Cải thiện mạnh mẽ Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh

Năm 2022, Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Hà Nam đạt 64 điểm, xếp thứ 46/63 tỉnh, thành phố trong cả nước; tăng 0,72 điểm, giảm 4 bậc so với năm 2021 và thấp hơn mức trung vị của cả nước là 1,22 điểm, không đạt mục tiêu kế hoạch đã đề ra. Với mục tiêu cải thiện mạnh mẽ PCI của tỉnh, phấn đấu tăng thứ bậc xếp hạng hằng năm, tạo động lực để thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh chỉ đạo tiếp tục duy trì và phát huy những chỉ số thành phần tăng điểm, tăng thứ hạng, quyết tâm cải thiện mạnh mẽ những chỉ số thành phần giảm điểm và có thứ hạng thấp.

Những chỉ số thành phần giảm điểm và có thứ hạng thấp trong năm 2022 gồm: Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp; Gia nhập thị trường; Tiếp cận đất đai; Tính minh bạch; Cạnh tranh bình đẳng. Để nâng cao điểm số, thứ bậc xếp hạng PCI trong năm 2023 và những năm tiếp theo, với vai trò là cơ quan đầu mối tổng hợp, báo cáo PCI hằng năm của tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu với UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị có liên quan tập trung triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nhằm nâng cao các chỉ số thành phần thuộc ngành, lĩnh vực, địa phương mình quản lý, nhất là đối với các chỉ số có điểm số và thứ hạng thấp. 

Cải thiện mạnh mẽ Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh
Hướng dẫn làm thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp tại Phòng Đăng ký kinh doanh (Sở Kế hoạch và Đầu tư). Ảnh: Tiến Dũng

Chẳng hạn như đối với Chỉ số “Tiếp cận đất đai” có điểm số và thứ hạng giảm mạnh từ 7,35 điểm, xếp thứ 18 năm 2021, giảm còn 5,93 điểm, xếp thứ 62 năm 2022, UBND tỉnh giao trách nhiệm cho Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục rà soát, nghiên cứu và đề xuất các giải pháp, quy trình nhằm rút ngắn thời gian cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho doanh nghiệp; công khai, minh bạch thông tin về giá đất, hệ số điều chỉnh giá đất để xác định giá đất cụ thể tính thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất; thường xuyên cập nhật, bổ sung kế hoạch sử dụng đất của các huyện, thị xã, thành phố để giới thiệu, xúc tiến thu hút đầu tư. Đặc biệt tham mưu UBND tỉnh tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của người dân, doanh nghiệp thực hiện các quy trình đối với thủ tục thuê đất, đấu giá đất để thực hiện dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị có liên quan cần thực hiện tốt công tác thu hồi đất, bồi thường và giải phóng mặt bằng bảo đảm công khai, minh bạch, đúng quy định pháp luật và tôn trọng quyền lợi của doanh nghiệp; tập trung rà soát quỹ đất chưa sử dụng hoặc sử dụng chưa đúng mục đích, hiệu quả sử dụng đất không cao; xây dựng phương án thu hồi và tạo quỹ đất sạch để kêu gọi đầu tư.

Để cải thiện Chỉ số “Tính minh bạch" cần thực hiện công bố, cập nhật đầy đủ, kịp thời, chính xác các thông tin về thủ tục hành chính (TTHC), cách thức, quy trình thực hiện TTHC trên Cổng dịch vụ công và hệ thống “một cửa” điện tử của tỉnh; triển khai các giải pháp đẩy mạnh thực hiện TTHC trên môi trường điện tử, nâng cao tỷ lệ hồ sơ TTHC sử dụng dịch vụ bưu chính công ích. Triển khai thực hiện tốt công tác quy hoạch, khắc phục tình trạng chồng chéo, những bất cập trong việc thay đổi quy hoạch. Thực hiện công khai, minh bạch thông tin về các quy hoạch đã được phê duyệt, danh mục dự án kêu gọi đầu tư, các cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư; các thông tin về chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp. Tăng cường các kênh tiếp nhận ý kiến phản hồi của doanh nghiệp; kiểm tra, giám sát chặt chẽ nhằm ngăn chặn kịp thời hành vi nhũng nhiễu, gây khó khăn cho doanh nghiệp của cán bộ cơ quan nhà nước…

Hay đối với Chỉ số “Chi phí gia nhập thị trường” theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, các sở, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố cần tập trung giải quyết nhanh, dứt điểm các thủ tục hành chính thuộc ngành, lĩnh vực, địa phương phụ trách sau đăng ký thành lập doanh nghiệp để rút ngắn thời gian chính thức đi vào hoạt động cho doanh nghiệp như: Chứng chỉ hành nghề, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, hộ chiếu, thẻ tạm trú cho lao động nước ngoài, đánh giá tác động môi trường... bảo đảm không còn doanh nghiệp phải chờ hơn một tháng để hoàn thành tất cả các thủ tục để chính thức hoạt động.

Bà Phạm Thị Hà, Trưởng phòng Đăng ký kinh doanh (Sở Kế hoạch và Đầu tư) cho biết: Để nâng cao điểm số, thứ hạng Chỉ số “Chi phí gia nhập thị trường”, Sở Kế hoạch và Đầu tư tập trung nâng cao chất lượng phục vụ, hỗ trợ doanh nghiệp trong đăng ký kinh doanh; bảo đảm thời gian đăng ký và thời gian thay đổi đăng ký doanh nghiệp không quá 1,5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ theo quy định; công khai, minh bạch các thủ tục hành chính có liên quan đến đăng ký doanh nghiệp, nâng cao tỷ lệ doanh nghiệp thực hiện đăng ký doanh nghiệp qua mạng; nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, tinh thần thái độ phục vụ chuyên nghiệp cho đội ngũ cán bộ của sở tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh.

Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện, tạo bước chuyển biến đột phá, đi vào thực chất về cải cách hành chính, nhất là cải cách TTHC. Phấn đấu rút ngắn thời gian hơn nữa trong giải quyết các TTHC liên quan đến hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp như: Đầu tư, đất đai, giải phóng mặt bằng, xây dựng, môi trường, thuế, hải quan, bảo hiểm, cấp phép kinh doanh có điều kiện... Tiếp tục rà soát, đề xuất cắt giảm TTHC, quy trình giải quyết TTHC không cần thiết, gây phiền hà cho doanh nghiệp. Đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số để nâng cao điểm số và thứ hạng của Chỉ số “Chi phí thời gian” và Chỉ số “Chi phí không chính thức”.

Ông Nguyễn Liên Hồng, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại (Sở Công thương) cho biết: Góp phần thực hiện nâng cao Chỉ số “Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp” vào đầu tháng 5/2023, Sở Công thương đã tham mưu với tỉnh tổ chức Hội chợ Công thương vùng đồng bằng sông Hồng - Hà Nam nhằm giúp các doanh nghiệp thực hiện xúc tiến quảng bá, kết nối thị trường liên kết vùng, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm và liên kết phát triển sản xuất kinh doanh. Ngoài ra, đơn vị cũng thường xuyên thông báo tới các doanh nghiệp về các chương trình xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước nhằm tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp hội nhập kinh tế quốc tế. Thành lập nhóm zalo doanh nghiệp để gửi thông báo và chương trình xúc tiến đầu tư để doanh nghiệp biết và tham gia.

Nâng cao PCI nhằm xây dựng môi trường kinh doanh của tỉnh thực sự thông thoáng, minh bạch, hấp dẫn và tạo thuận lợi nhất cho mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư, sản xuất kinh doanh. Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, để tăng điểm và thứ hạng các chỉ số thành phần trong bảng chấm điểm PCI  năm 2023, cần chủ động, tích cực triển khai thực hiện tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh đối với các nội dung trong Phiếu khảo sát doanh nghiệp năm 2023. Song song với đó, cần tăng cường phối hợp, triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp ưu tiên giải quyết các khó khăn cho các doanh nghiệp nhằm loại bỏ những yếu tố còn tồn tại, doanh nghiệp đánh giá thấp như: tạo sự thuận lợi trong việc tiếp cận đất đai, giải quyết TTHC, tiếp cận thông tin… Và cần tập trung giải quyết tốt các khó khăn, vướng mắc; nâng cao chất lượng, hiệu quả các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số thích ứng với xu thế hội nhập và xu thế phát triển công nghệ số nhằm tạo môi trường thuận lợi, ổn định cho hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp.

Tiến Đoàn

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy