Chính sách hỗ trợ nhà ở cho người có công (NCC) với cách mạng được triển khai thực hiện đồng bộ trên phạm vi toàn quốc theo Quyết định 22/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ NCC với cách mạng về nhà ở (gọi tắt là QĐ22) đã và đang tạo sự ổn định, từng bước cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống cho NCC. Tuy nhiên, để chính sách này được triển khai kịp thời, đúng đối tượng rất cần sự nỗ lực trách nhiệm của các cấp, ngành.
Trong số này, có 2.337 hộ xây mới, 4.834 hộ sửa chữa. Theo quy định QĐ22 của Thủ tướng Chính phủ, kinh phí hỗ trợ xây mới mỗi căn hộ NCC là 40 triệu đồng, sửa chữa là 20 triệu đồng theo nguyên tắc huy động kinh phí từ nhiều nguồn để thực hiện (Nhà nước hỗ trợ, cộng đồng giúp đỡ, hộ gia đình tham gia đóng góp và tự tổ chức xây dựng nhà ở). Sau khi được hỗ trợ, các hộ xây dựng nhà ở mới hoặc sửa chữa, nâng cấp nhà ở bảo đảm diện tích sử dụng tối thiểu 30m2, đáp ứng yêu cầu “3 cứng” (nền cứng, khung - tường cứng, mái cứng).
Tuy nhiên, đến năm 2016, cả tỉnh mới chỉ hoàn thành 30% kế hoạch của đề án, nghĩa là mới chỉ có 2.001 hộ được đáp ứng hỗ trợ xây nhà mới và sửa nhà với kinh phí 67,36 tỷ đồng. Thanh Liêm là địa phương triển khai hỗ trợ được nhiều nhất với tổng số hộ qua 2 đợt là 588 hộ, trong đó sửa chữa nhà 132 hộ, còn lại là xây mới. Tổng kinh phí hỗ trợ là 20,88 tỷ đồng, được chi trả theo đúng quy định.
Lãnh đạo Sở Xây dựng cho biết, năm 2012, theo kết quả giám sát thực hiện chính sách NCC của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trên địa bàn tỉnh, Hà Nam có trên 2.000 hộ NCC phải sống trong nhà tạm, nhà dột cần xây mới, sửa chữa. Nhưng khi QĐ22 được ban hành năm 2013, việc mở rộng phạm vi đối tượng NCC được hỗ trợ nhà ở rộng hơn (12 loại đối tượng), nên con số NCC có nhu cầu được hỗ trợ nhà ở của Hà Nam lên tới trên 7.000 hộ, gấp trên 3 lần kết quả báo cáo của tỉnh với đoàn giám sát.
Kết quả, hết năm 2017, toàn tỉnh có 5.308 nhà được phê duyệt hỗ trợ, gồm 2.417 căn xây mới, 2.817 căn sửa chữa với tổng kinh phí trên 148 tỷ đồng. Đến năm 2018, trước nhu cầu thực tế được khảo sát, đề án đã điều chỉnh tăng số hộ xây mới, giảm số hộ sửa chữa. UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 1689/QĐ-UBND phê duyệt bổ sung số hộ NCC với cách mạng được hỗ trợ về nhà ở với tổng số hộ là 1.405 hộ, trong đó xây mới là 877 hộ, sửa chữa 528 hộ với kinh phí trên 45,6 tỷ đồng. Đến nay, số kinh phí đã được giải ngân là 25,8 tỷ đồng.
Ở Kim Bảng khó khăn trong việc triển khai thực hiện QĐ22 của Thủ tướng Chính phủ còn thêm nguyên nhân từ chính các hộ được nhận hỗ trợ. Ngay bản thân những người được hưởng chính sách do tâm lý muốn chọn ngày, tháng, tuổi tác để làm nhà nên khi gia đình đối tượng có danh sách được hỗ trợ đợt này, nhưng họ không muốn làm vì không hợp tuổi nên cơ hội qua đi. Mặc dù các địa phương đã cố gắng thực hiện đúng quy trình hướng dẫn của cấp trên, nhưng vẫn có một bộ phận không nhỏ người dân, hộ NCC không thỏa mãn, có ý kiến xung quanh vấn đề hỗ trợ. Vì thế, việc tuyên truyền tạo sự đồng thuận từ cơ sở được các cấp, các ngành xác định là giải pháp quan trọng hàng đầu.
Khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện Đề án hỗ trợ NCC với cách mạng về nhà ở là không tránh khỏi, nhưng với sự nỗ lực, trách nhiệm cùng vào cuộc của các cấp, ngành và toàn xã hội, chính sách hỗ trợ nhà ở cho NCC nhanh chóng được đưa vào cuộc sống. Ông Đặng Xuân Hải, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết: “Thời gian càng kéo dài, nhiều đối tượng phải chịu thiệt thòi do tuổi cao, sức yếu. Vì vậy, việc nắm bắt tình hình, nhu cầu thực tế của đối tượng là hết sức quan trọng đòi hỏi sự nỗ lực, trách nhiệm của cơ quan chức năng và mỗi địa phương”.
Theo ông Nguyễn Xuân Đức, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Lục, thực hiện Đề án hỗ trợ NCC với cách mạng về nhà ở, Bình Lục có 1.133 hộ được phê duyệt với tổng kinh phí hỗ trợ 28,980 tỷ đồng, trong đó có 316 căn xây mới, 817 căn sửa chữa. Điều đáng nói, trong quá trình thực hiện, Bình Lục có 326 nhà đã chuyển đổi từ sửa chữa sang xây mới với kinh phí 6,520 tỷ đồng chưa được hỗ trợ kinh phí. Đây chính là vấn đề tồn tại của Bình Lục, khiến cử tri có ý kiến kiến nghị tại hội nghị tiếp xúc cử tri của HĐND các cấp. UBND huyện Bình Lục đã có tờ trình gửi UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan về việc xin được phê duyệt bổ sung nguồn kinh phí cấp cho 326 hộ dân đã làm nhà.
Văn phòng UBND tỉnh có văn bản hướng dẫn giải quyết vấn đề này, giao Sở Tài chính chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan hướng dẫn UBND các huyện, thị xã, thành phố rà soát, xử lý, giải quyết hỗ trợ cho các đối tượng chuyển đổi. Ngày 1/6/2022, UBND tỉnh ban hành Văn bản số 1403 yêu cầu Sở Xây dựng kiểm tra việc thực hiện các chủ trương, cơ chế chính sách hỗ trợ NCC với cách mạng về nhà ở; Sở Tài chính hướng dẫn, đôn đốc UBND huyện, thị xã, thành phố quyết toán nguồn kinh phí đã được hỗ trợ để có căn cứ tham mưu UBND tỉnh bổ sung kinh phí cho huyện Bình Lục chi trả 326 hộ phát sinh.
Thương binh Trần Văn Lành, thôn Duy Dương, xã Trung Lương, huyện Bình Lục phấn khởi: “Chúng tôi đã nhận được sự quan tâm chăm lo của Đảng, Nhà nước về mọi mặt, trong đó có hỗ trợ về nhà ở, nên đời sống bớt khó khăn rất nhiều. Năm 2017, tôi quyết định sửa chữa lại nhà vì nhà cũ xuống cấp, do nằm trong danh sách rà soát, được duyệt hỗ trợ nên các thủ tục được giải quyết rất nhanh chóng, tôi đã nhận 20 triệu đồng tiền hỗ trợ. Số tiền tuy không nhiều, nhưng là nguồn lực thôi thúc quyết tâm cho chúng tôi sửa nhà để an cư lạc nghiệp”. Mặc dù vậy, nhưng trong lòng ông Lành vẫn gợi lên những phân vân: “Tôi thì may mắn vậy đấy, nhưng nhiều người đang mong chờ chế độ này lắm. Vẫn biết không làm đợt này thì làm đợt sau. Nhưng, có trường hợp, khi vừa được đưa vào danh sách hỗ trợ xây nhà mới được vài tháng thì qua đời do bệnh tật, tuổi cao...”.
Theo QĐ22 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ NCC với cách mạng về nhà ở, toàn tỉnh đã rà soát, đưa vào danh sách trên 7.000 hộ NCC được hỗ trợ sửa chữa và xây mới nhà ở với tổng kinh phí trên 190 tỷ đồng. Mặc dù, trong quá trình triển khai gặp những khó khăn nhất định, nhưng về cơ bản, các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh đã có giải pháp khắc phục kịp thời, nhờ đó, trên 6.000 hộ NCC đã được hỗ trợ về nhà ở. Có thể khẳng định, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, các cấp, ngành, địa phương đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở cho NCC.
P.V: Hiện nay, vẫn còn nhiều đối tượng NCC chờ được hỗ trợ nhà ở. Tuy nhiên, đề án hỗ trợ nhà ở cho NCC theo QĐ22 đã kết thúc, thời gian tới, Hà Nam có kế hoạch gì để tiếp tục thực hiện chính sách về nhà ở cho NCC, thưa ông?
Ông Nguyễn Quang Huy: Chính phủ sẽ tiếp tục ban hành một đề án mới hỗ trợ NCC về nhà ở. Về phía tỉnh đã có chủ trương tăng mức hỗ trợ trên mức sàn cũ, đối tượng sẽ mở rộng hơn. Hiện, Bộ Xây dựng đã có Công văn 420/CXD - QLN về việc hỗ trợ nhà ở đối với NCC và thân nhân liệt sỹ giai đoạn 2021-2025 gửi các địa phương yêu cầu báo cáo số liệu các hộ gia đình cần hỗ trợ, cải thiện nhà theo quy định. Mục tiêu là xác định rõ đối tượng, chế độ hỗ trợ, mức hỗ trợ. Tháng 4/2022, Sở Xây dựng đã triển khai rà soát tại các địa phương, qua tổng hợp, danh sách số hộ NCC và thân nhân liệt sỹ cần hỗ trợ cải thiện nhà ở giai đoạn này là 2.704 hộ. Trong đó, hộ gia đình NCC, thân nhân liệt sỹ nhà ở có nguy cơ sập đổ, không an toàn khi sử dụng là 341 hộ; gia đình NCC, thân nhân liệt sỹ cao tuổi là 1.881 hộ; hộ có hoàn cảnh khó khăn là 104 hộ…
P.V: Vấn đề cần quan tâm khi thực hiện hỗ trợ NCC với cách mạng về nhà ở giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh là gì thưa ông?
Ông Nguyễn Quang Huy: Kết quả tích cực từ đề án giai đoạn trước đã rõ ràng, mặc dù vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc. Vì thế, để triển khai hỗ trợ NCC với cách mạng về nhà ở giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh, điều đáng quan tâm là việc tổ chức triển khai thực hiện như thế nào. Bên cạnh mức hỗ trợ của Nhà nước theo quy định, rất cần sự chung tay vào cuộc của các tổ chức, cá nhân và toàn xã hội. Thực tế, những năm qua, số hộ gia đình thuộc diện chính sách được xây nhà tình nghĩa không phải là ít, thậm chí số tiền hỗ trợ có những căn nhà lên tới hàng trăm triệu đồng. Xã hội hóa là cách để chia sẻ gánh nặng đối với Nhà nước trong nhiều vấn đề, trong đó có việc chăm sóc, phụng dưỡng NCC với cách mạng, tạo ra một nền tảng an sinh xã hội bền vững.
P.V: Xin ông cho biết vai trò của ngành xây dựng trong triển khai thực hiện chính sách về nhà ở cho NCC giai đoạn 2021 - 2025?
Ông Nguyễn Quang Huy: Chúng tôi sẽ xây dựng mẫu nhà trên cơ sở thực hiện 3 tiêu chí “chống thấm, chống dột, chống đổ”. Từ mẫu đó sẽ tính toán mức kinh phí phù hợp với từng địa phương. Trong quá trình thực hiện, chúng tôi sẽ có kế hoạch cụ thể, phối hợp chặt chẽ với các địa phương và ngành chức năng để nhanh chóng đưa chính sách của Đảng, Nhà nước vào cuộc sống. Tôi cho rằng, vai trò, trách nhiệm của chính quyền các địa phương trong việc kiểm tra, thanh tra, giám sát các bước quy trình thực hiện chính sách hỗ trợ NCC với cách mạng về nhà ở là hết sức cần thiết, nếu làm nghiêm túc, đúng quy định sẽ đạt hiệu quả, đáp ứng tiến độ.
P.V: Xin cảm ơn ông!
Ảnh: Chu Uyên
Thiết kế: Quốc Khánh
Lần này, khi đã hiểu rõ về cách thức hoạt động của Tổng thống đắc cử Mỹ, giới lãnh đạo Trung Quốc được trang bị tốt hơn để đối phó với khả năng ông Trump sẽ áp thuế lên tới 60% đối với hàng hóa Trung Quốc nhập vào Mỹ.
Ngày 23/11, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Giáo dục và Phát triển Nhân lực (EDI) tổ chức Hội thảo "Hạnh phúc trong Giáo dục 2024".
Với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của các cấp công đoàn, thời gian qua, công tác nữ công trên địa bàn tỉnh tiếp tục được triển khai thực hiện hiệu quả, góp phần chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nữ đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ); động viên nữ CNVCLĐ vượt qua khó khăn, phát huy tài năng, trí tuệ, sáng tạo thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao.
BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ
Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017
Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam
Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ
Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342
Email: baohanam.dientu@gmail.com
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.