Thuế, hải quan là những lĩnh vực của ngành tài chính có tác động lớn đến các doanh nghiệp. Vì vậy, việc cải cách, đơn giản hóa, minh bạch hóa các thủ tục hành chính trong lĩnh vực này là vô cùng cấp thiết. Thời gian qua, những cải cách trong hai lĩnh vực này đã góp phần tạo môi trường kinh doanh tốt hơn cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh nhất là trong bối cảnh hoạt động sản xuất, kinh doanh bị ảnh hưởng lớn bởi tác động của đại dịch Covid-19.
Có thể khẳng định, ngành thuế, hải quan đã có những bước chuyển biến mạnh mẽ trong những năm gần đây khi chuyển từ phương thức quản lý thủ công, bán điện tử sang phương thức quản lý hiện đại dựa trên việc ứng dụng điện tử, công nghệ thông tin và các trang thiết bị hiện đại. Trong đó, đối với lĩnh vực thuế, hiện đã có tới 99% doanh nghiệp trong tỉnh tham gia sử dụng dịch vụ khai thuế điện tử, hoàn thuế điện tử.
Thời gian qua, ngành thuế cũng đã tích cực phối hợp với các ngân hàng thương mại để triển khai dịch vụ nộp thuế điện tử cho các doanh nghiệp trên địa bàn. Đặc biệt, đã có nhiều cơ chế, chính sách được ngành thuế triển khai kịp thời để người nộp thuế vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid – 19, đặc biệt là Nghị định 41/2020/NĐ-CP ngày 8/4/2020 của Chính phủ về gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh…
Bà Phạm Thị Anh Thư, Quyền Cục trưởng Cục Thuế tỉnh cho biết: Trong năm 2020, Cục Thuế tỉnh đã tiếp nhận hàng trăm đơn đề nghị gia hạn tiền thuế và tiền thuê đất theo phương thức điện tử của các doanh nghiệp, hộ kinh doanh. Hoạt động tuyên truyền, phổ biến về cải cách thủ tục hành chính, công khai thủ tục hành chính tại trụ sở cơ quan thuế cũng được tăng cường. Bên cạnh đó, công tác đăng ký thuế cũng được ngành thuế thường xuyên rà soát để quản lý chặt chẽ người nộp thuế. Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ người nộp thuế, năm 2020, Cục Thuế tỉnh đã thực hiện hoàn thành vượt mức chỉ tiêu thu ngân sách nhà nước do cấp trên giao.
Với phương châm “Luôn sát cánh cùng cộng đồng doanh nghiệp”, thời gian qua, Chi cục Hải quan Hà Nam cũng đã triển khai đồng bộ các giải pháp cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa thủ tục hải quan, giúp các doanh nghiệp hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa tiết kiệm thời gian, chi phí, thuận lợi hơn trong hoạt động thông quan hàng hóa và nộp thuế.
Thông tin từ Chi cục Hải quan Hà Nam cho biết, lần đầu sử dụng hệ thống hải quan tự động (VNACCS/VCIS) vào năm 2014, đến thời điểm này, tất cả các thủ tục hải quan cốt lõi đã hoàn toàn được thực hiện bằng phương thức tự động thông qua thông quan tự động. Hệ thống này đã xử lý toàn bộ số tờ khai với thời gian tiếp nhận, xử lý, trả kết quả trong thời gian chỉ vài giây. Với khoảng 170.000-180.000 tờ khai/năm, hệ thống thông quan điện tử đã giúp tiết kiệm khoảng 3 triệu USD.
Nhìn chung, so với cách thông quan truyền thống được áp dụng trước đây, việc triển khai thủ tục khai báo hải quan điện tử đã mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp như: có thể khai báo mọi lúc, mọi nơi nếu có kết nối internet; hạn chế giấy tờ giúp cho việc thu thuế nhanh chóng, minh bạch, giảm thiểu tình trạng cưỡng thuế không chính xác cũng như rút ngắn thời gian thông quan của doanh nghiệp. Nhờ đó, riêng trong năm 2020, Chi cục Hải quan Hà Nam đã thực hiện thủ tục hải quan cho gần 1.100 doanh nghiệp; tổng số tờ khai thực hiện tại chi cục đạt gần 175.000 tờ khai; giá trị kim ngạch xuất, nhập khẩu trên 6,4 tỷ USD. Trong quý I/2021, tổng số thuế thu nộp ngân sách nhà nước đạt 291 tỷ đồng, bằng 16% kế hoạch năm.
Ông Cao Quế Phong, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Hà Nam cho biết: Thời gian qua, mặc dù hoạt động sản xuất, kinh doanh bị ảnh hưởng lớn từ dịch Covid – 19 nhưng số lượng doanh nghiệp xuất nhập khẩu trên địa bàn vẫn tăng về số lượng, ngành hàng. Các mặt hàng xuất, nhập khẩu ngày càng đa dạng hơn. Đặc biệt, công tác kiểm tra, thu thuế năm 2020 bảo đảm đủ, kịp thời với tổng số thuế thu nộp ngân sách vượt trên 10% so với chỉ tiêu được giao. Để có được kết quả đó, ngành hải quan đã nỗ lực vận hành, khai thác ổn định, hiệu quả hệ thống thông quan điện tử VNACCS/VCIS hiện hành; triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 đối với các thủ tục hải quan chủ yếu; áp dụng quản lý rủi ro trong tất cả các khâu nghiệp vụ hải quan. Đồng thời, không ngừng nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát hàng hóa xuất, nhập khẩu...
Phát huy những kết quả đạt được, trong thời gian tới, ngành thuế, hải quan Hà Nam sẽ tiếp tục duy trì, triển khai tốt việc đơn giản hóa, minh bạch hóa, điện tử hóa trong thực hiện các thủ tục hành chính thuế, hải quan. Điều này giúp tiết kiệm được rất nhiều về thời gian, chi phí nhân lực cho cả doanh nghiệp lẫn cơ quan thuế, hải quan và hạn chế phát sinh những vấn đề tiêu cực so với phương thức quản lý thủ công, bán điện tử trước đây.
Nguyễn Oanh