Kiểm tra, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông

Thời gian qua, mặc dù công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, xử lý vi phạm đối với người sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông đã được chú trọng, đẩy mạnh, nhưng ý thức của người dân vẫn còn ở mức độ, vi phạm vẫn diễn ra phổ biến. Thực tế trên không chỉ đòi hỏi sự tích cực vào cuộc hơn nữa của lực lượng chức năng, mà mỗi người dân cũng cần tự giác nâng cao ý thức, trách nhiệm vì sự an toàn của bản thân và cộng đồng, từng bước xây dựng văn hóa giao thông.

Năm 2020, Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia và Nghị định 100 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt chính thức có hiệu lực thi hành. Thực hiện quy định mới, cơ quan chức năng, lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) đã tích cực thực hiện tốt công tác tuyên truyền; tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm đối với người tham gia giao thông có sử dụng rượu, bia. 

Kiểm tra xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông
Cán bộ Đội Cảnh sát giao thông - Trật tự, Công an TP Phủ Lý kiểm tra nồng độ cồn của người điều khiển phương tiện giao thông.

Sau gần 2 năm thực hiện, lực lượng chức năng của tỉnh đã kiểm tra, xử lý 702 trường hợp người điều khiển phương tiện giao thông vi phạm nồng độ cồn, phạt tiền gần 3,8 tỷ đồng. Nhờ đó, nhận thức, trách nhiệm của người dân đối với việc sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông có chuyển biến tích cực; tình hình vi phạm và TNGT do người điều khiển phương tiện giao thông vi phạm nồng độ cồn trên địa bàn có chiều hướng giảm. 

Trung tá Phạm Việt Hưng, Đội trưởng Đội CSGT - Trật tự, Công an TP Phủ Lý cho biết: Trước đây phương tiện tham gia giao thông chủ yếu là xe đạp, việc người tham gia giao thông có thói quen sử dụng rượu, bia không ảnh hưởng nhiều đến trật tự ATGT, nhưng nay phương tiện giao thông phần lớn là ô tô, xe máy, tốc độ di chuyển cao thì TNGT xảy ra nhiều hơn, mức độ nghiêm trọng hơn. Trong khi đó, hệ thống giao thông đường bộ liên hoàn, lực lượng chức năng mỏng, do vậy khi lập chốt kiểm tra nồng độ cồn thì người vi phạm tìm cách đi đường vòng tránh né, gây khó khăn trong xử lý vi phạm. Thiết bị kỹ thuật chuyên dụng để kiểm tra nồng độ cồn lạc hậu, không đo được chỉ số nồng độ cồn theo yêu cầu hoặc phải thổi nhiều lần mới hiện chỉ số… 

Thời gian gần đây, do phải thực hiện quy định về phòng chống dịch bệnh nên công tác kiểm tra, xử lý vi phạm nồng độ cồn còn ở mức độ, dẫn đến người tham gia giao thông lơ là, thiếu ý thức tự giác trong chấp hành. Quan sát một số tuyến phố có nhiều nhà hàng, quán ăn trên địa bàn TP Phủ Lý không khó để bắt gặp hình ảnh nhiều người điều khiển phương tiện giao thông đến quán nhậu, sau cuộc nhậu, họ tiếp tục tự điều khiển phương tiện tham gia giao thông.

Điều này vô tình đặt chính bản thân họ và những người xung quanh vào tình huống thiếu an toàn. Một trường hợp sau khi sử dụng rượu bia điều khiển phương tiện giao thông bị lực lượng chức năng phát hiện, xử lý cho biết: Khi Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia, Nghị định 100 của Chính phủ mới có hiệu lực, tôi cũng rất nghiêm túc chấp hành, nhưng vì công việc thường xuyên phải gặp gỡ đối tác nên thi thoảng tôi vẫn uống rượu, bia rồi lái xe tham gia giao thông. Giờ bị lực lượng kiểm tra, phát hiện, xử lý vi phạm, bị tước giấy phép lái xe trong nhiều tháng, bản thân tôi sẽ nghiêm túc rút kinh nghiệm, chấp hành nghiêm quy định pháp luật khi tham gia giao thông.

Vì sự bình yên của mỗi gia đình, vì trật tự an toàn của xã hội, thời gian tới, Ban ATGT tỉnh tiếp tục tham mưu với UBND tỉnh tập trung chỉ đạo quyết liệt việc đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức người dân về hậu quả, tác hại của rượu bia khi tham gia giao thông; vận động người dân nghiêm chỉnh chấp hành  quy định của pháp luật về trật tự ATGT.

Lực lượng CSGT tỉnh cũng sẽ tiếp tục huy động tối đa nhân lực, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ tăng cường tuần tra, kiểm soát trên các tuyến, địa bàn phức tạp về trật tự ATGT; tập trung xử lý những vi phạm là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến TNGT, như: sử dụng rượu, bia, ma túy, chạy quá tốc độ, chuyển hướng không quan sát, lạng lách, đánh võng…; kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm gắn với thực hiện nghiêm quy định phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trong quá trình kiểm tra, xử lý vi phạm. Với những trường hợp vi phạm không chấp hành, cản trở, chống đối người thi hành công vụ sẽ lập biên bản, để làm căn cứ xử lý theo quy định của pháp luật. Những trường hợp vi phạm nồng độ cồn, ma túy ở mức cao, lực lượng chức năng sẽ gửi thông báo về nơi cư trú hoặc cơ quan công tác.

Để khẩu hiệu “Đã uống rượu, bia thì không lái xe” trở thành nét đẹp văn hóa khi tham gia giao thông, mỗi người dân hãy nói không với rượu, bia trước khi tham gia giao thông, góp phần mang lại nụ cười, hạnh phúc, sự bình yên cho bản thân, gia đình và cộng đồng xã hội.

Lê Mai

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy