“Thiết chế pháp lý và an ninh trật tự” là một trong 10 chỉ số thành phần của Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Năm 2022, theo kết quả công bố của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Chỉ số PCI của tỉnh Hà Nam mặc dù bị tụt thứ hạng so với năm 2021, nhưng vẫn ghi nhận sự nỗ lực nâng cao điểm số và thứ hạng trong thực hiện một số chỉ số thành phần, trong đó có Chỉ số “Thiết chế pháp lý và an ninh trật tự”.
Năm 2021, “Thiết chế pháp lý và an ninh trật tự” là một trong những chỉ số thành phần của PCI cấp tỉnh bị giảm cả về điểm số và thứ hạng so với năm 2020 (giảm 0,18 điểm và 17 bậc). Theo đó, mục tiêu mà tỉnh đề ra là năm 2022 sẽ quyết tâm cải thiện mạnh mẽ chỉ số này cùng với một số chỉ số có thứ hạng thấp, như: Gia nhập thị trường, Chi phí thời gian, Chi phí không chính thức, Cạnh tranh bình đẳng, Đào tạo lao động. Với vai trò là cơ quan đầu mối chủ trì thực hiện Chỉ số “Thiết chế pháp lý và an ninh trật tự”, thời gian qua, Sở Tư pháp đã tích cực phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan, như: Công an tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh, Thanh tra tỉnh triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp để nâng cao thứ hạng chỉ số.
Theo ông Lữ Mai Thanh Tùng, Trưởng phòng Phổ biến, giáo dục pháp luật – Theo dõi thi hành pháp luật (Sở Tư pháp), trong những năm qua, Sở Tư pháp đã tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ: Tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật liên quan đến cơ chế. Cùng với đó, xây dựng, duy trì hiệu quả các chuyên mục: “Giới thiệu văn bản mới”, “Hỏi đáp”, “Hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp”; cập nhật thường xuyên, kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật do HĐND, UBND tỉnh ban hành lên Cơ sở dữ liệu quốc gia về văn bản pháp luật; đăng tải các văn bản pháp luật về phòng chống tham nhũng, tiêu cực lên Cổng thông tin điện tử của sở để cán bộ, công chức viên chức, nhân dân tra cứu, tìm hiểu.
Cùng với đó, Sở Tư pháp cũng phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức các hội nghị phổ biến, tuyên truyền, tập huấn kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp với nội dung tập trung vào các quy định pháp luật liên quan trực tiếp đến hoạt động của doanh nghiệp, như: quy định về bảo hiểm xã hội, bảo vệ môi trường, đầu tư xây dựng... Qua đó, góp phần nâng cao kiến thức pháp luật; lắng nghe ý kiến và giải đáp kịp thời những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Thực tế cho thấy, để nâng hạng Chỉ số “Thiết chế pháp lý và an ninh trật tự”, thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh, các sở, ngành, địa phương cũng đã đẩy mạnh kiểm soát thủ tục hành chính, thực hiện công khai quy trình giải quyết thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, nhà đầu tư; chủ động rà soát, hệ thống hóa các văn bản quy phạm pháp luật do HĐND, UBND tỉnh ban hành để tham mưu, sửa đổi, thay thế cho phù hợp với tình hình thực tiễn; tăng cường công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng liên quan đến các hành vi nhũng nhiễu của cán bộ, công chức.
Bên cạnh đó, Tòa án nhân dân tỉnh đã tập trung xét xử nhanh các vụ án kinh tế; phối hợp với các cơ quan tư pháp cùng cấp thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp, hoạt động xét xử. Công an tỉnh đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để bảo đảm an ninh trật tự, tạo môi trường ổn định, an toàn cho doanh nghiệp hoạt động, phát triển; chủ động nắm tình hình tại các địa bàn phức tạp về an ninh trật tự, nhất là quanh các khu, cụm công nghiệp; tham mưu cấp ủy, chính quyền các giải pháp góp phần ổn định tình hình, không để phát sinh hình thành “điểm nóng”, giúp người dân, doanh nghiệp yên tâm sản xuất, kinh doanh…
Nhờ đẩy mạnh triển khai thực hiện các giải pháp, năm 2022, Chỉ số “Thiết chế pháp lý và an ninh trật tự” của tỉnh đạt 7,12 điểm, tăng 0,77 điểm và tăng 8 bậc so với năm 2021. Trong đó, có một số nội dung được doanh nghiệp đánh giá cao, trên mức bình quân của các tỉnh, thành phố trên cả nước, đó là: Tòa án các cấp của tỉnh xét xử các vụ kiện kinh tế đúng pháp luật (có 94% doanh nghiệp được hỏi đồng ý); các chi phí chính thức từ khi khởi kiện đến khi bản án được thi hành ở mức chấp nhận được (82% doanh nghiệp đồng ý); các chi phí không chính thức từ khi khởi kiện đến khi bản án được thi hành ở mức chấp nhận được (80% doanh nghiệp đồng ý); phán quyết của tòa án công bằng (94% doanh nghiệp đồng ý); tình hình an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh tốt (80% doanh nghiệp đồng ý); tỷ lệ doanh nghiệp bị trộm cắp hoặc đột nhập vào năm vừa qua (chỉ có 5% doanh nghiệp phản ánh có)…
Có thể thấy, so với các chỉ số thành phần khác, Chỉ số “Thiết chế pháp lý và an ninh trật tự” đã có kết quả bứt phá trong năm 2022 và là một trong ít các chỉ số trong Chỉ số PCI của tỉnh có sự chuyển biến mạnh mẽ cả về điểm số lẫn thứ hạng so với năm 2021. Xác định rõ đây là chỉ số có ý nghĩa quan trọng, là thước đo lòng tin của các cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức đối với môi trường đầu tư của tỉnh, trong thời gian tới, Sở Tư pháp sẽ tiếp tục phát huy tốt vai trò “chủ công” trong nâng cao Chỉ số “Thiết chế pháp lý và an ninh trật tự”. Trong đó, tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật có liên quan đến các lĩnh vực đầu tư, kinh doanh cho cộng đồng doanh nghiệp; tăng cường hơn nữa các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai đồng bộ giải pháp khắc phục khó khăn, tiếp tục nâng điểm, tăng thứ hạng chỉ số này trong năm 2023 và những năm tiếp theo, góp phần cải thiện thứ hạng Chỉ số PCI của tỉnh.
Nguyễn Oanh