Cách nhận biết và sơ cứu khi sốc nhiệt do nắng nóng

Trong những ngày thời tiết nắng nóng, những người làm việc ngoài trời, tiếp xúc với môi trường nhiệt độ cao dễ bị sốc nhiệt, thậm chí có thể nguy hiểm tới tính mạng nếu không được sơ cứu kịp thời.

Cách nhận biết và sơ cứu khi sốc nhiệt do nắng nóng
Người dân cần bảo vệ sức khoẻ trong những ngày nắng nóng. Ảnh: TTXVN

TS.BS Phạm Đăng Hải, Phó Chủ nhiệm Khoa Hồi sức nội và chống độc, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết: Sốc nhiệt có thể làm tổn thương đa cơ quan, bao gồm: Hệ thần kinh trung ương, hô hấp, tuần hoàn, gan, thận và huyết học, gây ra tình trạng suy đa tạng nhanh chóng nếu không được xử trí y tế kịp thời, thậm chí tử vong. Vì vậy, việc hiểu biết kiến thức về sốc nhiệt, dấu hiệu nhận biết sớm, cấp cứu kịp thời cũng như dự phòng sốc nhiệt là hết sức quan trọng, giúp hạn chế di chứng và tử vong.

Theo TS.BS Phạm Đăng Hải, một số dấu hiệu nhận biết sớm người bị sốc nhiệt gồm: Biểu hiện rối loạn ý thức như hôn mê, cơn động kinh; rối loạn hô hấp như khó thở, suy hô hấp; rối loạn tim mạch như rối loạn nhịp tim, hạ huyết áp, thiểu niệu, kèm theo mệt mỏi, đau đầu, đỏ mặt, có thể nôn mửa, ỉa chảy, nhiệt độ cơ thể trên 40 độ C, da nóng và khô.

Khi gặp các trường hợp này, ngay lập tức cần giúp người bệnh hạ thân nhiệt và hỗ trợ suy chức năng các cơ quan, bằng cách khẩn trương đưa người bệnh ra khỏi môi trường nóng, chuyển tới nơi bóng râm, mát, cởi bỏ quẩn áo…

Người bị sốc nhiệt cần được hạ nhiệt bằng các cách như: Đặt bệnh nhân trong phòng lạnh 20 - 22 độ C và quạt mát; xối nước lạnh 25 - 30 độ C vào bệnh nhân hoặc phủ gạc ướt (lạnh 20-25 độ C) vào bệnh nhân và quạt; có thể ngâm bệnh nhân vào nước lạnh 20 - 25 độ C, để đầu trên mặt nước, theo dõi sát chức năng sống; đặt các túi chườm đá vào vùng bẹn, nách, cổ của bệnh nhân.

Cùng với khẩn trương hạ than nhiệt cho bệnh nhân, cần nhanh chóng vận chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất, vừa vận chuyển vừa hạ nhiệt cho bệnh nhân.

Để phòng tránh sốc nhiệt ngày nắng nóng, bác sĩ lưu ý, những đối tượng có nguy cơ như: Trẻ em, người già, người có bệnh lý nền (như bệnh tim mạch, hô hấp, nội tiết, chuyển hóa, cơ thể suy kiệt) cần chú ý có các biện pháp chống nắng nóng, tập luyện phù hợp. Nhất là với người già, người có bệnh nền không không được tập luyện trong điều kiện thời tiết quá nóng.

Vào ngày nắng nóng, người dân có thể thay đổi thời gian luyện tập thể lực vào lúc mát, giảm bớt vận động thể lực vào lúc thời tiết quá nóng.

Với trường hợp những người bắt buộc phải lao động, sinh hoạt dưới thời tiết nắng nóng, người dân cần uống đủ nước và muối, che kín cơ thể bằng cách mặc quần áo rộng, nhẹ, thoáng và sáng màu, đội mũ rộng vành, sử dụng kem chống nắng để hạn chế tác hại của nắng nóng với sức khoẻ.

Theo baotintuc.vn

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy