kita group giới thiệukita group dự ánkita group liên hệkita group STELLA MEGA CITYkita group STELLA RESIDENCE
Xuân mới Hà Nam thêm nhớ Bác

Xuân mới Hà Nam thêm nhớ Bác

Xuân 2022 là 76 năm kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh lần đầu tiên về thăm tỉnh Hà Nam. Thực hiện lời Bác dạy, các thế hệ cán bộ, đảng viên và nhân dân Hà Nam đã phấn đấu bền bỉ, lao động sáng tạo, biến một vùng đất vốn “chiêm khê mùa úng”, người dân xưa “sống ngâm da, chết ngâm xương” thành một vùng quê trù phú, đang tiến nhanh, tiến mạnh trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đô thị hóa.

Cả hai lần Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm tỉnh Hà Nam (vào các năm 1946, 1958) đều vào tháng 1 (dương lịch). Chiều ngày 11/1/1946, lần đầu tiên Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm tỉnh Hà Nam. Lãnh đạo tỉnh cùng đông đảo nhân dân tập hợp trước phòng thông tin để chào đón Bác. Bác ân cần thăm hỏi và căn dặn cán bộ cùng toàn thể nhân dân đoàn kết, ra sức khắc phục khó khăn trước mắt, thúc đẩy các phong trào cách mạng để kiến thiết quê hương, đất nước. Đồng bào hô vang “Hồ Chủ tịch muôn năm!”. Bác cũng vui vẻ đáp lại: “Đồng bào Hà Nam muôn năm!”. Đó là một sự kiện có ý nghĩa lịch sử đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nam. Tuy nhiên, Hà Nam đã gây ấn tượng với Người từ rất sớm. Trong thư gửi Quốc tế Nông dân ngày 5/11/1930, Nguyễn Ái Quốc đã đề cập đến phong trào đấu tranh của nông dân Hà Nam chống chế độ thực dân phong kiến. Tiếp đến trong thư gửi Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương ngày 20/4/1931, Nguyễn Ái Quốc nhận định rằng muốn hiểu rõ sức mạnh và chỗ yếu của Đảng ở Trung và Bắc thì nên xem bảng thống kê tại một số địa phương, theo đó tại Phủ Lý: đảng viên có 82, Thanh niên có 13, Nông hội có 355…

Sau này, trên cương vị Chủ tịch nước, với tác phong sâu sát cơ sở, luôn cụ thể, tỉ mỉ, đề cập điều gì cũng “nói có sách, mách có chứng” đầy thuyết phục, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn về thăm Hà Nam một lần nữa và Người nhắc đến Hà Nam rất nhiều lần, khen có, chê có, rất thấm thía. Trong bài viết “Thuốc đắng dã tật, sự thật mất lòng” (bút danh T.L) in trên Báo Sự thật số 109, ra ngày 15/4/1949, Bác phê bình thẳng thắn thói chè chén hoang phí: “Một đoàn thể nọ ở Thanh Liêm khai hội xong thì quay ra chén anh chén chú… Ở Kim Bảng, một cuộc hội nghị kiểm thảo thi đua đã ăn uống hết 5.000 đồng và trang hoàng hết 1.000 đồng”. Bác đặt câu hỏi: “Những món tiền tiêu xài hoang phí ấy lấy ở đâu ra? Trong lúc chiến sĩ ta đang ăn gió nằm sương, đồng bào tản cư đang chịu mọi nỗi thiếu thốn… các vị cán bộ kia ăn tiêu như thế không thẹn với lương tâm hay sao?”. 

Xuân mới Hà Nam thêm nhớ Bác
Ngày 14/1/1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm nhân dân đang lao động đắp công trình thủy lợi Cát Tường, xã Yên Mỹ, huyện Bình Lục (nay là thị trấn Bình Mỹ, Bình Lục, Hà Nam).  Ảnh tư liệu

Việc gì tốt, dù nhỏ nhất, Bác cũng biểu dương và động viên kịp thời. Xuân Canh Dần (1950), biết họ Lại xã Phù Vân (huyện Kim Bảng) đã làm tốt việc động viên con em hăng hái tòng quân giết giặc, Bác gửi thư khen: “Trong lúc nước nhà kháng chiến gay go, họ đã nghe tiếng gọi của Chính phủ hăng hái tòng quân bảo vệ đất nước và góp phần chung sức kháng chiến mọi mặt với Chính phủ là biểu hiện tinh thần yêu nước rất cao… Họ nào cũng như họ Lại Phù Vân thì ta không phải đánh giặc cũng phải lui” . Lãnh đạo sự nghiệp kháng chiến kiến quốc vô cùng cam go, trước cảnh đồng bào mình bị đói khổ do hành động tàn ác, thâm độc của giặc, lòng Người nhói đau, căm giận không nguôi quân cướp nước. Bác viết trên Báo Nhân Dân số 132, tháng 8/1953 (bút danh C.B): “Giặc Pháp là đồng minh của giặt lụt. Chúng ném bom phá đê ở Thanh Hóa, Hà Nam, Bắc Ninh… Chúng muốn làm cho đồng bào ta bị lụt, bị đói”. Hòa bình lập lại, cuộc sống của nhân dân được Đảng, Nhà nước chăm lo tốt hơn, tuổi thọ bình quân cũng được nâng lên rõ rệt. Bác rất trân trọng những người cao tuổi. Trên Báo Nhân Dân số 694, ra ngày 26/1/1956 với bút danh C.B, Bác điểm tên các cụ già cao tuổi nhất của nước ta lúc đó, trong đó có cụ Huân, 103 tuổi ở xã Chân Lý, huyện Lý Nhân. Bác chúc các cụ sống lâu và luôn mạnh khỏe. Tháng 6/1957, anh chị em thương bệnh binh ở Trại an dưỡng Hà Nam gửi biếu Bác một nải chuối. Bác đã gửi thư cảm ơn và bằng lời lẽ ân tình, tin tưởng, căn dặn những con người “tàn nhưng không phế”: “Các chú là những chiến sĩ đã được Quân đội nhân dân ta rèn luyện về đạo đức và kỷ luật cách mạng, là những người con đã hy sinh một phần xương máu để bảo vệ nước nhà. Vậy các chú cần phải giữ vững truyền thống tốt đẹp và vẻ vang của quân đội cách mạng là: giữ gìn kỷ luật, đoàn kết chặt chẽ, thật sự đoàn kết, thương yêu… Mong các chú làm đúng những lời Bác dặn trên đây và hứa với Bác: Trại Thương binh Hà Nam sẽ là một trại gương mẫu” .
Sáng ngày 14/1/1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng phái đoàn Chính phủ về thăm Hà Nam. Đây là lần thứ hai Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hà Nam vinh dự được đón Bác Hồ. Tại hội trường Tỉnh ủy, mọi người hô vang “Hồ Chủ tịch muôn năm”. Bác thay mặt Trung ương Đảng, Chính phủ thăm hỏi và khen ngợi nhân dân Hà Nam có nhiều cố gắng trong công tác chống hạn và làm thủy lợi, trong đó cán bộ và nhân dân huyện Bình Lục có sự cố gắng hơn. Bác thưởng cho huyện Bình Lục một lá cờ có dòng chữ thêu bằng kim tuyến “Chống hạn khá nhất - 1958 - Hồ Chí Minh”.

Bác chỉ thị cho cán bộ và nhân dân Hà Nam đã tích cực rồi cần tích cực hơn nữa trong việc chống hạn, làm thủy lợi để cấy hết diện tích, không ỷ lại vào cấp trên, không để nhân dân mê tín, tốn công của, mất thì giờ… Bác trao cho các đơn vị khơi kênh Ben, đắp đập Cát Tường và nạo vét mương Mạc Thượng mỗi nơi ba huy hiệu để làm phần thưởng cho những cá nhân xuất sắc trong công tác chống hạn. Sau đấy, Bác về thăm công trường đắp đập Cát Tường (huyện Bình Lục). Nhân dân, đặc biệt là dân công trực tiếp đắp đập ai cũng vô cùng vui mừng, phấn khởi, tự hào được Chủ tịch nước đến tận nơi, thăm hỏi, động viên. Bác đi trên đập qua sông, đến thăm từng nơi làm việc của các nhóm. Bác khen ngợi tinh thần cố gắng của nhân dân Bình Lục nói riêng, nhân dân Hà Nam nói chung. Lãnh đạo huyện Bình Lục hứa với Bác công trường sẽ hoàn thành trước thời hạn để sớm có nước cho bà con sản xuất . 

Ngày 28/11/1959, lấy bút danh Trần Lực, Chủ tịch Hồ Chí Minh đăng bài “Tết trồng cây” trên Báo Nhân Dân. Sáng ngày 1/1/1960, Bác cùng đồng bào Thủ đô tham gia Tết trồng cây tại Công viên hồ Bảy Mẫu (nay là công viên Thống Nhất). Lấy bút danh T.L, Bác viết bài “Tết trồng cây đã thắng lợi bước đầu” (Báo Nhân Dân, số 2133, ra ngày 19/1/1960) biểu dương một số địa phương đã sôi nổi hưởng ứng Tết trồng cây, trong đó tỉnh Hà Nam đã trồng được 91 vạn cây. Cũng năm 1960, trên Báo Nhân Dân (số 2262, ra ngày 29/5/1960) trong bài viết “Các bước tiến của hợp tác xã thủ công nghiệp”, Bác biểu dương tỉnh Hà Nam là một trong những địa phương có phong trào đang lên nhanh ở miền Bắc.

