Nhìn lại những chỉ dẫn trong Tư tưởng Hồ Chí Minh
Cùng với sự nỗ lực xây dựng, chỉnh đốn của Đảng, cần huy động sức mạnh của nhân dân tham gia xây dựng Đảng. Quan điểm huy động nhân dân tham gia xây dựng Đảng đã được Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu lên từ những giai đoạn cách mạng trước. Tìm hiểu Tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề này chúng ta có thể thấy những chỉ dẫn quý giá.
Từ trong những năm kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chú trọng việc huy động nhân dân xây dựng Đảng và chính quyền, hoàn thiện bộ máy và đội ngũ cán bộ. Người chủ trương: "... Phải hoan nghênh và khuyến khích quần chúng thật thà phê bình cán bộ, đảng viên"(1). Với quan điểm coi trọng nhân dân, Người luôn căn dặn cán bộ, đảng viên phải tin ở dân, gần gũi với dân, kính trọng dân, biết dựa vào dân: “Dân chúng rất khôn khéo, rất hăng hái, rất anh hùng. Vì vậy, chúng ta phải học dân chúng, phải hỏi dân chúng, phải hiểu dân chúng”. “Dân chúng biết giải quyết nhiều vấn đề một cách giản đơn, mau chóng, đầy đủ, mà những người tài giỏi, những đoàn thể to lớn, nghĩ mãi không ra”(2). Người luôn căn dặn: “Tin vào dân chúng. Đưa mọi vấn đề cho dân chúng thảo luận và tìm cách giải quyết” (3) để “Dựa vào ý kiến của dân chúng mà sửa chữa cán bộ và tổ chức của ta”. Người cũng yêu cầu tổ chức Đảng cũng như các đảng viên phải gắn kết chặt chẽ với nhân dân, phải chú ý lắng nghe, tiếp thu những ý kiến của nhân dân, để trước tiên tự chỉnh đốn và xây dựng mình và sau đó chỉnh đốn, xây dựng Đảng.
Tinh thần của công việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng cũng đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ cách đây gần 60 năm tại Hội nghị cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước (ngày 24/7/1962): “Cuộc vận động này là một cuộc cách mạng nội bộ, một cuộc đấu tranh gay go giữa cái tốt và cái xấu, cái cũ và cái mới, giữa đạo đức cách mạng là cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư và kẻ địch là tệ nạn tham ô, lãng phí, quan liêu.
Chúng ta đã thấy rõ kẻ thù, Đảng đã định ra chiến lược, sách lược đúng đắn. Chúng ta phải đồng tâm nhất trí, mạnh bạo xung phong.
Để giành lấy thắng lợi, chúng ta phải nắm vững chính sách của Đảng, đi đúng đường lối quần chúng, phải dựa vào lực lượng của quần chúng, phải lắng nghe ý kiến của quần chúng, phải thật sự mở rộng dân chủ”.(4)
Khẳng định quan điểm “Dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng”
Văn kiện Đại hội XIII của Đảng nêu yêu cầu: “Tổ chức có hiệu quả, thực chất việc nhân dân tham gia giám sát, đánh giá hiệu quả hoạt động của các tổ chức trong hệ thống chính trị; phẩm chất, năng lực của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Lấy kết quả công việc, sự hài lòng và tín nhiệm của nhân dân làm tiêu chí quan trọng để đánh giá chất lượng tổ chức bộ máy và chất lượng cán bộ, đảng viên”.(5) Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII cũng nhấn mạnh: “Coi trọng kiểm tra, giám sát trong Đảng kết hợp với phát huy vai trò giám sát của cơ quan dân cử, của Mặt trận Tổ quốc, báo chí và nhân dân đối với cán bộ, đảng viên thực hiện các quy định nêu gương”. Quan điểm Đảng giữ mối quan hệ mật thiết với nhân dân, nhân dân trực tiếp tham gia xây dựng, chỉnh đốn Đảng được thể hiện ngày càng cụ thể, rõ ràng hơn. Kết luận của Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII yêu cầu: “Tiếp tục hoàn thiện cơ chế nhân dân tham gia xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân trực tiếp phản ánh, góp ý với cấp ủy đảng về công tác cán bộ… Chú trọng giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống và nêu gương của người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ, đảng viên và công chức, viên chức trong hệ thống chính trị”. Mối liên hệ giữa nhân dân với Đảng càng chặt chẽ, khăng khít sẽ càng bảo đảm tính nhân dân của Đảng và nhân dân càng tin vào sự lãnh đạo của Đảng. Nhân dân có thể đánh giá chính xác những ưu điểm, khuyết điểm của tổ chức Đảng và chính quyền cũng như của từng cán bộ, đảng viên. Nhân dân là người có quyền lực cao nhất, nhân dân chính là người có ý kiến tối hậu về hiệu quả mọi công tác của các cơ quan Đảng, các cơ quan của Chính phủ, chính quyền, về phẩm chất của mỗi cán bộ, đảng viên. Nhân dân có thể trực tiếp phản ánh, góp ý với cấp ủy đảng các chủ trương, đường lối lớn của Đảng; góp ý kiến, kiến nghị đối với tổ chức đảng và chính quyền, phát hiện những yếu kém, khuyết điểm của tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên, nhất là phát hiện những biểu hiện tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, “lợi ích nhóm”.
Nhân dân trực tiếp tham gia xây dựng, chỉnh đốn Đảng thông qua hoạt động đối thoại. Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, biện pháp để phát huy vai trò của nhân dân trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng một cách trực tiếp, hiệu quả, phát huy quyền làm chủ thực sự của nhân dân, tạo cơ sở pháp lý để thực hiện nghiêm túc phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Các tổ chức đảng chú trọng việc tiếp công dân để tiếp nhận và kịp thời chỉ đạo xử lý khiếu nại, tố cáo và giải quyết những kiến nghị, phản ánh của nhân dân, nhất là những vấn đề liên quan đến tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên. Điều này giúp Đảng kiện toàn được bộ máy và làm trong sạch đội ngũ của mình.
Để nhân dân tích cực tham gia xây dựng Đảng
Việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở phần nào đã đáp ứng yêu cầu của đông đảo nhân dân, tăng cường được vai trò kiểm tra, giám sát trực tiếp của đảng viên và nhân dân với tổ chức đảng và các cơ quan dân cử. Mặt khác, làm cho mỗi đảng viên gắn bó với tổ chức đảng của mình, chủ động tích cực xây dựng Đảng trên cơ sở mọi đảng viên đều bình đẳng trước chân lý và có trách nhiệm đầy đủ với mỗi công việc của mình. Cơ chế này cần được mở rộng và hoàn thiện để phát huy tính tích cực và hiệu quả, để nhân dân thật sự giám sát được Đảng - trước hết là đối với từng cán bộ, đảng viên cụ thể tại cơ sở. Điều này cũng tạo lòng tin và dư luận xã hội tốt trong những công việc tương tự ở quy mô và cấp lớn hơn.
Điều quan trọng khi huy động nhân dân tham gia xây dựng, chỉnh đốn Đảng là phải thay đổi được thái độ của nhân dân trước những biểu hiện tiêu cực, để nhân dân tin và tham gia tích cực, ủng hộ những cố gắng của Đảng trong việc xây dựng, chỉnh đốn mình. Đảng cần nâng cao hiểu biết của nhân dân về những quyền lợi của mình bị xâm phạm bởi các cán bộ, đảng viên đã thoái hoá biến chất, tạo được dư luận xã hội lên án những hành vi và cá nhân sai phạm cũng như làm cho nhân dân nhận thức rõ về trách nhiệm của mình phải tố giác và lên án những sai phạm thay vì cho đó là những “điều xấu tất yếu” (!). Điều cao hơn là xây dựng được những chuẩn mực đạo đức xã hội ứng xử trong công việc giữa cán bộ, đảng viên với nhân dân.
Cần công khai trước nhân dân những chế độ, chính sách, quy định của Đảng, Nhà nước có liên quan đến trách nhiệm và quyền lợi của các đảng viên, các cơ quan để nhân dân có cơ sở để đối chiếu trong quá trình giám sát, đồng thời tạo những điều kiện cần thiết và thuận lợi để nhân dân thực hiện trực tiếp quyền giám sát của mình và gián tiếp thông qua các tổ chức đoàn thể và các phương tiện thông tin đại chúng.
“Quy định về những điều đảng viên không được làm” được Hội nghị Trung ương 4, khóa XIII bổ sung cũng là cơ sở để cấp ủy, tổ chức đảng, đảng viên, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân giám sát đảng viên. Cán bộ, đảng viên phải thực hiện tốt việc tự phê bình trước quần chúng - là đồng nghiệp trong cơ quan, nhân dân ở nơi cư trú - để nhân dân có thể trực tiếp tham gia góp ý nhận xét từng cán bộ, đảng viên về phẩm chất, năng lực cũng như mức độ hoàn thành những công việc được giao một cách cụ thể và chính xác. Công việc này phải được tiến hành thường xuyên và quan trọng hơn là phải đạt được hiệu quả thực tế, tránh rơi vào hình thức, qua loa.
Một “kênh” khác có thể trợ giúp tốt cho việc huy động nhân dân tham gia chống suy thoái, biến chất là sự hỗ trợ của những phương tiện thông tin đại chúng. Trong lĩnh vực này, nguồn tin của nhân dân phát hiện những sai phạm và sự lên án của công luận trước các cá nhân sai phạm có vai trò quan trọng. Những người có trách nhiệm điều hành và cả các công chức thực thi các công việc liên quan đến những quyền lợi có thể dễ bị cám dỗ hơn vào việc lợi dụng quyền lực để chiếm đoạt lợi ích cho cá nhân nếu như họ tin rằng những hành vi sai trái của mình khó có thể bị công khai trước công chúng và bị dư luận lên án, có thể bị pháp luật trừng phạt. Tất nhiên, cần đề phòng những âm mưu lợi dụng dân chủ và tự do ngôn luận để thực hiện mục đích gây rối loạn xã hội bằng những thông tin thất thiệt, đề phòng những âm mưu lợi dụng báo chí, dư luận để “hạ bệ” nhau…
___________________________
(1) Hồ Chí Minh - Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 15, tr. 457 (2) Hồ Chí Minh (2011) - Toàn tập, Sđd, tập 5, tr 335 (3) Hồ Chí Minh (2011) - Toàn tập, Sđd, tập 5, tr. 337 (4) Hồ Chí Minh (2011) - Toàn tập, Sdd, tập 13, tr. 421 (5) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tập I, tr.191-192)
Chiều 22/11, Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh ủy tiếp tục nội dung chương trình làm việc cho ý kiến, cho chủ trương các nội dung kinh tế - xã hội theo thẩm quyền. Đồng chí Lê Thị Thủy, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì hội nghị.
Sáng 22/11, Thị ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ thị xã Duy Tiên long trọng tổ chức Kỷ niệm 555 năm danh xưng Duy Tiên (1469 - 2024) và 95 năm thành lập Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng Duy Tiên (11/1929 - 11/2024).
Sáng 22/11, Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh ủy tổ chức hội nghị cho ý kiến các nội dung trình Kỳ họp thường lệ cuối năm 2024 (Kỳ họp thứ 21), HĐND tỉnh khóa XIX, nhiệm kỳ 2021-2026 và các nội dung khác theo thẩm quyền. Đồng chí Lê Thị Thủy, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì hội nghị.
BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ
Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017
Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam
Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ
Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342
Email: baohanam.dientu@gmail.com
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.