Sinh năm 1991, Lương Đình Thắng, thôn Hòa Thái Thịnh, xã Tràng An, huyện Bình Lục lập gia đình, sinh con trong điều kiện việc làm không ổn định. Anh sang Thái Bình làm việc cho một cửa hiệu chăm sóc sắc đẹp. Cũng từ đây, anh đã tìm thấy một nghề bản thân có thể tự làm, tự phát triển ngay trên chính quê hương mình – nuôi ốc nhồi ao đất.
Thắng về quê, biết có trang trại cá lúa của một nông dân làm ăn không hiệu quả, rộng chừng 4ha. Anh mua lại bằng số tiền dành dụm nhiều năm làm thuê, vay mượn bạn bè, họ hàng thêm. Lương Đình Thắng chia sẻ: “Bắt tay vào làm, nhìn thấy cánh đồng mênh mông nước, cỏ, mình cũng hơi hoang mang. Tuy vậy, mình vẫn có một niềm tin sẽ thành công nên làm việc chăm chỉ hàng ngày. Mình đã đầu tư hơn một tỷ đồng cho trang trại này, từ cải tạo lại các ao, đầm, đến trồng cây, mua con giống… Cách đây 2 năm, mình đã bắt đầu thu hoạch ốc. Số tiền thu về đến giờ cũng được hơn 500 triệu rồi.”
Một mình Thắng cai quản 4ha ao đầm nuôi ốc nhồi. Bố anh làm việc ở nhà, thỉnh thoảng ra giúp con cho ốc ăn, thu hoạch hoa trái, rau màu trồng trên các bờ ruộng. Theo như Thắng kể, con ốc không hề khó nuôi, thức ăn cũng không phải mua tốn kém. Dưới nước nuôi ốc, trên bờ anh trồng đủ mọi loại cây làm thức ăn cho nó. Vì thế, các bờ đầm, ao trong trang trại này xanh mướt cây trái. Mỗi ngày, anh Thắng thu hoạch từ 50 kg ốc thịt trở lên bán cho các cơ sở thu mua thủy sản, nhà hàng. Ngoài ra, anh cũng kinh doanh cả ốc giống, đây chính là nguồn thu lớn để anh duy trì mục tiêu của mình.
Thắng mơ ước: “Tôi đã tìm hiểu rất kỹ các khu, điểm du lịch của mình trên địa bàn tỉnh, ở đó mình có thể cung cấp sản phẩm ốc nhồi cho du khách theo chuỗi nhà hàng ốc nhồi. Tôi nghĩ, sau này tôi sẽ làm việc đó, không chỉ đưa con ốc đến các cơ sở thu mua mà còn đưa lên tận bàn ăn cho khách với nhiều món ăn từ ốc đặc trưng nhất, ngon nhất”
Cách Tràng An không xa, ở xã Đồng Du, một số mô hình sản xuất, chăn nuôi của nông dân đã và đang thu hút sự quan tâm của nhiều người. Theo ông Trần Đình Lâm, Chủ tịch Hội Nông dân xã, hiện nay, trên địa bàn xã đang duy trì phát triển hiệu quả 4 mô hình kinh tế của nông dân. Đầu tiên phải kể đến mô hình trồng bưởi của Tổ hợp tác trồng cây ăn quả của 38 thành viên trên diện tích gần 10 ha. Từ trẻ đến già, các hội viên tổ hợp tác giờ đây đều có kinh nghiệm và kỹ thuật tốt trong trồng trọt, chăm sóc và liên kết tiêu thụ sản phẩm. Ông Nguyễn Văn Tuyết, một lão nông làm nghề trồng bưởi hơn 20 năm cho biết, chính ông là người phát triển vườn bưởi đầu tiên trên diện tích hơn 5 sào.
Những năm đầu thu hoạch, nhà ông không có đủ hàng để bán. Sau này ông giúp bà con trong làng, trong xã mở rộng diện tích để cung ứng thị trường nhiều sản phẩm hơn, đời sống và thu nhập của nông dân nhờ đó cũng nâng cao. Năm 2019, tổ hợp tác trồng cây ăn quả được thành lập nhằm liên kết sản xuất, kinh doanh nông sản cho nông dân hiệu quả và đảm bảo các tiêu chí an toàn. Tổ Hợp tác đã cùng với Hợp tác xã Công nghệ cao Đồng Du xây dựng tiêu chuẩn cho sản phẩm bưởi, thanh long, bí ngô đạt tiêu chí VietGAP.
Chủ tịch Hội Nông dân Trần Đình Lâm chia sẻ: Địa phương đang rất quan tâm đến mô hình trồng nho của HTX Công nghệ cao Đồng Du. Sau một thời gian triển khai xây dựng mô hình, đến nay hơn 2ha nho của HTX đã và đang cho thu hoạch. Cái khó nhất để duy trì mô hình này không phải là thị trường tiêu thụ mà là kỹ thuật làm sao để cây trồng này thích nghi với điều kiện thời tiết ở đây. Vừa qua, trong trận mưa đầu tháng 7, HTX đã bị thiệt hại hơn 5 tấn nho hạ đen do nước mưa… Chúng tôi sẽ cùng với nông dân nghiên cứu, tìm hiểu kỹ hơn về các biện pháp để đảm bảo phát huy hiệu quả của mô hình”
Cho đến nay, toàn huyện Bình Lục có hàng trăm mô hình phát triển kinh tế của nông dân. Những mô hình hiệu quả thường được phát triển trên cơ sở chuyển đổi từ những diện tích đất đai không mang lại thu nhập cho bà con. Việc biến đất đai sản xuất nông nghiệp thành bờ xôi ruộng mật đối với nông dân Bình Lục đã và đang tạo vị thế nông dân trong phát triển nông nghiệp, nông thôn thời kỳ mới.
Ông Lê Ngọc Hanh, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Bình Lục cho rằng, nông dân Bình Lục phát huy tốt phẩm chất lao động cần cù, sáng tạo, khát vọng làm giàu chính đáng. Những năm qua, các cấp hội đã tham gia xây dựng và phát triển nhiều mô hình kinh tế nông nghiệp có hiệu quả, ứng dụng công nghệ cao, gắn sản xuất, kinh doanh nông nghiệp với nông thôn, duy trì các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị trong trồng trọt và chăn nuôi gắn với bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm.
Toàn huyện có 20 tổ hợp tác có các mô hình sản xuất, trồng trọt và chăn nuôi hiệu quả với 287 thành viên tham gia; 7 Hợp tác xã và 7 chi hội, tổ hội nghề nghiệp với trên 200 thành viên tham gia. Đây là các mô hình sản xuất, kinh doanh tập thể của nông dân được thành lập và phát triển theo tinh thần Nghị quyết số 02 của Ban Chấp hành Hội Nông dân tỉnh, đáp ứng nguyện vọng của hội viên tạo điều kiện cho hội viên nông dân tiếp cận các nguồn vốn, kỹ thuật, giao lưu học hỏi kinh nghiệm, mở rộng quan hệ và thị trường, xây dựng lề lối sản xuất kinh doanh hiện đại, phù hợp với xu thế phát triển nông nghiệp công nghệ cao.
Ngày 21/11, Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc Đặng Hoàng Giang đã có cuộc tiếp xúc với Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ) khóa 79 Philemon Yang để trao đổi về các tiến trình quan trọng và ưu tiên sắp tới của ĐHĐ.
Theo Đặc phái viên TTXVN, trong chương trình thăm chính thức Cộng hoà Dominicana, ngày 21/11 (theo giờ địa phương), tại thủ đô Santo Domingo, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tham dự Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Dominicana.
Sau ổ dịch dại trên đàn chó tại xã Thanh Hải, huyện Thanh Liêm xảy ra năm 2015 và 1 ca bệnh dại làm 1 người chết tại xã Đồn Xá, huyện Bình Lục xảy ra năm 2016, từ năm 2017 đến nay, trên địa bàn tỉnh không xảy ra ổ dịch dại nhưng nguy cơ về bệnh dại luôn thường trực khi số lượng người phải tiêm phòng dại hằng năm đều cao.
BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ
Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017
Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam
Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ
Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342
Email: baohanam.dientu@gmail.com
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.