Tăng cường quản lý hoạt động vật liệu nổ công nghiệp

Công nghiệp 21:36 11/06/2020 Nguyễn Oanh
Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có 75 doanh nghiệp thực hiện dự án khai thác khoáng sản có sử dụng VLNCN. Hằng năm, căn cứ vào tình hình thực tế về hoạt động khai thác khoáng sản, Sở Công thương đều xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra đối với các doanh nghiệp này.

Thực hiện Quyết định số 11/2017/QĐ-UBND ngày 30/3/2017 của UBND tỉnh về quản lý hoạt động khoáng sản, những năm qua, Sở Công thương đã tích cực phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát đối với các doanh nghiệp có hoạt động vật liệu nổ công nghiệp (VLNCN) trong khai thác khoáng sản. Từ đó, đã góp phần bảo đảm an toàn lao động trong quá trình nổ mìn, hạn chế những tác động tiêu cực do hoạt động khai thác khoáng sản gây ra đối với môi trường, sản xuất và đời sống sinh hoạt của người dân.

Công ty cổ phần Xi măng Vicem Bút Sơn, xã Thanh Sơn, Kim Bảng được đánh giá là điểm sáng về việc chấp hành các quy định của Nhà nước trong hoạt động VLNCN. Cụ thể, bên cạnh việc thực hiện nghiêm quy định về thời gian nổ mìn, lượng thuốc nổ trong mỗi lần khai thác, bảo đảm an toàn phòng, chống cháy nổ, Vicem Bút Sơn còn đặt ra yêu cầu cao trong công tác tuyển dụng, đào tạo đội ngũ cán bộ, công nhân thực hiện hoạt động nổ công nghiệp. Cùng với đó, công ty còn rất chú trọng trong việc đổi mới, đầu tư trang thiết bị hiện đại, áp dụng công nghệ khoan nổ mìn tiên tiến nhất nhằm giảm thiểu ảnh hưởng đến môi trường do quá trình nổ mìn gây ra.

Ông Phan Thanh Thủy, Quản đốc xưởng khai thác của công ty cho biết: Vicem Bút Sơn hiện có 4 điểm mỏ, thực hiện khai thác nguyên liệu đá vôi, đá sét cho sản xuất xi măng. Với lượng xi măng xuất bán ra thị trường là trên 4 triệu tấn mỗi năm, Vicem Bút Sơn sử dụng khoảng 600 tấn thuốc nổ để khai thác trên 3 triệu tấn đá các loại. Để bảo đảm an toàn lao động trong quá trình khai thác, Vicem Bút Sơn thường xuyên phối hợp với các ngành, đơn vị chuyên môn tổ chức tập huấn về kỹ thuật, quy trình, phương pháp thi công cho trên 30 người hoạt động trong lĩnh vực nổ công nghiệp. Đồng thời, thành lập tổ giám sát chuyên thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát hoạt động nổ mìn để kịp thời phát hiện, xử lý những nguy cơ có thể gây mất an toàn trong quá trình khai thác đá.

Phần lớn các doanh nghiệp hoạt động vật liệu nổ công nghiệp đã chấp hành tốt quy định của pháp luật trong hoạt động khai thác khoáng sản.

Nhận thức rõ sự nguy hại nếu không thực hiện nghiêm ngặt các quy định về an toàn trong sử dụng VLNCN, một số doanh nghiệp khác trên địa bàn tỉnh như: Công ty cổ phần Đầu tư vật liệu xây dựng Hồng Hà, Công ty cổ phần khoáng sản Nam Hà… đã đầu tư hệ thống hút bụi công nghệ cao, đồng thời có đội ngũ công nhân thực hiện vệ sinh các tuyến đường sau mỗi lần nổ mìn nên đã giảm thiểu được đất đá văng và khói bụi ra môi trường… Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có 75 doanh nghiệp thực hiện dự án khai thác khoáng sản có sử dụng VLNCN. Hằng năm, căn cứ vào tình hình thực tế về hoạt động khai thác khoáng sản, Sở Công thương đều xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra đối với các doanh nghiệp này. Căn cứ vào tình hình thực tế, sở ban hành các văn bản hướng dẫn, đôn đốc và yêu cầu doanh nghiệp thực hiện đúng các quy định về hoạt động VLNCN. Cùng với đó, tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật an toàn trong hoạt động VLNCN cho cán bộ, công nhân làm việc tại các doanh nghiệp khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh… Nhờ đó, tại hầu hết các địa phương có hoạt động  VLNCN, tần suất nổ mìn của doanh nghiệp hiện đã hạn chế hơn nhiều so với trước đây. Tình trạng người dân phản ánh về việc nổ mìn với khối lượng lớn làm nứt tường nhà, trần nhà đã giảm.

Trao đổi về vấn đề này, ông Đặng Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết: Mỗi năm, các doanh nghiệp có hoạt động VLNCN trong toàn tỉnh sử dụng trên 9.000 tấn thuốc nổ các loại phục vụ khai thác khoáng sản. Để làm tốt công tác quản lý hoạt động nổ công nghiệp, mới đây, Sở đã rà soát và tổ chức làm việc với 26 doanh nghiệp chưa hoàn thành xây dựng cơ bản mỏ theo thiết kế đã được duyệt và yêu cầu các doanh nghiệp nhanh chóng hoàn thiện theo quy định. Qua công tác thanh tra, kiểm tra thường xuyên và đột xuất thời gian qua, Sở đã kịp thời phát hiện những vi phạm, bất cập. Từ đó, kiến nghị cấp thẩm quyền sửa đổi, bổ sung nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động.

Cụ thể, từ năm 2016 đến nay, Sở Công thương đã tiến hành thanh tra, kiểm tra 126 lượt doanh nghiệp, phát hiện và xử lý 76 lượt doanh nghiệp vi phạm trong hoạt động nổ công nghiệp, xử phạt gần 2 tỷ đồng. Riêng từ đầu năm  đến nay, Sở Công thương đã phát hiện, xử lý 7 lượt doanh nghiệp vi phạm với số tiền xử phạt là 190 triệu đồng. Các hành vi vi phạm chủ yếu tại các doanh nghiệp là sử dụng người chưa được huấn luyện, cấp giấy chứng nhận kỹ thuật an toàn VLNCN; vi phạm quy chuẩn kỹ thuật an toàn về VLNCN; sử dụng lượng VLNCN lớn hơn quy mô bãi nổ quy định tại giấy phép; hộ chiếu nổ mìn không đầy đủ; khai thác không đúng trình tự, hệ thống khai thác… Ông Nguyễn Quang Hưng, Trưởng phòng Kỹ thuật an toàn môi trường (Sở Công thương) cho biết: Mặc dù hoạt động VLNCN trên địa bàn đã cơ bản đi vào nền nếp. Nhưng tại một số điểm mỏ, bụi bẩn từ việc khai thác đá vẫn gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống của người dân. Nguyên nhân là do một số doanh nghiệp chưa nhận thức đầy đủ về tuân thủ thiết kế cơ sở được duyệt; việc lập hộ chiếu nổ mìn còn hạn chế; doanh nghiệp chưa chấp hành đúng cam kết về công tác vệ sinh môi trường trong quá trình khai thác khoáng sản… Theo đó, thời gian tới, Sở sẽ đẩy mạnh hoạt động kiểm tra, giám sát đột xuất hoạt động nổ công nghiệp của các DN, nhất là tại 11 khu vực nổ mìn có vị trí mỏ gần khu vực dân cư sinh sống.

Để tiếp tục bảo đảm an toàn lao động, an ninh trật tự xã hội trong quá trình sử dụng VLNCN, bên cạnh việc siết chặt quản lý của các cấp, ngành chức năng, sự chung tay của chính quyền địa phương và nhân dân trong việc giám sát, phát hiện, báo cáo sai phạm trong sử dụng VLNCN của các doanh nghiệp là hết sức cần thiết, nhằm từng bước đưa hoạt động này vào nền nếp, phục vụ tốt sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

TIN MỚI CẬP NHẬT

Tuyên bố chung giữa Thủ tướng Việt Nam và Tổng thống Cộng hòa Dominica

Chính trị  |  09:31 22/11/2024

Hai bên nhất trí về sự cần thiết tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư, kết nối doanh nghiệp và tạo điều kiện cho các sản phẩm xuất khẩu tiếp cận thị trường của nhau.

Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, khơi thông thị trường tiêu thụ nông sản

Thương mại - Dịch vụ  |  05:35 22/11/2024

Được xác định là một trong 3 trụ đỡ quan trọng của nền kinh tế, những năm qua, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp tục được quan tâm đầu tư phát triển. Chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp được đẩy mạnh. Sản xuất nông nghiệp đã có sự chuyển đổi mạnh mẽ từ tư duy sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa, hình thành chuỗi liên kết. Các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu ngày càng đa dạng và linh hoạt. Giá trị nông sản vì thế ngày càng được nâng cao. Đó chính là nội dung phỏng vấn của phóng viên (P.V) Báo Hà Nam với ông Đỗ Xuân Trường, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã (HTX) tỉnh.

Nâng cao chất lượng đàn bò thịt

Nông nghiệp  |  05:33 22/11/2024

Chăn nuôi bò thịt trên địa bàn tỉnh thời gian gần đây được quan tâm duy trì ổn định với tổng đàn trên 28.000 con. Hướng đi này giúp bò thịt dần từng bước thay thế một phần cho đàn lợn đang có xu hướng giảm do tác động từ diễn biến phức tạp của dịch bệnh và giá cả bấp bênh.

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

DANH MỤC