Được vui chơi, giải trí thường xuyên trong một môi trường an toàn, lành mạnh là nhu cầu chính đáng của thanh thiếu nhi, giúp các em tránh xa tệ nạn xã hội, không bị lệ thuộc vào các thiết bị giải trí điện tử... Tuy nhiên, thực tế cho thấy những điểm sinh hoạt, vui chơi công cộng, miễn phí dành cho đối tượng này trên địa bàn tỉnh vẫn còn hạn chế. Đặc biệt trong dịp hè, khi nhu cầu rèn luyện thể dục, thể thao, vui chơi giải trí của thanh thiếu nhi tăng cao. Vì vậy, việc quan tâm đầu tư, xây dựng, quản lý... nhằm phát huy hiệu quả công năng của các điểm sinh hoạt, vui chơi công cộng cho thanh thiếu nhi đang là vấn đề cấp thiết đặt ra hiện nay cho các địa phương và ngành chức năng.
Mỗi khi hè về, các em học sinh lại háo hức vì sẽ có chuỗi ngày dài vui chơi, giải trí sau một năm học tập miệt mài. Song, việc trẻ chơi ở đâu, chơi gì cho an toàn, bổ ích, tránh được tai nạn, thương tích... là điều mà rất nhiều phụ huynh lo lắng.
Công viên Nguyễn Khuyến (TP Phủ Lý) mỗi khi chiều mát lại đông kín trẻ em và phụ huynh tới vui chơi, giải trí. Dễ hiểu bởi đây gần như là điểm vui chơi công cộng miễn phí dành cho trẻ em duy nhất tại khu vực các phường trung tâm thành phố. Khu vui chơi công cộng miễn phí này được xây dựng từ tháng 6/2007 bởi một tổ chức tình nguyện nước ngoài (UniReach International). Các thiết bị phục vụ vui chơi được thiết kế khoa học, hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu vận động cho lứa tuổi từ mầm non đến thiếu niên. Bao gồm các thiết bị vận động liên hoàn như: Cầu trượt, ống trượt, đu quay tròn, xích đu, leo núi giả… Tuy nhiên, sau 15 năm hoạt động hết công suất, những trang thiết bị đều đã xuất hiện một vài điểm hư hỏng, 2 trong số 4 cầu trượt đã bị vỡ, phần chơi leo núi giả đã bong gần hết tay bám… tiềm ẩn nguy hiểm cho trẻ nếu vui chơi không có sự giám sát của phụ huynh.
Chị Nguyễn Kim Chi (Phường Trần Hưng Đạo, TP Phủ Lý) bày tỏ lo lắng về việc làm sao để bảo đảm nhu cầu vui chơi thường xuyên, hằng ngày của cậu con nhỏ: “Con trai tôi rất hiếu động, nhu cầu vui chơi, vận động của cháu rất lớn, tuy nhiên không phải ngày nào tôi cũng có thời gian đưa cháu ra công viên để vui chơi. Ngoài ra, số trò chơi miễn phí cũng rất ít, cháu hay bị hấp dẫn bởi những trò chơi mất phí bên cạnh. Tuy mỗi trò chơi chỉ có phí từ 5 - 20 nghìn đồng nhưng nếu chơi thường xuyên, liên tục cũng là một khoản chi phí lớn”. Có thể thấy, với nhiều phụ huynh tại TP Phủ Lý, việc kéo con trẻ ra khỏi nhà, tránh xa các thiết bị giải trí điện tử… để vui chơi, vận động ngoài trời thường xuyên, hằng ngày vẫn còn rất khó khăn.
Nhiều địa phương đã có giải pháp phối hợp với các trường mầm non trên địa bàn bố trí thiết bị vui chơi trong sân trường. Việc kết hợp điểm vui chơi tại trường vừa tạo điều kiện cho thiếu nhi vui chơi sau giờ học, vừa có người quản lý, bảo vệ. Tuy nhiên, giải pháp này lại bộc lộ nhiều hạn chế như: Chỉ bố trí được một số thiết bị chiếm ít diện tích, việc tổ chức sân chơi lớn như: Sân bóng, sân cầu lông, bóng chuyền là không thể. Cùng với đó, các em thiếu nhi chỉ có thể vui chơi trước hoặc sau giờ học, còn trong dịp hè, các em ít có cơ hội đến chơi. Việc mở cửa điểm vui chơi này cũng phụ thuộc vào nhân viên bảo vệ tại trường. Nếu bảo vệ mở cửa, các em mới có thể vui chơi. Trong khi đó, trong dịp hè các em rất cần có những sân chơi an toàn, lành mạnh, bổ ích.
Năm 2018, Phòng Văn hóa và Thông tin TP Phủ Lý xây dựng Đề án “Lắp đặt thiết bị thể thao ngoài trời tại các điểm vui chơi công cộng trên địa bàn TP Phủ Lý giai đoạn 2018 - 2020”. Theo đó, từ năm 2018 đến nay đã lắp đặt thiết bị tại Vườn hoa Nam Cao, Công viên Nguyễn Khuyến, hồ Minh Khôi và một số khu thể thao tại các phường, xã: Liêm Chính, Trần Hưng Đạo, Kim Bình, Thanh Châu, Quang Trung, Lê Hồng Phong, Châu Sơn. Mỗi vị trí lắp đặt từ 3 đến 5 trang thiết bị tập thể dục gồm: xà đơn, xà kép, đi bộ lắc tay, đi bộ trên không, xoay eo… phục vụ nhu cầu luyện tập thể dục của toàn dân. Trẻ em ở lứa tuổi thiếu niên có thể sử dụng để đáp ứng phần nào nhu cầu luyện tập song đây chỉ đơn thuần là những dụng cụ rèn luyện thể dục, thể thao, không mang tính chất vui chơi, giải trí.
Trên thực tế những năm gần đây, điểm vui chơi cho trẻ em đã xuất hiện ngày càng nhiều nhờ thực hiện tốt công tác xã hội hóa và xu hướng đầu tư điểm giải trí cho trẻ em của các đơn vị tư nhân. Nhưng ngược với sự phát triển của các điểm vui chơi dịch vụ, những điểm vui chơi công cộng miễn phí cho trẻ em lại quá ít. Do vậy, dù chỗ vui chơi nhiều hơn nhưng trẻ vẫn thiếu chỗ chơi thường xuyên, hằng ngày.
Bảo đảm đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí lành mạnh, thường xuyên cho thanh thiếu nhi vẫn là bài toán khó đang đặt ra cho chính quyền địa phương và các đơn vị chức năng.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến thiếu những điểm vui chơi công cộng dành cho trẻ em tại TP Phủ Lý nói riêng, toàn tỉnh nói chung là do hạn hẹp về quỹ đất. Ngoài những điểm như công viên, nhà thiếu nhi, sân bãi thể thao… cơ bản đáp ứng yêu cầu về diện tích còn lại thì phần lớn điểm vui chơi công cộng được xây dựng trên phần đất của nhà văn hóa các thôn, tổ dân phố. Theo thống kê của Phòng Văn hóa và Thông tin TP Phủ Lý, hiện nay, toàn thành phố có 12/21 phường, xã có nhà văn hóa, 143/143 thôn, tổ có nhà văn hóa. Nhiều nơi, đặc biệt là các phường trung tâm (Minh Khai, Lương Khánh Thiện, Hai Bà Trưng, Trần Hưng Đạo), nhà văn hóa thôn, tổ chỉ có diện tích khoảng 50 – 60m2, đủ để xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng, không có không gian để đáp ứng nhu cầu luyện tập thể thao, văn hóa văn nghệ của nhân dân, chưa nói đến quỹ đất để lắp đặt các thiết bị vui chơi cho trẻ em.
Chị Bùi Thị Hồng Minh, Bí thư Thành đoàn Phủ Lý chia sẻ: Đoàn thanh niên đã có kế hoạch và đang triển khai lắp đặt các thiết bị vui chơi công cộng cho thanh thiếu nhi trên địa bàn, tuy nhiên lại đang gặp phải nhiều khó khăn. Tại các phường trung tâm, thương mại – dịch vụ phát triển, việc huy động nguồn kinh phí từ xã hội hóa có nhiều thuận lợi hơn song do đặc thù địa bàn, việc tìm kiếm quỹ đất để xây dựng điểm vui chơi rất khó khăn. Ngược lại, tại một số phường, xã ngoại thành, nơi thuận lợi hơn về bố trí quỹ đất thì các chi đoàn lại gặp khó trong việc vận động nguồn kinh phí. Thành ra nơi có quỹ đất thì thiếu kinh phí, nơi có kinh phí thì thiếu quỹ đất.
Thiếu điểm vui chơi công cộng dành cho thanh thiếu nhi không chỉ là câu chuyện của riêng TP Phủ Lý. Ngay tại các huyện, thị xã – nơi có điều kiện thuận lợi hơn về quỹ đất, điểm vui chơi công cộng miễn phí cho trẻ em cũng khá ít ỏi, nếu có cũng chỉ bao gồm một số thiết bị luyện tập thể dục thể thao, vui chơi cơ bản như xà đơn, xà kép, cầu trượt, bập bênh, xích đu, sân bãi thể thao… Phần lớn nguyên nhân do thiếu kinh phí đầu tư xây dựng. Anh Nguyễn Thành Long, Bí thư Đoàn Thanh niên xã Nhân Chính (huyện Lý Nhân) cho biết: Trên địa bàn xã, ngoài một số sân bãi thể thao, hiện chỉ có 2 trong tổng số 6 thôn có điểm vui chơi công cộng cho thanh thiếu nhi do đoàn thanh niên xây dựng. Trong đó, 1 điểm do Huyện đoàn đầu tư, 1 điểm do đoàn thanh niên xã tự đứng ra vận động kinh phí và lắp đặt. Do hạn hẹp về kinh phí, đoàn thanh niên xã đã tiết kiệm tối đa chi phí bằng cách huy động đoàn viên thanh niên bỏ ngày công lắp đặt, tận dụng nguồn nguyên liệu tái chế. Ngoài ra, thay vì mua sẵn toàn bộ, đoàn thanh niên đã tự thiết kế, thi công một số trang thiết bị như bập bênh, khung cầu thang… bảo đảm tiết kiệm nhưng vẫn an toàn, hiệu quả. Do khó khăn trong vận động kinh phí, việc xây dựng các điểm vui chơi công cộng chỉ có thể thực hiện từng bước. Đoàn thanh niên xã phấn đấu trong nhiệm kỳ này sẽ phủ kín 6/6 thôn có điểm vui chơi công cộng, đáp ứng nhu cầu vui chơi, rèn luyện của thanh niên, thiếu nhi trên địa bàn.
Có thể thấy, không có, hoặc có nhưng rất hạn hẹp về quỹ đất, kinh phí đang là bài toán khó đối với các địa phương trong việc xây dựng các điểm vui chơi công cộng dành cho thiếu nhi. Trước những khó khăn về tạo không gian vui chơi cho trẻ trong dịp hè, nhiều địa phương đã và đang tìm các giải pháp phù hợp với thực tế, đặc biệt chú trọng đến nguồn xã hội hóa, cải tạo sân chơi cũ, đầu tư xây dựng thêm các khu vui chơi mới cho trẻ em.
Với mong muốn dành tặng cho thanh thiếu nhi trên địa bàn tỉnh có những điểm vui chơi miễn phí, lành mạnh, Tỉnh đoàn Hà Nam đã triển khai mô hình “Xây dựng điểm sinh hoạt, vui chơi cho thanh thiếu nhi trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018 - 2022”. Những công trình thanh niên tuy có quy mô nhỏ nhưng lại mang ý nghĩa rất lớn, phần nào giúp các em có điều kiện phát triển toàn diện về thể chất và tinh thần.
Em Nguyễn Thị Hồng Khuyên, học sinh lớp 3, Trường Tiểu học Nhân Chính, huyện Lý Nhân, vừa quệt nhanh những giọt mồ hôi lấm lem trên trán, vừa cười rạng rỡ nói: “Trước đây nếu muốn chơi bập bênh hay xích đu thì em và các bạn phải đi chơi nhờ ở tận Thôn 1, vừa xa mà các trò chơi lại cũ. Nhưng bây giờ ở ngay gần nhà cũng đã có điểm vui chơi rồi, lại còn có nhiều trò chơi mới và đẹp hơn nên em rất thích. Ngày nào tan học về em và các bạn cũng ra đây chơi”. Hồng Khuyên chỉ là một trong số hàng nghìn cô bé, cậu bé đang được hưởng niềm vui từ những điểm sinh hoạt, vui chơi công cộng, miễn phí do các cấp bộ đoàn trong toàn tỉnh sửa chữa, lắp đặt trong 5 năm qua.
Đạt được kết quả trên là nhờ sự nỗ lực, cách làm sáng tạo của các tổ chức đoàn trong việc bố trí, vận động đóng góp kinh phí lắp đặt trang thiết bị vui chơi, giải trí cho thanh thiếu nhi trên địa bàn. Phường Châu Sơn (TP Phủ Lý) hiện có 3 điểm vui chơi công cộng dành cho thanh thiếu nhi do đoàn thanh niên xây dựng, 2 trong số đó là do Đoàn thanh niên phường tự đứng ra vận động kinh phí và xây dựng. Để có đủ kinh phí xây dựng điểm vui chơi (từ 10 - 20 triệu đồng/điểm), đoàn thanh niên phường đã phối hợp với cấp ủy, chi bộ thôn tới vận động các hộ kinh doanh trên địa bàn ủng hộ. Ngoài ra, Đoàn thanh niên phường Châu Sơn đã có cách làm sáng tạo trong việc gây quỹ thông qua dự án “Múa lân trao yêu thương”. Theo đó, trong mỗi dịp Tết Trung thu, Chi đoàn tổ dân phố Hưng Đạo và Thái Hòa đã thành lập đội múa lân thanh niên, đầu tư mua sắm đầu lân, sư tử, trang phục dân gian… tạo đoàn rước tới từng nhà, múa sư tử, mang không khí trung thu vui tươi, ấm áp tới các em thiếu nhi và nhân dân. Nhờ đó, vận động được nguồn kinh phí cho hoạt động đoàn và xây dựng điểm vui chơi cho thanh thiếu nhi trên địa bàn.
Tại Kim Bảng, công tác vận động xã hội hóa trong việc xây dựng các điểm vui chơi, giải trí công cộng cho thanh thiếu nhi cũng được các tổ chức đoàn thực hiện một cách linh hoạt, sáng tạo. Để triển khai có hiệu quả việc xây dựng các điểm vui chơi công cộng cho thanh thiếu nhi, ngay từ khi bắt đầu triển khai thực hiện mô hình “Xây dựng điểm sinh hoạt, vui chơi cho thanh thiếu nhi trên địa bàn giai đoạn 2018 - 2022”, Huyện đoàn Kim Bảng đã tiến hành rà soát thực trạng các điểm vui chơi cho thanh thiếu nhi trên địa bàn.
Nhận thấy khó khăn lớn nhất trong thực hiện mô hình là tạo nguồn xã hội hóa về kinh phí xây dựng, Huyện Đoàn đã phát động 100% đoàn thanh niên xã, thị trấn tổ chức mô hình “Điểm rửa xe thanh niên”. Kinh phí thu được từ hoạt động này được dùng để gây quỹ thăm, tặng quà cho các em thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn và xây dựng điểm vui chơi công cộng. Hoạt động nhận được sự ủng hộ, hưởng ứng của đông đảo quần chúng nhân dân, nhờ đó, từ năm 2018 đến nay, 25 điểm vui chơi công cộng, sân bãi thể thao đã được xây dựng, nâng cấp, hướng tới mục tiêu đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí, rèn luyện thể dục thể thao cho gần 4 nghìn thanh thiếu nhi trên địa bàn huyện.
Không chỉ vận động đủ kinh phí để xây dựng các điểm vui chơi có trị giá khoảng 20 triệu đồng/điểm, nhiều công trình có quy mô, kinh phí lớn như 4 sân vận động bóng đá cấp thôn trên địa bàn huyện Kim Bảng với kinh phí hơn 100 triệu đồng/sân hoàn toàn từ nguồn xã hội xóa. Đặc biệt, sân bóng đá của Chi đoàn thôn Phương Đàn (Xã Lê Hồ) được đầu tư trải cỏ nhân tạo, lắp đặt đầy đủ trang thiết bị, hệ thống chiếu sáng… có kinh phí lên tới hơn 200 triệu đồng.
Anh Nguyễn Văn Thiện, Bí thư Đoàn Xã Lê Hồ chia sẻ: Để việc xây dựng điểm vui chơi công cộng của thôn đạt được hiệu quả cao, Chi đoàn thôn Phương Đàn đã lựa chọn xây dựng công trình phù hợp với đặc điểm phong trào thể thao của địa phương, nhờ đó bước đầu nhận được sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân. Để có nguồn kinh phí lớn phục vụ việc xây dựng sân vận động miễn phí cho thanh thiếu niên và nhân dân trong thôn, chi đoàn đã chú trọng công tác vận động xã hội hóa từ chính những thanh niên trong thôn vừa làm kinh tế giỏi, vừa tâm huyết với phong trào thanh thiếu nhi và thể thao địa phương.
Có thể thấy, mô hình điểm sinh hoạt, vui chơi dành cho thanh thiếu nhi trong những năm qua đã mang lại những kết quả rõ rệt, tạo không gian, địa điểm, cơ sở vật chất để tổ chức các hoạt động sinh hoạt, vui chơi an toàn, lành mạnh, thiết thực, phù hợp với nhu cầu, sở thích của thanh thiếu nhi; góp phần giảm tai nạn thương tích, tệ nạn xã hội cho thanh thiếu nhi, nhất là trong dịp hè.
Nội dung: Nguyễn Khánh
Ảnh: Khánh Chi
Thiết kế: Quốc Khánh
Ngày 21/11, Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc Đặng Hoàng Giang đã có cuộc tiếp xúc với Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ) khóa 79 Philemon Yang để trao đổi về các tiến trình quan trọng và ưu tiên sắp tới của ĐHĐ.
Theo Đặc phái viên TTXVN, trong chương trình thăm chính thức Cộng hoà Dominicana, ngày 21/11 (theo giờ địa phương), tại thủ đô Santo Domingo, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tham dự Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Dominicana.
Sau ổ dịch dại trên đàn chó tại xã Thanh Hải, huyện Thanh Liêm xảy ra năm 2015 và 1 ca bệnh dại làm 1 người chết tại xã Đồn Xá, huyện Bình Lục xảy ra năm 2016, từ năm 2017 đến nay, trên địa bàn tỉnh không xảy ra ổ dịch dại nhưng nguy cơ về bệnh dại luôn thường trực khi số lượng người phải tiêm phòng dại hằng năm đều cao.
BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ
Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017
Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam
Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ
Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342
Email: baohanam.dientu@gmail.com
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.