Nỗ lực cải thiện và nâng cao thứ hạng Chỉ số Tính minh bạch

Tính minh bạch là một trong 10 chỉ số thành phần của Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và là một trong 3 chỉ số thành phần có trọng số cao nhất (20%). Được đánh giá qua 2 khía cạnh là việc tiếp cận thông tin của doanh nghiệp; doanh nghiệp có cơ hội tham gia vào quá trình ban hành chính sách, phản biện, giám sát thực hiện chính sách, Chỉ số Tính minh bạch là chỉ số quan trọng, góp phần quyết định thứ hạng của PCI.

Theo thống kê của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Chỉ số Tính minh bạch của Hà Nam có sự tăng điểm liên tục trong vòng 3 năm qua, từ 6,22 điểm (năm 2018) lên 6,28 điểm (năm 2021). Năm 2021, tính minh bạch cũng là một trong 3 chỉ số thành phần của PCI Hà Nam tăng cả về điểm số và thứ hạng so với năm 2020 và xếp thứ 17 trên cả nước, tăng 0,34 điểm và tăng 9 bậc so với năm 2020. Điều này chứng tỏ tỉnh Hà Nam đã tạo lập được môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, công bằng cho mọi thành phần kinh tế. Trong đó, nổi bật là sự cải thiện về tính chủ động, chất lượng công tác phối hợp giữa các ngành, cấp trong tỉnh; bảo đảm sự công khai, minh bạch và nâng cao trách nhiệm giải trình của các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan. Trong những năm qua, tỉnh Hà Nam cũng tăng cường minh bạch các thông tin từ đấu thầu đến mua sắm công, nhất là các thủ tục về đất đai, giải phóng mặt bằng, thủ tục liên quan tới quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, chủ trương thu hút đầu tư...

Ông Nguyễn Văn Lượng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư - đơn vị được UBND tỉnh giao phối hợp với cơ quan chủ trì là Sở Tư pháp và các sở, ngành liên quan thực hiện Chỉ số Tính minh bạch khẳng định: Kết quả đạt được trong thực hiện Chỉ số Tính minh bạch đã phản ánh những nỗ lực công khai các thủ tục hành chính, thông tin về thủ tục đầu tư, quy hoạch, định hướng phát triển kinh tế - xã hội, các ngành, lĩnh vực trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh, cổng thông tin điện tử các sở ngành, địa phương; niêm yết công khai toàn bộ thủ tục hành chính, quy trình, quy định các lĩnh vực tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế “một cửa” và “một cửa” liên thông. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng chính quyền điện tử, khai thác có hiệu quả các phần mềm nền tảng phát triển chính quyền điện tử; đẩy mạnh ứng dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; duy trì hiệu quả hoạt động tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh và các huyện, thành phố, thị xã, tạo môi trường đầu tư công khai, minh bạch, bình đẳng cho các nhà đầu tư.

Nỗ lực cải thiện và nâng cao thứ hạng Chỉ số Tính minh bạch
Cán bộ Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh giải quyết thủ tục hành chính cho người dân.

Trong các chỉ tiêu thành phần của Chỉ số Tính minh bạch, năm 2021, Hà Nam có nhiều chỉ tiêu tăng cao về điểm số, thứ hạng. Cụ thể, chỉ tiêu doanh nghiệp đánh giá việc tiếp cận các tài liệu quy hoạch của tỉnh đạt 2,85 điểm, xếp thứ 13/63 tỉnh, thành (tăng 0,4 điểm so với năm 2020); tiếp cận tài liệu pháp lý đạt 3,13 điểm, xếp thứ 23/63 tỉnh, thành (tăng 0,16 điểm so với năm 2020). Năm 2021, tỉnh Hà Nam có tới 80% doanh nghiệp đánh giá minh bạch trong đấu thầu, xếp thứ 35/63 tỉnh, thành (tăng 44% so với năm 2020); số ngày doanh nghiệp chờ đợi để nhận được thông tin, văn bản yêu cầu là 2 ngày, xếp thứ 8/63 (giảm 0,5 ngày so với năm 2020); 54% doanh nghiệp đánh giá thông tin trên website của tỉnh về các ưu đãi, khuyến khích, hỗ trợ đầu tư của tỉnh là hữu ích, xếp thứ 9/63 tỉnh, thành; 70% doanh nghiệp đánh giá thông tin trên website của tỉnh về các quy định thủ tục hành chính là hữu ích, xếp thứ 27/63 tỉnh, thành; 57% doanh nghiệp đánh giá thông tin trên website của tỉnh về các văn bản điều hành, chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh là hữu ích, xếp thứ 13/63 tỉnh, thành; 64% doanh nghiệp đánh giá thông tin trên các website của tỉnh về các văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh là hữu ích, xếp thứ 21/63 tỉnh, thành; 39% doanh nghiệp có thể dự liệu được thay đổi quy định pháp luật của tỉnh, xếp thứ 18/63 tỉnh, thành; 55% doanh nghiệp cho rằng cần phải có “mối quan hệ” để có được tài liệu của tỉnh, xếp thứ 20/63 tỉnh, thành (so với năm 2020, tỷ lệ này đã giảm 3%); 39% doanh nghiệp có thể dự liệu được việc thực thi của tỉnh đối với quy định pháp luật của Trung ương (năm 2020 tỷ lệ này chỉ đạt 6%); 70% doanh nghiệp cho rằng Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh có vai trò quan trọng trong việc xây dựng và phản biện chính sách, quy định của tỉnh, xếp thứ 18/63 tỉnh, thành (năm 2020 tỷ lệ này là 50%); chất lượng website của tỉnh được doanh nghiệp đánh giá có chiều hướng tốt hơn, đạt 47,85 điểm (tăng 13,6 điểm so với năm 2020).

Bên cạnh kết quả đạt được, trong thực hiện Chỉ số Tính minh bạch của Hà Nam vẫn còn tồn tại một số hạn chế đối với một số chỉ tiêu và chưa được doanh nghiệp đánh giá cao như: 50% doanh nghiệp được hỏi cho rằng có nhận được thông tin, văn bản cần khi yêu cầu cơ quan trong tỉnh cung cấp, giảm 6% so với năm 2020; 59% doanh nghiệp cho rằng việc thương lượng với cán bộ thuế là phần tất yếu trong hoạt động kinh doanh, tăng 12% so với năm 2020; 43% doanh nghiệp đánh giá việc thỏa thuận về các khoản thuế phải nộp với cán bộ thuế giúp doanh nghiệp giảm được số thuế phải nộp (xếp thứ 48/63 tỉnh, thành phố); tỷ lệ doanh nghiệp truy cập vào website của tỉnh trong năm 2021 là 47%, xếp thứ 46/63, giảm 13% so với năm 2020. Thực tế này cho thấy, tính minh bạch các khoản thuế phải nộp chưa được cải thiện; việc giải đáp thông tin mà doanh nghiệp quan tâm chưa kịp thời. Hiện nhiều doanh nghiệp vẫn chủ yếu tiếp cận thông tin theo hướng trực tiếp, chưa chủ động tìm hiểu thông tin trên các website của tỉnh…

Để thực hiện mục tiêu, duy trì và phát huy hơn nữa kết quả đạt được trong thực hiện Chỉ số Tính minh bạch qua các năm, coi đó là “chìa khóa” thành công, hỗ trợ cải thiện về thứ hạng đối với các chỉ số khác trong PCI, góp phần xây dựng niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp đối với tỉnh, UBND tỉnh đã và đang tích cực chỉ đạo các sở, ngành, địa phương chủ động bám sát tài liệu hướng dẫn của các bộ, ngành để tổ chức thực hiện hiệu quả các phần việc trong cải cách hành chính; thường xuyên rà soát, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi các quy trình, thủ tục hành chính bất hợp lý, trong đó tập trung vào việc đơn giản hóa quy định, thủ tục trong các lĩnh vực đầu tư, xây dựng, đất đai, môi trường, thuế, xuất nhập khẩu; đẩy mạnh thực hiện xây dựng chính quyền điện tử tại tỉnh hướng tới chính quyền số; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu dùng chung phục vụ công tác quản lý nhà nước; công khai minh bạch thông tin, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư tiếp cận thông tin; công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, các quy hoạch ngành, lĩnh vực, các dự án, danh mục kêu gọi đầu tư; công khai, minh bạch các chính sách ưu đãi đầu tư, địa bàn ưu đãi đầu tư, các khoản phí, lệ phí; tạo sự bình đẳng giữa các doanh nghiệp trong việc tiếp cận và áp dụng các chính sách ưu đãi đầu tư trên địa bàn tỉnh…

Nguyễn Oanh

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.