Hàng nghìn công nhân mong mỏi dự án nhà ở xã hội
Theo Ban Quản lý các Khu công nghiệp (KCN) tỉnh, số công nhân lao động đang làm việc tại các KCN là trên 89.500 người, trong đó có trên 55.700 lao động trong tỉnh, chiếm 62,25%, gần 32.000 lao động ngoài tỉnh, chiếm 35,69%; trên 1.800 lao động nước ngoài. Hầu hết những lao động ngoại tỉnh đều có nhu cầu nhà ở trên địa bàn tỉnh, đặc biệt ngay trong các KCN với mong muốn giảm bớt chi phí, tiện lợi cho việc đi lại và ổn định cuộc sống gia đình để “an cư lạc nghiệp”. Trên 90% số công nhân lao động trong độ tuổi sinh nở, nuôi con nhỏ nên nhu cầu nhà ở gần nơi làm việc thực sự trở nên cấp bách hơn.
Anh Nguyễn Văn Tuấn, công nhân Công ty Honda Việt Nam cùng vợ và con nhỏ mới được thuê một căn hộ tại Khu thiết chế công đoàn – Khu Công nghiệp Đồng Văn II, thị xã Duy Tiên chia sẻ: “Trước đây, khi chưa thuê được căn nhà này, vợ chồng tôi phải thuê nhà trọ của dân, diện tích hơn 10m2, mái lợp fibro xi măng mùa nồm thì ẩm thấp, mùa hè thì nóng nực. Tiền điện và tiền nước mỗi tháng khá cao, trong khi lương công nhân của tôi chỉ trên dưới 10 triệu/tháng, rất khó khăn. Bây giờ, được Liên đoàn Lao động cho thuê căn hộ này khá rộng rãi, thoáng mát, giá phù hợp với điều kiện của chúng tôi nên rất yên tâm.”
Hàng nghìn lao động đang làm việc trong các khu công nghiệp của Hà Nam hiện nay đang rất muốn có điều kiện như Tuấn. Có điều, các dự án nhà ở xã hội cho người lao động đang được triển khai, thực hiện một cách khá chậm vì nhiều lý do. Trong số 6 dự án nhà ở cho công nhân đã và đang thực hiện với tổng diện tích sàn khoảng 222.401,2m2 , dự kiến xây dựng trên 3.770 căn hộ, đã có 4 dự án hoàn thành với tổng số 630 căn hộ cho thuê, đáp ứng nhu cầu nhà ở cho khoảng 12.228 người. 4 dự án này bao gồm: Khu thiết chế công đoàn tại KCN Đồng Văn II, Ký túc xá Honda Việt Nam; Khu nhà ở công nhân Viglacera; Nhà ở của công nhân Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng và phát triển nhà ở Việt Nam.
Ngoài ra, ngay trong các KCN của tỉnh còn có 3 khu căn hộ, khu nhà lưu trú cho chuyên gia người nước ngoài, gồm Công ty TNHH FuJi Engineering, Công ty Thành Đạt, Công ty Tuấn Bách. Hàng trăm lao động, chuyên gia người nước ngoài đang lưu trú tại các khách sạn như Mường Thanh, Tiến Lộc, Vinpearl, Mesena.
Theo Sở Xây dựng, nhằm tạo điều kiện để người lao động an cư lạc nghiệp, ổn định đời sống, công việc, tỉnh Hà Nam đã thực hiện nhiều cơ chế chính sách quản lý và phát triển nhà ở xã hội nói chung, nhà ở cho công nhân lao động trong và ngoài khu công nghiệp nói riêng. Năm 2015, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 17 “Quy định cơ chế khuyến khích xây dựng nhà ở cho thuê phục vụ người lao động tại các KCN trên địa bàn tỉnh Hà Nam”, Văn bản số 1861/UBND –KT ngày 20/7/2022 giao nhiệm vụ cho các sở, ngành, UBND cấp huyện, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, UBMTTQ tỉnh và các tổ chức Hội, đoàn thể phối hợp triển khai thực hiện các nhiệm vụ cụ thể, kịp thời hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân trên địa bàn tỉnh…
Mục tiêu phát triển nhà ở xã hội theo dự án có vị trí, quy mô gắn với khu vực tập trung nhiều đối tượng có nhu cầu nhà ở xã hội, tại các quỹ đất phát triển nhà ở xã hội được bố trí trong quy hoạch dự án phát triển đô thị, dự án phát triển nhà ở xã hội nhằm đảm bảo công bằng và tăng khả năng tiếp cận hạ tầng đồng bộ và các dịch vụ thiết yếu; giải quyết nhu cầu nhà ở cho công nhân, gắn với khu vực sản xuất, tạo chỗ ở ổn định, nâng cao đời sống để công nhân an tâm lao động sản xuất, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.
Với sự phát triển của các KCN trên địa bàn tỉnh, dự kiến đến năm 2025, nhu cầu nhà ở cho NLĐ đang làm việc trong và ngoài khu công nghiệp cần trên 750.000m2 diện tích sàn.
Từng bước tháo gỡ những vướng mắc, tạo niềm tin cho NLĐ…
Ông Lê Văn Nghĩa, Trưởng Ban Quản lý Thiết chế công đoàn - Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, trong quá trình thực hiện Đề án “Đầu tư xây dựng thiết chế của công đoàn tại các KCN, khu chế xuất” theo Quyết định 655 của Thủ tướng Chính phủ, Tổng Liên đoàn Lao động đã gặp một số khó khăn, vướng mắc pháp lý về đất đai, Luật Nhà ở. Thực tế trong các văn bản luật này, chưa có quy định cho phép Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam được tham gia đầu tư xây dựng nhà ở nói chung, nhà ở phục vụ cho công nhân KCN nói riêng. Sau khi thực hiện xong giai đoạn 1 của Dự án Khu thiết chế công đoàn tại KCN Đồng Văn II, trong năm 2023 triển khai giai đoạn 2 dự án, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam bàn giao lại quỹ đất để UBND tỉnh Hà Nam thu hút đầu tư và lựa chọn Công ty Cổ phần Arita làm nhà đầu tư thực hiện. Quy mô đầu tư giai đoạn này của Dự án gồm 4 tòa nhà cao 14 tầng với tổng diện tích sàn xây dựng khoảng 63.571m2, tương ứng với 928 căn hộ và các công trình hạ tầng kỹ thuật, xã hội như: nhà văn hóa, cây xanh, sân tập thể dục thể thao, bãi đỗ xe.
Về phía ngành Xây dựng, khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai các dự án về nhà ở cho công nhân trên địa bàn tỉnh còn là vấn đề thủ tục để các doanh nghiệp đầu tư cũng như người lao động tiếp cận nguồn vốn. Theo quy định của Luật Nhà ở, “Trường hợp doanh nghiệp, HTX sản xuất công nghiệp, dịch vụ tự đầu tư xây dựng nhà ở để bố trí cho NLĐ của doanh nghiệp mình ở mà không thu tiền thuê nhà hoặc có thu tiền thuê nhà với giá thuê không vượt quá giá thuê nhà ở xã hội do UBND cấp tỉnh ban hành thì ngoài các ưu đãi quy định tại khoản 1, Điều 58 của Luật này, doanh nghiệp này còn được tính chi phí xây dựng nhà ở vào giá thành sản xuất khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp, các doanh nghiệp”. Tuy nhiên, hiện nay với dự án loại này chưa rõ đối tượng được ở trong các dự án nhà do doanh nghiệp tự đầu tư xây dựng có phải thực hiện thủ tục chứng minh đối tượng, điều kiện để hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội hay chỉ cần là công nhân, lao động của doanh nghiệp đó.
Để tháo gỡ những khó khăn này, Sở Xây dựng Hà Nam đã báo cáo, đề xuất UBND tỉnh đề nghị Chính phủ sớm trình Quốc hội ban hành Nghị quyết thí điểm một số chính sách nhằm đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội; Đồng thời, đề nghị Bộ Xây dựng khảo sát, đề xuất Chính phủ hỗ trợ kinh phí trong chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội cho tỉnh Hà Nam để thực hiện đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân năm 2022-2023; hướng dẫn tháo gỡ các khó khăn vướng mắc liên quan đến thủ tục hành chính (quy định về Quy hoạch, về quỹ đất nhà ở xã hội theo dự án…) và các chính sách hấp dẫn để địa phương thu hút các nhà đầu tư thực hiện các dự án nhà ở cho công nhân trên địa bàn hiệu quả, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 21/2024/QĐ-TTg ngày 22/11/2024 về mức hỗ trợ xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở đối với người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ và tỷ lệ phân bổ vốn hỗ trợ từ ngân sách trung ương, tỷ lệ đối ứng vốn hỗ trợ từ ngân sách địa phương giai đoạn 2023 - 2025.
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Vương quốc Campuchia, tham dự Hội nghị toàn thể lần thứ 12 của Hội nghị quốc tế các đảng chính trị châu Á (ICAPP) và Phiên họp lần thứ 11 của Nghị viện Quốc tế vì Bao dung và Hòa bình (IPTP), chiều 22/11, tại thủ đô Phnom Penh, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn hội kiến Thủ tướng Campuchia Samdech Hun Manet.
Chiều 22/11, tại sân bóng đá cỏ nhân tạo phường Lam Hạ (thành phố Phủ Lý), Đoàn Khối các cơ quan tỉnh tổ chức trao giải Giải Bóng đá Đoàn Khối các cơ quan tỉnh lần thứ XIII và hưởng ứng Chương trình "Những bước chân nhân ái vì cộng đồng" năm 2024. Dự trao giải có các đồng chí: Trần Nguyễn Hiền Anh, TUV, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy, Chánh văn phòng Tỉnh ủy; Đặng Anh Tuấn, TUV, Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh.
BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ
Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017
Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam
Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ
Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342
Email: baohanam.dientu@gmail.com
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.