Với chủ trương, đường lối, chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, công tác xây dựng nền công nghiệp quốc phòng (CNQP) Việt Nam “chủ động, tự lực, tự cường, lưỡng dụng, hiện đại” đã đạt được những thành tựu quan trọng, từng bước định vị giá trị nền CNQP Việt Nam trên bản đồ thế giới. Thế nhưng các thế lực thù địch, thiếu thiện chí không bao giờ từ bỏ mục tiêu chống phá, cố tình phủ nhận, bôi đen, song đã bị minh chứng sinh động, thuyết phục của CNQP Việt Nam dập tắt.
Luận điệu lạc lõng, âm thanh "lạc nhịp"
Vừa qua, Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024 đã thành công rực rỡ, được nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Chỉ ít ngày ngắn ngủi nhưng triển lãm đã đón hơn 260.000 lượt người tham quan. Thông qua triển lãm, nhân dân nói chung và các chuyên gia trong và ngoài nước đều đánh giá cao, bày tỏ sự cảm phục, niềm tự hào trước sự phát triển của CNQP Việt Nam và sức mạnh của Quân đội ta. Đặc biệt, qua triển lãm, các đơn vị của Tổng cục CNQP, Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội (Viettel) đã ký kết 16 hợp đồng với tổng giá trị hơn 286 triệu USD và 17 thỏa thuận hợp tác chiến lược giữa CNQP Việt Nam và doanh nghiệp của các nước có nền công nghiệp phát triển như Mỹ, Ấn Độ, Pháp, Bỉ... Triển lãm được truyền thông trong nước và quốc tế đưa tin nổi bật trên tất cả loại hình, qua đó khẳng định giá trị, góp phần lan tỏa mạnh mẽ hình ảnh tốt đẹp về đất nước, con người Việt Nam, về Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng với bạn bè quốc tế.
Thế nhưng, một số hãng truyền thông được "giật dây" của thế lực thù địch và cá nhân thiếu thiện chí, các tổ chức phản động ở nước ngoài với mưu đồ đen tối, tâm địa xấu xa cố tình xuyên tạc, phủ nhận thành tựu, hạ thấp uy tín của CNQP Việt Nam.
Giọng điệu lạc lõng, nực cười, khi họ cho rằng: Triển lãm quân sự "không giúp người dân tin tưởng vào Quân đội", CNQP Việt Nam “đầu tư chắp vá” nên không có khả năng tự chủ, vẫn trong “vòng luẩn quẩn của câu chuyện ốc vít” mà thôi. Những phần tử cơ hội chính trị còn quy chụp rằng, cuộc triển lãm lần này chỉ mang tính tuyên truyền để “ru ngủ” nhân dân; “khỏa lấp đi những yếu kém” của mình nhiều hơn là khẳng định năng lực tự chủ về công nghệ quân sự...
Đó là những giọng điệu "lạc lõng", âm thanh "lạc nhịp” trong bài ca hùng tráng của CNQP Việt Nam. Nó mang tính phiến diện, thiếu khách quan, thể hiện thái độ định kiến đối với những nỗ lực và thành tựu của nền CNQP Việt Nam nói chung, Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024 nói riêng. Mục tiêu của những kẻ hô hào yếu đuối này nhằm hạ thấp uy tín, năng lực, trình độ, khả năng tự chủ và thành tựu đáng tự hào của CNQP Việt Nam; phá hoại quan hệ hợp tác của các doanh nghiệp quốc phòng nước ta với các đối tác nước ngoài trong lĩnh vực quan trọng, giàu tiềm năng này.
Những thành tựu công nghiệp quốc phòng không thể phủ nhận
Thứ nhất, thành tựu nền CNQP Việt Nam là hệ quả tất yếu của đường lối, chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước ta về phát triển CNQP trong thời kỳ mới.
Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng luôn đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện phát triển nền CNQP nước nhà gắn với xây dựng Quân đội, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc. Trong thời kỳ đổi mới, Đảng ta xác định rõ định hướng chiến lược: Phát triển nền CNQP theo hướng chủ động, tự lực, tự cường, lưỡng dụng và hiện đại, trở thành mũi nhọn của công nghiệp quốc gia. Mục tiêu là làm chủ công nghệ tiên tiến để xây dựng Quân đội hiện đại, bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa.
Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản pháp luật nhằm đổi mới, hội nhập và nâng cao hiệu quả quản lý CNQP, tích cực cải cách hành chính, bảo đảm tính khả thi trong triển khai thực hiện. Các cơ chế, chính sách đặc thù và chương trình hợp tác khoa học-công nghệ; hệ thống quản lý và cơ sở CNQP được kiện toàn đồng bộ; các doanh nghiệp quốc phòng được tái cơ cấu theo hướng tinh gọn, hiệu quả... Đây là hành lang, thể chế quan trọng, thể hiện sự quan tâm và tư duy, tầm nhìn chiến lược của Đảng, Nhà nước ta trong phát triển CNQP thời kỳ mới, tạo điều kiện để CNQP Việt Nam bứt phá và phát triển.
Thứ hai, thành tựu của CNQP Việt Nam toàn diện, vững chắc và có bước đột phá.
Từ công tác nghiên cứu sản xuất, sửa chữa, cải tiến, hiện đại hóa vũ khí, trang bị kỹ thuật; thực hiện chủ trương phát triển lưỡng dụng đến công tác phát triển nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao và hoạt động hợp tác quốc tế về CNQP đều đạt những thành tựu nổi bật. Hơn một thập kỷ qua, ngành CNQP Việt Nam đã đạt được những bước tiến vượt bậc khi làm chủ công nghệ, thiết kế và sản xuất nhiều loại vũ khí, trang bị kỹ thuật hiện đại, đáp ứng yêu cầu tác chiến của Quân đội, tiêu biểu như: Các tổ hợp tên lửa tiên tiến, radar thế hệ 3; hệ thống tự động hóa chỉ huy phòng không-không quân, máy bay trinh sát không người lái; tàu ngầm quân sự cỡ nhỏ; xe thiết giáp; các loại súng đạn chống tăng, đạn pháo; khí tài quan sát ngày đêm; trang bị thông tin thế hệ mới... đã minh chứng cho sự phát triển mạnh mẽ của nền CNQP Việt Nam.
Đội ngũ nhân lực trong ngành CNQP Việt Nam có bước tiến vượt bậc cả về số lượng lẫn chất lượng. Tính đến đầu năm 2022, số cán bộ có trình độ tiến sĩ trở lên tăng gần 2,4 lần so với năm 2011. Các nhóm nghiên cứu mạnh và tiềm năng được hình thành, tập trung vào những lĩnh vực then chốt như vũ khí bộ binh, đóng tàu, chế tạo tên lửa và phát triển trang thiết bị công nghệ cao, khẳng định sự phát triển toàn diện của ngành. Đại hội XIII của Đảng đánh giá: “CNQP, an ninh được tập trung đầu tư phát triển, sản xuất được nhiều loại phương tiện, thiết bị, vũ khí, công cụ hỗ trợ phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh và nhiều thiết bị máy móc, sản phẩm dân dụng chiếm được chỗ đứng vững chắc trên thị trường”(1), góp phần khẳng định tầm quan trọng và giá trị của ngành CNQP trong sự nghiệp xây dựng Quân đội, bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa.
Thứ ba, CNQP Việt Nam từng bước khẳng định năng lực tự chủ trong nghiên cứu, chế tạo, sản xuất và bước đầu định vị giá trị của mình trong hệ sinh thái công nghệ quốc phòng thế giới.
Những năm gần đây, ngành CNQP Việt Nam có những bước đột phá trong nghiên cứu, thiết kế, chế tạo và sửa chữa vũ khí, trang bị kỹ thuật, đáp ứng một phần nhu cầu trong nước, giảm đáng kể sự phụ thuộc vào nhập khẩu, góp phần tiết kiệm ngân sách nhà nước. Theo lãnh đạo Tổng cục CNQP, trong 10 năm qua, 80% vũ khí và trang bị được đưa vào sử dụng xuất phát từ các đề tài nghiên cứu trong nước.
Sự xuất hiện của các loại vũ khí, khí tài hiện đại, đa dạng do Việt Nam tự chủ nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, sản xuất tại Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024, như: Radar cảnh giới tầm gần, radar 3D phòng không cấp chiến thuật, radar phòng không tầm trung; tổ hợp trinh sát, gây nhiễu chống phương tiện bay không người lái cấp chiến thuật; tổ hợp tên lửa đất đối hải Trường Sơn gồm bệ phóng, tên lửa hành trình Sông Hồng, radar phát hiện và chỉ thị mục tiêu được đặt trên khung gầm xe việt dã; xe chiến đấu bộ binh XCB-01; các UAV trinh sát, cảm tử, đa năng. Đặc biệt, máy bay huấn luyện TP-150 lần đầu ra mắt công chúng-chiếc máy bay đầu tiên được sản xuất tại Việt Nam bởi một công ty Việt Nam là minh chứng sống động cho năng lực tự chủ và sự phát triển vượt bậc của CNQP Việt Nam.
Không chỉ tự chủ đáp ứng nhu cầu hiện đại hóa Quân đội, CNQP Việt Nam còn chứng minh khả năng vươn ra thị trường quốc tế. Thứ trưởng Bộ Quốc phòng và cựu chiến binh Nam Phi Richard Hlophe khi tham dự Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024, đã nhận định: “Tôi đánh giá rất cao nền CNQP của Việt Nam. Các loại vũ khí, khí tài mới của các bạn rất tiên tiến. Đó là lý do tại sao chúng tôi sẽ hợp tác với Việt Nam để cả hai bên có thể cùng nhau phát triển”. Qua triển lãm và trao đổi giữa các đoàn, Việt Nam đã ký kết hàng chục hợp đồng trị giá hàng trăm triệu USD; thiết lập hàng loạt thỏa thuận hợp tác chiến lược với các doanh nghiệp quốc phòng đến từ những quốc gia có nền công nghiệp phát triển, đồng thời mở ra hướng phát triển mới là minh chứng sinh động đối với nền CNQP Việt Nam và Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam.
Thứ tư, ngành CNQP không chỉ đóng vai trò quan trọng trong việc bảo đảm quốc phòng, an ninh mà còn góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam.
Với việc làm chủ công nghệ hiện đại và phát triển sản xuất trong nước, ngành CNQP góp phần quan trọng giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu, tiết kiệm nguồn lực và tối ưu hóa ngân sách nhà nước. Nhiều sản phẩm quốc phòng không chỉ phục vụ nhu cầu trong nước mà còn được xuất khẩu, tạo nguồn thu cho quốc gia, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Bên cạnh đó, ngành CNQP đã tạo việc làm cho hàng chục nghìn lao động. Các dự án và cơ sở sản xuất quốc phòng góp phần phát triển hạ tầng, cải thiện đời sống nhân dân ở các địa phương, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, đóng góp vào sự phát triển bền vững của đất nước. Trung bình mỗi năm, các doanh nghiệp Quân đội đã tạo ra khoảng 5% GDP và đóng góp cho ngân sách nhà nước từ 40.000-50.000 tỷ đồng, bằng khoảng 25% đóng góp của các doanh nghiệp nhà nước.
Như vậy, thành tựu của CNQP Việt Nam đã đạt được thời gian qua là toàn diện, vững chắc, có bước đột phá mạnh mẽ, đã và đang khẳng định vị thế của mình trong hệ sinh thái công nghệ quốc phòng toàn cầu. Những luận điệu xuyên tạc thành tựu CNQP Việt Nam chỉ là những luận điệu lạc lõng, âm thanh “lạc nhịp”, phiến diện của thiểu số những kẻ mang định kiến và thiếu hiểu biết về Quân đội nhân dân Việt Nam và CNQP Việt Nam.
Trung tá, TS LƯƠNG THANH DUY, Trường Sĩ quan Lục quân 1
QĐND