Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu các cá nhân, đơn vị làm việc với trách nhiệm cao nhất, thúc đẩy sản xuất bằng được vaccine, thuốc điều trị Covid-19 trong nước.
Tại cuộc họp sáng 27/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính nói để phòng, chống dịch hiệu quả, thực tiễn Việt Nam và kinh nghiệm quốc tế cho thấy vaccine có tính chất quyết định, cộng với ý thức người dân là rất quan trọng. Việc thúc đẩy sản xuất vaccine và thuốc điều trị sẽ giúp tăng cường năng lực y tế trong nước, góp phần phát triển ngành công nghiệp dược của Việt Nam.
Chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng là nhất quán và quyết liệt để sản xuất bằng được vaccine, thuốc điều trị Covid-19 dựa trên truyền thống nghiên cứu, sản xuất các loại thuốc và vaccine nhiều năm qua; phát huy năng lực sáng tạo, tinh thần tự lực tự cường.
Theo ông, đây là công việc rất quan trọng, cần thiết nhưng cũng rất khó khăn, phức tạp, nhạy cảm do liên quan tới tính mạng, sức khỏe người dân. Do đó, cần đặt lợi ích quốc gia, dân tộc và tính mạng, sức khỏe người dân lên trên hết, trước hết để nhận thức và hành động cho đúng. "Cần hết sức tránh hai khuynh hướng là chủ quan, nóng vội và trì trệ, bảo thủ, cản trở sự phát triển, bảo đảm thực chất, không chạy theo thành tích", ông nói.
Lãnh đạo Chính phủ đặc biệt nhấn mạnh cần tháo gỡ mọi khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy sản xuất bằng được vaccine và thuốc trong nước, nhưng phải bảo đảm an toàn, khoa học, hiệu quả và minh bạch; chống mọi tiêu cực, sách nhiễu, lợi ích nhóm, cạnh tranh không lành mạnh trên cơ sở theo đúng quy định và phù hợp với điều kiện, thực tế Việt Nam.
Các cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan cần làm việc với tinh thần trách nhiệm cao nhất, không chịu bất cứ một tác động, sức ép nào. Các nhà khoa học, chuyên gia, các đơn vị nghiên cứu, sản xuất kiên trì theo đuổi công việc này vì mục tiêu khoa học, tinh thần nhân đạo và bảo vệ sức khỏe, tính mạng nhân dân.
Bộ Y tế, các bộ ngành liên quan cần khẩn trương rà soát, hoàn thiện thể chế, hành lang pháp lý, bổ sung các cơ chế, chính sách cần thiết để hỗ trợ, thúc đẩy sản xuất thuốc và vaccine trong nước. Vấn đề thuộc thẩm quyền của cấp nào thì đề xuất cấp đó tháo gỡ trên tinh thần tôn trọng thực tiễn, đồng thời nâng cao năng lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực này.
"Bộ Y tế chủ trì, các cơ quan, đơn vị cần phối hợp chặt chẽ, hiệu quả để mọi việc thông suốt, xử lý ngay các vướng mắc, không để kéo dài, ách tắc", Thủ tướng nói.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đến nay có 326 loại vaccine đang được nghiên cứu; trong đó có 132 loại vaccine thử nghiệm lâm sàng bằng các công nghệ khác nhau. 24 loại vaccine đã được phê duyệt sử dụng ở các nước, trong đó có 8 loại được WHO cấp phép. Hơn 25 phương pháp điều trị đã và đang được tiếp cận.
Việt Nam đã cấp phép sử dụng khẩn cấp 9 loại vaccine. Các ứng cử viên vaccine trong nước đang được nghiên cứu, thử nghiệm lâm sàng, gồm: Nanocovax; Covivac; ARCT-154; HIPRA; Sputnik V; vaccine do Công ty Shionogi (Nhật Bản) phát triển.
Bộ Y tế đang hướng dẫn các đơn vị trong việc chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine Covid-19 từ Cuba, Ấn Độ; có thư gửi WHO giới thiệu các đơn vị của Việt Nam tham gia chương trình tiếp nhận chuyển giao công nghệ mRNA.
Ngoài ra, Việt Nam đang sử dụng một số thuốc điều trị đặc hiệu như Molnupiravir, Remdesivir, Favipiravir... Một số loại thuốc điều trị đặc hiệu, thuốc cổ truyền, dược liệu... cũng đang được nghiên cứu.
Viết Tuân