Sách điện tử và văn hóa đọc thời công nghệ

Với sự phát triển mạnh mẽ của các thiết bị điện tử mang công nghệ hiện đại, giờ đây, bạn đọc đã có thể đến gần hơn với tri thức và giải trí thông qua loại hình sách điện tử. Nhiều bạn trẻ đánh giá đây là hình thức tiếp cận với sách nhanh hơn, đơn giản hơn, tiết kiệm hơn, nhất là khi phải trải qua quãng thời gian đình trệ kéo dài do dịch Covid-19, góp phần thúc đẩy phát triển văn hóa đọc thời công nghệ.

Cách đây khoảng 10 năm, e-book (sách điện tử) bắt đầu xuất hiện bởi sự có mặt của các thiết bị di động thông minh như điện thoại, iPad, Galxy Tab, Kindle, Meebook…, mang đến cho người đọc cách tiếp cận với tri thức, giải trí theo một hình thức đơn giản, gọn nhẹ, tiết kiệm và phong phú hơn. Bên cạnh đó, ưu thế nổi bật của e-book còn thể hiện ở khả năng tương tác. Người đọc sách không chỉ đơn thuần đến với sách mà còn có thể tham gia trao đổi thông tin với tác giả, bạn bè và nhiều người khác thông qua các trang mạng xã hội. Từ đó, nhiều cuốn sách hay đã đến được với đông đảo bạn đọc dễ dàng hơn so với sách in truyền thống trước kia. 

Bạn Vũ Ngọc Hân (sinh viên Trường Đại học Công nghiệp, cơ sở Hà Nam) chia sẻ, hiện nay, việc tìm kiếm các đầu sách điện tử cả miễn phí và trả phí không khó. Hầu như người đọc có thể tìm được đủ thể loại sách điện tử trên các ứng dụng Wattpad, Waka, Ibook, Kho sách nói… Với sinh viên, không đủ tài chính để mua sách in và cũng không muốn mua sách lậu thì sách điện tử chính là “cứu cánh”. Bởi khác với sách in truyền thống, giá thành của sách điện tử không quá cao, thậm chí có nhiều tiểu thuyết, tản văn, truyện ngắn và sách tham khảo được chia sẻ miễn phí.

Tuy nhiên, cũng theo Vũ Ngọc Hân, hiện tại trên các nền tảng trực tuyến vẫn chưa đăng tải (upload) nhiều các loại sách học thuật, việc phân loại sách cũng chưa rõ ràng gây hiểu lầm cho người đọc.  “Lợi ích đầu tiên của sách điện tử là tính tiện lợi, nhanh chóng vì em không cần phải ra nhà sách hay thư viện, chỉ cần vài thao tác đã có thể tìm được nội dung cần thiết. Ngoài ra, việc lưu lại trang sách đang đọc hoặc đánh dấu những đoạn văn hay, đáng chú ý để có thể mở ra đọc lại lần sau trở nên dễ dàng hơn, kể cả khi đã tắt ứng dụng. Việc chia sẻ sách điện tử cho người thân, bạn bè, tương tác với chính tác giả của cuốn sách cũng trở nên dễ dàng hơn thông qua mạng xã hội”, Vũ Ngọc Hân đánh giá.

Sách điện tử và văn hóa đọc thời công nghệ
Thiết bị công nghệ giúp độc giả dễ dàng tiếp cận nhanh hơn, gần hơn với kho sách và nguồn tri thức khổng lồ.

Trong khi đó, bạn Nguyễn Mạnh Hùng (học sinh Trường THPT A Duy Tiên, thị xã Duy Tiên) cho hay, không chỉ sách chữ, Hùng đã bắt đầu nghe sách nói (Audio Book) hơn 2 năm nay. Đây là dạng sách âm thanh, thay vì phải đọc sách, chúng ta sẽ được nghe, nhận thông tin của sách được truyền tải thông qua giọng đọc của một người khác, hoặc giọng nhân tạo AI. Với sách nói, Hùng không chỉ đọc trọn vẹn một quyển sách với thời gian nhanh hơn mà với những giọng đọc truyền cảm còn có thể tạo hiệu ứng dễ nhớ và thư giãn rất tốt. Chưa kể, với sự tiện dụng của sách điện tử và sách nói mang lại, còn giúp cho Hùng duy trì thói quen đọc sách, ngay cả khi nghỉ ngơi, ngồi trên xe đi đâu đó cũng có thể nghe đọc sách, vừa giúp thư giãn mà lại sử dụng thời gian rảnh rỗi hiệu quả.

Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích thiết thực, nhiều người dùng cũng đánh giá một số ứng dụng sách điện tử chèn nhiều quảng cáo gây rối mắt, bất tiện cho người đọc. Một số trang web đăng tải tệp tin định dạng hình ảnh để chống sao chép nên dung lượng rất nặng, nếu kết nối mạng không ổn định thì không thể xem được, còn với sách định dạng PRC, PDF thì phải tải về máy, rất bất tiện. Ngoài ra, khi mua sách điện tử, khách hàng chỉ đơn thuần là được cấp quyền sử dụng sách, không có quyền sở hữu thực sự như sách in truyền thống, vì vậy, khi xảy ra trường hợp nền tảng sách điện tử của một nhà bán lẻ nào đó ngừng hoạt động, lỗi hoặc đóng cửa hệ thống thì rất có khả năng người đọc, người mua sách sẽ không thể mở lại cuốn sách mình đã mua.

Để nâng cao năng lực phục vụ bạn đọc trên địa bàn tỉnh, thời gian qua, Thư viện tỉnh Hà Nam đã triển khai nhiều hoạt động dịch vụ mới, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) nhằm đưa sách đến gần hơn với đông đảo công chúng, tạo điều kiện cho việc học tập suốt đời của người dân. Website thư viện (được thiết kế độc lập và đưa vào sử dụng tháng 10/2018 với địa chỉ http://thuvienhanam.vn) thường xuyên đăng tin, bài viết, giới thiệu những cuốn sách hay, cung cấp thông tin cho bạn đọc tìm hiểu về mảnh đất và con người Hà Nam. Toàn bộ dữ liệu của thư viện được đăng tải lên website. Bạn đọc có thể truy cập tìm tài liệu, nội dung các cuốn sách hay trên trang web qua bất cứ thiết bị thông minh nào, nhờ đó xác định đúng nhu cầu tài liệu trước khi đến thư viện đọc hoặc mượn về nhà. Tính đến nay, website Thư viện tỉnh Hà Nam đã thu hút trên 44,5 triệu lượt bạn đọc truy cập.

Cùng với đó, để các hoạt động ứng dụng CNTT phát huy hiệu quả, quá trình vận hành xe thư viện lưu động, thời gian vừa qua, học sinh của nhiều trường trong tỉnh cũng đã được tiếp cận hệ thống truy cập thư viện điện tử từ máy tính được tích hợp trên xe. Hệ thống trang opac.thuvienhanam.vn đang tiếp tục hoàn thiện trong thời gian tới để có thể số hóa nhiều hơn nữa các đầu sách, cung cấp sách điện tử có bản quyền đến bạn đọc.

Thực hiện Kế hoạch Chương trình chuyển đổi số ngành thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của UBND tỉnh tháng 4/2021 nhằm tối ưu hóa hoạt động, xây dựng Thư viện tỉnh theo mô hình thư viện hiện đại gắn liền với chính quyền điện tử, chính quyền số tỉnh, thời gian tới, Thư viện tỉnh sẽ tập trung rà soát, từng bước triển khai các nhiệm vụ như: Đầu tư nâng cấp hạ tầng CNTT; xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật hiện đại, bảo đảm triển khai, vận hành thư viện số và tự động hóa thư viện; xây dựng, tích hợp, kết nối, liên thông, chia sẻ dữ liệu, trao đổi tài nguyên thông tin số giữa các thư viện trong nước… Thêm nữa, Thư viện tỉnh cũng chú trọng phát triển tài liệu số qua hình thức số hóa và sưu tầm, bổ sung mới; ưu tiên số hóa tài liệu địa chí, tài liệu quý hiếm, có giá trị. Đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ mới trên cơ sở nhu cầu người dùng và xu thế phát triển mới, chú trọng yếu tố công nghệ trên nền tảng các ứng dụng của web. 

Hy vọng, thời gian tới, với lộ trình định hướng rõ ràng của Chính phủ, chính quyền địa phương, các sở, ngành liên quan, bên cạnh sách in truyền thống, bạn đọc sẽ được tiếp cận gần hơn những đầu sách điện tử có nội dung hay, giá trị, góp phần nâng cao dân trí, văn hóa đọc thời công nghệ, nhất là trong giới trẻ hiện nay. 

Thanh Vân

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy