Đọc sách viết về Bác để học Bác

Đọc sách viết về Bác để học Bác - rất nhiều người đã thực hiện như thế. Với tôi, bắt đầu là cuốn sách “Búp sen xanh” của nhà văn Sơn Tùng.

Đầu những năm 80 thế kỷ trước, cuốn sách được Nhà xuất bản Kim Đồng in, khi đó tôi mới gần 10 tuổi. Bố tôi mang cuốn sách về cho chúng tôi, anh em chuyền tay nhau đọc. Cuốn sách viết cho thiếu nhi chỉ dày khoảng 300 trang, bìa màu xanh có in hình bông sen giản dị. Anh trai tôi là người đã đọc cho tôi nghe mỗi buổi chiều muộn sau khi tôi nấu cơm xong. Cứ đọc đến phần nói về tuổi thơ của Bác (hồi nhỏ gọi là Nguyễn Sinh Côn), tôi khóc nấc lên. Ngày bà Hoàng Thị Loan mất, Bác mới mười tuổi, "đầu đội khấu rơm, mặc áo đại tang, chống gậy, chân đất, đi sau quan tài mẹ... Côn gục đầu vào nắp áo quan mẹ... Côn vừa khóc nấc dồn dồn, toàn thân run lên...". Rồi, "chôn cất mẹ xong, Côn lại bế em về với ngôi nhà hoang vắng trong thành nội... Côn bế em vào lòng, tựa lưng bên bàn thờ mẹ nhìn đau đáu trong đêm đen quạnh quẽ mịt mù". 

Cảnh sống thiếu thốn, khổ sở vì đất nước những năm đầu thế kỷ 20 còn đang nằm trong vòng kìm kẹp của thực dân - phong kiến, nhân dân đói khổ lầm than, nhưng Nguyễn Sinh Côn vẫn là một cậu bé hiếu thảo, ngoan ngoãn, lễ phép và ham học. Những hình ảnh ám ảnh tôi đến tận bây giờ vẫn là cảnh Nguyễn Sinh Côn chạy về không kịp gặp mẹ. Cảnh cậu bé Côn phải bế em đi xin sữa, rồi nấu cháo, sắc thuốc cho mẹ khi bà Loan ốm... Thời đó sách hiếm, có được những cuốn như thế này quý hơn vàng. Anh em tôi luôn nhắc nhở nhau, phải giữ nó cho cẩn thận. Cuộc sống lúc bấy giờ cũng khó khăn, nhưng so với tuổi thơ của Bác, chúng tôi vẫn hạnh phúc vì đất nước đã được độc lập tự do, không còn chiến tranh. Tấm gương thiếu nhi của Bác Hồ đã khích lệ anh em chúng tôi nỗ lực hơn trong học tập và lao động, kính trọng ông bà, vâng lời bố mẹ. Đặc biệt, phải có chí hướng, có khát vọng và lý tưởng.

Đọc sách viết về Bác để học Bác
Học sinh Trường THCS Bắc Lý (Lý Nhân) kể chuyện về Bác hưởng ứng Ngày Sách và văn hóa đọc Việt Nam.

Chúng tôi lớn lên, đất nước ngày càng phát triển. Sách báo rất nhiều. Nhà văn Sơn Tùng là người đầu tiên viết tiểu thuyết về Bác Hồ thời niên thiếu, nhưng không phải là người duy nhất. Những tác phẩm văn học, âm nhạc, mỹ thuật, nhiếp ảnh… về Bác ra đời càng làm cho chúng tôi thấy Bác gần gũi và thân thương hơn. Bác tôi nói với tôi, “Bác là Bộ đội Cụ Hồ, lúc nào cũng phải lạc quan …”. Tôi không hiểu sao lại gọi là “Bộ đội Cụ Hồ”, sau này, đọc vài cuốn sách của Giáo sư Đinh Xuân Dũng, tôi mới biết vì sao bộ đội Việt Nam được mang danh “Bộ đội Cụ Hồ”. Trong tác phẩm “Bộ đội Cụ Hồ” – Một giá trị độc đáo của văn hóa Việt Nam hiện đại”, Giáo sư Đinh Xuân Dũng đã nói về xuất xứ của tên gọi. Từ lúc ở khu giải phóng Việt Bắc, đồng bào các dân tộc đã gọi các đơn vị vũ trang là “Bộ đội ông Ké”, một cách thân thương, nhưng nhiều người lại không biết tên Bác. Về sau biết tên Người là Bác Hồ, là Chủ tịch Hồ Chí Minh, mọi người đã gọi “Bộ đội ông Ké” là “Bộ đội Cụ Hồ”. Danh xưng ấy đã khái quát một cách đầy đủ nhất về bản chất cách mạng của quân đội ta. 

Giáo sư Đinh Xuân Dũng viết: Hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” chứa đựng một cách đầy đủ và tập trung nhất những phẩm chất tốt đẹp của quân đội mà mỗi người chiến sỹ đã thực hiện đúng những lời Người dạy”. Đó là lực lượng cách mạng “Trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hi sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”. Vì danh xưng ấy mà trong bất kể giai đoạn nào, chiến sỹ ta luôn tích cực học tập, rèn luyện để không ngừng tiến bộ; tự giác thực hiện nghiêm “12 điều kỷ luật”…

Tôi đã từng đọc rất nhiều sách về Bác và những cuốn sách của Bác như truyện và ký Nguyễn Ái Quốc, tuyển tập thơ Hồ Chí Minh, Nhật kỳ trong tù… Ai viết về Bác cũng hay, bất kể là thể loại văn học gì. Rồi nghe những bài hát về Bác, bài nào cũng tha thiết, chan chứa tình yêu, sự tôn kính với Người. Vì thế, đứng trước bất kỳ một khó khăn nào, tôi cũng thấy nó như một điều tất yếu phải vượt qua. Tôi học viết báo, lại nhớ thầy tôi nhắc lời Bác dạy “Viết cho ai?”, “Viết để làm gì?”, “Đối với những người viết báo chúng ta, cái bút là vũ khí sắc bén, bài báo là tờ hịch cách mạng…”. Tôi học cách diễn đạt ngôn ngữ của Bác, đơn giản mà thâm sâu, hàm nhiều ý nghĩa, dễ hiểu, dễ đọc; học cách nắm bắt tâm lý của người đối diện khi phỏng vấn; học cách tôn trọng nhân dân. 

Một ngày mùa đông năm 2010, tôi gặp nhà nông học Nguyễn Thế Nữu, ở  Yên Bắc, huyện Duy Tiên (nay là thị xã Duy Tiên) khi ông đang hoàn thành bản thảo cuốn sách thứ 15 của mình về Bác Hồ, trong đó có 6 cuốn đã được xuất bản. Trò chuyện, xem sách của ông dịch giải thơ Bác, sưu tầm những câu chuyện về Bác Hồ mới thấy, ông Nữu dành cho Bác một tình cảm kính trọng, ngưỡng mộ lớn lao. Ông nói: “Tôi đọc nhiều sách về Bác bằng chữ Hán, chữ Quốc ngữ. Cuốn nào cũng có giá trị với tôi, không chỉ về thưởng thức văn chương mà còn để bản thân tôi học tập nhiều hơn ở Người những đức tính cao đẹp. Đó là lối sống giản dị, là tình cảm yêu thương dành cho nông dân, cho bô lão, cho thiếu nhi. Cả sự nghiệp của tôi chuyên tâm nghiên cứu lúa lai, phục vụ ngành nông nghiệp nước nhà, đọc thơ Bác, sách viết về Bác tôi mới thấy mình cần làm nhiều hơn cho nông dân. Và tôi đã thành công trong những đề tài nghiên cứu về giống lúa lai”. 

Còn tôi, đọc sách của ông Nữu về Bác Hồ, tôi thấu hơn cái tình của đồng bào dành cho lãnh tụ, thấy rõ cái cao cả từ cuộc sống và nhân cách của ông Nữu vì học Bác mà nỗ lực không ngừng, làm việc không mệt mỏi với những công trình nghiên cứu sưu tầm đồ sộ. Lúc đó, ở tuổi ngoài 80, ông Nữu có thể thâu đêm, suốt sáng ngồi bên chiếc máy tính cũ kỹ, đánh từng trang bản thảo.  Ông Nữu có vốn kiến thức nông nghiệp sâu rộng, có trình độ Hán học khá cao, nhưng luôn giữ nếp sống khiêm nhường và chu đáo. Quan điểm sống của ông bình dị, cái gì tốt cho nhân dân, cho những người xung quanh nên làm. Nếu có khả năng, cố gắng làm bằng được. 

Ai cũng có thể học Bác, làm theo Bác từ những việc nhỏ nhất. Đã có hàng trăm cuốn sách viết về những đức tính tốt đẹp của Bác Hồ, về tấm lòng của Bác đối với đất nước, dân tộc, đồng bào, quê hương... khi đọc những cuốn sách đó, chúng ta sẽ càng thấy tất cả những điều vĩ đại ở Người được kết tinh từ những điều giản dị nhất trong lối sống, tác phong và đạo đức, nhân cách của Bác Hồ.

Giang Nam

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy