Đẩy mạnh công tác phòng, chống xâm hại trẻ em

Đời sống 06:06 21/09/2023 Nguyễn Oanh
Tình trạng trẻ em bị xâm hại diễn ra phổ biến, trở thành nỗi lo của các bậc cha, mẹ và là vấn nạn gây bức xúc trong xã hội. Trước thực trạng đó, thời gian qua, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật, phổ biến kiến thức, kỹ năng về phòng, chống xâm hại trẻ em gắn với xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh nhằm phòng, chống xâm hại trẻ em một cách hiệu quả. Ngành lao động, thương binh và xã hội tỉnh cũng đã triển khai nhiều giải pháp thể hiện sự quyết tâm cao trong việc bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, nhất là phòng ngừa xâm hại, bạo lực trẻ em.

Những năm gần đây, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của UBND tỉnh cùng sự vào cuộc tích cực của các sở, ban, ngành, đoàn thể, công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em luôn được quan tâm. Các cấp, ngành đã tích cực tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Bên cạnh đó, việc áp dụng các biện pháp hỗ trợ, can thiệp đối với trẻ em có nguy cơ bị xâm hại và trẻ em bị xâm hại cũng được chú trọng hơn. Tuy nhiên, số trẻ em bị xâm hại về tình dục vẫn có chiều hướng gia tăng và chiếm tỷ lệ cao trong tổng số các vụ trẻ em bị xâm hại. Trong đó, trẻ em ở độ tuổi từ 12-16 tuổi là đối tượng dễ bị dụ dỗ, lôi kéo, bị kẻ xấu tiếp cận do các em còn non nớt về thể chất, tinh thần, sức tự kháng cự yếu.

Theo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, đối tượng xâm hại trẻ em phần lớn là người thân, người quen biết, bạn bè đồng trang lứa. Đáng chú ý là trong thời gian gần đây đã xuất hiện phổ biến tình trạng đối tượng lợi dụng mạng xã hội như facebook, zalo... để làm quen, sau đó thực hiện các hành vi xâm hại trẻ em. Tính từ đầu năm 2021 đến hết tháng 4/2023, toàn tỉnh có 25 trẻ em bị xâm hại. Trong đó, đã giải quyết, xét xử 23 vụ án hình sự về xâm hại trẻ em, bao gồm các tội: hiếp dâm trẻ em; giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 đến dưới 16 tuổi; dâm ô với người dưới 16 tuổi. Các vụ án được xét xử kịp thời, nhanh chóng, chính xác, nghiêm minh, có tác dụng răn đe, giáo dục, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, phống tội phạm về xâm hại trẻ em.

Tại huyện Bình Lục, tính riêng từ năm 2022 đến nay, toàn huyện đã xảy ra 8 vụ xâm hại tình dục trẻ em. Trong đó, 4 vụ có yếu tố không gian mạng, các đối tượng sử dụng mạng xã hội để liên lạc, dụ dỗ nạn nhân. Để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống xâm hại trẻ em, thời gian qua, Công an huyện Bình Lục đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về quyền trẻ em và bảo vệ quyền trẻ em thông qua cổng thông tin điện tử của huyện, các xã, thị trấn, đài Truyền thanh huyện với hàng trăm tin, bài mỗi năm. Ngoài ra, từ năm 2022 đến nay, Công an huyện còn tổ chức 12 lượt tuyên truyền, tập huấn về công tác bảo vệ trẻ em, phòng ngừa bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em tại các cơ sở giáo dục, địa bàn dân cư.

Trao đổi về nội dung này, Thượng tá Dương Hồng Quang, Trưởng Công an huyện Bình Lục cho biết: Trong những năm gần đây, tội phạm xâm hại trẻ em diễn ra chủ yếu là các hành vi xâm hại tình dục trẻ vị thành niên. Vì vậy, bên cạnh công tác đấu tranh, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, tạo sức răn đe thì công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của gia đình, nhà trường, cơ quan, tổ chức và toàn xã hội trong việc phòng, chống xâm hại trẻ em, đồng thời giúp trẻ em nâng cao hiểu biết, kiến thức, kỹ năng để tự bảo vệ bản thân là điều thực sự cần thiết và cần được tăng cường hơn nữa trong thời gian tới.

Tuyên truyền phòng, chống bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em cho hội viên phụ nữ. Ảnh: Hân Hân

Hưởng ứng Tháng hành động vì trẻ em năm 2023 với chủ đề “Chung tay giảm thiểu tổn hại trẻ em”, các đơn vị, địa phương trong tỉnh đã tập trung đẩy mạnh truyền thông để tăng cường nhận thức, kỹ năng của trẻ em, gia đình, cộng đồng về chung tay bảo vệ trẻ em; chủ động thông báo, tố giác các hành vi xâm hại, bạo lực trẻ em, bóc lột sức lao động trẻ em; tăng cường xã hội hóa trong việc tổ chức các hoạt động bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cũng duy trì hiệu quả hoạt động của tổ chức phối hợp liên ngành về bảo vệ trẻ em các cấp, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để kết nối với tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em (số 111); thực hiện hiệu quả cơ chế thông tin, báo cáo ở tất cả các cấp về công tác bảo vệ trẻ em, phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em. Cùng với đó, sở cũng hướng dẫn, phối hợp với các ngành, địa phương đẩy mạnh các hoạt động truyền thông tại cộng đồng về phòng, chống xâm hại trẻ em thông qua hệ thống pano, đài truyền thanh tại các xã, phường, thị trấn; đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chế độ, chính sách đối với trẻ em…

Tuy nhiên, theo bà Phạm Thị Bích Hường, Trưởng phòng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em và Bình đẳng giới (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội), công tác phòng, chống xâm hại trẻ em dù đã được quan tâm, đẩy mạnh nhưng vẫn còn bộc lộ những khó khăn, hạn chế nhất định. Tại các nhà trường, vấn đề giáo dục giới tính, phổ biến kỹ năng phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em chưa nhiều, do đó chưa hình thành được kỹ năng phòng tránh cho trẻ. Nhận thức của phụ huynh, gia đình về vấn đề phòng, chống xâm hại trẻ em vẫn còn hạn chế. Một số gia đình có con bị xâm hại nhưng vì tâm lý e ngại dư luận xã hội nên không tố giác tội phạm. Đội ngũ cán bộ làm công tác trẻ em cấp huyện, xã; cộng tác viên bảo vệ, chăm sóc trẻ em ở nông thôn hầu hết là hoạt động kiêm nhiệm, phụ trách nhiều lĩnh vực nên việc tuyên truyền, phát hiện, can thiệp, trợ giúp cho trẻ ở cơ sở còn nhiều khó khăn. Kinh phí bố trí cho công tác trẻ em nói chung, phòng, chống xâm hại trẻ em nói riêng còn hạn hẹp…

Để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống xâm hại trẻ em, thời gian tới, cấp ủy, chính quyền các địa phương cần tăng cường hơn nữa công tác lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động chăm sóc, bảo vệ trẻ em; đẩy mạnh hỗ trợ, can thiệp đối với trẻ em là nạn nhân bạo lực, xâm hại tình dục. Cùng với đó, duy trì, thực hiện tốt chế độ thông tin, báo cáo công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em; quán triệt Luật Trẻ em, các văn bản chỉ đạo của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; thường xuyên tổ chức các hoạt động tham gia phòng, chống xâm hại trẻ em; tuyên truyền, tập huấn kỹ năng về phòng chống bạo lực, xâm hại cho trẻ em; thiết lập các kênh thông tin để tiếp nhận, xử lý các thông tin tố cáo về các hành vi bạo lực, xâm hại đối với trẻ em…

TIN MỚI CẬP NHẬT

Công bố biểu trưng (logo) du lịch Hà Nam

Du lịch  |  18:33 25/11/2024

Sau 5 tháng phát động (từ tháng 3 đến hết ngày 31/8/2024) Cuộc thi Thiết kế, sáng tác biểu trưng (logo) và khẩu hiệu (slogan) du lịch Hà Nam, Ban Tổ chức nhận đã tiếp nhận 275 tác phẩm, bao gồm 127 logo; 148 slogan.

Thông cáo báo chí Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII

Chính trị  |  15:19 25/11/2024

Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã cơ bản thống nhất nguyên tắc, mục tiêu, yêu cầu, tiến độ tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW và một số nội dung gợi ý, định hướng để các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị trực thuộc Trung ương nghiên cứu, đề xuất sắp xếp, hoàn thiện tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Đại hội Chi hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam tại Hà Nam nhiệm kỳ 2024-2029

Văn học - Nghệ thuật  |  14:43 25/11/2024

Sáng 25/11, tại Hội Văn học Nghệ thuật (VHNT) Hà Nam, Chi hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh (NSNA) Việt Nam tại Hà Nam tổ chức Đại hội nhiệm kỳ 2024-2029.

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

DANH MỤC