Cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc tỉnh Hà Nam năm 2020” do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức đã nhận được sự quan tâm và hưởng ứng rất đông của phòng GD&ĐT các huyện, thị xã, thành phố; các trường THPT, các em học sinh cũng như các bậc phụ huynh trong tỉnh. Nếu như cuộc thi năm 2019 chỉ nhận được 18 nghìn bài dự thi đến từ 91 trường trong toàn tỉnh thì cuộc thi năm nay Ban tổ chức đã nhận được gần 65 nghìn bài dự thi đến từ 193 trường học.
Số lượng học sinh tham gia dự thi đông, lại có nhiều bài đạt chất lượng cao nên việc trao thưởng năm nay cũng khác hơn so với năm 2019. Năm 2019 trao giải theo các chuyên đề thì năm nay các giải chuyên đề được trao riêng và chỉ có một học sinh duy nhất xuất sắc cho mỗi chuyên đề được trao giải; các giải cá nhân gồm có 3 giải nhất, 5 giải nhì, 12 giải ba và 17 giải khuyến khích. Với các giải tập thể, Trường Tiểu học Lê Hồng Phong và Trường THCS Trần Phú tiếp tục được nhận giải là trường có số lượng học sinh tham gia đông nhất; năm 2019, cùng nhận giải thưởng này là Trường THPT A Duy Tiên còn năm nay là Trường THPT Lý Nhân. Trường THCS – THPT Nguyễn Tất Thành (phân hiệu Đại học Sư phạm Hà Nội tại Hà Nam) tiếp tục giữ vững thành tích trường có số học sinh đạt giải nhiều nhất. Còn giải đơn vị chỉ đạo tổ chức cuộc thi tại địa phương tốt nhất năm nay được trao cho Phòng GD&ĐT thành phố Phủ Lý; năm 2019, giải này được trao cho Phòng GD&ĐT huyện Lý Nhân.
Nội dung bài dự thi của các em đều bám sát câu hỏi của các đề thi. Đó có thể là những chia sẻ cảm tưởng về một câu chuyện mình tâm đắc, một câu chuyện, một bài thơ tự sáng tác khuyến đọc; câu chuyện sáng tác khuyến đọc có kèm hình minh họa bằng tranh hoặc hình vẽ đẹp; những câu chuyện viết tiếp; câu chuyện song ngữ hay những ý tưởng khuyến đọc sáng tạo và có tính thuyết phục. Theo đánh giá của Ban tổ chức, mặc dù cuộc thi được phát động trong thời gian các em học sinh phải nghỉ học vì dịch Covid-19, nhưng với sự sát sao của phòng GD&ĐT, các trường THPT và giáo viên chủ nhiệm, tất cả các em học sinh, phụ huynh học sinh đều được thông báo về cuộc thi thông qua các ứng dụng công nghệ thông tin nên cuộc thi năm nay vẫn được lan tỏa sâu, rộng và là một hoạt động có ý nghĩa thiết thực thúc đẩy phong trào đọc sách. Nhiều bài dự thi đã được đầu tư công phu, nội dung cảm nhận sách tốt, ý tưởng viết tiếp câu chuyện phong phú, hình thức trình bày hấp dẫn. Các bài dự thi đều thể hiện được sự hiểu biết về giá trị của việc ham đọc sách và đưa ra được các thông điệp, ý tưởng hay kêu gọi mọi người trong xã hội hãy đọc sách để nắm bắt thông tin, tìm hiểu xã hội, nâng cao tri thức giúp bản thân hoàn thiện hơn trong cuộc sống.
Trường THCS – THPT Nguyễn Tất Thành tuy có số lượng bài dự thi không nhiều, nhưng trường có 8 học sinh giành được 9 giải thưởng của cuộc thi, đạt danh hiệu trường có nhiều bài dự thi đạt giải nhất. Và cũng là trường có số lượng bài thi được chọn vào vòng chung kết cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc toàn quốc 2020” nhiều nhất với 5 bài thi của 5 học sinh. Bên cạnh đó, ở hệ thống giải chuyên đề, trường có 3 em học sinh đạt giải trong tổng số 7 giải chuyên đề. Em Nguyễn Thị Thu Nga - lớp 11A chọn viết tiếp câu chuyện “Đến cỏ dại còn đoàng hoàng mà sống” của tác giả Phạm Sỹ Thanh. Bài dự thi của em mang theo suy nghĩ: Ngay cả một khóm cỏ cũng có giá trị riêng, vậy nên đừng bao giờ coi nhẹ giá trị của bản thân mình. Hãy sống thật hiên ngang trước sóng gió để rồi vào một ngày thuận lợi ta sẽ tỏa sáng theo cách của riêng mình như những nhành cỏ dại với sức sống mãnh liệt ngoài kia. Với sự tinh tế trong cảm nhận và suy nghĩ cộng những ý tưởng hay về việc khuyến đọc, bài dự thi của em đã nhận được giải chuyên đề chia sẻ cảm tưởng hay nhất và cũng là bài thi nhận được giải Nhì cá nhân.
Trong 3 giải nhất của cuộc thi, Trường THCS – THPT Nguyễn Tất Thành có một em, đó là em Đỗ Ngọc Bảo Trâm hiện học lớp 8A. Bảo Trâm đã chọn đề số 2 để sáng tác tác phẩm nhằm khích lệ mọi người đọc sách. Bài dự thi của em mang tên “Grandpa and old books” (tạm dịch “Ông già và những cuốn sách”). Câu chuyện kể về một thành phố xinh đẹp, thanh bình và yên ả, nơi: “Người dân yêu thành phố như yêu trái tim mình. Và họ còn có một tình yêu không gì sánh được dành cho sách”. Nhưng rồi với sự phát triển nhanh chóng, sự hiện đại hóa đã làm cho cư dân thành phố mải mốt kiếm tìm danh lợi, họ đánh mất dần thói quen đọc sách. Không đành lòng đứng nhìn “thiên đường sách” lụi tàn, một nhà văn tài ba của thành phố đã dựng lên một tiệm sách duy nhất trong thành phố mang tên “Grandpa and old books”. Và chính tiệm sách này đã cứu sống tính mạng và tâm hồn một cô gái trẻ. Cô gái đã cùng nhà văn lan tỏa và khôi phục thói quen đọc sách trong cư dân thành phố, bởi như câu nói Bảo Trâm trích dẫn: “Sách là kho báu, là bảo bối. Nó chính là giá trị cốt lõi của đời sống tinh thần mà ta không thể đánh mất!”. Bài viết cùng với ý tưởng thành lập một “Tủ sách của chung” tại lớp học, thành lập các trang fanpage “Love books” (yêu sách)… bài thi của Bảo Trâm ngoài giải Nhất còn được chọn là một trong 20 bài thi tham gia vòng chung kết cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc toàn quốc năm 2020”.
Phát biểu tại lễ tổng kết và trao giải cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc tỉnh Hà Nam năm 2020”, ông Lê Xuân Huy, Giám đốc Sở VH,TT&DL chia sẻ: Văn hóa đọc là văn hóa gốc, kiến thức gốc và tài liệu gốc. Dù cho mỗi quốc gia có phát triển đến trình độ nào đi nữa, sách vẫn là công cụ quan trọng nhất trang bị tri thức cho con người. Thời đại bùng nổ về công nghệ thông tin, đọc trên mạng chỉ giải quyết được nhu cầu ngay tại thời điểm đó chứ muốn tra cứu, tìm hiểu thông tin chính thống vẫn phải quay lại văn hóa đọc. Cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc năm 2020” do Vụ Thư viện tổ chức là một cuộc thi thiết thực và bổ ích. Từ sự tự cảm nhận, tự chia sẻ của các em học sinh đã làm cho phong trào đọc sách có sức lan tỏa mạnh mẽ trong nhà trường và trong cộng đồng. Điều đó sẽ thúc đẩy phong trào đọc sách đi lên, tạo hiệu quả tích cực trong xã hội.
Ngày 22/11, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã quyết định duy trì mức cảnh báo cao nhất đối với dịch đậu mùa khỉ (mpox), trong bối cảnh số ca mắc và số quốc gia bị ảnh hưởng đang gia tăng.
Những năm gần đây, sản xuất trên đồng ruộng của xã Đồn Xá (Bình Lục) đã có thay đổi đáng kể. Các vùng sản xuất theo hướng tập trung, tạo ra sản phẩm hàng hóa được hình thành. Cây lúa từ vai trò bảo đảm lương thực tại chỗ đã chuyển sang đóng góp vào thu nhập cho người dân. Có được kết quả đó Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp (HTXDVNN) Đồn Xá đã đẩy mạnh liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp.
Những năm qua, Trường Cao đẳng Nghề Hà Nam đã đẩy mạnh thực hiện giáo dục, tuyên truyền về phòng, chống tác hại của thuốc lá (PCTHTL) trong nhà trường. Qua đó, đã từng bước nâng cao nhận thức của học sinh, sinh viên (HSSV) về tác hại của thuốc lá, hạn chế tình trạng học viên hút thuốc trong trường học, xây dựng trường học không khói thuốc.
BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ
Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017
Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam
Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ
Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342
Email: baohanam.dientu@gmail.com
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.