Khoa Hồi sức cấp cứu chống độc, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Hà Nam vừa cứu sống một bệnh nhân nguy kịch nhờ kỹ thuật lọc máu liên tục. Bác sỹ Vũ Đình Kiên, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu chống độc cho biết, bệnh nhân là nam giới, 73 tuổi, ở xã Bình Nghĩa, huyện Bình Lục.
Người nhà cho biết, bệnh nhân bị cây đổ đập vào bụng ngày 23/8, tuy nhiên đến ngày 24/8 thấy đau bụng nhiều mới nhập viện.
Qua các xét nghiệm cận lâm sàng, chẩn đoán bệnh nhân thủng tạng rỗng. Bệnh nhân được mổ cấp cứu, khâu lỗ thủng ở ruột non, làm sạch ổ bụng. Tuy nhiên do vào viện muộn, bệnh nhân bị nhiễm trùng nặng nên sau khi phẫu thuật theo dõi trên Khoa gây mê hồi tỉnh cho thấy bệnh nhân dần rơi vào trạng thái sốc nhiễm khuẩn, mạch nhanh, tụt huyết áp, suy thận.
Bệnh nhân được chuyển lên Khoa Hồi sức cấp cứu chống độc khi huyết áp chỉ còn 50/30, được chẩn đoán sốc nhiễm khuẩn rất nặng, suy đa tạng toan chuyển hóa.
Sau khi xin ý kiến lãnh đạo bệnh viện, giải thích tình trạng cho gia đình, bệnh nhân được ứng dụng kỹ thuật mới lọc máu liên tục. Các chỉ số được cải thiện ngay lập tức khi bệnh nhân được ứng dụng kỹ thuật này, huyết áp cải thiện, có nước tiểu, tình trạng toan chuyển hóa được cải thiện dần, việc cấp thuốc vận mạch giảm dần và cắt hẳn.
Hiện tại bệnh nhân đã tỉnh táo, bỏ được máy thở, chức năng thận được cải thiện hoàn toàn. Bệnh nhân ăn uống bình thường, vết mổ đã khô.
Theo bác sỹ Vũ Đình Kiên, nếu không được ứng dụng kỹ thuật này khả năng bệnh nhân tử vong là rất cao. Kỹ thuật lọc máu liên tục được đưa vào ứng dụng tại Khoa Hồi sức cấp cứu chống độc từ giữa tháng 8/2022.
Để ứng dụng thành công kỹ thuật này, BVĐK Hà Nam đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về nhân lực, và được tạo điều kiện mua thiết bị. Đây là bệnh nhân đầu tiên của BVĐK tỉnh được ứng dụng kỹ thuật lọc máu liên tục và qua cơn nguy kịch.
Bác sỹ Vũ Đình Kiên cũng cho biết thêm, kỹ thuật lọc máu liên tục được các cơ sở điều trị ứng dụng để cấp cứu những bệnh nhân nặng, suy đa tạng, suy đa cơ quan, giúp các bệnh nhân có thời gian để các bác sỹ hồi sức, điều chỉnh chức năng sống.
Trước đây chưa có kỹ thuật này tỷ lệ tử vong cao, sau khi ứng dụng kỹ thuật này tỷ lệ cứu sống bệnh nhân được cải thiện rõ rệt. Vì thế việc ứng dụng kỹ thuật mới này vào bệnh viện có ý nghĩa rất lớn trong việc cứu sống những bệnh nhân nặng, rất nặng ngay tại y tế tuyến tỉnh.
Đỗ Hồng