Lớp học đặc biệt trên vùng biển Tây Nam

Trên vùng biển Tây Nam của Tổ quốc có một lớp học đặc biệt: “Lớp học tình thương” trên đảo Hòn Chuối (thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau). Lớp học có tới 3 chiếc bảng, bàn ghế cũng được kê theo 3 hướng khác nhau. Lớp chỉ có 1 thầy giáo với 23 học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 và đều học chung trong một phòng học. Lớp học do cán bộ, chiến sĩ (CBCS) Đồn Biên phòng 704 đóng quân trên đảo Hòn Chuối duy trì trong nhiều năm qua.

 Lớp học trên đảo Hòn Chuối.

Trong chuyến công tác thăm quân và dân đang công tác và sinh sống trên các đảo, điểm đảo phía Tây Nam của Tổ quốc nhân dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, chúng tôi có ghé thăm đảo Hòn Chuối. Sau khi vượt hơn 300 bậc thang dốc đứng và trên 2km đường sỏi đá gồ ghề, tới lưng chừng núi, chúng tôi nghe thấy tiếng các em nhỏ đang ê a đọc chữ. Đây là một lớp học rất đặc biệt, lớp học có tới 3 chiếc bảng, bàn ghế cũng được kê theo 3 hướng khác nhau. Lớp có một thầy giáo duy nhất dạy 23 học sinh từ lớp 1 đến lớp 6. Lên lớp 7 các em sẽ được đưa vào đất liền để hòa nhập cùng bạn bè và tiếp cận với điều kiện giảng dạy tốt hơn.

Thượng tá Lương Quốc Thái, Đồn trưởng Đồn Biên phòng cho biết: Lớp học được mở ra từ năm 1995. Khi ấy, lớp học được dựng tạm bợ bằng lá, nền đất và ngày đầu chỉ có 4-5 học sinh theo học. Tuy nhiên, thầy và trò vẫn vượt qua khó khăn, khắc phục thiếu thốn để phục vụ tốt việc giảng dạy và học tập. Năm 2016, được sự hỗ trợ của Hội Liên hiệp Thanh niên tỉnh Cà Mau và Quỹ Thiện Tâm ủng hộ, lớp học được xây dựng khang trang, mái lợp tôn, nền xi măng với diện tích trên 20m2. Ngoài lớp học được xây dựng khang trang, các đơn vị còn hỗ trợ xây dựng khu vui chơi như xích đu, cầu trượt giống như trong đất liền. Bên cạnh đó, hằng năm, lớp học còn nhận được sách, bút, đồ dùng học tập vào các dịp lễ, Tết. Từ khi có lớp học này, CBCS ở đây đã dạy chữ cho hàng trăm em trước khi chuyển vào đất liền để theo học tiếp.

Binh nhất Lê Hon Đa, người may mắn thay Thượng úy Trần Bình Phục giảng dạy các em trên đảo suốt gần 2 năm qua do Thượng úy Phục bận theo học một lớp nâng cao trong đất liền, chia sẻ: Lớp học hiện có 23 học sinh trên đảo theo học: lớp 6 có 2 em, lớp 5 có 4 em, lớp 4 có 5 em, lớp 3 có 4 em, lớp 2 có 3 em, còn lại là lớp 1. Các em theo học từ sáng thứ 2 đến sáng thứ 7 hằng tuần. Việc dạy các em ở “Lớp học tình thương” là một nhiệm vụ quan trọng và phải hoàn thành tốt. Bản thân tôi tuy đã tốt nghiệp Trường Đại học Đồng Tháp, khoa Sư phạm Mỹ thuật nhưng khi lần đầu tiên làm công việc “gõ đầu trẻ” cũng gặp không ít khó khăn, bỡ ngỡ. Do đó, khi lên lớp tôi phải đầu tư thời gian, công sức soạn giáo án đầy đủ, nghiên cứu cách dạy phù hợp để giúp các em quen với việc học chung nhiều lứa tuổi, trình độ. Khó khăn nhất trong công tác quản lý giảng dạy đối với các em  ở đây chính là một số em lớn khi học lớp 5, lớp 6 ngại ngần khi phải học với các em nhỏ lớp 1, lớp 2. Do đó, có thời điểm một số em đã không đến lớp. Chính vì vậy, ngày ngày tôi phải đến tận nhà để động viên, nhắc nhở các em đến trường.

Em Nguyễn Thị Yến Mây (12 tuổi, học lớp 4) cho biết: Đến lớp học con rất vui vì con được học chữ. Con cố gắng đi học đều đặn để sau này con lên bờ học tiếp và phấn đấu trở thành cô giáo để dạy cho các em nhỏ trên đảo. Khác hẳn với Mây, em Lại Như Khánh (15 tuổi, học lớp 6) cho biết: Con cố gắng học giỏi môn Toán để sau này tính toán giỏi, phụ cha mẹ trong tính toán để buôn bán cá.

Khu vui chơi cho trẻ em trên đảo Hòn Chuối.

Đảo Hòn Chuối là hòn đảo tiền tiêu phía Tây Nam Tổ quốc với diện tích khoảng trên 70ha. Trên đảo có 54 hộ sinh sống, với 177 nhân khẩu (trong đó có 8 hộ người dân tộc Khmer). Đến nay, đảo Hòn Chuối cơ bản vẫn là đảo “5 không”: không điện, không đường, không trường, không trạm, không nước sạch. Trên đảo có các đơn vị đứng chân như Trạm Ra-đa 615 thuộc Tiểu đoàn 551, Vùng 5 Hải quân; Đồn Biên phòng 704 thuộc Bộ đội Biên phòng tỉnh Cà Mau và Trạm Hải đăng thuộc Bộ Giao thông vận tải. Người dân nơi đây sinh sống chủ yếu bằng nghề đánh cá quanh đảo và nuôi cá lồng bè. Từ đất liền để đến được đảo Hòn Chuối chỉ có thể đi nhờ tàu cá của ngư dân hoặc tàu thu mua hải sản ra đảo, ngoài ra không còn phương tiện vận tải nào khác. Do đó, chuyện lo cái ăn, cái mặc đã là một gánh nặng nên chuyện học hành của con em trên đảo từ nhiều năm qua không được phụ huynh xem trọng. Cũng nhờ có những người lính mang quân hàm xanh mà trẻ em trên đảo biết chữ, biết lễ nghĩa, biết lịch sử quê hương, đất nước. 

Ông Lê Văn Khương, Tổ trưởng Tổ nhân dân tự quản khóm 1 (đảo Hòn Chuối) chia sẻ: Cư dân trên đảo nghèo lắm, sống bằng nghề đánh bắt hải sản quanh năm, nay đây mai đó nên không có điều kiện cho con em đi học. Cũng nhờ có các chú bộ đội vận động, mở lớp mà những đứa trẻ ở đây được học, biết cái chữ và được tạo điều kiện vươn lên bằng con đường học vấn.

Chia tay đảo Hòn Chuối, hòn đảo tiền tiêu thiêng liêng của Tổ quốc, chúng tôi nhớ những câu bộc bạch từ binh nhất Lê Hon Đa, không chỉ là một người lính mang quân hàm xanh mà còn có nhiệm vụ thiêng liêng, cao cả hơn là tham gia sự nghiệp “trồng người” trong suốt gần 2 năm qua trên hòn đảo nhỏ: “Em sắp hoàn thành nghĩa vụ quân sự và trở về đất liền. Tuy nhiên, em rất muốn gắn bó lâu dài với công tác giảng dạy ở đây để giúp các em nhỏ nơi đây có được hành trang kiến thức để sau này các em lớn lên trở thành người có ích cho đất nước. Bản thân em sẽ cố gắng vượt qua mọi khó khăn gian khổ, để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần cùng quân và dân trên đảo bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc”. Mong muốn được góp sức mình mang kiến thức đến cho trẻ em trên đảo của binh nhất Lê Hon Đa cũng là mong muốn của các chiến sỹ mang quân hàm xanh nơi đây. Lớp học đặc biệt này chắc chắn sẽ tiếp tục được duy trì, mở rộng, tạo sức sống vững bền cho hòn đảo phía Tây Nam của Tổ quốc. 

Trần Ích

Trần Ích

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.