Thứ trưởng Trần Quốc Tỏ nêu ba nguyên nhân khiến người dân chậm nhận thẻ căn cước gắn chíp, trong đó lớn nhất là khai báo, nhập dữ liệu sai.
Giải trình tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 11/7 về công tác dân nguyện tháng 5 và tháng 6, Thứ trưởng Trần Quốc Tỏ cho biết tính đến 10/7, Bộ Công an đã cấp hơn 67 triệu thẻ căn cước công dân. Tuy nhiên, trong quá trình này xảy ra nhiều lỗi dẫn đến việc người dân ở một số khu vực chậm được nhận.
Lỗi thứ nhất được ông Tỏ đề cập là người dân khai báo sai địa chỉ, số điện thoại hoặc khai báo không đầy đủ khi thay đổi nơi thường trú. Nhiều nguyên nhân dẫn đến việc này, "có thể từ phía công an nhập sai số liệu hoặc người dân đến khai báo". Từ đây, thông tin phải xác minh nhiều lần, ảnh hưởng tiến độ cấp.
Thông tin không thống nhất giữa khai báo online và khai báo trực tiếp là nguyên nhân thứ hai, song Bộ Công an xác định đây "là khách quan". "Thông tin không sạch, không đúng, không đủ sẽ không thể nhập vào hệ thống. Việc này đang chỉnh lại", ông Tỏ nói.
Lỗi thứ ba, một số cơ quan công an các địa phương nhập liệu không đầy đủ, khiến bộ phận tổng hợp, phân loại gặp nhiều khó khăn. Điều này làm mất thêm thời gian bổ sung.
Để khắc phục, Bộ Công an cho biết đã yêu cầu công an các địa phương tăng cường nghiệp vụ trong tiếp nhận hồ sơ. Các đơn vị, cá nhân có thông tin còn sai sót cần được công an thông báo kịp thời để giải quyết, hướng dẫn.
Cuối năm 2021, nhiều người phản ánh làm căn cước công dân gắn chíp "vài tháng chưa được trả". Một số trường hợp thì bị sai thông tin khiến mất thời gian đi chỉnh sửa giữa nơi thường trú và tạm trú.
Trước việc này, Bộ Công an từng giải thích do Covid-19 ảnh hưởng đến ngành công nghiệp sản xuất chíp điện tử trên thế giới. Việt Nam phải nhập khẩu chíp nên bị tác động lớn đến tiến độ sản xuất thẻ.
Đại diện Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư thuộc Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06, Bộ Công an) cho biết thêm công an các địa phương từng phải tập trung chống dịch Covid-19 nên chậm trả căn cước. Hơn nữa, dân cư biến động liên tục, dẫn đến giấy tờ tùy thân mâu thuẫn với thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Nhiều trường hợp làm căn cước một nơi, thường trú một nơi khiến việc phối hợp điều chỉnh thông tin khó khăn; có người khai sai hoặc cán bộ nhập nhầm...
Dự án sản xuất, cấp, quản lý căn cước công dân được Thủ tướng phê duyệt đầu tháng 9/2020 với tổng đầu tư 2.800 tỷ đồng, gồm các hạng mục xây dựng trung tâm thu nhận dữ liệu, sản xuất thẻ căn cước gắn chíp điện tử; hệ thống hạ tầng, thiết bị cho công an trên toàn quốc.
Ngày 1/1/2021, công an toàn quốc bắt đầu thu nhận cấp thẻ căn cước cho công dân từ 14 tuổi.
Theo Điều 25 Luật Căn cước công dân, tại các thành phố, thị xã, trong thời hạn 7 ngày làm việc, công an phải trả căn cước cho người dân khi cấp mới, cấp đổi. Người dân có thể làm ở nơi tạm trú và thường trú; có thể nhận thẻ trực tiếp tại nơi làm thủ tục hoặc qua đường bưu điện gửi về nơi ở.
Theo Vnexpress.net