Theo giải thích của Bộ Y tế, nguyên nhân tăng viện phí là do lương cơ bản tăng từ 1.150.000 đồng lên 1.390.000 đồng, do đó các dịch vụ sử dụng nhiều nhân công như tiền khám bệnh, tiền giường bệnh... sẽ tăng khoảng 10%.
Thông tư 39 vừa được thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn ký ban hành và có hiệu lực từ ngày 15-1-2019.
Theo đó, tiền khám bệnh tại các tuyến dao động từ 26.000-37.000đ/lượt khám, tăng khoảng 10% so với hiện hành.
Giá ngày giường điều trị cũng tăng tương ứng, trong đó tiền ngày giường cho bệnh nhân hồi sức tích cực, ghép tủy, ghép tạng, ghép tế bào gốc tại bệnh viện hạng 1, hạng đặc biệt tăng lên 753.000đ/ngày (cao hơn gần 70.000đ/ngày so với hiện hành). Chi phí giường điều trị các bệnh lý khác cũng tăng mức tương ứng, khoảng 10%/dịch vụ.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, lãnh đạo Vụ Kế hoạch tài chính, Bộ Y tế cho biết lý do việc điều chỉnh viện phí lần này là do lương cơ bản vừa được điều chỉnh tăng, trong khi hiện lương đã được đưa vào tính phí dịch vụ y tế.
Trong khoảng 1.900 dịch vụ được tính giá mới dịp này, các dịch vụ sử dụng nhiều nhân công (dịch vụ khám bệnh, phẫu thuật, chi phí giường bệnh...) có mức tăng cao hơn so với dịch vụ sử dụng nhiều thiết bị y tế. Vị lãnh đạo này cũng cho rằng dịch vụ chụp chiếu như siêu âm thông thường, chụp cộng hưởng từ, siêu âm tim... chỉ tăng giá xấp xỉ 1% so với hiện hành.
Mức phí kể trên được áp dụng thống nhất với bệnh nhân thu viện phí trực tiếp và bệnh nhân bảo hiểm y tế. Hiện đã có trên 85% người dân có bảo hiểm y tế. Tuy nhiên với nhóm bệnh nhân còn lại, việc điều chỉnh viện phí cũng sẽ khiến họ gặp khó khăn, nhất là các trường hợp phải điều trị dài ngày.
Theo tuoitre.vn
Quyết Thành