Qua nửa nhiệm kỳ thực hiện nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp, huyện Kim Bảng đã thực hiện có hiệu quả việc luân chuyển cán bộ giữa các địa phương, nhất là vị trí bí thư đảng ủy, chủ tịch UBND xã, thị trấn, tình hình kinh tế - xã hội (KT-XH), công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị đều có chuyển biến tích cực; tác phong, lề lối làm việc của người đứng đầu, đội ngũ cán bộ, công chức (CBCC) có nhiều đổi mới theo hướng khoa học, gần dân, sát dân. Nhiều vấn đề khó khăn, phức tạp tồn tại ở địa phương được xử lý, giải quyết hiệu quả, góp phần khắc phục những hạn chế trong công tác cán bộ, phát huy tính sáng tạo, chủ động, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, phòng ngừa tiêu cực, giúp cán bộ trưởng thành vững chắc, hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị được giao.
Công tác luân chuyển CBCC để bố trí, rèn luyện, bồi dưỡng, thử thách cán bộ, nhất là cán bộ trẻ, cán bộ nữ, tạo nguồn cho công tác quy hoạch và sử dụng cán bộ đóng vai trò hết sức quan trọng. Chính vì vậy từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Kim Bảng đã thực hiện luân chuyển 6 đồng chí từ huyện về xã công tác (4 bí thư đảng ủy, 2 chủ tịch UBND). Điều động giữa các phòng, ban của huyện 18 đồng chí; từ xã lên huyện công tác 3 đồng chí (1 phó bí thư thường trực đảng ủy, 1 chủ tịch UBND, 1 phó chủ tịch); điều động trở lại huyện công tác khi hết thời gian luân chuyển đối với 2 đồng chí; điều động về xã giới thiệu bầu giữ chức danh phó chủ tịch UBND đối với 1 đồng chí công chức huyện; điều động cán bộ chủ chốt giữa các xã là 8 đồng chí (gồm 3 chủ tịch, 5 bí thư); điều động, sắp xếp 23 công chức từ xã này sang xã khác trên các lĩnh vực: tài chính ngân sách, tài nguyên - môi trường, lao động thương binh và xã hội, tư pháp, quân sự. Đến nay, đã bố trí 8/18 bí thư đảng ủy, 4/18 chủ tịch UBND xã, thị trấn không phải người địa phương; 1/18 bí thư đảng ủy đồng thời là chủ tịch UBND xã. Qua thực tiễn cho thấy việc bố trí, luân chuyển cán bộ, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền không phải là người địa phương giúp các xã, thị trấn ở Kim Bảng phát triển toàn diện hơn trên mọi mặt của đời sống, thúc đẩy phát triển KT-XH. Đặc biệt cán bộ lãnh đạo được luân chuyển về địa phương công tác có sự phấn đấu, nỗ lực, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Xã Lê Hồ là một trong những địa phương có bí thư đảng ủy không phải là người địa phương. Nhiệm kỳ qua, KT-XH của Lê Hồ có nhiều bước phát triển vượt bậc, đời sống nhân dân từng bước đi lên (thu nhập bình quân đầu người tăng 5,5 triệu đồng so với đầu nhiệm kỳ), an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Có được kết quả đó là sự tham mưu, chỉ đạo, gương mẫu của người đứng đầu cấp ủy Lê Hồ. Đồng chí Đinh Hồng Kiên nhiều năm làm Bí thư Đảng ủy xã Tân Sơn, tháng 12/2021, đồng chí được Ban Thường vụ (BTV) Huyện ủy Kim Bảng điều động về làm Bí thư Đảng ủy Xã Lê Hồ. Gắn bó với quê hương Tân Sơn lâu năm cũng có nhiều thuận lợi, vì nắm rõ phong tục, tập quán, sinh hoạt của người dân, nhưng trong quá trình giải quyết công việc vẫn có "cái khó" vì mối quan hệ họ hàng, làng xóm. Khi được phân công về làm Bí thư Đảng ủy Xã Lê Hồ, ban đầu đồng chí Kiên còn nhiều bỡ ngỡ bởi địa bàn mới, đội ngũ cán bộ mới, bản thân đồng chí chưa thông hiểu tâm tư, tình cảm của đảng viên và nhân dân. Xác định việc khó thì người đứng đầu chịu trách nhiệm, hằng tuần đồng chí Kiên đều dành thời gian xuống cơ sở, nắm bắt địa bàn, gặp gỡ cán bộ, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng; tham mưu tổ chức đối thoại với nhân dân để lắng nghe nguyện vọng, khó khăn, vướng mắc của người dân. Mọi công việc đều được công khai, minh bạch, có sự bàn bạc, thống nhất trong đảng ủy để triển khai thực hiện. Bí thư Đảng ủy Xã Lê Hồ đã mạnh dạn trong chỉ đạo giải quyết nhiều vấn đề khó khăn, phức tạp tại địa phương hiệu quả.
Đồng chí Đinh Hồng Kiên cho biết: “Từ thực tiễn được điều động, luân chuyển địa bàn công tác cho thấy, chủ trương bố trí bí thư cấp ủy không phải là người địa phương rất có ý nghĩa trong rèn luyện cán bộ, giúp nâng cao bản lĩnh, kỹ năng giải quyết các vấn đề đặt ra để lãnh đạo xã hoàn thành tốt nhiệm vụ. Khi sang địa bàn mới công tác đã giúp tôi rèn giũa mình hơn nữa trong việc học tập kiến thức chuyên môn, giao tiếp ứng xử với CBĐV, nhân dân. Đặc biệt là giúp tích lũy thêm được những kiến thức thực tiễn trên mọi mặt công tác và đời sống để hoàn thiện bản thân, thích nghi trong mọi điều kiện hoàn cảnh công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ được cấp ủy giao phó”.
Tranh thủ sự giúp đỡ, chủ động lắng nghe, tiếp thu ý kiến của CBĐV, các tầng lớp nhân dân ở địa phương, những cán bộ được điều động, luân chuyển về địa phương công tác đã quy tụ được sức mạnh của tập thể thường trực, ban thường vụ, ban chấp hành đảng ủy, từ đó tham mưu, đưa ra được các chủ trương, kế hoạch lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện bảo đảm phù hợp với thực tiễn và phát huy được thế mạnh của địa phương. Được luân chuyển từ vị trí Chủ tịch UBND xã Ngọc Sơn về làm Chủ tịch UBND thị trấn Quế, ban đầu đồng chí Nguyễn Trung Trực cũng không khỏi băn khoăn, lo lắng làm sao để triển khai thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách ở địa bàn trung tâm của huyện. Tuy nhiên, về địa phương mới công tác đã giúp đồng chí phát huy hơn nữa năng lực tham mưu, triển khai tốt các yêu cầu, nhiệm vụ đề ra. Với sự đóng góp của Chủ tịch UBND thị trấn, nửa nhiệm kỳ qua, hầu hết các chỉ tiêu KT-XH của thị trấn đều đạt và vượt kế hoạch. Các nghị quyết chuyên đề về việc sắp xếp, chỉnh trang nghĩa trang nhân dân, di chuyển mồ mả nhỏ lẻ về nghĩa trang tập trung; xây dựng thị trấn trở thành phường trước năm 2025; công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng, hành lang an toàn giao thông đều được triển khai thực hiện hiệu quả.
Đồng chí Nguyễn Trung Trực cho biết: “Khi nhận nhiệm vụ về thị trấn Quế không phải nơi mình cư trú, công việc bước đầu cũng gặp không ít khó khăn, thử thách, nhất là phong tục, tập quán mỗi vùng miền khác nhau. Địa bàn mới, cán bộ công tác cũng có những đặc điểm suy nghĩ, tính cách, hoàn cảnh mà mình chưa biết. Tuy nhiên, với tâm thế luôn học hỏi, lấy sự thấu hiểu và đoàn kết là vấn đề cốt lõi nên bản thân tôi đã nhận được sự tin tưởng của cấp ủy, CBĐV và nhân dân. Với kinh nghiệm được tích lũy, tôi nhanh chóng nắm bắt địa bàn, gặp gỡ cán bộ, đảng viên, công chức, các chi bộ tổ chức, đoàn thể… để cùng học hỏi, bàn bạc tìm ra cách giải quyết công việc phù hợp nhất. Mặt khác, tôi luôn chủ động trực tiếp đối thoại, lắng nghe và giải quyết những ý kiến, kiến nghị của các tổ chức đoàn thể, nhân dân, tạo niềm tin trong đảng viên và người dân địa phương.
Qua thực tế cho thấy, những cán bộ được điều động, luân chuyển về giữ các chức vụ, nhất là bí thư cấp ủy, chủ tịch UBND xã, thị trấn ở huyện Kim Bảng đã phát huy được vai trò, giải quyết hiệu quả những vấn đề còn tồn tại tại địa phương. Hơn nữa, những cán bộ được luân chuyển hầu hết đều có trình độ năng lực, kinh nghiệm lãnh đạo, được đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện từ cơ sở nên đã ghi dấu ấn đậm nét ở địa bàn công tác, tạo sự đoàn kết trong tập thể cấp ủy, chính quyền địa phương, góp phần quan trọng vào sự bứt phá của xã, thị trấn. Hầu hết các địa phương có cán bộ được điều động, luân chuyển về công tác đều hoàn thành và hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu, nghị quyết hằng năm đề ra, giúp cho Kim Bảng tiến tới mục tiêu trở thành thị xã trước năm 2025. Kết quả đó cho thấy, đây là chủ trương đúng góp phần củng cố nâng cao hoạt động của cả hệ thống chính trị; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ở cơ sở trưởng thành nhanh hơn, tích lũy được nhiều kinh nghiệm; duy trì ổn định, đẩy mạnh phát triển kinh tế trên địa bàn, nhất là củng cố vững chắc niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền cơ sở.
Lê Việt Dũng