Trong chương trình cải cách hành chính (CCHC) giai đoạn 2016-2020 của UBND tỉnh, vấn đề nâng cao tính chuyên nghiệp của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) là một trong những nền tảng cơ bản để từng bước xây dựng nền hành chính phục vụ. Thực tế cho thấy, việc cung ứng dịch vụ hành chính công tại các đơn vị trong tỉnh thời gian qua đã có những tín hiệu hết sức khả quan, thể hiện sự thay đổi quan trọng, căn bản, hướng đến nền hành chính thân thiện, vì nhân dân phục vụ.
Mặc dù là buổi sáng ngày thứ bảy nhưng cũng chỉ mất khoảng 15 - 20 phút để hoàn tất thủ tục đăng ký cấp thẻ căn cước công dân nên chị Nguyễn Thị Ánh (phường Hai Bà Trưng, TP Phủ Lý) rất phấn khởi. Chị chia sẻ: Nhà xa, thêm nữa công việc bận rộn, nếu xin nghỉ phép sẽ phải qua nhiều bộ phận trong công ty xét duyệt, mất nhiều thời gian, phiền phức nên không mấy khi chị xin nghỉ làm trong giờ hành chính để giải quyết công việc cá nhân và gia đình. Do vậy, với việc cán bộ, chiến sĩ công an tình nguyện làm việc cả ngày thứ bảy để giải quyết các thủ tục cấp thẻ căn cước công dân đã tạo điều kiện rất thuận lợi cho chị cũng như nhiều người dân chủ động thời gian để làm những thủ tục hành chính (TTHC) cần thiết.
Được biết, thời gian qua để phục vụ người dân tốt hơn, ngoài làm việc cả thứ bảy, cán bộ, chiến sĩ công an Hà Nam còn thường xuyên tổ chức các đợt tăng cường xuống cơ sở làm thủ tục cấp thẻ căn cước công dân cho những trường hợp già yếu, khuyết tật, tai nạn, bệnh nặng, đi lại khó khăn…
Trong tổ chức thực hiện, cán bộ, chiến sĩ luôn bảo đảm mục tiêu “ba giảm” (giảm thời gian, giảm thủ tục, giảm chi phí) theo hướng công khai, minh bạch, lấy sự hài lòng của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, người dân làm thước đo đánh giá chất lượng công việc. Từ đầu năm đến nay, các lực lượng công an trong tỉnh đã thực hiện rút ngắn thời gian giải quyết nhiều TTHC cho người dân, như: rút ngắn thời gian cấp giấy đăng ký phương tiện, nhận kết quả trong ngày; trên 1.700 hộ chiếu được cấp và chuyển qua đường bưu điện bảo đảm an toàn, đúng quy định; hoàn thiện cấp trên 30.000 thẻ căn cước công dân với thời gian ngắn hơn so với quy định… Một số TTHC trong lĩnh vực cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an ninh trật tự và giấy chứng nhận đăng ký mẫu dấu được thực hiện tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh bảo đảm nhanh chóng, nhận được đánh giá tích cực từ người dân.
Mỗi ngày tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh lượng người đến giải quyết TTHC rất đông, chủ yếu tập trung ở một số lĩnh vực: giao thông vận tải, tư pháp, công thương, xây dựng… Theo số liệu của trung tâm, từ đầu năm đến nay, trung tâm đã tiếp nhận 194.320 hồ sơ, trong đó 92,7% hồ sơ được giải quyết xong trước hạn, 6,3% hoàn thành đúng hạn. Thông qua phiếu khảo sát đánh giá cho thấy trên 95% tổ chức, cá nhân bày tỏ thái độ “rất hài lòng” khi đến giao dịch tại đây.
Ông Nguyễn Thiếu Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh cho rằng: Nhiệm vụ CCHC luôn đi liền với văn hóa công vụ. Kể cả khi hồ sơ thủ tục gặp vấn đề chưa thể giải quyết, dẫn đến chậm trễ thời gian trả kết quả nhưng chỉ cần CBCCVC giải quyết TTHC thực sự biết lắng nghe, cầu thị tiếp thu ý kiến của người dân, tận tình giải đáp mọi thắc mắc về quy trình xử lý công việc thì vẫn có thể nhận được sự cảm thông, chia sẻ và đánh giá tích cực từ phía người dân.
Cũng theo ông Sơn, trong năm 2020, mặc dù ảnh hưởng từ dịch Covid-19, đội ngũ CBCCVC làm nhiệm vụ tại bộ phận “một cửa” các địa phương và cán bộ tại trung tâm vẫn được tham gia các lớp tập huấn theo kế hoạch. Bên cạnh trau dồi thêm kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ, CBCCVC còn được bồi dưỡng cả kỹ năng, kinh nghiệm giao tiếp với công dân. Những kỹ năng, kinh nghiệm này có vai trò quan trọng, nhất là khi xử lý các tình huống phát sinh.
Bên cạnh những kết quả đạt được, thực tế vẫn còn một số hạn chế trong quá trình giải quyết TTHC phát sinh từ sai sót của CBCC. Để nâng cao chất lượng, hiệu quả, hạn chế thiếu sót, trước hết mỗi CBCC phải thực sự đổi mới để thích ứng với xu hướng. Tự thân đội ngũ CBCC phải chủ động thay đổi tư duy và hành vi ứng xử, chuyển từ cơ chế xin – cho sang nền văn hóa công vụ mang tinh thần vì nhân dân phục vụ.
Cùng với đó, thủ trưởng các sở, ngành, địa phương cần thể hiện rõ vai trò tiên phong, gương mẫu, dám chịu trách nhiệm trong chỉ đạo, điều hành công tác CCHC; báo cáo và tự đánh giá trung thực kết quả giải quyết TTHC, tránh bệnh thành tích và không để xảy ra trường hợp hồ sơ giải quyết quá hạn không được cập nhật trên phần mềm “một cửa điện tử”. Cần nghiêm túc nhìn nhận thấu đáo hệ thống, thang bậc, tiêu chí đánh giá tổ chức, công chức trong thực thi công vụ; tiêu chí đánh giá cần rõ ràng, cụ thể, lấy chất lượng công việc và hiệu quả thực thi nhiệm vụ được giao làm thước đo hàng đầu.
Bên cạnh đó, với người dân khi làm TTHC cần chủ động tìm hiểu kỹ các bước tiến hành giải quyết TTHC… Trong trường hợp được yêu cầu bổ sung hồ sơ, người dân cần đề nghị cán bộ ghi cụ thể những loại giấy tờ cần bổ sung để có cơ sở tham khảo khi cần thiết. Đồng thời chủ động tìm hiểu pháp luật, có kiến thức pháp luật cơ bản để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của bản thân, qua đó kiên quyết chống lại những biểu hiện tiêu cực, nhũng nhiễu không đáng có. Sự tham gia hưởng ứng, đóng góp tích cực từ phía nhân dân sẽ là thước đo góp phần bảo đảm sự thành công của công cuộc CCHC và cải thiện, nâng cao hơn nữa chỉ số CCHC của tỉnh.
Thanh Vân