Nhân kỷ niệm 133 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 -19/5/2023), sáng 23/5, Trường Chính trị tỉnh Hà Nam tổ chức hội thảo khoa học cấp tỉnh với chủ đề “70 năm - Giá trị tác phẩm “Thường thức chính trị” của Chủ tịch Hồ Chí Minh”.
Dự hội thảo có đại diện Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo tỉnh ủy, các Trường Chính trị trong Cụm thi đua số 4, đồng bằng sông Hồng; đại diện một số sở, ngành; Ban tuyên giáo các huyện, thị, thành ủy và Trung tâm Chính trị các huyện, thị xã, thành phố; Ban giám hiệu, lãnh đạo các khoa, phòng và giảng viên Trường Chính trị tỉnh.
Tác phẩm “Thường thức chính trị” gồm 50 bài viết, ký bút danh Đ.X. do Chủ tịch Hồ Chí Minh viết được đăng trên nhiều số báo Cứu quốc năm 1953. Thông qua các bài viết này, Hồ Chí Minh kêu gọi đồng bào, chiến sỹ cả nước quyết tâm cao nhất để chiến thắng thực dân Pháp xâm lược giai đoạn 1953- 1954. “Thường thức chính trị” đã trình bày cụ thể, rõ ràng và bao quát nhiều quan điểm về chính trị: vấn đề giai cấp, nhà nước, các quan điểm về chế độ xã hội, chính sách kinh tế của Đảng, của Chính phủ; Tính chất, cách mạng, các tổ chức, nguyên tắc, vai trò, nhiệm vụ của Đảng Lao động Việt Nam; Tiêu chuẩn, nghĩa vụ, quyền lợi của người đảng viên... và một số vấn đề khác như: thời đại ngày nay, tinh thần quốc tế, tinh thần yêu nước, tình hình thế giới – trong nước...
Tác phẩm “Thường thức chính trị” ra đời đến nay tròn 70 năm. Xét về thời gian, tác phẩm có nhiều tuổi, tuy nhiên các bài viết trong tác phẩm đều có giá trị to lớn trong tiến trình cách mạng nước ta lúc bấy giờ; đồng thời còn nguyên ý nghĩa, giá trị cho đến ngày nay ở nhiều chủ đề. Cụ thể như: Cơ cấu, tổ chức, hệ thống, nguyên tắc của Đảng; chế độ dân chủ, dân chủ mới; Nhiệm vụ của Nhà nước dân chủ mới; giai cấp lãnh đạo cách mạng; Chính sách kinh tế của Đảng và Chính phủ...
Tác phẩm “Thường thức chính trị” được Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu và luận giải 50 vấn đề cốt yếu, cần thiết trong giai đoạn cách mạng nước ta đang chuẩn bị cho những trận đánh lớn. Tác phẩm đã giải đáp thỏa đáng những yêu cầu của lịch sử lúc bấy giờ để cán bộ, đảng viên và nhân dân nắm chắc, hiểu rõ hơn để mỗi người dân Việt Nam phấn khởi, tin tưởng, hăng say, quyết tâm giành độc lập rồi xây dựng một chế độ mới là CNXH, rồi đến CNCS.
Tại hội thảo, các đại biểu tham dự đã tập trung tham luận làm sáng tỏ nhiều giá trị của tác phẩm, qua đó thấy được quá trình Đảng ta vận dụng tư tưởng của Hồ Chủ tịch vào xây dựng CNXH ở nước ta. Thông qua hội thảo, mỗi cán bộ, đảng viên nói chung, tập thể cán bộ, đảng viên Trường Chính trị tỉnh Hà Nam nói riêng thêm tin tưởng vào đường lối đổi mới do Đảng ta khởi xướng, lãnh đạo; tiếp tục đóng góp vào công cuộc đổi mới, xây dựng đất nước, xây dựng quê hương Hà Nam giàu đẹp, văn minh.
Thu Thảo