Xuân mới Hà Nam thêm nhớ Bác
Đoàn đại biểu cháu ngoan Bác Hồ báo công Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu lưu niệm Cát Tường, thị trấn Bình Mỹ (Bình Lục) năm 2020. Ảnh: Trần Ích

Nói đến giáo dục Hà Nam, không thể không nói đến Trường cấp II Bắc Lý (nay là Trường THCS Bắc Lý, huyện Lý Nhân) nhiều năm là lá cờ đầu của toàn ngành giáo dục. Tháng 7/1961, trong một bài viết trên Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh biểu dương “Thành tích vẻ vang” của ngành giáo dục, gợi ý phát động phong trào thi đua “Hai tốt” (Học thật tốt, Dạy thật tốt). Thực hiện lời dạy của Bác, ngày 18/10/1961, tại Hà Nam, Bộ Giáo dục và Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã tổ chức Hội nghị phát động phong trào thi đua “Hai tốt” với khẩu hiệu “Tích cực thi đua dạy thật tốt, học thật tốt, đuổi kịp và vượt Bắc Lý”. Những ngày đầu tháng 8/1963, đến dự Hội nghị tổng kết hai năm phong trào thi đua “Hai tốt”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị “Cần phát triển kiểu dạy, kiểu học của Trường Bắc Lý và các trường thanh niên lao động xã hội chủ nghĩa”. Ngày 27/3/1964, trong Báo cáo chính trị tại Hội nghị chính trị đặc biệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên dương các đơn vị điển hình tiên tiến, trong số các điển hình đó có Trường cấp II Bắc Lý. Cũng ngày hôm đó, Bác đã dành thời gian để tiếp đồng chí Phan Hưng, Chủ tịch Ủy ban hành chính tỉnh Hà Nam và đại diện Trường cấp II Bắc Lý trong Đoàn đại biểu tỉnh Hà Nam tham dự Hội nghị chính trị đặc biệt. Theo Hồi ký của đồng chí Nguyễn Lê Hòa, thành viên Đoàn Hà Nam, Bác khen các cháu ở nông thôn tuy tuổi nhỏ nhưng đã biết làm được nhiều việc có ích. Bác căn dặn các cháu phải làm thế nào để Hà Nam ta và các nơi khác có nhiều trường tốt như Trường cấp II Bắc Lý.

Ngày 7/3/1963, tại Hội nghị cán bộ phát động cuộc vận động “Cải tiến quản lý hợp tác xã, cải tiến kỹ thuật nhằm phát triển sản xuất nông nghiệp toàn diện, mạnh mẽ và vững chắc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập một kinh nghiệm quý về sự sâu sát, hiệu quả trong lãnh đạo của Huyện ủy Duy Tiên: “Vừa rồi ở huyện Duy Tiên (Hà Nam) có 10 xã chống hạn kém. Họ kêu thiếu nước, thiếu trâu, thiếu người làm… Tất cả các đồng chí trong Ban Thường vụ Huyện ủy đã chia nhau về các xã đó. Đến xã nào, họ mời bí thư chi bộ và chủ tịch xã ấy họp ngay tại ruộng bị hạn để bàn cách giải quyết. Nhờ cách chỉ đạo thiết thực đó, chỉ trong ba ngày, 10 xã ấy đã có đủ nước cấy xong 2.200 mẫu bị hạn. Nhân dân đã nhiệt liệt hoan nghênh các đồng chí Huyện ủy” . 

Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu của chúng ta là như thế, sâu sát, cụ thể, thấu lý, đạt tình, khen hay chê trúng và đúng, luôn khích lệ mọi người cố gắng vươn lên, thuyết phục, cảm hóa bằng tất cả sự giản dị mà vĩ đại của một vị lãnh tụ, một người Cha, một người đồng chí vô cùng thân thiết. Dẫu về thăm hay không có dịp về thăm nhưng Hà Nam với rất nhiều sự kiện vẫn luôn trong tâm trí của Người.

Xuân 2022 là 76 năm kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh lần đầu tiên về thăm tỉnh Hà Nam. Thực hiện lời Bác dạy, các thế hệ cán bộ, đảng viên và nhân dân Hà Nam đã phấn đấu bền bỉ, lao động sáng tạo, biến một vùng đất vốn “chiêm khê mùa úng”, người dân xưa “sống ngâm da, chết ngâm xương” thành một vùng quê trù phú, đang tiến nhanh, tiến mạnh trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đô thị hóa. Tỉ trọng công nghiệp, xây dựng, dịch vụ trong cơ cấu kinh tế đã đạt trên 90%, nông nghiệp chỉ còn dưới 10%; thu nhập bình quân đầu người trên năm đạt 77 triệu đồng. Phủ Lý đã trở thành một thành phố hiện đại, văn minh; huyện Duy Tiên xưa giờ đã thành thị xã. Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, Hà Nam chắc chắn sẽ có bước phát triển vượt bậc, toàn diện trong thời gian tới như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn, tin tưởng trong những lần Bác về thăm Hà Nam./.

____________________________
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2011, t.6, tr.53.
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.6, tr.320.
(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.10, tr.632.
(4)Theo sách “Bác Hồ với Nam Hà”, Tỉnh ủy Nam Hà xuất bản năm 1992.
(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tr. 14, tr.43

TS. Nguyễn Văn Thắng

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy