Thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới, Báo Hà Nam điện tử mở chuyên mục: “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thông tin xấu độc”.
Các bài viết trong chuyên mục góp phần bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, củng cố và tăng cường niềm tin khoa học vào chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; giữ vững sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận xã hội và niềm tin của nhân dân với Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn và hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động trong tình hình mới; góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Quá trình nhận thức là quá trình tiệm cận tới chân lý. Nhận thức lịch sử cũng vậy. Lịch sử được viết lại nhiều lần bởi những người chép sử thế hệ sau có thêm nhiều tư liệu chân xác hơn, tiếp cận gần hơn với sự thật lịch sử. Đó là yêu cầu của xã hội, của khoa học, là công việc rất bình thường nhưng đáng quý của những nhà sử học chân chính. Nhưng cũng không ít người đã lợi dụng điều này, lớn tiếng đòi “xét lại lịch sử”, “viết lại lịch sử” với những động cơ riêng.
1. Dù vấn đề nêu lên rất đa dạng, dù hình thức biểu hiện có nhiều hình tướng khác nhau nhưng có thể sơ bộ “quy loại” những ý kiến yêu cầu “xét lại lịch sử” của những người này trong ba nhóm:
- Viết lại lịch sử do thiếu chân thực (về tư liệu) và thiếu hiểu biết (về phương pháp), cũng có thể do thiên kiến cá nhân chi phối trong việc đánh giá nhân vật hoặc sự kiện lịch sử.
- Viết lại lịch sử để tô vẽ cho bản thân.
- Viết lại lịch sử với những mưu đồ chính trị.
Sự kiện lịch sử chỉ xảy ra một lần nhưng để có nhận thức rõ về nó có thể cần một “độ lùi” thời gian. Nhận thức lịch sử có thể phải trải qua nhiều lần, nhiều mức độ, và phải xem xét khách quan những nguồn tư liệu phong phú nhất có thể. Đánh giá, bình luận về sự kiện đó cũng có nhiều góc nhìn, dựa trên nhiều quan điểm khác nhau. Đây cũng là điều hay được các nhà “xét lại lịch sử” lớn tiếng “kêu gọi” cùng với những người nghiên cứu lịch sử nghiêm túc và có trách nhiệm. Họ cũng hay (tự phong) cho mình vai trò “tìm lại sự thật” lịch sử.
Loại “xét lại lịch sử” nguy hiểm nhất là đưa ra vấn đề “viết lại lịch sử” mang đậm màu sắc chính trị và phục vụ những âm mưu “hạ bệ thần tượng”, “giật đổ tượng đài”. Thực ra những người muốn “xét lại lịch sử” với ý đồ đó khi lớn tiếng hô hào xét (viết) lại lịch sử chỉ mượn danh khoa học lịch sử. Phương pháp họ sử dụng phi khoa học và tư liệu họ dùng làm “bằng chứng” được ngụy tạo một cách sống sượng - Có thể lấy những thí dụ cụ thể như “tác phẩm” nghiên cứu về Hồ Chí Minh của một người tự xưng là “cháu của Hồ Tập Chương”, về sự “giải oan” cho Nguyễn Ánh khi cầu viện lực lượng nước ngoài để chống lại Tây Sơn, về sự đánh tráo nội hàm bản chất của cuộc kháng chiến chống xâm lược, bảo vệ độc lập dân tộc v.v.
Thói quen hay gặp của các tác giả muốn “viết lại lịch sử” là thường nhấn mạnh những chi tiết riêng lẻ mà không đặt nó trong bối cảnh lịch sử. Một người đã cùng đứng mấy chục năm trong đội ngũ chiến đấu vì những giá trị thiêng liêng của dân tộc, sau khi “trở cờ” lại lớn tiếng lên án chế độ mình đã từng bảo vệ rằng “trong suốt cả thời gian dài mấy chục năm (dưới chính thể Việt Nam Dân chủ Cộng hòa) không có ai được cấp hộ chiếu để đi du lịch nước ngoài” (!). Hẳn ông không (thể) quên rằng trong không khí “Tất cả cho tiền tuyến” hồi đó (mà ông cũng là một thành viên được tiếng là tích cực) thì không ai có thể nghĩ đến (chứ chưa thể dùng chữ mong muốn) đi du lịch nước ngoài ?
Đại tướng Võ Nguyên Giáp, một người làm nên lịch sử, cũng là một thầy giáo dạy môn Lịch sử đã nói đại ý: Người làm sử phải có trái tim nhiệt thành, đầu óc sáng suốt, ngòi bút ngay thẳng. Một số người viết sử hôm nay, đáng tiếc, ngòi bút của họ lại “không thẳng”.
2. Lịch sử Việt Nam có những trang bi hùng. Nhiều lần đất nước bị xâm chiếm, tàn phá rồi lại hồi sinh. Văn hóa, tư liệu bị hủy hoại rồi lại sống dậy với sức mạnh tiềm tàng. Việc viết sử ở Việt Nam cũng có những khúc quanh. Không phải giai đoạn nào cũng có tư liệu lịch sử phong phú và lịch sử giai đoạn đó được chép một cách đầy đủ và chính xác. Đó cũng là lý do mà / để lịch sử được nhận thức từng bước và các bộ sử cần được tu chỉnh, thậm chí viết lại. Vấn đề tập trung ở nơi người viết sử - những người nhận trọng trách trước xã hội về sự chân thực, chính xác khi tái hiện quá khứ. Việc nghiên cứu và viết sử cũng cần ở người viết sử một tầm nhìn rộng hơn ngoài chuyên môn sâu của mình để có thể phân định (rạch ròi) những gì thuộc về lịch sử, những gì còn nằm trên lĩnh vực tuyên truyền và bị chi phối bởi “tâm lý xã hội”. Khi xã hội “cần” một “anh hùng”, sẽ có một anh hùng được tạo ra. “Anh hùng” đó có thể xuất hiện từ dân gian, cũng có thể xuất hiện bởi ý chí của các nhà chính trị. Nhưng dù nguồn gốc xuất hiện ở đâu hay trong thời nào thì cũng phản ánh một hiện thực xã hội (lúc đó) đang “cần” có một “anh hùng”. Anh hùng đó hoàn toàn không phải là nhân vật lịch sử và câu chuyện anh hùng đó cũng không phải là tư liệu lịch sử - như một số người nhầm lẫn do vô tình vì không phải là người nghiên cứu lịch sử, do không có đủ tư liệu chính xác nhưng cũng có khi hữu ý với một ý đồ hoàn toàn phi lịch sử. Nhưng hiện thực “tạo” anh hùng lại là một phần của lịch sử giai đoạn đó, cần nghiên cứu thấu đáo.
Ở Việt Nam, huyền sử nhiều khi lẫn với lịch sử và ngược lại - những chi tiết lịch sử (có thể là việc vua dẫn quân đi đánh trận) được “thiêng hóa” (có thần báo mộng nên giành chiến thắng) trở nên mờ ảo lung linh, khó có thể kiểm định, xác minh bằng chứng cứ. Có những nhân vật từ huyền sử bước vào những trang lịch sử. Chuyện này đã có nhiều trong quá khứ và vẫn có cả trong thời hiện đại. Trong nhiều tình huống, đòi hỏi “bạch hóa” hoặc “thiêng hóa” một chi tiết hoặc một nhân vật lịch sử đều là thái quá và trở nên siêu hình (về phương pháp) khi không đặt các chi tiết hoặc nhân vật đó trong cả bối cảnh lịch sử rộng lớn hơn - tại nơi/khi nó đã được sinh ra.
Câu chuyện truy nguyên về “lý lịch” của Kinh Dương Vương gần đây là một thí dụ. Dường như hình tượng huyền thoại đang được thờ là Kinh Dương Vương có một nguồn gốc sai lạc so với sự tôn kính. Đáng chú ý là luận điểm này cũng đã một lần được nêu bởi một giáo sư nước ngoài. Ông cho rằng từ thời trung đại Việt Nam đã có việc “kiến tạo truyền thống” mặc dù chính các sử gia và cả chính trị gia thời phong kiến cũng đã có phê phán việc “kiến tạo” này. Nhưng kể cả khi hình tượng (có thể) có những sai lệch theo quan điểm của những nhà nghiên cứu (đòi) thực chứng thì nó vẫn “thiêng” trong cả đền đài và tâm thức nhân dân. Khi cả dân tộc cần đoàn kết, nhân tâm cần “quy về một mối” sẽ/đã dẫn đến việc sinh ra một (và chỉ một) “Quốc tổ”. “Quốc tổ” đó đã bước từ huyền thoại vào lịch sử với diện mạo của một người. Dù các chứng cứ, hiện vật khảo cổ học đã chứng minh sự tồn tại của một nền văn minh khá rực rỡ trong thời đại đó thì việc (cố) tìm đầy đủ và rõ ràng lý lịch cá nhân (chính xác như thời nay) của các vị thủ lĩnh cho đến nay vẫn là điều không thể. Nhưng dù không thể có một “bản lý lịch” thật cụ thể, những vị thủ lĩnh đó vẫn thiêng liêng tồn tại trong tâm thức dân gian mà không cần (đòi) phải chứng minh bằng kỹ thuật xác minh ADN hiện đại.
Hoặc chi tiết hóa tên húy, tên hiệu, số năm ở ngôi của 18 đời Vua Hùng trong dịp Giổ Tổ năm vừa qua (mà chẳng biết những điều này ghi chép ở đâu) trên một số trang báo mạng - có vẻ như làm cho con cháu “rõ” hơn về các vị Vua Hùng (!) - thực ra chỉ là sự diễn giải lịch sử một cách tùy tiện. Đơn giản là vì cho tới nay chưa phát hiện được tư liệu xác tín nào để minh chứng cho những chi tiết được “vẽ” ra như vậy. Khi cả xã hội đang còn phải vật lộn với những lo toan thiết thực cận kề thì những bàn tán như vậy thật vô bổ và chỉ thêm làm nhiễu loạn nhân tâm.
3. Yêu cầu hiểu biết về quá khứ luôn là một đòi hỏi của con người. Nhưng con người và cả xã hội không chỉ dừng lại ở chỗ nhận biết mà còn yêu cầu được giải thích, làm sáng tỏ ý nghĩa của các sự kiện, hành vi, nhân vật lịch sử. Nhà sử học Nga O. Va-in-xten viết “Lịch sử là sự tập hợp những tấm gương để cho người ta bắt chước những hành vi tốt và tránh đi những hành vi xấu” (Sử học Tây Âu thời Trung đại, Matxcova, 1962). Ý kiến này cũng đồng nhất với các nhà sử học Việt Nam. Để động viên nhân dân trong cuộc đấu tranh giành lại độc lập dân tộc, từ năm 1942, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã viết: “Dân ta phải biết sử ta. Sử ta dạy cho ta những chuyện vẻ vang của tổ tiên ta. Dân tộc ta là con Rồng, cháu Tiên, có nhiều người tài giỏi,... yêu dân trị nước tiếng để muôn đời”; “Sử ta dạy cho ta bài học này: Lúc nào dân ta đoàn kết muôn người như một thì nước ta độc lập tự do. Trái lại lúc nào dân ta không đoàn kết thì bị nước ngoài xâm lấn…” (Hồ Chí Minh (2011) - Toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội, tập 3, tr 255; 256).
Những bài học, kinh nghiệm lịch sử từ quá khứ vẫn mang những giá trị to lớn với xã hội hiện tại. Sự khách quan và tính trung thực chính là điều làm cho sử học hấp dẫn. Sự hứng thú khi đọc (học) sử cũng bắt nguồn từ đó. Việc làm sử cho đúng là điều đầu tiên quyết định những giá trị. Người làm sử trước tiên cần khách quan và trung thực. Người làm sử vừa cần có nhân, có trí vừa cần có dũng để nói lời ngay thẳng và chép đúng việc thật. Trước cũng vậy và nay vẫn vậy. Điều đó cần cho hôm nay và cho cả muôn đời con cháu mai sau để tri thức lịch sử không giả dối khi đồng hành cùng dân tộc. Nhưng lịch sử cũng không cần và không chấp nhận việc “xét lại lịch sử” với một tầm nhìn hẹp hoặc với cái tâm không trong sáng.
Thiên Phương
Điện tử