Sáng 18/3, Văn phòng Chính phủ tổ chức Hội nghị tập huấn trực tuyến toàn quốc triển khai một số nhiệm vụ và tích hợp 25 dịch vụ công thiết yếu tại Quyết định số 06/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030) lên Cổng Dịch vụ công quốc gia.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Tổ phó Tổ công tác thực hiện Đề án của Chính phủ cho biết, sau Hội nghị triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06) ngày 18/01/2022 và tại Phiên họp ngày 02/3/2022, Thủ tướng Chính phủ đã quán triệt, đây là Đề án liên quan trực tiếp đến những đột phá chiến lược, lợi ích của quốc gia, của người dân và của doanh nghiệp. Việc triển khai Đề án phù hợp với Chương trình Chuyển đổi số quốc gia, với quy mô lớn, tiến hành trên phạm vi rộng, có sự phối hợp của nhiều bộ, ngành, địa phương, có tính lan tỏa cao, lợi ích thiết thực, hiệu quả lâu dài; phải lấy người dân là trung tâm, chủ thể, là nguồn lực chủ yếu và mục tiêu của sự phát triển, những nỗ lực, đổi mới, quyết tâm của các bộ, ngành, địa phương trong việc triển khai Đề án.
Đề án 06 gồm 5 nhóm tiện ích, với 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, trong đó tiện ích phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến là một nội dung cốt lõi, tạo cơ sở, thúc đẩy hoàn thành các nhiệm vụ khác của Đề án. Tiện ích, nhiệm vụ này gắn chặt với công tác số hóa hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính theo quy định tại Nghị định số 107/2021/NĐ-CP của Chính phủ (sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 61/2018/NĐ-CP về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính) và việc triển khai Đề án đổi mới trong thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông theo Quyết định số 468/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, hướng tới người dân chỉ phải cung cấp thông tin, giấy tờ một lần. Đây là yêu cầu quan trọng, thiết thực, nhằm giúp người dân được thụ hưởng ngay những kết quả đạt được của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Thực hiện nhiệm vụ được giao, thời gian qua, 62 bộ, ngành, địa phương đã thành lập Tổ công tác; 67 bộ, ngành, địa phương ban hành Kế hoạch tổ chức triển khai Đề án. Nhiều bộ, ngành, địa phương cũng chủ động tái cấu trúc quy trình, tích hợp, cung cấp các dịch vụ công thiết yếu lên Cổng Dịch vụ công quốc gia như: Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Bộ Y tế, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam...
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, đây mới là bước đầu, các nhiệm vụ của Đề án thời gian tới là rất lớn, nhất là những nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách phải hoàn thành trong 6 tháng đầu năm 2022 để tạo bước khởi đầu vững chắc, hoàn thành các mục tiêu năm đầu của Đề án, đặc biệt chú trọng việc ứng dụng, kết nối, chia sẻ dữ liệu dân cư để tạo chuyển biến thực chất trong số hóa, giảm phiền hà cho người dân khi thực hiện thủ tục hành chính tại các cấp chính quyền; thúc đẩy triển khai 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện theo quy định của pháp luật được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, trong đó trước hết ưu tiên triển khai 25 dịch vụ công thiết yếu tại Đề án 06.
Để thực hiện nhiệm vụ được giao theo đúng lộ trình của Đề án, Bộ trưởng Trần Văn Sơn cho rằng, cán bộ, công chức phải nhiệt huyết, công tâm, tinh thông nghiệp vụ và đổi mới sáng tạo, là chủ thể, trung tâm của công cuộc chuyển đổi số nói chung, triển khai Đề án nói riêng. Bộ trưởng đề nghị các thành viên Tổ Công tác triển khai Đề án của bộ, ngành, địa phương quan tâm, chỉ đạo việc triển khai các nhiệm vụ của Đề án, trong đó phải triển khai đầy đủ các nội dung, phân công trách nhiệm cụ thể; coi đây là nhiệm vụ ưu tiên của cơ quan mình, không phải nhiệm vụ của riêng hệ thống cơ quan Công an hay Văn phòng UBND cấp tỉnh. Kịp thời rà soát, điều chỉnh Kế hoạch thực hiện, không để sót việc theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Các bộ, ngành, địa phương khẩn trương hoàn thành dứt điểm, có hiệu quả các dịch vụ công trực tuyến, đặc biệt là 25 dịch vụ công thiết yếu để phục vụ người dân, doanh nghiệp đã được xác định trong Đề án. Các địa phương cần phối hợp chặt chẽ với các bộ được giao chủ trì và Văn phòng Chính phủ để tổ chức triển khai, cung cấp cho người dân; đồng thời theo dõi, giám sát để đảm bảo việc thực hiện thực chất, có hiệu quả thực sự, tạo tiền đề để triển khai nhân rộng các dịch vụ công khác.
“Thực hiện việc kết nối, chia sẻ dữ liệu dân cư giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh, phục vụ xác thực, định danh và giải quyết thủ tục hành chính theo hướng thông tin, giấy tờ của công dân chỉ cung cấp một lần. Việc này cần hoàn thành chậm nhất trong tháng 4/2022, làm cơ sở nhân rộng việc thực hiện kết nối, chia sẻ dữ liệu với các cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin khác phục vụ số hóa trong giải quyết thủ tục hành chính”, Bộ trưởng nhấn mạnh; đồng thời khẳng định Bộ Công an và Văn phòng Chính phủ sẽ phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ để triển khai đúng tiến độ, chất lượng.
Bộ trưởng Trần Văn Sơn cũng lưu ý các bộ, ngành, địa phương chuẩn bị các điều kiện để triển khai việc số hóa hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính tại Bộ phận một cửa các cấp theo yêu cầu tại Nghị định số 107/NĐ-CP và Quyết định số 468/QĐ-TTg.
Thông tin về nhiệm vụ các địa phương cần tập trung triển khai, ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ) cho biết, có 13 nhóm nhiệm vụ chung địa phương phải chủ trì thực hiện, 40 nhiệm vụ phối hợp với các cơ quan trung ương và tổ chức thực hiện 25 dịch vụ công thiết yếu đối với người dân, tổ chức trên địa bàn. Cục trưởng này chỉ ra rằng, hiện một số địa phương chưa thành lập Tổ công tác và chưa ban hành kế hoạch triển khai thực hiện. Ông đề nghị các địa phương khẩn trương triển khai nhiệm vụ này và nghiên cứu, rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật để sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ thực hiện các thủ tục hành chính trên môi trường điện tử và phát triển kinh tế - xã hội.
Các địa phương thực hiện số hóa và tái sử dụng kết quả số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính có liên quan đến thông tin, giấy tờ cá nhân trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính để làm giàu, cập nhật, bổ sung, kết nối, chia sẻ và sử dụng có hiệu quả Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, phục vụ giải quyết thủ tục hành chính. Rà soát nâng cấp, hoàn thiện cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin; tích hợp, cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia trong năm 2022.
Đồng thời, đổi mới cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính và số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính; rà soát, tái cấu trúc quy trình cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính và tổ chức thực hiện tích hợp, kết nối và chia sẻ dữ liệu dân cư giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với Cổng Dịch vụ công quốc gia, hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh phục vụ xác thực, chia sẻ thông tin công dân khi thực hiện thủ tục hành chính theo nguyên tắc không yêu cầu khai báo lại các thông tin đã có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Tại Hội nghị, các đại biểu tham dự đã được đại diện Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ), Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an) hướng dẫn việc đánh giá chỉ số phục vụ người dân và doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công bằng dữ liệu theo thời gian thực; nâng cấp, triển khai hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh; quy trình và yêu cầu kết nối, tích hợp với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và giải đáp những vướng mắc trong quá trình triển khai.
Chu Thanh Vân (TTXVN)