Tăng cường phòng, chống sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông

Do chưa thực sự thấy hết sự nguy hại, gây hậu quả khôn lường của việc uống rượu, bia khi lái xe có thể gây ra cho bản thân và xã hội nên nhiều người mới chỉ dừng lại ở mức độ “đối phó” với cơ quan chức năng mà chưa thực sự tự giác chấp hành nghiêm quy định về vấn đề này.

Lực lượng cảnh sát giao thông (Công an tỉnh) kiểm tra nồng độ cồn của người điều khiển phương tiện giao thông.

Theo các chuyên gia y tế, cồn là chất gây ảo giác nặng với hệ thần kinh, làm hệ thần kinh mất khả năng tự chủ, mất sự tập trung, phán đoán, giảm tầm nhìn, chậm thời gian phản xạ... Trong trường hợp người điều khiển phương tiện giao thông sử dụng rượu, bia, nồng độ cồn trong rượu, bia tác động vào thần kinh khiến người điều khiển phương tiện không làm chủ và dễ gây ra tai nạn. 

Luật Giao thông đường bộ quy định: Cấm hoàn toàn việc sử dụng rượu, bia đối với lái xe ôtô khi tham gia giao thông; hạn chế đến mức rất thấp nồng độ cồn trong máu đối với người đi xe máy. 

Theo thống kê của Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh, trong 118 vụ TNGT xảy ra trên địa bàn từ đầu năm đến nay có 10% người điều khiển phương tiện sử dụng rượu, bia. Để ngăn chặn, hạn chế tình trạng sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông, các ngành chức năng của tỉnh đã tổ chức tuyên truyền sâu rộng để người dân hiểu tác hại, ảnh hưởng của rượu, bia khi điều khiển phương tiện giao thông; tăng mức xử phạt đối với những vi phạm nhằm tạo sự chuyển biến về nhận thức trong cộng đồng. Đồng thời, phát hơn 15 nghìn decan tuyên truyền "đã uống rượu bia không lái xe", hơn 20 nghìn tờ rơi tuyên truyền về tác hại của rượu, bia kết hợp với tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh… 

Ngành chức năng, nòng cốt là lực lượng CSGT đã tăng cường, bổ sung lực lượng, phương tiện, thiết bị, kỹ thuật nghiệp vụ nhằm kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện giao thông. Thời gian tiến hành tuần tra, xử lý vi phạm tập trung vào ngày nghỉ cuối tuần, nghỉ lễ, sau bữa cơm trưa, cơm tối. Không chỉ thường xuyên thay đổi địa điểm kiểm tra, xử lý vi phạm, lực lượng CSGT còn lập chốt tại khu vực gần các nhà hàng, quán nhậu để tiến hành dừng xe, kiểm tra nhằm ngăn chặn kịp thời những vi phạm pháp luật về giao thông có thể xảy ra. 

Từ đầu năm đến nay, qua tuyên truyền, tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ, lực lượng CSGT đã phát hiện, xử lý 312 trường hợp vi phạm, phạt tiền hơn 1 tỷ đồng, tạm giữ 312 phương tiện.

Đối với hành vi vi phạm này, lực lượng chức năng kiên quyết lập biên bản, giữ phương tiện và hướng dẫn người sử dụng rượu, bia ra về an toàn, tuyệt đối không để người say rượu tiếp tục điều khiển phương tiện, hạn chế tai nạn đáng tiếc xảy ra. Giải pháp này đã từng bước nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân, hạn chế sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông, góp phần giảm vi phạm pháp luật, nhận được sự đồng thuận cao của toàn xã hội. 

Bà Trần Thị Cẩm (tổ 6, phường Lê Hồng Phong, TP. Phủ Lý) cho biết: Tôi đã từng bị hai đối tượng điều khiển xe máy có sử dụng bia, rượu va phải, gây chấn thương cột sống và để lại di chứng. Do vậy, rất mong lực lượng CSGT tiếp tục tăng cường và duy trì nghiêm việc kiểm tra, xử lý vi phạm nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện giao thông. Việc làm này không chỉ bảo vệ tính mạng, tài sản cho người đã sử dụng rượu, bia khi điều khiển phương tiện mà còn đảm bảo an toàn cho những người xung quanh.

Cứ vào khoảng 19 đến 22 giờ trong ba ngày cuối tuần, nhiều người đi đường đã quen thuộc với hình ảnh cán bộ, chiến sĩ CSGT tuần tra, kiểm soát, xử lý người điều khiển phương tiện giao thông vi phạm nồng độ cồn trên nhiều tuyến đường của thành phố Phủ Lý, nhất là tại ngã ba chân cầu Hồng Phú và trên các đường Lý Thường Kiệt, Lý Thái Tổ, phường Lê Hồng Phong nơi thường xuyên có một lượng lớn xe ô tô lưu thông qua lại. Theo đó, tất cả ô tô lưu thông qua đây đều được lực lượng CSGT hướng dẫn vào khu vực kiểm tra nồng độ cồn. 

Thiếu tá Phạm Việt Hưng (Đội trưởng Đội CSGT trật tự, Công an thành phố Phủ Lý) cho biết: Thành phố là nơi tập trung nhiều nhà hàng, quán ăn, nhất là vào dịp cuối tuần lượng khách tụ tập tổ chức tiệc, ăn uống đông, ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình trật tự an toàn giao thông trên địa bàn. Chính vì vậy, từ đầu năm đến nay, Công an thành phố Phủ Lý đã tổ chức 3 đợt cao điểm tập trung lực lượng triển khai đồng bộ các giải pháp tuyên truyền kết hợp với xử lý nghiêm trường hợp vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông nhằm răn đe, phòng ngừa.

Qua tuần tra, kiểm tra, CSGT thành phố đã phát hiện, xử lý 137 trường hợp sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông, phạt trên 354 triệu đồng. Qua tăng cường xử lý vi phạm, số vụ TNGT liên quan đến nồng độ cồn trên địa bàn thành phố từng bước được kiềm chế (giảm 20% so với năm 2018).

Bên cạnh kết quả đạt được, việc xử lý vi phạm quy định về nồng độ cồn vẫn còn gặp không ít khó khăn. Bởi lẽ, khi đã uống rượu, bia, đặc biệt là uống quá nhiều, người điều khiển phương tiện giao thông thường không làm chủ được hành vi, dẫn đến gây rối, không hợp tác với lực lượng chức năng. Nhiều trường hợp lái xe khi được yêu cầu dừng xe kiểm tra, không những không chấp hành mà còn cố tình vòng vo, trốn tránh. 

Theo nhiều cán bộ, chiến sĩ CSGT trực tiếp làm nhiệm vụ, quá trình kiểm tra, phần lớn lái xe chấp hành quy định kiểm tra, xử lý vi phạm. Tuy nhiên, vẫn còn một số trường hợp gây khó khăn bởi quá say, không làm chủ được bản thân hoặc sợ bị phạt nên cố tình tìm cách đối phó, khiến cán bộ, chiến sĩ phải kiên trì nhắc nhở, hướng dẫn nhiều lần mới thực hiện đúng. Có trường hợp còn lăng mạ, xúc phạm, chống đối người thi hành công vụ, ảnh hưởng đến hoạt động giao thông.

Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia được Quốc hội khóa XIV thông qua tại Kỳ họp thứ 7 và chính thức có hiệu lực từ 1/1/2020. Đây là cơ sở pháp lý có ý nghĩa quan trọng đối với công tác bảo đảm trật tự ATGT trong bối cảnh ngày càng xảy ra nhiều vụ TNGT liên quan đến việc sử dụng rượu, bia, gây hậu quả rất nghiêm trọng. Do vậy, việc cấm “Điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”, tức là đã sử dụng rượu, bia không được điều khiển phương tiện giao thông sẽ được thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ hơn. Quy định này cũng mở rộng đối tượng không được sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông, tạo hành lang pháp lý và chế tài nghiêm khắc để xử lý nghiêm minh người vi phạm, ngăn chặn những vụ TNGT đáng tiếc xảy ra.                          

Mai Hương

Mai Hương

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy