Duy Tiên hiện đã xây dựng 7 cánh đồng mẫu cấy lúa bằng máy diện tích 233 ha ở các xã, phường: Tiên Sơn, Trác Văn, Châu Giang, Yên Bắc và 4 hộ đầu tư vốn mua máy bay không người lái làm dịch vụ phun thuốc bảo vệ thực vật. Toàn thị xã có 8 mô hình tích tụ ruộng đất với diện tích gần 203 ha, điển hình như hộ anh Phạm Văn Nam, thôn Đọi Tam (Tiên Sơn) nhận thầu 40 ha ruộng trũng trên địa bàn, đầu tư khoanh vùng, mua các loại máy nông nghiệp phục vụ các khâu sản xuất, bình quân mỗi năm thu nhập trên 200 triệu đồng/ha.
Bên cạnh đó, còn có các mô hình trồng cây ăn quả tập trung ở một số xã, phường: Chuyên Ngoại, Mộc Nam, Trác Văn, Châu Giang diện tích hơn 100 ha, mang lại thu nhập khá cho nhiều gia đình. Thị xã cũng đã xây dựng 2 mô hình sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP của Tổ hợp tác trồng cây ăn quả Du Long (Châu Giang) và hộ ông Nguyễn Bá Mĩnh (Chuyên Ngoại) thu nhập hơn 300 triệu đồng/ha/năm.
Phát huy lợi thế về vùng đất bãi sông Hồng, hiện chăn nuôi bò sữa ở Duy Tiên đang phát triển mạnh, mang lại giá trị thu nhập cao cho nhiều hộ gia đình. Đến nay, thị xã có hơn 3.200 con bò sữa, tăng hơn 1.100 con so với năm 2018; giá sữa được ký kết hợp đồng với các doanh nghiệp thu mua ổn định từ 12 – 14 nghìn đồng/kg. Chăn nuôi bò sữa tập trung ở các xã: Mộc Bắc, Mộc Nam, Trác Văn, Chuyên Ngoại. Được biết, hiện trừ chi phí bình quân mỗi hộ nuôi bò sữa một tháng cho thu nhập từ 20 – 30 triệu đồng.
Ông Phạm Văn Thập, Trưởng phòng Kinh tế thị xã Duy Tiên cho biết: Những năm qua, Duy Tiên luôn khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vào chăn nuôi bò từ đó hình thành nhiều mô hình chăn nuôi quy mô lớn, áp dụng công nghệ mới vào các khâu trong chuỗi giá trị sữa. Nhờ đó, góp phần nâng hạng sản phẩm, tăng giá trị, đạt tiêu chuẩn “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP). Điển hình như trang trại của ông Trần Ngọc Tú (Trác Văn) hiện nay có 2 sản phẩm đạt OCOP 4 sao: sữa tươi thanh trùng Mục Đồng, sữa chua Mục Đồng; sản phẩm sữa bò của hộ bà Trần Thị Thanh Thoan (Mộc Nam) có 3 sản phẩm đạt OCOP 4 sao là sữa chua Hanamilk, sữa tươi thanh trùng Hanamilk, sữa chua nếp cẩm Hanamilk; sản phẩm sữa bò của hộ ông Nguyễn Bắc Linh (Mộc Bắc) có 2 sản phẩm đạt OCOP 4 sao gồm: sữa chua nếp cẩm, sữa tươi thanh trùng.
Về nuôi trồng thủy sản, trên địa bàn đã xây dựng 4 mô hình ứng dụng công nghệ cao (mô hình nuôi cá sông trong ao) với diện tích gần 11 ha, đặc biệt một số hộ mạnh dạn ứng dụng công nghệ xử lý nguồn nước đầu vào trong chăn nuôi. Ông Bùi Văn Huy, HTX nuôi trồng thủy sản Mộc Nam cho biết: Với diện tích 10 mẫu nuôi trồng thủy sản, để bảo đảm nguồn nước sạch và đáp ứng yêu cầu cho cá phát triển ở mọi giai đoạn, gia đình đã đầu tư 400 triệu đồng mua các thiết bị như: máy tự động cho cá ăn, guồng nước, xả nước, máy cẩu cá… Nhờ đó, đã tăng sản lượng cá của gia đình; mỗi năm cho thu hoạch từ 2 – 3 lứa, trừ mọi chi phí cho thu nhập đạt từ 500 – 700 triệu đồng/năm.
Để hỗ trợ nông dân, các ngành chức năng của thị xã đã tích cực phối hợp trong chuyển giao kỹ thuật, mới đây 50 hộ sản xuất được tập huấn về ứng dụng công nghệ số để giới thiệu, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm. Hiện nay, thị xã có 2 sản phẩm nông nghiệp đã lên sàn giao dịch điện tử Postmart.vn là sản phẩm đông trùng hạ thảo của Công ty TNHH Phúc Lâm và bưởi Mĩnh Hằng; 13 sản phẩm được công nhận OCOP của tỉnh, 1 sản phẩm được sử dụng nhãn hiệu tập thể chứng nhận nhãn hiệu Hà Nam. Một số nông sản đã gắn sản xuất với xây dựng nhãn hiệu sản phẩm, điển hình như: sen Chuyên Ngoại, nhãn lồng Mộc Nam.
Việc ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất, chế biến, bảo quản nông sản đã mang lại hiệu quả, nâng hạng giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho các hộ gia đình. Từ đó, góp phần tăng số hộ nông dân đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh (SXKD) giỏi trên địa bàn. Đến hết tháng 6/2022, thị xã có 6.000 hộ SXKD giỏi với mức thu nhập từ 100 – 300 triệu đồng/năm; gần 200 hộ đạt từ 300 – 500 triệu đồng/năm; 32 hộ đạt từ 500 – 1 tỷ đồng/năm; 5 hộ đạt mức thu trên một tỷ đồng/năm. Đến nay, số hộ SXKD giỏi của thị xã tăng 30% so với thời điểm trước năm 2017.
Năm 2024, phong trào thể dục, thể thao (TDTT) huyện Kim Bảng tiếp tục dược duy trì, phát triển, trong đó có nhiều môn thể thao phát triển, như: Vovinam, karate, dân vũ thể thao, bóng chuyền hơi, bơi lội, pickleball, gym.
Sáng 22/11, Hội nghị toàn thể lần thứ 12 của Hội nghị quốc tế các đảng chính trị châu Á với chủ đề “Tìm kiếm hòa bình và hòa giải” đã khai mạc tại Thủ đô Phnom Penh, Campuchia.
Sáng 22/11, Đảng ủy Quân sự (ĐUQS) huyện Kim Bảng tổ chức hội nghị ra nghị quyết lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ năm 2025.
BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ
Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017
Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam
Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ
Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342
Email: baohanam.dientu@gmail.com
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.