kita group giới thiệukita group dự ánkita group liên hệkita group STELLA MEGA CITYkita group STELLA RESIDENCE
Nghĩa trang liệt sỹ giữa đại dương

Nghĩa trang liệt sỹ giữa đại dương

Tại quần đảo Trường Sa có những nghĩa trang liệt sỹ đặc biệt- những nghĩa trang “tạm thời” trên đảo nổi và những nghĩa trang vĩnh hằng giữa đại dương.

Tuổi hai mươi nằm lại giữa lòng biển mẹ

“Đảo dừa” Nam Yết thuộc khu vực phía Bắc quần đảo Trường Sa. Khu vực này được coi là “điểm nóng” nhất quần đảo Trường Sa vì rất gần với các đảo: Gạc Ma, Huy Gơ, Ga Ven, Su Bi (Trung Quốc đang chiếm đóng trái phép), Ba Bình (Đài Loan đang chiếm đóng trái phép), Song Tử Đông (Philippines chiếm đóng trái phép). Trái ngược với sức nóng tứ bề, Nam Yết vẫn lặng lẽ xanh rì bóng mát. Màu xanh cây lá phủ bóng xuống từng công sự, mái chùa, phủ bóng xuống từng ngôi mộ trong nghĩa trang liệt sỹ.

Nghĩa trang liệt sỹ đảo Nam Yết có 5 ngôi mộ, là nơi “tạm yên nghỉ” của 5 cán bộ, chiến sỹ hải quân đã hy sinh khi làm nhiệm vụ trên đảo và một số đảo lân cận. Sau một thời gian, những ngôi mộ liệt sỹ ở đây sẽ được bố trí di dời vào đất liền, để những liệt sỹ hải quân về với quê hương, nơi chôn nhau cắt rốn. Dù là nghĩa trang “tạm thời” nhưng những ngôi mộ liệt sỹ ở đây đều được xây kiên cố, giữa khuôn viên thoáng đãng.

Hằng ngày, cán bộ, chiến sỹ khi làm nhiệm vụ tuần tra qua đây đều dừng lại dọn dẹp khuôn viên, nhổ cỏ, tưới nước cho những bụi hoa giấy, hoa huỳnh liên… và thắp nhang trên mộ đồng đội. Từng dòng chữ, từng con số khắc trên bia mộ đều khiến chúng tôi rưng rưng bởi lẽ những cán bộ, chiến sỹ hải quân đã nằm xuống nơi đây hầu hết đều hy sinh ở độ tuổi hai mươi, độ tuổi với bao hoài bão, ước vọng, độ tuổi của tươi xanh, của hò hẹn…

Người trẻ tuổi nhất nằm lại ở nghĩa trang này là binh nhất Nguyễn Vũ Hoàng Phương (sinh ngày 23/4/1995, quê ở huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa; nhập ngũ tháng 9/2013). Tháng 2/2014, khi đang thực hiện nhiệm vụ huấn luyện ở đảo Nam Yết, anh đã mãi mãi ra đi khi mới 19 tuổi xuân. Tại đây cũng có hai liệt sỹ hy sinh cùng một ngày, đó là Liệt sỹ Nguyễn Văn Cường (sinh năm 1990, quê Hưng Yên) và Liệt sỹ Lại Huy Công (sinh năm 1980, quê Thái Bình).

Trung tá Đào Văn Kha, Chỉ huy trưởng đảo Nam Yết kể cho chúng tôi câu chuyện xúc động về hai liệt sỹ: Ngày 2/2/2012, trong khi làm nhiệm vụ tuần tra trên biển thì hai anh gặp cơn giông tố bất ngờ ập đến. Sóng dữ va đập liên tiếp vào mạn xuồng, từng đợt sóng bạc đầu đánh trùm lên, anh Cường bị sóng dữ đánh ngã khỏi xuồng. Thấy vậy anh Công đã không ngần ngại hiểm nguy, lao xuống biển cứu đồng đội. Đều là những người bơi lặn giỏi nhất trong tổ tuần tra nhưng trước sức mạnh hung dữ của sóng gió đại dương cả hai đã hy sinh. Cũng trong thời điểm ấy, vợ đồng chí Lại Huy Công ở quê nhà Thái Bình vừa sinh cô con gái nhưng anh đã mãi ra đi mà chưa từng được nhìn thấy mặt con mình.

Rời nghĩa trang liệt sỹ đảo Nam Yết mang theo sự bồi hồi, xúc động khôn tả, đoàn công tác chúng tôi trở lại hội trường để bắt đầu công việc thì thật bất ngờ máy bay trinh sát của nước ngoài tiếp cận gần khu vực đảo, toàn đảo báo động tác chiến phòng không, quân số của đảo Nam Yết vào vị trí sẵn sàng chiến đấu.

Là một đảo lớn nằm ở khu vực “điểm nóng”, cũng như những đảo khác, những tình huống báo động như thế là hết sức bình thường. Cán bộ, chiến sỹ quần đảo Trường Sa luôn ngày đêm huấn luyện, chắc tay súng, sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo. Thời khắc này, ngay giao điểm giữa hiểm nguy và an bình, giữa những người đã nằm xuống và những người đang chắc tay súng canh giữ biển trời, chúng tôi cảm nhận rõ rằng có những điều không bao giờ thay đổi là sự toàn vẹn lãnh thổ và tình người, tình đồng chí, đồng đội giữa muôn trùng biển khơi.

Nghĩa trang Liệt sỹ trên đảo Nam Yết.

“Mộ sóng bạc đầu” nơi “Nghĩa trang đỏ Trường Sa”

Với những người may mắn có dịp tới thăm, công tác tại quần đảo Trường Sa đều không quên được vùng biển được gọi là “Nghĩa trang đỏ Trường Sa”. Đó là khu vực biển giữa các bãi đá ngầm Gạc Ma, Len Đao, Cô Lin. “Nghĩa trang đỏ Trường Sa” là vùng biển yên nghỉ của 64 cán bộ, chiến sỹ hải quân tàu HQ 604, HQ 605, HQ 505 và Đoàn Công binh 83 đã hy sinh trong trận chiến bảo vệ chủ quyền tại đảo đá Gạc Ma (ngày 14/3/1988).

“Nghĩa trang đỏ Trường Sa” - nơi không hề có một nấm mộ hay một tấm bia, thay vào đó là những “Mộ sóng bạc đầu”. Tại đây, 31 năm trước đã chứng kiến sự hy sinh của một người con quê hương Hà Nam – Liệt sỹ Trần Văn Bảy (thôn Phương Thượng, xã Lê Hồ, huyện Kim Bảng), nhập ngũ năm 1985, hy sinh ngày 14/3/1988, trên tàu HQ 604. Sáng 14/3, khi tàu HQ 604 đang đưa hàng vào đảo Gạc Ma thì bất ngờ 3 tàu Trung Quốc áp sát, tấn công, bắn pháo, đánh chìm tàu HQ 604.

Đồng đội của anh Bảy kể lại: Sau khi cùng đồng đội kiên cường chống trả lại loạt bắn phá đầu tiên, anh Bảy trúng đạn, bị thương nặng ở bụng, vai, đồng thời bị bỏng nặng. Ngay sau đó, một quả đạn pháo 105 ly câu đúng vị trí tàu, hất tung hết thảy. Anh Trần Văn Bảy cùng nhiều đồng chí, đồng đội của mình đã anh dũng hy sinh.

Mỗi đoàn công tác đến Trường Sa, khi đi qua vùng biển này đều trang trọng tổ chức lễ dâng hương, tưởng niệm 64 Anh hùng, liệt sỹ đã anh dũng hy sinh vì sự vẹn toàn vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. 12 giờ trưa, trên boong tàu, nhạc “Hồn tử sỹ” vang lên trầm hùng, từng cành hoa huệ, hoa cúc được thả nhẹ xuống đại dương, sóng biển như nhẹ hơn, không cồn cào. Từng đợt sóng nhẹ lặng lẽ nương theo gió, đưa những nhành hoa trôi nhẹ về phía xa, phía đảo đá Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao.

Phóng viên Chu Sen (Đài Phát thanh – Truyền hình Hà Nam) bồi hồi nhớ lại lần tham dự lễ tưởng niệm trên tàu: “Hơn 30 năm đã trôi qua kể từ những ngày tháng 3 lịch sử hào hùng mà bi tráng của dân tộc, những người con anh dũng của Tổ quốc vẫn còn nằm lại với sóng nước Trường Sa, trở thành cột mốc chủ quyền linh thiêng, bất khả xâm phạm, thể hiện ý chí mãnh liệt của một dân tộc đã đến định cư nơi mảnh đất này từ hàng ngàn năm trước. Xúc động và cũng rất đỗi tự hào, chúng tôi - những chiến sỹ trên mặt trận tư tưởng nguyện mãi mãi tiếp bước xứng đáng với niềm tin và lý tưởng của các anh”…

Những cán bộ, chiến sỹ hải quân hy sinh ở vùng biển đảo Trường Sa - xương cốt các anh đã hóa thành san hô, máu đào hòa vào lòng biển mẹ, linh hồn các anh là những ngọn gió biển, rì rào như “Khúc quân ca Trường Sa” bất tử: “Ngày qua ngày, đêm qua đêm, chúng tôi đứng đây gìn giữ quê hương. Biển này là của ta, đảo này là của ta. Trường Sa”.

Nguyễn Khánh

Khánh Chi

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy