Phần I: Địa lý (Chương XXXVI)

Địa chí Hà Nam 07:22 25/02/2020 Điện tử

Chương XXXVI

PHÁT THANH TRUYỀN HÌNH - BÁO HÀ NAM

I. PHÁT THANH - TRUYỀN HÌNH HÀ NAM

Với chiếc loa sắt trên tay, với những bản tin gồm những mẩu tin mà chữ viết còn nguệch ngoạc và sai nhiều lỗi chính tả, với một giọng đọc vang vang còn thiếu sự chính xác về phát âm, có thể coi những tổ thông tin lưu động thường xuyên xuất hiện tại các thị trấn, thị xã các tỉnh thành miền Bắc sau năm 1954, trong đó có thị xã Phủ Lý, là tiền thân của ngành Phát thanh - Truyền hình tỉnh Hà Nam.

Khoảng năm 1956-1957, tổ thông tin lưu động đầu tiên được thành lập và hoạt động tại thị xã Phủ Lý - tỉnh lỵ của tỉnh Hà Nam. Với những phương tiện còn rất thô sơ và nghèo nàn, với biên chế khoảng 4-5 người, công việc nghiệp vụ chủ yếu là làm công tác thông tin, tuyên truyền, cổ động lưu động.

Công tác tuyên truyền được tiến hành rộng rãi về đường lối, chính sách hợp tác hoá của Đảng, của Nhà nước, về đường lối cải tạo tư bản tư doanh, về chính sách thuế nông nghiệp... và cả những thông tin về việc tiến hành cải cách ruộng đất tại các địa phương, về phong trào thi đua lao động sản xuất trên các công trường thuỷ nông Bắc-Hưng-Hải, Thuỷ điện Yên Bái, trên công trường đường sắt Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội- Thái Nguyên, Hà Nội- Hữu Nghị Quan... Họ thông tin về âm mưu và dã tâm chia cắt đất nước lâu dài của bè lũ tay sai bán nước Ngô Đình Diệm và đế quốc Mỹ, về chính sách trả thù kháng chiến của tập đoàn họ Ngô với Luật tố cộng 10/59, với các trại giam và trại tập trung kiểu Hít Le thời chiến tranh Thế giới thứ II do Ngô Đình Diệm và bè lũ tay sai tiến hành tại các trại giam như Phú Lợi...

Được sự quan tâm chỉ đạo hướng dẫn sát sao của Tỉnh uỷ và Uỷ ban Nhân dân, đến những năm 1960, các tổ thông tin lưu động được tổ chức biên chế sáp nhập với ngành bưu điện tỉnh. Do vậy, các đội được đầu tư trang bị một hệ thống máy tăng âm và loa phóng thanh.

Đài truyền thanh Hà Nam được tiếp nhận khu vực làm việc mới thông qua việc cải tạo những nhà kho cũ thành khu Nhà đài. Tại đây, có các cán bộ kỹ thuật của Bưu điện tỉnh sang trực tiếp hướng dẫn lắp đặt các dàn máy tăng âm: từ 100W, rồi 200W và đến 500W được sản xuất từ Liên Xô. Anh chị em công nhân kỹ thuật tổ chức lao động chôn cọc, kéo đường dây mắc loa phóng thanh tại một số địa điểm trung tâm thị xã như số ngã tư, ngã ba trung tâm, bến xe, chợ, vườn hoa.

Từ đây, hàng ngày những người làm công tác truyền thanh tiền thân ấy đã tổ chức chuyển tiếp các chương trình phát thanh của Đài tiếng nói Việt Nam. Tại các địa điểm đặt loa phóng thanh, hàng ngày truyền đi có các tin tức hoặc thông tin thời sự nóng hổi, chẳng hạn tàu vũ trụ của Liên Xô chở Gagarin bay vòng quanh trái đất trở về an toàn; hoặc thêm một vụ thảm sát mới tại trại giam Phú Lợi do Mỹ - Ngụy tiến hành; vụ máy bay do thám U-2 của Mỹ bị lực lượng phòng không Xô Viết bắn hạ trên bầu trời Liên bang Xô Viết...

Tại các điểm công cộng đặt loa phóng thanh, luôn luôn có nhiều người vây quanh và trật tự lắng nghe. Đó là hình ảnh đáng ghi nhận của sự nghiệp phát thanh tại thị xã Phủ Lý và một số địa phương khác trong tỉnh những năm đầu thập niên 60 của thế kỷ XX. Tiến thêm một bước, những chiếc loa Galen được lắp ở từng gia đình với những sợi dây tiếp âm được chôn sâu vào đất ngay dưới chân bàn làm việc.

Sau sự kiện Vịnh Bắc Bộ ngày 5-8-1964, Mỹ mở rộng cuộc leo thang chiến tranh bằng không quân ra miền Bắc. Miền Bắc chính thức bước vào cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, tiếp tục chi viện sức người, sức của cho cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc của đồng bào miền Nam... Tại các địa điểm đặt loa phóng thanh công cộng hay trong các gia đình, người dân chăm chú lắng nghe tin tức chiến sự hai miền Nam - Bắc, tình hình thời sự trong nước và quốc tế, những chủ trương, đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước ta, những quyết sách chiến lược đối với cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước ở cả hai miền...

Vào cuối những năm 1960, Ban biên tập của Đài Truyền thanh Hà Nam cũng đã được hình thành, có cán bộ viết tin, bài; có phát thanh viên riêng để đọc những bản tin ở địa phương, thông báo những chủ trương chính sách của Đảng, của Nhà nước cũng như của Đảng bộ và chính quyền địa phương. Đài Truyền thanh đặc biệt chú trọng nêu gương, phát hiện và biểu dương những điển hình tiên tiến, “Người tốt việc tốt”, các tập thể, cá nhân tại địa phương có thành tích nổi bật trong phong trào thi đua yêu nước trên mặt trận sản xuất và chiến đấu bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam...

Giao diện Báo Hà Nam điện tử.

Năm 1964, sau khi sáp nhập 2 tỉnh Hà Nam và Nam Định thành lập tỉnh mới Nam Hà. Cơ quan lãnh đạo tỉnh và các cơ quan đầu ngành đều nằm tại thành phố Nam Định. Đài Phát thanh - Truyền thanh Nam Hà cũng được đặt tại thành phố Dệt. Với một cơ ngơi khang trang hơn, trang thiết bị được tăng cường đầy đủ hơn, Đài Phát thanh - Truyền thanh Nam Hà dần ổn định tổ chức, tiếp tục được đầu tư trang thiết bị, chi viện, tăng cường điều hành và hướng dẫn hoạt động nghiệp vụ cho các Đài, Trạm truyền thanh thuộc thị xã Phủ Lý và các huyện trong tỉnh. Mở rộng mạng lưới truyền thanh và thời lượng tiếp sóng chương trình của Đài Tiếng nói Việt Nam, tăng cường thời lượng các chương trình truyền thanh địa phương.

Tới khoảng đầu những năm 1970, Đài Phát thanh Nam Hà được tách ra khỏi hệ thống Bưu điện tỉnh, hoạt động độc lập, trực thuộc sự quản lý, chỉ đạo trực tiếp của Uỷ ban Nhân dân tỉnh Nam Hà. Cùng với việc thay đổi về hệ thống tổ chức và quản lý, Đài Phát thanh Nam Hà cũng tiếp tục được tăng cường, củng cố và bổ sung đội ngũ. Có đội ngũ cán bộ biên tập; đội ngũ phóng viên viết tin, bài; có các phát thanh viên nam, nữ đã được tuyển chọn khá kỹ lưỡng nhằm thể hiện các bản tin, các bài viết hay hơn, hấp dẫn hơn...

Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của cấp uỷ và chính quyền địa phương các cấp, Đài Phát thanh - Truyền thanh Nam Hà cùng với các trạm truyền thanh huyện thị trong địa phương đã có những đóng góp to lớn và vô cùng hiệu quả cho sự chiến đấu và sản xuất bảo vệ quê hương, bảo vệ miền Bắc trong suốt những tháng năm ác liệt của cuộc chiến tranh phá hoại của không quân và hải quân Mỹ tiến hành trên địa bàn Nam Hà nói riêng, miền Bắc nói chung. Dù còn nhiều thiếu thốn khó khăn về cơ sở vật chất và trang thiết bị kỹ thuật, song đội ngũ những người làm công tác phát thanh, truyền thanh ngày ấy đã bám sát mục tiêu chính trị và tôn chỉ hành động của một tờ báo nói của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Việt Nam. Bằng mọi hình thức, các phương tiện chuyển tải, Đài đã đưa tiếng nói của Đảng thông qua các nghị quyết, chủ trương, chính sách của Nhà nước đến với mọi tầng lớp nhân dân; cập nhật những thông tin về mọi hoạt động sản xuất, chiến đấu của quân dân cả nước và quân dân địa phương, góp phần động viên, khích lệ và biểu dương chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng một cách kịp thời và có hiệu quả giáo dục cao.

Năm 1976, sau đại thắng Mùa Xuân lịch sử giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Nam Hà lại sáp nhập với Ninh Bình thành tỉnh mới Hà Nam Ninh. Cùng với nhiều lĩnh vực kinh tế xã hội khác, ngành phát thanh - truyền hình Hà Nam lại tiếp tục trải qua quá trình ổn định tổ chức, sắp xếp cán bộ, biên chế đội ngũ biên tập viên, phóng viên, phát thanh viên.

Thấm nhuần và tiếp tục bám sát tôn chỉ mục đích của báo chí cách mạng do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, nắm vững đường lối, mục tiêu của văn hoá, văn nghệ xã hội chủ nghĩa, kể từ sau buổi phát sóng đầu tiên của Đài Truyền hình Việt Nam 7/9/1970, các đài phát thanh - truyền thanh địa phương như Nam HàHà Nam Ninh kể từ năm 1976, bên cạnh nhiệm vụ phát thanh và tiếp sóng chương trình Đài Tiếng nói Việt Nam phục vụ địa phương, còn khẩn trương xây dựng các tiền đề vật chất, trang bị kỹ thuật và cả nhân lực để gánh vác thêm nhiệm vụ truyền hình.

Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh uỷ và Uỷ ban Nhân dân tỉnh, của các cơ quan ban, ngành, với sự chi viện đắc lực và chí tình của Đài Truyền hình Việt Nam, qua những bỡ ngỡ, lúng túng trước một công việc còn khá mới mẻ chương trình phát sóng và tiếp sóng Đài Truyền hình Việt Nam đầu tiên của Đài Truyền hình Hà Nam Ninh đã được thực hiện được đông đảo các tầng lớp nhân dân trong tỉnh chào đón nồng nhiệt, đánh dấu một bước chuyển mình mới của ngành Phát thanh - Truyền hình và những người làm báo hình của tỉnh.

Cũng như các phương tiện truyền thông khác của báo chí Hà Nam Ninh vào những năm cuối thập niên 1970 và những năm đầu thập niên 1980, ngành Phát thanh - Truyền hình Hà Nam Ninh đã trải qua một giai đoạn thử thách đầy những khó khăn do cuộc khủng hoảng về kinh tế và xã hội trong nước cũng như quốc tế gây ra.

Tuy nhiên, Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nam Ninh vẫn tiếp tục phát huy chức năng, nhiệm vụ, sức mạnh của báo chí Cách mạng, phát huy vai trò xung kích của mình trên mặt trận văn hoá - tư tưởng khi đi vào thời kỳ đổi mới bắt đầu từ cuối năm 1986.

Nhờ phát huy nội lực và sức mạnh tự lực, tự cường của địa phương, với sự quan tâm sát sao và chăm lo của lãnh đạo tỉnh Hà Nam Ninh, nhờ sự chi viện tích cực của Trung ương và của Đài Truyền hình Trung ương, đến những năm 1990 - 1991, ngoài xây dựng một trạm thu phát chuyển tiếp truyền hình của tỉnh với công suất máy 1kw và cột ăng-ten cao 108m, tại các thị xã Phủ Lý, thị xã Ninh Bình và các trung tâm huyện thị khác của địa phương, cũng đã xây dựng các trạm chuyển tiếp, mua sắm trang thiết bị để dần từng bước xây dựng được các chương trình truyền hình về địa phương mình, phục vụ cho chính nhân dân thuộc thành phố, thị xã, thị trấn trong tỉnh hoặc các vùng dân cư lân cận.

Báo Hà Nam hằng ngày.

 

Báo Hà Nam cuối tuần.

Năm 1992 tỉnh Hà Nam Ninh lại chia tách thành tỉnh Nam Hà và tỉnh Ninh Bình, Đài phát thanh - truyền hình Hà Nam Ninh cũng được tách thành hai đài ở Nam Hà và Ninh Bình.

Kể từ những năm 1992, các chương trình phát thanh và truyền hình của Đài Phát thanh - Truyền hình Nam Hà luôn luôn được kết cấu, xây dựng khá đa dạng, phong phú, hấp dẫn và hợp lý. Phần tin với những tin tức cập nhật, nóng hổi, có tính thời sự cao đã phản ánh kịp thời các sự kiện và diễn biến trên địa bàn toàn tỉnh được khán giả màn ảnh nhỏ đánh giá cao bởi tính chân thực, tính kịp thời, tính giáo dục. Phần phóng sự và phóng sự điều tra, phóng sự tài liệu tập trung đi sâu phản ánh các sự việc, phân tích rạch ròi làm cho sáng tỏ những vấn đề mang tính định hướng. Đội ngũ phóng viên tuy chưa hoàn toàn đồng đều về trình độ, song bù lại là lòng say mê, tận tụy với công việc, là thái độ trung thực, dũng cảm và tác phong làm việc năng nổ, xốc vác, không quản ngày đêm, mưa nắng lặn lội tới tất cả mọi nơi, mọi chốn thu lượm thông tin, tư liệu kịp thời phản ánh những vấn đề bức xúc, những tâm tư nguyện vọng, những kiến nghị của người dân cần được các cấp lãnh đạo lắng nghe và giải quyết. Những tấm gương điển hình, gương mẫu, tiên tiến trên các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, giáo dục, văn hoá-xã hội, an ninh quốc phòng thường xuyên được các phương tiện phát thanh-truyền hình các cấp của tỉnh giới thiệu, tuyên truyền trên sóng nhằm động viên, cổ vũ và nhân rộng phong trào học tập và làm theo các gương “Người tốt việc tốt”.

Trên hệ thống phát thanh và truyền hình Nam Hà, bạn nghe đài và xem truyền hình luôn tìm được những giải đáp bổ ích, thiết thực và kịp thời qua hàng chục chuyên mục được phát sóng thường xuyên theo định kỳ như: “An ninh hoà bình”, “Khuyến nông, khuyến lâm”, “Quốc phòng toàn dân”, “Dân số và phát triển”, “Vì sức khoẻ bà mẹ và trẻ em”, “Sổ tay công tác xây dựng Đảng”, “Câu chuyện cảnh giác”, “Tiếng thơ”, “Đọc truyện đêm khuya”, “Những bài ca đi cùng năm tháng”, “Hộp thư Truyền hình”, “Đi tìm đồng đội”...

Với thời lượng phát sóng và tiếp sóng truyền hình Trung ương ngày càng được nâng cao, chất lượng ngày càng được hoàn thiện; hàng năm Đài Phát thanh - Truyền hình Nam Hà đã chuyển tới người nghe, người xem một lượng thông tin trung bình từ 4 đến 5 nghìn tin tức, từ 800 đến 1.000 phóng sự hoặc bài phản ánh, gần 500 chuyên mục trên cả hai hệ thống. Nội dung các chương trình phát thanh - truyền hình của Đài đã nhận được sự cổ vũ của đảng bộ và chính quyền địa phương, nhân dân trong tỉnh, xứng đáng là nhịp cầu tin cậy, trung thực giữa Đảng với dân, giữa dân với Đảng. Qua nhiều dịp liên hoan phát thanh, liên hoan truyền hình, liên hoan ca nhạc truyền hình, nhiều tác phẩm của Đài Phát thanh - Truyền hình Nam Hà tham dự liên hoan đã nhận được các giải thưởng xứng đáng, được công chúng thưởng thức tán thưởng, được đồng nghiệp trên cả nước trân trọng, quý mến...

Năm 1997 tỉnh Nam Hà lại được tách ra thành tỉnh Hà Nam và tỉnh Nam Định, ngày 1 tháng 1 năm 1997 được lấy làm mốc thời gian đánh dấu ngày khai sinh của Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nam với buổi phát sóng đầu tiên sau 32 năm trở về với tên gọi Hà Nam.

Ngay trong năm đầu tiên trở về hoạt động độc lập trên một địa bàn đã trải qua nhiều cuộc chia tách mà lại phải hoạt động ngay, công tác Phát thanh - Truyền thanh - Truyền hình Hà Nam trong những ngày đầu gặp không ít khó khăn, lúng túng.

Cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật cho Đài Phát thanh và Truyền hình của một tỉnh hầu như chưa có gì. Để kịp thời phục vụ cho công tác tuyên truyền và các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội của địa phương, ngay trong những ngày đầu, tháng đầu, Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nam phái đi mượn Camera để quay phim, quay tư liệu. Dựng chương trình phát thanh và truyền hình lại phải về tận Nam Định mượn và nhờ các phương tiện kỹ thuật của Trường nghiệp vụ Phát thanh - Truyền hình Trung ương. Trụ sở, nhà làm việc của cơ quan Đài nhờ tại kho vật tư của Công ty Xây dựng số 2, nhà cửa quá chật chội chưa có điện và nước sinh hoạt.

Số cán bộ, công nhân viên chuyển về từ Nam Định quá ít ỏi, chỉ có 13 đồng chí thuộc diện chia tách và 12 đồng chí được trưng tập từ hai doanh nghiệp là Công ty trang thiết bị nghe nhìn và Công ty Truyền thanh Nam Hà. Đội ngũ cán bộ kỹ thuật có thừa nhưng đội ngũ phóng viên, biên tập viên lại quá thiếu. Trình độ nghiệp vụ chuyên môn không đồng đều, không đồng bộ, lực lượng cán bộ chủ chốt thiếu, kinh nghiệm về công tác quản lý chưa nhiều. Đời sống vật chất và tinh thần của đại đa số cán bộ công nhân viên rất thiếu thốn, đặc biệt là vấn đề nhà ở và phương tiện đi lại của cán bộ công nhân viên chức.

Kinh phí sự nghiệp cho công tác phát thanh - truyền hình năm 1997 rất hạn chế, tạo nên sự bất cập lớn giữa nhiệm vụ nâng cao chất lượng chương trình, tăng thời lượng phát sóng đối với cả hai tờ báo điện tử vừa được thành lập tại địa phương, đó là báo nói và báo hình.

Ngoài chức năng chuyển tiếp và phát lại chương trình của Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nam đã sản xuất đều đặn mỗi tuần 2 chương trình truyền hình và 3 chương trình phát thanh. Đặc biệt có nhiều nội dung tuyên truyền đột xuất, Đài đã đáp ứng kịp thời với chất lượng cao, nâng mức sản xuất lên, có tuần lên tới 4 chương trình truyền hình và 5 chương trình phát thanh gốc. Chỉ riêng năm 1997 đã có 160 chương trình phát thanh và 110 chương trình truyền hình địa phương với tổng số giờ phát sóng là 3.300 giờ. Các đài truyền thanh huyện, thị, ngoài việc thực hiện tốt công tác tiếp âm các đài Trung ương, còn sản xuất và phát sóng mỗi tuần từ 3 đến 6 chương trình địa phương, tính ra có tới 1.491 chương trình, với tổng số 15.000 bài, tin.

Trong năm 1997, các Đài truyền thanh huyện, thị còn cung cấp cho Đài phát thanh tỉnh 60 chương trình với thời lượng từ 15 đến 30 phút, góp phần làm phong phú thêm cho các chương trình phát thanh của tỉnh.

Cơ sở vật chất kỹ thuật ngày càng được tăng cường. Năm 1997, với sự hỗ trợ đắc lực của Đài Tiếng nói Việt Nam và Đài truyền hình Việt Nam, Đài Hà Nam đã được trang bị đồng bộ từ thiết bị sản xuất chương trình đến máy phát thanh FM Stereo, công suất 2KW, máy phát hình công suất 5KW có chất lượng và phủ sóng căn bản trong tỉnh. Những năm gần đây Đài Hà Nam được trang bị một dây chuyền sản xuất chương trình truyền hình kỹ thuật số hiện đại, đảm bảo tính đồng bộ giữa việc sản suất và phát sóng.

Cho đến nay Hà Nam có 1 Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, 6 đài truyền thanh huyện, thị và hệ thống 116 đài truyền thanh ở cơ sở khá hoàn chỉnh. Về thời lượng phát sóng, hiện nay phát thanh ngày ba buổi (sáng, trưa, chiều, tối) với thời lượng 5 giờ/ngày, về phát hình, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh thực hiện phát sóng vào tất cả các ngày trong tuần sau chương trình thời sự của Đài Truyền hình Việt Nam, và được phát lại vào các buổi sáng. Ngoài ra, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh còn tiếp phát sóng mỗi ngày 14 giờ kênh truyền hình VTV3 của Đài Truyền hình Việt Nam.

Hiện nay, 100% xã, phường, thị trấn của tỉnh được phủ sóng phát thanh, truyền hình, nhu cầu văn hoá tinh thần của nhân dân được đáp ứng. Nhiều xã có thiết bị phát sóng FM, có xã đã đầu tư trang bị 2 đến 3 máy phát FM như xã Châu Giang (huyện Duy Tiên), xã Đức Lý (huyện Lý Nhân), xã An Ninh (huyện Bình Lục)... Hệ thống loa công cộng (công suất 25W) toàn tỉnh hiện có 1.559 chiếc. Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh đã thực hiện chương trình trang bị cơ sở thu thanh thu hình trong các năm từ 1997 đến năm 2000 cho 15 xã miền núi của huyện Kim Bảng và huyện Thanh Liêm được 71 máy thu hình và 795 máy thu thanh. Toàn tỉnh đang tiến hành thực hiện dự án nâng cấp các đài truyền thanh cơ sở với tổng giá trị đầu tư trên 6 tỉ đồng.

Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Hà Nam và mạng lưới Đài truyền thanh các huyện, thị và cơ sở trong những năm gần đây đã có nhiều tiến bộ đáng kể từ cơ sở vật chất kỹ thuật, trang thiết bị cho đến việc thường xuyên cải tiến các chương trình phát sóng phù hợp với nhu cầu ngày càng cao của nhân dân địa phương. Hiện nay, chương trình của Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh khá phong phú và đa dạng. Đã có nhiều chuyên mục được xây dựng phát sóng như: Nông nghiệp và nông thôn Hà Nam, An ninh Hà Nam, An toàn giao thông, Giải đáp pháp luật, Khoa giáo, Trả lời thư bạn xem truyền hình... phục vụ đắc lực nhiệm vụ chính trị của địa phương và ngày càng trở thành cầu nối tin cậy giữa các cấp uỷ Đảng, chính quyền, đoàn thể với nhân dân. Với những cố gắng đó, Đài phát thanh truyền hình Hà Nam được Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài truyền hình Việt Nam tặng cờ đơn vị thi đua xuất sắc.

Trụ sở của Đài hiện ở tại đường Trường Chinh, phường Hai Bà Trưng, Thị xã Phủ Lý, tỉnh Hà Nam.

II.   BÁO HÀ NAM

Ngay từ những ngày đầu sục sôi khí thế cách mạng của Cao trào Xô Viết-Nghệ Tĩnh những năm 1930 - 1931, tháng 2 năm 1931, Tỉnh uỷ Hà Nam đã quyết định cho xuất bản tờ báo lấy tên là Báo Đỏ. Tờ báo có nhiệm vụ phổ biến đường lối, chính sách của Đảng, chủ trương và nhiệm vụ công tác của Tỉnh uỷ Hà Nam, thông báo tin tức chiến sự và thành tích đấu tranh của nhân dân trong tỉnh và ở các địa phương trên cả nước. Báo Đỏ được in bàn thạch, mỗi tháng ra 2 kỳ. Cơ quan in báo đầu tiên đặt ở làng Lũng Xuyên (xã Yên Bắc, huyện Duy Tiên), sau đó chuyển về thị xã Phủ Lý và cuối cùng đặt ở Quyển Sơn (xã Thi Sơn, huyện Kim Bảng). Báo Đỏ được coi là tiền thân đầu tiên của Báo Hà Nam ngày nay.

Tháng 7 năm 1931, Tỉnh uỷ Hà Nam họp hội nghị củng cố tổ chức Đảng, củng cố phong trào đấu tranh cách mạng của địa phương, Báo Đỏ tiếp tục được xuất bản để tuyên truyền, cổ vũ và kêu gọi quần chúng nhân dân đứng lên đấu tranh giành tự do, đòi áo cơm, dân chủ.

Tháng 5 năm 1945, hội nghị Ban cán sự Đảng tỉnh Hà Nam họp tại xã Cao Mật (nay là xã Lê Hồ, huyện Kim Bảng) phát động nhân dân đứng lên đấu tranh vũ trang đánh Pháp, đuổi Nhật, xây dựng chính quyền cách mạng. Hội nghị đã quyết định ra tờ báo, lấy tên là báo Quyết Chiến. Báo Quyết Chiến đã có những đóng góp trực tiếp tích cực, cho cuộc vận động vũ trang cách mạng của nhân dân Hà Nam và quần chúng nhân dân các vùng lân cận cùng các địa phương trên cả nước tiến hành Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 thành công với sự ra đời của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ngày mùng 2 tháng 9 năm 1945. Nhân dân Hà Nam cùng nhân dân cả nước bước vào cuộc trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp (1946 - 1954). Vào ngày 2-9-1950, đúng dịp chào mừng Quốc khánh lần thứ 5, báo Hà Nam thông tin số ra ngày 2-9-1950 tiếp tục ra mắt bạn đọc và quần chúng nhân dân. Báo đưa tin về chiến công của Đội thiết dũng, một tổ chức vũ trang của Ty Công an Hà Nam làm nhiệm vụ diệt tề, trừ gian tại địa phương và khu vực lân cận khi đó. Sự ra đời của báo Hà Nam thông tin, (đã góp phần thổi vào không khí kháng chiến khẩn trương khi đó một luồng sinh khí mới: sôi động, quyết tâm, tin tưởng).

Ngày 7 tháng 12 năm 1950, trước tình hình thực dân Pháp điên cuồng mở các chiến dịch bao vây, càn quét nhằm giành lại quyền kiểm soát triệt để tại khu vực đồng bằng Bắc Bộ, báo Chiến đấu số 5 của Đảng bộ Hà Nam lại được phát hành, báo in tipô trên khổ giấy học sinh. Báo Chiến đấu đã kịp thời phổ biến đường lối kháng chiến của Đảng, Nhà nước, các chủ trương, chỉ thị của Tỉnh uỷ, các tin tức chiến sự diễn ra tại khu vực và các địa phương trên cả nước, tin tức về đời sống kinh tế, chính trị, văn hoá tại vùng tự do, các vùng giải phóng và chiến khu kháng chiến. Trong tình hình cuộc đấu tranh vũ trang giữa ta và địch đang diễn ra gay go, quyết liệt và mang tính bản lề của cuộc kháng chiến trường kỳ, báo Chiến đấu trở thành phương tiện thông tin tích cực động viên, khích lệ tinh thần chiến đấu khí thế kháng chiến của nhân dân địa phương và khu vực đồng bằng trong những năm đầu của thập niên 1950.

Tháng 7 năm 1954, chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ toàn thắng. Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, miền Bắc giải phóng. Hoà bình được lập lại trên nửa nước Việt Nam. Miền Bắc tiến hành xây dựng chủ nghĩa xã hội, miền Nam tiếp tục cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân. Từ năm 1959 đến năm 1962, tờ Bản tin Hà Nam ra đời, trở thành cơ quan ngôn luận chính thức của đảng bộ và nhân dân tỉnh Hà Nam. Nhiệm vụ của bản tin là tiếp tục tuyên truyền phổ biến đường lối, chủ trương và chính sách của Đảng và Nhà nước trước hai nhiệm vụ chiến lược: đấu tranh thống nhất đất nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội; các chỉ thị, đường lối và nhiệm vụ của đảng bộ và nhân dân địa phương trong khôi phục, xây dựng lại vùng mới giải phóng, phát triển đời sống kinh tế-văn hoá - xã hội và giáo dục, ổn định an ninh chính trị, củng cố chính quyền cách mạng và Nhà nước xã hội chủ nghĩa đang được xây dựng và củng cố ở miền Bắc Việt Nam, củng cố khối đoàn kết toàn dân, đặc biệt là chính sách dân tộc, chính sách tôn giáo với những đặc điểm, đặc thù của một địa phương như Hà Nam, vạch mặt bọn phản động bán nước Ngô Đình Diệm cam tâm làm tay sai cho đế quốc Mỹ.

Với khoảng thời gian trên dưới 3 năm tồn tại xây dựng và phát triển, bản tin Hà Nam có một vị trí đặc biệt trong một giai đoạn đặc biệt của lịch sử xây dựng và phát triển nền báo chí cách mạng địa phương. Mặc dù phương tiện vật chất và trang thiết bị kỹ thuật còn sơ sài nhiều thiếu thốn, khó khăn, đội ngũ cán bộ quản lý, chỉ đạo, phóng viên, biên tập viên chưa có kinh nghiệm làm báo chuyên nghiệp, song với nhiệt tình cách mạng, với một tâm huyết nghề nghiệp chân chính đầy trách nhiệm, đội ngũ những người làm báo thời kỳ Bản tin Hà Nam đã xây đắp nên một nền móng vững chắc, một dấu nối quan trọng giữa thông tinbáo chí của lịch sử báo chí Hà Nam, cả về phẩm chất chính trị, tư tưởng lẫn phẩm chất nghiệp vụ chuyên môn.

Tháng 7 năm 1962, thực hiện chủ trương về công tác báo chí địa phương của Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (khóa III) báo Hà Biên được thành lập. Hà Biên là tên ghép hai chữ đầu của tên hai tỉnh: Hà Nam - Biên Hoà. Tên gọi mới không chỉ đơn giản là sự gói ghém những tình cảm đoàn kết của hai địa phương trước sự chia cắt Bắc - Nam do đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai bán nước dựng nên, mà quan trọng hơn, nó phản ánh nhiệm vụ chiến lược của cả nước, của mỗi địa phương trước một giai đoạn lịch sử mới.

Thời kỳ này báo Hà Biên phát hành 5 ngày một kỳ vào các ngày 1, 5, 10, 15... tiếp tục tập trung tuyên truyền cho hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Thông qua hai nhiệm vụ chiến lược trên, nội dung của báo bám sát nhiệm vụ phản ánh các hoạt động đa dạng của đời sống kinh tế, chính trị, xã hội trên địa bàn tỉnh như: phong trào cải tiến quản lý hợp tác xã nông nghiệp, công tác cải tạo công thương nghiệp của địa phương cũng như trên miền Bắc, các thành tựu xây dựng kinh tế trên mặt trận công nghiệp, nông nghiệp, các thành tựu xây dựng và phát triển văn hoá - xã hội và giáo dục với các điển hình tiên tiến như: Phong trào thi đua “Hai tốt Bắc Lý”, các phong trào: “Sóng Duyên Hải”, “Gió Đại Phong”,... nhằm động viên các tầng lớp nhân dân địa phương trong phong trào thi đua yêu nước, thực hiện các nhiệm vụ; các tin tức về diễn biến trong cuộc đấu tranh chính trị - vũ trang của địa phương kết nghĩa Biên Hoà và của cả chiến trường miền Nam, những tội ác đẫm máu và âm mưu quỷ quyệt của chính quyền bán nước bù nhìn Ngô Đình Diệm. Qua đó động viên quyết tâm sắt đá của toàn Đảng, toàn dân trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Với những bước tiến khá vững chắc đã được chuẩn bị từ Bản tin Hà Nam (1959-1962) về con người và phương tiện, báo Hà Biên đánh dấu bước trưởng thành mới về chất lượng cả trong công tác quản lý, điều hành lẫn trong nghiệp vụ làm báo của đội ngũ những người làm báo Hà Nam ở một giai đoạn mới: báo chí là một bộ phận của quá trình điều hành và quản lý nhà nước.

Những cố gắng không mệt mỏi của đội ngũ biên tập viên, phóng viên trong việc nâng cao chất lượng bài viết và các hình thức, phương thức thông tin; trong việc cải tiến chất lượng in ấn và phương thức phát hành, báo Hà Biên trong những năm 1962 - 1964 ngày càng thu hút được đông đảo bạn đọc trong tỉnh, khơi dậy một phong trào “đọc và làm theo báo”, được nhân dân trong tỉnh và các khu vực lân cận hưởng ứng nhiệt tình, được lãnh đạo Tỉnh uỷ và các cấp chính quyền địa phương khen ngợi biểu dương và ủng hộ hết lòng.

Năm 1964, sau khi hợp nhất hai tỉnh Nam Định và Hà Nam, báo hai tỉnh cũng được hợp nhất thành Báo Nam Hà. Việc sáp nhập các địa phương những năm 1964 -1965 nằm trong chủ trương chiến lược của Đảng và Nhà nước trong việc quản lý, điều hành các vùng lãnh thổ và địa giới hành chính trong giai đoạn chiến lược mới. Báo Nam Hà không chỉ tiếp tục là cơ quan ngôn luận của chính quyền đảng bộ và các tầng lớp nhân dân tỉnh Nam Hà, mà đồng thời còn tiếp tục gánh vác thêm những trọng trách mới, những nhiệm vụ mới, ở một giai đoạn mới với tầm vóc và quy mô hoàn toàn khác trước đây.

Sau sự kiện Vịnh Bắc Bộ ngày 5 tháng 8 năm 1964 mở đầu chiến dịch tấn công đánh phá hủy diệt miền Bắc xã hội chủ nghĩa, đế quốc Mỹ tiếp tục leo thang chiến tranh bằng không quân trên một phạm vi ngày càng rộng và với một quy mô ngày càng ác liệt, nguy hiểm. Năm 1965, Nam Hà trở thành một trong những trọng điểm tấn công của không quân và hải quân Hoa Kỳ, trong đó có thành phố dệt Nam Định, thị xã Phủ Lý và nhiều trọng điểm khác trong tỉnh mà đặc biệt là các trọng điểm ven biển và nút giao thông thị xã Phủ Lý. Vừa mới sáp nhập, Báo Nam Hà không chỉ phải lo ổn định tổ chức về bộ máy quản lý và đội ngũ phóng viên, biên tập viên, cũng như cơ sở vật chất kỹ thuật mà còn phải lo chuyển toàn bộ hoạt động của một tờ báo từ thời bình sang thời chiến. Ngay từ những ngày đầu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ trên miền Bắc, đội ngũ báo chí Nam Hà đã có phóng viên nữ Như Mai được cử đi chiến trường, bổ sung cho đội ngũ báo chí miền Nam. Đã có bốn cán bộ, phóng viên, công nhân được điều động lên đường nhập ngũ đi bộ đội, có đồng chí đã chiến đấu dũng cảm và hy sinh trên chiến trường miền Nam như liệt sỹ Trần Ngọc Đại, trở thành tấm gương sáng động viên tập thể biên tập viên, phóng viên Báo Nam Hà trong suốt những năm qua.

Từ thời bình chuyển sang thời chiến, Báo Nam Hà luôn bám sát nhiệm vụ chính trị của địa phương, sáng suốt và kiên định lập trường cách mạng, tuyên truyền kịp thời các chủ trương, đường lối và chính sách của Đảng và Nhà nước, các chỉ thị hướng dẫn và chính sách của tỉnh đảng bộ Nam Hà, các hoạt động đa dạng, phong phú của địa phương trên các lĩnh vực: chiến đấu, sản xuất cũng như các hoạt động văn hoá, xã hội, giáo dục khác. Các phong trào thi đua tại địa phương cũng như trên địa bàn cả nước như: phong trào thi đua “hai giỏi” (sản xuất giỏi, chiến đấu giỏi), “Hậu phương thi đua với tiền phương”, “Tay cày, tay súng”, “Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt”, “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, “Tất cả vì miền Nam ruột thịt, tất cả để chiến thắng giặc Mỹ xâm lược”, “Thanh niên ba sẵn sàng, phụ nữ ba đảm đang”..., đã được Báo Nam Hà phản ánh nhanh nhạy, kịp thời, sắc bén và với nhiều hình thức đa dạng phong phú, đặc sắc.

Với những thành tích nổi bật cũng như những cố gắng nỗ lực vượt bậc của đội ngũ báo chí Nam Hà, tờ báo trở thành người đồng hành tin cậy, thân thiết và không thể thiếu của nhiều thế hệ độc giả địa phương, được cấp ủy và chính quyền địa phương nhiều lần biểu dương, khen ngợi, được độc giả và nhân dân tin cậy, ủng hộ, tỏ rõ vai trò và tác dụng của báo chí cách mạng là một vũ khí sắc bén, hiệu quả trên mặt trận tư tưởng văn hoá của Đảng và Nhà nước ta. Năm 1973, Báo Nam Hà) đã được Ban tuyên huấn Trung ương chỉ định tổ chức hội nghị báo chí toàn miền Bắc về chủ đề: “Báo chí với việc động viên cổ vũ phong trào thi đua ở địa phương’’.

Nhiều phong trào thi đua ở địa phương, nhiều tấm gương phấn đấu dũng cảm trong lao động sản xuất và chiến đấu đánh trả chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ xâm lược trên miền Bắc của các đơn vị, nhà máy được Báo Nam Hà đưa tin, phản ánh và tập trung động viên, cổ vũ, tuyên truyền... đã trở thành những điển hình, những ngọn cờ thi đua trên toàn miền Bắc, được nhiều địa phương khác trên cả nước học tập, phát huy và nhân rộng điển hình như: phong trào Phụ nữ Thôn Bài, Xí nghiệp Cơ khí miền Nam, Tự vệ Nhà máy liên hợp Dệt, về Xã Hải Thịnh, trung đội nữ dân quân Xã Phù Vân, phong trào bắn máy bay tầm thấp ở Thanh Hải...

Nhiều tác phẩm báo chí đã được khen thưởng, đặc biệt là các giải thưởng quốc tế như: ảnh “Sẵn sàng” được tặng bằng khen danh dự của Hội Nhà báo quốc tế năm 1966 tại triển lãm ảnh Hensinhky (Phần Lan) của tác giả Đỗ Dương Uyên; ảnh “Xâu kim giúp bà” được tặng giải thưởng huy chương đồng tại Xôphia năm 1967 cũng của tác giả Đỗ Dương Uyên. Ngoài ra, cũng với bức ảnh “Xâu kim giúp bà”, tác phẩm này còn giành được hai giải thưởng nữa, trong đó có một giải nhì toàn quốc.

Ngay trong những năm tháng gian khổ, ác liệt nhất chống lại chiến tranh bằng không quân và hải quân của giặc Mỹ, Báo Nam Hà đã có nhà in riêng và xuất ban đều đặn hai kỳ một tuần. Đến năm 1973, báo Nam Hà vẫn tiếp tục xuất bản hai kỳ/tuần. Có hai thời kỳ đặc biệt được Báo Nam Hà phát hành hằng ngày, đó là dịp Quốc tang Chủ tịch Hồ Chí MinhĐại hội đại biểu tỉnh đảng bộ Nam Hà lần thứ III.

Tính đến trước ngày hai tỉnh Nam Hà và Ninh Bình sáp nhập thành tỉnh Hà Nam Ninh (1976), Báo Nam Hà sau 13 năm xây dựng và phát triển (1964 - 1976) đã tạm khép lại chặng đường lịch sử đặc biệt của mình trong một giai đoạn lịch sử cũng đặc biệt của địa phương và của cả đất nước. 13 năm với những thử thách khốc liệt của cuộc chiến tranh huỷ diệt mà đế quốc Mỹ đã đẩy lên tới đỉnh điểm của tội ác và sự xảo quyệt, đội ngũ những người làm Báo Nam Hà thực sự trải qua một cuộc “lửa thử vàng” đầy cam go nhưng cũng đầy kiêu hãnh. Không chỉ bản lĩnh chính trị của những người làm báo được thử thách và khẳng định, mà trình độ nghề nghiệp, sự nhạy cảm của tư duy, của phương thức tiếp cận các vấn đề đã làm cho hiệu quả tuyên truyền giáo dục, động viên của tờ báo tiếp tục được khẳng định ở tầm mức cao hơn.

Với 13 năm chiến đấu, xây dựng và trưởng thành, một lần nữa, Báo Nam Hà tiếp tục phát huy sức mạnh và vai trò của báo chí cách mạng: người hướng dẫn đồng thời là người bạn đồng hành tin cậy và thân thiết đối với độc giả địa phương, được cấp uỷ và các cấp chính quyền tỉnh Nam Hà dành cho một sự quan tâm chu đáo, sự ủng hộ to lớn và sự động viên khích lệ kịp thời.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, nước nhà thống nhất, vào năm 1976, như trên đã đề cập, hai tỉnh Nam Hà và Ninh Bình lại tiếp tục được sáp nhập thành tỉnh Hà Nam Ninh, báo Hà Nam Ninh ra đời.

Trong tình hình mới, báo Hà Nam Ninh tiếp tục gánh vác sứ mạng là cơ quan ngôn luận của đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Hà Nam Ninh, trung thành tuyệt đối và kiên trì với đường lối, chủ trương chính sách mà Đảng và Nhà nước ta đã lựa chọn, góp phần cao nhất động viên, cổ vũ, tuyên truyền giáo dục phong trào thi đua xây dựng chủ nghĩa xã hội thời kỳ mới, đặc biệt từ sau ngày tiến hành đổi mới. Nhiều mô hình sản xuất mới xuất hiện đã được Báo Hà Nam Ninh kịp thời phát hiện động viên, cổ vũ như: Giao An, Hải Quang, Khánh Nhạc, Châu Giang mỗi năm đóng góp cho Nhà nước trên 1.000 tấn thóc. Nhiều hợp tác xã có quy mô lớn, sản xuất giỏi như Châu Giang, Khánh Phú, Hải Quang... Những đảng bộ gương mẫu, tiêu biểu cho thời kỳ đổi mới với tính năng động, gương mẫu như: Đảng bộ huyện Hải Hậu, huyện Tam Điệp, huyện Duy Tiên... Không chỉ là những điển hình tiêu biểu được địa phương nêu gương học tập mà còn trở thành những điển hình tiên tiến cả nước biết tiếng. Phóng viên Nguyễn Văn Bao đoạt giải báo chí “Bông lúa vàng” của hội Nhà báo Việt Nam và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trao tặng. Đặc biệt, mặt trận chống tiêu cực, chống tham nhũng đã và vẫn đang là lĩnh vực hết sức nóng bỏng và cũng hết sức nhạy cảm trong đời sống xã hội những năm qua cũng như hiện nay, báo chí trong đó có Báo Hà Nam Ninh, tiếp tục là những chiến sĩ xung kích trên mặt trận nóng bỏng này. Năm 1988, các nhà báo Trần Đạo, Phạm Ngọc Thiện, Vũ Hiến đã được Hội nhà báo Việt Nam trao tặng giải A cho các bài viết về đề tài chống tiêu cực.

Tại hội báo Xuân Nhâm Thân năm 1992, Báo Hà Nam Ninh là một trong 6 tờ báo của toàn quốc được Ban tổ chức Hội nhà báo báo Việt Nam trao giải chính thức.

Cũng trong năm 1992, tỉnh Hà Nam Ninh tách trở lại, thành hai tỉnh Nam Hà và Ninh Bình. Sau khi chia tách, Báo Nam Hà lại tiếp tục được xuất bản trở lại, với số lượng phát hành từ trên 4.000 tờ một kỳ năm 1992, đã tăng lên gần gấp đôi với số lượng trên 8.000 bản một kỳ những năm sau đó. Báo Nam Hà phát hành tới 60% chi bộ cấp xã, phường, thị trấn, đội sản xuất. Báo tiếp tục bám sát các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội của địa phương, kịp thời phản ánh động viên, cổ vũ và biểu dương các điển hình tiên tiến mới, các phương thức kinh doanh, sản xuất giỏi, tăng cường phổ biến kiến thức khoa học, kiến thức pháp luật, nội dung, hình thức tờ báo ngày càng tiếp tục được cải tiến theo phương châm: “kịp thời, đúng, đẹp và hay”. Báo duy trì thường xuyên các chuyên mục đã có, mở rộng thêm các chuyên mục mới, các bài viết chuyên đề, chuyên sâu. Báo Nam Hà phối hợp với nhiều ban ngành, đoàn thể ở địa phương ra thêm trang: “Chuyên sâu định kỳ được bạn đọc và dư luận hoan nghênh, tán thưởng. Mảng nâng cao dân trí được quan tâm một cách đúng mức. Để cổ vũ các điển hình kinh tế, báo ra trang định kỳ hàng tuần Muôn cách làm giàu. Đáp ứng nhu cầu bạn đọc, nhất là lớp trẻ trong xu thế bùng nổ thông tin và thời đại khoa học công nghệ, báo đã dành 15% đến 20% diện tích từng số phản ánh các sự kiện, các vấn đề chọn lọc ngoài tỉnh và quốc tế trên các chuyên mục: Thế giới - sự kiện, Nhìn ra tỉnh bạn, Tin miền Duyên Hải Bắc Bộ, Tin trong nước, Thể thao trong nước và thế giới...

Thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, nội dung của Báo Nam Hà tập trung phản ánh sự chỉ đạo trực tiếp, sâu sát của các cấp uỷ và chính quyền các cấp; về hoạt động của các doanh nghiệp trong công cuộc khai thác 3 vùng kinh tế trọng điểm và một vùng trung tâm kinh tế dịch vụ của tỉnh, phản ánh quá trình xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng “điện, đường, trường, trạm” phục vụ phát triển kinh tế, văn hoá và xã hội ở các vùng nông thôn trong tỉnh, phản ánh công tác xây dựng đảng, xây dựng và củng cố chính quyền cơ sở, xây dựng toàn thể quần chúng, đảm bảo an ninh trật tự và an ninh quốc phòng tại địa phương cũng như trên địa bàn cả nước trong cơ chế mới. Năm 1995, Báo Nam Hà được giao cho đăng cai tổ chức Hội thảo báo Đảng các tỉnh, thành phố phía Bắc với chủ đề: “Báo chí với tuyên truyền điển hình tiên tiến, nhân tố mới, người tốt, việc tốt”...

Năm 1995, sau một chặng đường dài bền bỉ, kiên trì phấn đấu xây dựng và trưởng thành, Báo Nam Hà đã được Đảng và Nhà nước ta tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba. Đây chính là một phần thưởng cao quí xứng đáng ghi nhận những đóng góp vô cùng to lớn mà có phần lặng lẽ khiêm nhường đối với những người làm báo địa phương trong sự nghiệp xây dựng và phát triển nền báo chí cách mạng tại Hà Nam - Nam Định - Ninh Bình đã có những đóng góp xứng đáng làm nên diện mạo của tờ Báo Nam Hà trước phần thưởng cao quí nói trên.

Tại hội thi Báo xuân Toàn quốc năm 1996, Báo Nam Hà giành giải nhì về xã luận. Trước đó, năm 1994, phóng viên nhà báo Trần Anh Tú và năm 1996, phóng viên nhà báo Văn Yêm đạt giải Báo chí toàn quốc do Hội nhà báo Việt Nam trao tặng.

Như vậy, tính đến hết năm 1996, Báo Nam Hà đã hoàn thành sứ mạng vẻ vang của mình, tạm khép lại một chặng đường dài với nhiều biến động lịch sử vô cùng sôi động và đầy hào khí của lịch sử cách mạng dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Ý nghĩa lịch sử của chặng đường xây dựng và phát triển sự nghiệp báo chí cách mạng của các địa phương qua mỗi thời kỳ, vai trò và những đóng góp to lớn của Báo Nam Hà qua từng giai đoạn khác nhau kể từ sau năm 1945 đã được ghi nhận một cách xứng đáng qua phần thưởng cao quí mà Đảng và Nhà nước đã trao tặng, qua sự quan tâm sâu sát và chỉ đạo trực tiếp của các thế hệ lãnh đạo cấp uỷ và chính quyền địa phương, qua tình cảm ưu ái và tin cậy của các thế hệ bạn đọc. Báo chí cách mạng nói chung và Báo Nam Hà nói riêng không chỉ là những chứng nhân lịch sử trung thực và sinh động của mỗi thời đoạn lịch sử cụ thể, mà còn trở thành một bộ phận hợp thành làm nên giá trị lịch sử của từng thời đoạn cụ thể ấy. Đó chính là hành trang quí báu mà đội ngũ những người làm báo chí nơi đây đã trang bị, chuẩn bị bước vào giai đoạn lịch sử mới đang chờ đón họ với một tinh thần: sẵn sàng, dũng cảm, tâm huyết.

Từ ngày 1 tháng 1 năm 1997, chấp hành nghị quyết của Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá IX về điều chỉnh lại địa giới hành chính một số tỉnh, Nam Hà được chia tách thành 2 tỉnh Hà NamNam Định. Theo đó, Báo Hà Nam cũng được tách ra từ báo Nam Hà và ra sô đầu tiên vào ngày 1 tháng 1 năm 1997 với số lượng 3.500 tờ, khổ in trên giấy 42cm X 57cm.

Tuy đã được chuẩn bị khá kỹ lưỡng sau chặng đường dài cùng chung lưng đấu cật với các địa phương bạn Nam Định, Ninh Bình xây dựng và phát triển sự nghiệp báo chí cả về lập trường tư tưởng cách mạng cũng như năng lực chuyên môn, cả về cơ sở vật chất trang thiết bị kỹ thuật đến bộ máy lãnh đạo các cấp, song việc trở lại một địa phương mới tái lập đã gặp không ít những khó khăn, thử thách. Phát huy truyền thống xây dựng và phát triển của những năm trước đây, Báo Hà Nam tiếp tục củng cố tổ chức, xây dựng cơ sở vật chất tranh thủ sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Ban chấp hành đảng bộ tỉnh, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân tỉnh và các tổ chức đoàn thể, các cấp chính quyền địa phương, chỉ sau một khoảng thời gian rất ngắn, guồng máy hoạt động của báo đã kịp thời bắt nhịp với toàn xã hội. Từ chỗ phát hành một kỳ/tuần của năm 1997, rồi 2 kỳ/tuần của năm 1998, 3kỳ/tuần của năm 2002 và từ tháng 9 năm 2005 tăng lên 4 kỳ/tuần với số lượng phát hành ổn định hơn 6.000 tờ/kỳ.

Là cơ quan ngôn luận của đảng bộ và chính quyền tỉnh Hà Nam, là tiếng nói của nhân dân tỉnh Hà Nam, Báo Hà Nam tiếp tục trung thành với mục đích, tôn chỉ của báo chí cách mạng: là công cụ đắc lực phục vụ sự nghiệp đấu tranh xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; bám sát chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ, định hướng của Tỉnh uỷ và chính quyền địa phương, phục vụ đắc lực sự nghiệp xây dựng phát triển kinh tế - văn hoá-xã hội, giữ vững ổn định chính trị và an ninh quốc phòng, góp phần tích cực, xây dựng con người và văn hoá Việt Nam “tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới của đất nước, tiến hành “công nghiệp hoá - hiện đại hóa” vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh".

Hiện tại 100% số chi bộ cơ sở ở xã, phường, thị trấn cơ quan, đơn vị trường học, lực lượng vũ trang trong tỉnh đã có Báo Hà Nam. Báo Hà Nam không chỉ duy trì thường xuyên, kịp thời các chuyên mục chuyên đề tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn các chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước cũng như đảng bộ và chính quyền địa phương với các cấp cơ sở. Báo Hà Nam còn thường xuyên cải tiến cách trình bày, tổ chức các trang báo theo yêu cầu thông tin ngắn gọn, kịp thời, sinh động, chính xác và thiết thực. Báo Hà Nam tiếp tục được đông đảo quần chúng nhân dân tin cậy, đánh giá cao chất lượng và giá trị, vai trò của báo trong đời sống xã hội địa phương. Báo Hà Nam tiếp tục giành được sự quan tâm chu đáo và hỗ trợ cao nhất của các cấp lãnh đạo và ban ngành trong tỉnh.

Báo đã phối hợp chặt chẽ và rộng rãi với các ban, ngành, đoàn thể, địa phương để tổ chức nhiều cuộc thi viết; cổ vũ phát hiện và nhân các điển hình tiên tiến, xã hội hoá một số lĩnh vực hoạt động mang tính chiến lược lâu dài trên phạm vi cả nước. Báo còn tích cực phối hợp với cấp uỷ các huyện, thị, các ban ngành chức năng tổ chức các cuộc tọa đàm về biện pháp triển khai thực hiện các Nghị quyết của Đảng trên địa bàn và lĩnh vực thuộc ban ngành phụ trách. Báo tích cực cải tiến nội dung, cho nên chất lượng của báo ngày càng hay hơn, hấp dẫn hơn, đẹp hơn...

- Tại Hội thi báo Xuân 1997, báo được trao giải C.

- Tại Hội thi báo Xuân 2000, báo được trao giải A.

- Tại Hội thi báo Xuân 2001, báo được trao giải B.

- Tại Hội thi báo Xuân 2005, báo được trao giải A.

Nếu chỉ tính từ khi Bản tin Hà Nam ra đời vào năm 1959 đến nay, Báo Hà Nam đã trải qua hơn 40 năm xây dựng và trưởng thành. Chặng đường đi của báo dường như đã đi qua khá nhiều khúc quanh, khúc ngoặt cùng với những người bạn đồng hành lúc hợp, lúc chia thuộc hai tỉnh Nam Định - Ninh Bình. Báo Hà Nam luôn xứng đáng với sự tin cậy uỷ thác của đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương, xứng đáng với niềm tin yêu cổ vũ của đông đảo bạn đọc địa phương, là người bạn đường tâm giao chung thủy của các thế hệ công chúng bạn đọc tỉnh nhà. Báo Hà Nam tiếp tục phát huy vai trò xung kích trên mặt trận tư tưởng - văn hoá của địa phương, đóng góp tích cực và thiết thực hơn nữa vào công cuộc đổi mới xây dựng quê hương Hà Nam và đất nước Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hóa, cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trước ngưỡng cửa hội nhập, giao lưu đang diễn ra trên phạm vi toàn cầu.

Cùng với việc xuất bản báo, ở Hà Nam còn có 3 tạp chí chuyên ngành là Tạp chí Sông Châu của Hội Văn học nghệ thuật tỉnh, Tạp chí Văn hoá thông tin của Sở Văn hoá Thông tin Hà Nam và tạp chí Người làm báo Hà Nam của Hội nhà báo tỉnh (từ 2002 trở lại đây Tạp chí Văn hoá thông tin chuyển thành tập san Văn hoá thông tin). Ngoài ra trên địa bàn tỉnh còn có các ấn phẩm xuất bản nội bộ của các sở, ban, ngành như Thông báo nội bộ, Bản tin Tư pháp, Bản tin Khuyến nông, Thông tin thanh niên, Bản tin Thương mại, Bản tin Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Bản tin Lao động công đoàn, Bản tin Thuỷ lợi và Bản tin Y tế với số lượng xuất bản không nhiều. Thông báo nội bộ của Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ được xuất bản đều đặn mỗi tháng một số với 2.450 bản. Bản tin Thương mại của Sở Thương mại - Du lịch mới được xuất bản từ đầu năm 2002, mỗi tháng ra 2 số, mỗi số được 600 bản.

Trong số bốn tờ báo và tạp chí (Báo Hà Nam, Tạp chí Sông Châu, Tạp chí VHTT, Tạp chí Người làm báo Hà Nam) của tỉnh, thì có Báo Hà Nam là có số lượng lớn và nhiều kỳ xuất bản trong tuần. Năm 1997- 1 kỳ/tuần với số lượng 3.500 bản/kỳ. Năm 1998 tăng lên 2 kỳ/tuần với số lượng 5.600 bản/kỳ. Năm 2002 tăng lên 3 kỳ/tuần và năm 2005 tăng lên 4 kỳ/tuần với số lượng ổn định hơn 6.000 bản/kỳ.

Tạp chí Sông Châu của Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Hà Nam ra thường kỳ 2 - 3 tháng một số, mỗi số từ 1.500 bản đến 2.000 bản. Tạp chí Văn hoá Thông tin của Sở Văn hoá Thông tin Hà Nam phát hành theo quý, mỗi số có từ 500 đến 1.000 bản. Tạp chí Người làm báo Hà Nam ra mỗi số 500 bản. Đây là 3 tờ tạp chí được phát hành, trao đổi rộng rãi trong toàn quốc, có nội dung phong phú, tập trung phản ánh nhiều vấn đề về xây dựng và phát triển văn hoá của quê hương Hà Nam.

 

 

TIN MỚI CẬP NHẬT

Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phát triển Nông thôn Malaysia, Chủ tịch Đảng UMNO

Kinh tế  |  05:38 23/11/2024

Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Malaysia, ngày 22/11, tại Kuala Lumpur, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phát triển Nông thôn, Chủ tịch Đảng Tổ chức thống nhất dân tộc Mã Lai (UMNO) Dato’ Seri Dr. Ahmad Zahid Hamidi và các lãnh đạo cấp cao trong Liên minh cầm quyền tại Malaysia.

Nỗ lực giảm thiểu vi phạm trật tự an toàn giao thông trong học sinh

Đời sống  |  05:29 23/11/2024

Từ ngày 1- 31/10/2024, lực lượng chức năng đã triển khai Tháng cao điểm ra quân xử lý vi phạm về trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) đối với học sinh trên địa bàn tỉnh. Với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (TTPBGDPL) về TTATGT gắn với tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm hành vi vi phạm, sau một tháng thực hiện, tình hình chấp hành pháp luật giao thông trong học sinh đã có những chuyển biến tích cực.

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

DANH MỤC