kita group giới thiệukita group dự ánkita group liên hệkita group STELLA MEGA CITYkita group STELLA RESIDENCE
Đẩy mạnh chuyển đổi số trong doanh nghiệp

Đẩy mạnh chuyển đổi số trong doanh nghiệp

Trước tác động của đại dịch Covid-19, chuyển đổi số là xu hướng tất yếu giúp các doanh nghiệp thích nghi trong giai đoạn mới. Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy, còn rất nhiều doanh nghiệp lúng túng về thực hiện chuyển đổi số, bởi đây không chỉ là đầu tư mua sắm trang thiết bị, ứng dụng công nghệ thông tin mà quan trọng là phải đổi mới tư duy, hình thức kinh doanh, quản trị phù hợp ở từng doanh nghiệp.

Thực hiện Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng 2030, Hà Nam đã tập trung chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh lộ trình chuyển đổi số trong từng ngành, từng lĩnh vực. Đặc biệt trong hoạt động sản xuất, kinh doanh khi dịch Covid-19 bùng phát kéo dài, cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh đã dần thay đổi tư duy, tìm hướng đi mới, áp dụng chuyển đổi số trong quản trị điều hành doanh nghiệp để có thể duy trì tối đa hoạt động sản xuất kinh doanh.

Chị Trần Thị Lan Hương, đại diện thương hiệu Cá kho bà Ngát (xóm 13, xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân) cho biết: Từ nhiều năm nay, chúng tôi đã xem hạ tầng công nghệ thông tin là yếu tố quan trọng cho việc đưa thương hiệu Cá kho Vũ Đại đến với khách hàng trong, ngoài nước và cũng như trong vận hành quản lý. Bên cạnh việc quảng bá thương hiệu thông qua các trang mạng xã hội (zalo, facebook) và trên website của mình (cakhobangat.com), đáp ứng nhu cầu giao tiếp, kết nối và tương tác với khách, thời gian gần đây, chúng tôi còn quan tâm nhiều hơn đến các sàn giao dịch thương mại điện tử, tăng cơ hội để sản phẩm được biết đến nhiều hơn. 

Đẩy mạnh chuyển đổi số trong doanh nghiệp
Cán bộ Sở Công thương hướng dẫn đại diện doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài một số dịch vụ công trực tuyến mức độ 4.

Khi tìm kiếm cụm từ “Cá kho làng Vũ Đại”, kết quả trả về không chỉ là website của các nhà hàng, hộ kinh doanh,   website của sàn thương mại điện tử Hà Nam (santhuongmaihanam.com.vn), mà còn là fanpage facebook, kênh Youtube của từng gia đình. Có thể thấy, không chỉ nâng cao chất lượng những nồi cá kho, người dân ở đây cũng đã đầu tư cho việc thiết kế bao bì cho từng nồi cá, phát triển fanpage, làm SEO (tối ưu hóa công cụ tìm kiếm, để website trở nên thân thiện với máy chủ tìm kiếm, từ đó nâng cao thứ hạng website khi người dùng tìm kiếm với các từ khóa liên quan) cho website của gia đình. Toàn bộ việc theo dõi vị trí đơn hàng, lưu thông tin khách hàng được nhiều hộ gia đình quản lý như những hệ thống CRM (quản lý khách hàng) của các công ty bán lẻ chuyên nghiệp. Áp dụng những cách bán hàng mới đã giúp thương hiệu sản phẩm đi xa hơn, người dân bán được nhiều hàng với giá trị cao hơn. 

Cùng với xu hướng đẩy mạnh số hóa trong kinh doanh và dịch vụ khách hàng, chuyển đổi số nhằm phát triển lưới điện thông minh, thời gian qua, Điện lực Duy Tiên đã tập trung nguồn lực, chủ động triển khai thay thế lắp đặt hệ thống công tơ cơ bằng công tơ điện tử và hệ thống đo xa nhằm minh bạch, tự động hóa công tác khai thác, vận hành hệ thống phân phối điện, tạo sự hài lòng cho khách hàng cũng như uy tín ngành điện. Tính đến thời điểm hiện tại, Điện lực Duy Tiên đã thực hiện thay thế được hơn 31.814 công tơ cơ bằng công tơ điện tử đo xa cho khách hàng (chiếm tỷ lệ 59,35% toàn thị xã). 

Công tơ điện tử đo xa được thay thế, đưa vào vận hành đem lại hiệu quả thiết thực, công tác ghi chỉ số sẽ nhanh hơn rất nhiều so với ghi thủ công, sản lượng điện được chốt tự động một cách chính xác, làm giảm nguy cơ sai sót, nhầm lẫn trong quá trình ghi chỉ số, từ đó công tác tính hóa đơn tiền điện được thực hiện chính xác, kịp thời. Ngoài ra, việc sử dụng công tơ đo đếm thu thập từ xa cũng giúp giám sát chất lượng điện năng, thuận tiện cho việc tính toán và cải thiện các chỉ tiêu độ tin cậy cung cấp điện, giám sát tình trạng vận hành của trạm biến áp, thuận tiện cho việc phát triển các ứng dụng trong quá trình chuyển đổi số, nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng. 

Có thể khẳng định, chuyển đổi số là xu thế tất yếu trong giai đoạn hiện nay. Con đường dẫn lối thành công, thúc đẩy tăng trưởng của doanh nghiệp là không ngừng tối ưu số hóa vào điều hành sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, chuyển đổi số của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh hiện nay chưa nhiều. Nhất là với những doanh nghiệp vừa và nhỏ, việc đầu tư tài chính để mở rộng kênh bán hàng, kênh chăm sóc khách hàng, tích hợp tối ưu các công nghệ mới như dữ liệu, bảo mật khách hàng, phương thức điều hành, quy trình làm việc… là những thách thức lớn.

Anh Bùi Việt Hùng, chủ một hộ kinh doanh tại Đường Lê Hoàn, TP Phủ Lý chia sẻ: Hiểu những lợi ích của chuyển đổi số mang lại, cụ thể hơn là đầu tư cho phần mềm, trang thiết bị số phục vụ việc quản lý hàng hóa, hóa đơn điện tử, kinh doanh online, quản lý tệp khách hàng… Tuy nhiên, để làm quen với phương thức làm việc mới không dễ dàng. Chưa kể, những doanh nghiệp nhỏ như chúng tôi còn e ngại trong lúc “chập chững” chuyển đổi số dễ bị rò rỉ số liệu, dữ liệu khách hàng. Chuyển đổi số chỉ nên là “sân chơi” của các doanh nghiệp lớn.

Kế hoạch thực hiện Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, tỉnh Hà Nam xác định các mục tiêu cơ bản về phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số đến năm 2025, trong đó phấn đấu 80% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động; kinh tế số chiếm 20% GRDP; hạ tầng mạng băng rộng cáp quang phủ trên 80% hộ gia đình, 100% cấp xã; phổ cập dịch vụ mạng di động 4G/5G và điện thoại di động thông minh; trên 50% dân số có tài khoản thanh toán điện tử…

Để hiện thực hóa các mục tiêu đề ra, trong thời gian tới, Hà Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trên Cổng Dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử của tỉnh; tích hợp 50% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 trên Cổng Dịch vụ công quốc gia; triển khai thêm một số phân hệ của Trung tâm Giám sát điều hành thông minh tỉnh… Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia sử dụng các nền tảng số phục vụ chuyển đổi số doanh nghiệp được công bố trên Cổng thông tin điện tử tại địa chỉ http://smedx.vn hoặc https://smedx.mic.gov.vn. Phối hợp truyền thông, tuyên truyền, đào tạo, tập huấn, tổ chức hội nghị, hội thảo và xây dựng tài liệu, cẩm nang chuyển đổi số, bộ tiêu chí đánh giá mức độ chuyển đổi số của doanh nghiệp và thành lập các kênh tư vấn chuyển đổi số doanh nghiệp vừa và nhỏ ứng dụng công nghệ số, nền tảng số để tạo ra hoặc thay đổi các quy trình quản trị doanh nghiệp, phương thức kinh doanh, văn hóa và trải nghiệm khách hàng đáp ứng nhu cầu thị trường.

Từ sự chủ động của doanh nghiệp và sự hỗ trợ của chính quyền, tin tưởng rằng việc chuyển đổi số sẽ góp phần giúp doanh nghiệp phát triển bền vững, tạo thêm giá trị mới cho doanh nghiệp, thúc đẩy hiệu quả trong quản trị doanh nghiệp, gia tăng chất lượng sản phẩm, nâng cao khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp. Cùng với đó, đưa Hà Nam bứt phá về các chỉ số năng lực cạnh tranh, chỉ số cải cách hành chính trong những năm tiếp theo.

Thanh Vân

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy