Đẩy mạnh công tác truyền thông dự thảo chính sách pháp luật

Những năm qua, công tác truyền thông dự thảo chính sách pháp luật đã được quan tâm, đẩy mạnh, chú trọng thực hiện từ sớm, từ xa, góp phần nâng cao chất lượng văn bản quy phạm pháp luật (QPPL), bảo đảm phù hợp với thực tiễn và nhân lên sự đồng thuận trong xã hội. Đồng thời, văn bản QPPL sau khi được ban hành, thi hành trong thực tiễn sẽ mang tính khả thi cao, phản ánh đầy đủ ý chí, nguyện vọng của đông đảo quần chúng nhân dân, góp phần bảo đảm hài hòa quyền, lợi ích của nhiều nhóm đối tượng thuộc phạm vi điều chỉnh trong xã hội.

Truyền thông chính sách cũng được coi là phương thức quan trọng để tạo chuyển biến mạnh mẽ trong các tầng lớp nhân dân về học tập, tìm hiểu pháp luật, tự giác chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Quyết định số 407/QĐ-TTg ngày 30/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022 - 2027” là một nỗ lực thể hiện sự thay đổi lớn trong việc đưa công tác truyền thông chính sách tham gia từ những công đoạn đầu tiên của việc xây dựng pháp luật, trong đó đặt trọng tâm là đánh giá đầy đủ tác động truyền thông, tác động xã hội của việc hoạch định chính sách pháp luật.

Tại Hà Nam, sau 1 năm triển khai Quyết định số 407/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, kết quả cho thấy nhiều sở, ngành, địa phương đã quan tâm chỉ đạo và chủ động phối hợp với các cơ quan thông tin, báo chí, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan triển khai hoạt động truyền thông dự thảo chính sách với hình thức khá đa dạng, huy động được nhiều nguồn lực tham gia và bước đầu đạt một số kết quả tích cực, quan trọng. Tiêu biểu như đợt tổ chức lấy ý kiến đóng góp đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đầu năm 2023 đã được các cấp, ngành, đoàn thể đồng loạt triển khai sâu rộng tới quần chúng nhân dân. Theo đó, ngay sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 671/NQ-UBTVQH 15 ngày 23/12/2022 về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), UBND tỉnh Hà Nam đã ban hành Kế hoạch số 22/KH-UBND ngày 4/1/2023 về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trên địa bàn tỉnh Hà Nam. Thực hiện kế hoạch, các đơn vị, địa phương trong tỉnh đã khẩn trương, nhanh chóng triển khai tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Đẩy mạnh công tác truyền thông dự thảo chính sách pháp luật
Đại biểu đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật Đất đai sửa đổi tại hội nghị do Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức. Ảnh: Khánh Chi

Tại thành phố Phủ Lý, thông qua các hình thức tổ chức hội nghị, đóng góp ý kiến trực tiếp bằng văn bản, gửi ý kiến đóng góp thông qua hệ thống thư điện tử…, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Phủ Lý đã tổng hợp, thu nhận được trên 300 lượt ý kiến của các tầng lớp nhân dân tham gia đóng góp vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) năm 2023. Các ý kiến tham gia đóng góp vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) của các tầng lớp nhân dân thành phố tập trung vào một số nội dung chủ yếu: Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thu hồi và chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; cơ chế, chính sách, giá đất; chế độ quản lý, sử dụng các loại đất; phân cấp, giám sát, kiểm soát quyền lực; hộ gia đình sử dụng đất; phát triển quỹ đất; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận và các thủ tục hành chính, dữ liệu, thông tin đất đai…

Việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân được tiến hành rộng rãi, dân chủ, khoa học, công khai, minh bạch, tiết kiệm, thực chất, bảo đảm tiến độ, chất lượng. Hình thức tổ chức lấy ý kiến nhân dân đa dạng, linh hoạt, phù hợp tình hình thực tế, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tạo điều kiện thuận lợi để các tầng lớp nhân dân tham gia góp ý. Thông qua đợt lấy ý kiến nhân dân đóng góp dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ, tâm huyết, thể hiện ý chí, nguyện vọng của nhân dân để hoàn thiện Luật Đất đai (sửa đổi) bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, khả thi của hệ thống pháp luật, đáp ứng yêu cầu phát triển của quốc gia trong giai đoạn mới, tạo sự đồng thuận của nhân dân đối với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về đất đai. Đồng thời, nâng cao nhận thức, tuân thủ pháp luật, trách nhiệm của cá nhân, cơ quan, tổ chức trong việc hoàn thiện chính sách pháp luật về đất đai, phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Bên cạnh kết quả tích cực đã đạt được, hoạt động truyền thông dự thảo chính sách pháp luật chưa được triển khai đồng bộ, hiệu quả chưa cao. Việc lấy ý kiến đề nghị xây dựng chính sách và dự thảo văn bản QPPL chủ yếu được thực hiện thông qua đăng tải trên cổng/trang thông tin điện tử của bộ, ngành, địa phương, hiệu quả còn hạn chế. Tại Hà Nam, việc lấy ý kiến đóng góp vào các văn bản dự thảo được thực hiện công khai, minh bạch trên Cổng thông tin điện tử của UBND tỉnh (https://hanam.gov.vn/pages/vanbanduthao.aspx) cũng như trang thông tin điện tử của các sở, ngành, địa phương. Tại Cổng thông tin điện tử UBND tỉnh Hà Nam, từ ngày 6/2/2022 đến nay đã cập nhật hơn 50 văn bản dự thảo cấp tỉnh để lấy ý kiến nhân dân, bao gồm toàn văn dự thảo và thời hạn lấy ý kiến. Tuy nhiên, ghi nhận được rất ít ý kiến đóng góp của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp.

Đẩy mạnh công tác truyền thông dự thảo chính sách pháp luật
Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh trao tặng sách pháp luật cho các địa phương nhân dịp hưởng ứng 10 năm thực hiện Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và tập huấn kỹ năng truyền thông dự thảo chính sách pháp luật. Ảnh: P.V

Bên cạnh đó, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật có lúc, có nơi chưa thực sự gắn kết chặt chẽ với công tác xây dựng pháp luật, mới chỉ thực hiện phổ biến, tuyên truyền, giới thiệu đối với những văn bản QPPL đã được ban hành mà chưa chú trọng truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình soạn thảo văn bản QPPL. Cùng với đó, hiện nay hầu hết các cơ quan chủ trì soạn thảo không có đủ nguồn lực về con người, kinh phí để có thể triển khai hiệu quả nhiệm vụ truyền thông dự thảo chính sách. Việc huy động, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của mặt trận, Hội Luật gia Việt Nam, Liên đoàn Luật sư Việt Nam và các đoàn luật sư, chuyên gia, nhà khoa học, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tham gia, hỗ trợ cho truyền thông dự thảo chính sách còn chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ. 

Từ thực trạng công tác truyền thông dự thảo chính sách hiện nay, cần có giải pháp thay đổi nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của công tác truyền thông dự thảo chính sách, coi đây là một nhiệm vụ của mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương. Bên cạnh đó, để hoạt động truyền thông dự thảo chính sách có hiệu quả, lan tỏa sâu rộng đến đông đảo các tầng lớp nhân dân, yêu cầu đặt ra là cần thu hút, huy động được nhiều lực lượng trong xã hội tham gia, đồng hành cùng với các cơ quan chủ trì soạn thảo và hỗ trợ kinh phí thực hiện hoạt động truyền thông dự thảo chính sách.

Nguyễn Khánh

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy