chỉ thị: "Cần phát triển kiểu dạy, kiểu học của Trường Bắc Lý và các trường thanh niên lao động xã hội chủ nghĩa". Dành sự quan tâm, động viên kịp thời đối với phong trào thi đua “Hai tốt”, tại Hội nghị Chính trị đặc biệt (ngày 27/3/1964), Bác Hồ đã gặp gỡ, trò chuyện với đại biểu giáo viên Trường Cấp II Bắc Lý và lãnh đạo Ủy ban Hành chính tỉnh Hà Nam. Nhiều lần phát biểu tại các hội nghị thi đua thời gian sau đó, Bác đã nêu gương điển hình Bắc Lý, động viên, khuyến khích việc nhân rộng điển hình của ngành giáo dục toàn quốc. Hiện tại, những bức ảnh tư liệu quý về lần đại biểu giáo viên được gặp, báo cáo thành tích với Bác được lưu giữ trang trọng tại phòng truyền thống Trường THCS Bắc Lý như một niềm tự hào, động viên thầy trò nhà trường, động viên Đảng bộ, chính quyền, nhân dân trong tỉnh giữ vững truyền thống của quê hương "Hai tốt".

 Năm 1963, tại Hội nghị phát động cuộc vận động "Cải tiến quản lý hợp tác xã, cải tiến kỹ thuật", Bác Hồ đã biểu dương, khen ngợi cán bộ, nhân dân huyện Duy Tiên, Hà Nam có thành tích xuất sắc trong xây dựng, củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động mô hình hợp tác xã nông nghiệp bậc cao. Cũng trong năm 1963, tỉnh Hà Nam lại vinh dự được nhận Cờ thi đua luân lưu của Bác, ghi nhận, biểu dương thành tích phát triển giao thông, vận tải.

Hơn nửa thế kỷ đã qua kể từ ngày Bác đi xa, cùng với cả nước, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Hà Nam không ngừng phấn đấu thực hiện lời di huấn cùng ước nguyện thiêng liêng của Người: Xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, đi lên chủ nghĩa xã hội. Nối tiếp truyền thống "Đơn vị chống hạn khá nhất", đồng đất vùng chiêm trũng Hà Nam hôm nay, hệ thống mương máng kiên cố hóa đang từng ngày hoàn thiện, phục vụ những vùng chuyên canh nông sản hàng hóa có giá trị kinh tế cao. Cùng với thủy lợi và sản xuất nông nghiệp, phong trào xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu cũng đạt được nhiều thành tích nổi bật, được đánh giá là một trong những đơn vị dẫn đầu toàn quốc, xứng đáng với phần thưởng Bác trao năm nào.

 Quyết tâm xứng đáng với sự quan tâm và niềm tin yêu của Bác, các địa phương: Phù Vân (Phủ Lý); Đức Bản (Lý Nhân), Bồ Đề, Cát Tường, An Mỹ (Bình Lục), Châu Giang, Yên Bắc (Duy Tiên)... tiếp tục là điểm sáng trong phong trào thi đua yêu nước. Trường Cấp II Bắc Lý Anh hùng trước đây, Trường THCS Bắc Lý hôm nay vẫn vững vàng trên chặng đường phát triển, xứng đáng với niềm tin yêu Bác trao. Năm 2000, lần thứ hai trường vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu "Anh hùng lao động" thời kỳ đổi mới.

Bước vào thời kỳ đẩy nhanh tiến trình hội nhập, phát triển, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Hà Nam đã nỗ lực giành được những thành tựu quan trọng về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Thành phố Phủ Lý Anh hùng đang hướng tới trở thành đô thị loại I. Huyện Duy Tiên đã trở thành thị xã, trung tâm công nghiệp, dịch vụ nơi cửa ngõ phía nam Thủ đô Hà Nội. Vùng bán sơn địa Kim Bảng đã có Khu Du lịch quốc gia Tam Chúc và đang hướng tới mục tiêu trở thành thị xã trước năm 2025. Cùng với đó, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Hà Nam đang nỗ lực phấn đấu trở thành tỉnh phát triển khá của vùng đồng bằng Bắc Bộ, xứng đáng với sự quan tâm và niềm tin yêu, mong đợi của Bác.

Thế Vĩnh (Tổng hợp)

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy