kita group giới thiệukita group dự ánkita group liên hệkita group STELLA MEGA CITYkita group STELLA RESIDENCE
Thông tuyến nội trú BHYT tuyến tỉnh - Nâng cao quyền lợi người bệnh

Thông tuyến nội trú BHYT tuyến tỉnh - Nâng cao quyền lợi người bệnh

Từ 1/1/2021, theo quy định tại Khoản 6, Điều 22, Luật Bảo hiểm y tế (BHYT), người tham gia BHYT khi đi khám, chữa bệnh (KCB) không đúng tuyến tại cơ sở KCB tuyến tỉnh sẽ được quỹ BHYT chi trả chi phí điều trị nội trú theo phạm vi quyền lợi và mức hưởng như trường hợp KCB đúng tuyến (còn gọi là thông tuyến BHYT nội trú tuyến tỉnh trong toàn quốc). Điều này tạo thuận lợi cho người tham gia BHYT khi không cần giấy chuyển viện mà vẫn được KCB và được bảo đảm quyền lợi tại các cơ sở KCB tuyến tương đương trên toàn quốc. 

Thông tuyến nội trú BHYT tuyến tỉnh  Nâng cao quyền lợi người bệnh
Chụp cắt lớp vi tính cho bệnh nhân tại BVĐK tỉnh.

Theo quy định hiện hành, những trường hợp đi KCB trái tuyến chỉ được quỹ BHYT chi trả 40% chi phí điều trị nội trú tại bệnh viện tuyến trung ương và 60% chi phí điều trị nội trú đối với tuyến tỉnh. Tuy nhiên, từ năm 2021, người có thẻ BHYT khi điều trị nội trú trái tuyến ở các bệnh viện tuyến tỉnh trong cả nước thì mức hưởng BHYT sẽ được tăng từ 60% lên 100% đối với các đối tượng theo quy định.

Cụ thể, quỹ BHYT sẽ chi trả 100% chi phí điều trị nội trú cho người tham gia BHYT khi đi KCB không đúng tuyến tại các cơ sở KCB tuyến tỉnh trong cả nước đối với nhóm đối tượng: quân đội, công an, người có công với cách mạng, cựu chiến binh, trẻ em dưới 6 tuổi, người hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng, dân tộc thiểu số; những trường hợp có chi phí một lần KCB thấp hơn 15% mức lương cơ sở (khoảng 224 ngàn đồng); người bệnh có thời gian tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên, có số tiền chi trả trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở  (khoảng 8,9 triệu đồng); người hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng. Riêng thân nhân người có công với cách mạng đi khám BHYT trái tuyến sẽ được quỹ BHYT chi trả 95% chi phí điều trị nội trú. Các đối tượng có thẻ BHYT còn lại đi khám BHYT trái tuyến sẽ được quỹ BHYT chi trả 80%. Mức chi trả này áp dụng từ năm 2021 trở đi. Quy định thông tuyến BHYT tuyến tỉnh chỉ áp dụng cho điều trị nội trú. Riêng người có thẻ BHYT đi khám ngoại trú trái tuyến tỉnh vẫn không được quỹ BHYT hỗ trợ chi trả chi phí KCB. 

Quy định mới này là tin vui với nhiều người tham gia BHYT. Bà Lê Thị Liên, huyện Ý Yên (Nam Định), đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Hà Nam cho biết: Không ai muốn bị bệnh, nhưng khi có bệnh, ai cũng muốn được điều trị tại các cơ sở KCB có chất lượng tốt. Quy định về thông tuyến nội trú BHYT tuyến tỉnh khiến tôi cảm thấy an tâm vì dù ở Nam Định hay bất cứ địa phương nào, tôi cũng có thể được chăm sóc sức khỏe tốt nhất khi đau ốm và được BHYT chi trả như đúng tuyến. Tôi bị tổn thương phổi và đã nằm điều trị tại Khoa Cấp cứu, BVĐK tỉnh Hà Nam được gần một tuần, tôi rất hài lòng về thái độ, phong cách phục vụ của các y, bác sĩ. Các phòng bệnh nhân rất sạch sẽ, ngăn nắp, có nhiều trang thiết bị hiện đại, đáp ứng tốt nhu cầu KCB của nhân dân… 

Về mặt xã hội, khi thông tuyến tỉnh BHYT, bệnh nhân sẽ được hưởng những điều kiện điều trị bệnh tốt hơn do được quyền chủ động chọn lựa cơ sở KCB theo đúng nhu cầu. Tuy nhiên, đối với các bệnh viện tuyến tỉnh, đây thực sự là cơ hội và cũng là thách thức để bệnh viện phát triển. Để đáp ứng nhu cầu của người dân khi thực hiện thông tuyến BHYT nội trú tuyến tỉnh, BVĐK tỉnh đã và đang tập trung triển khai nhiều giải pháp nâng cao chất lượng KCB. Từ việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, rút ngắn thời gian chờ đợi khám bệnh, thanh toán, lấy thuốc cho bệnh nhân đến triển khai nhiều kỹ thuật hiện đại, kỹ thuật chuyên sâu, nâng cao chất lượng điều trị nội trú, ngoại trú cho người bệnh. Bệnh viện tiếp tục giữ vững khả năng chuyên môn kỹ thuật trong KCB thuộc các lĩnh vực hồi sức cấp cứu, ngoại khoa, nội khoa, xét nghiệm, thăm dò chức năng. Bệnh viện cũng đã đầu tư hàng loạt trang thiết bị hiện đại, như: máy chụp cộng hưởng từ 1,5 Tesla; máy chụp cắt lớp vi tính 16 dãy; hệ thống X-quang kỹ thuật số DA; hệ thống phẫu thuật nội soi; hệ thống tán sỏi laser; máy nội soi tiêu hóa, hệ thống Mornitor trung tâm (để theo dõi tình trạng bệnh của từng bệnh nhân điều trị nội trú tại Khoa Hồi sức cấp cứu-chống độc), máy chụp cắt lớp vi tính 128 lát, hệ thống phòng can thiệp tim mạch…

Cùng với đó, bệnh viện đặc biệt chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực, bảo đảm về số lượng và không ngừng nâng cao về chất lượng. Cơ sở vật chất thường xuyên được cải tạo, nâng cấp, hệ thống cây xanh được bố trí hợp lý, tạo môi trường bệnh viện xanh-sạch-đẹp, không khói thuốc. Thái độ, phong cách phục vụ của cán bộ y tế không ngừng được nâng lên, được người bệnh, người nhà người bệnh ghi nhận, đánh giá cao.

Phó Giám đốc BVĐK tỉnh Trần Đức Lý cho biết: Khi thông tuyến tỉnh, lượng bệnh nhân sẽ tăng lên. Đây là cơ hội để bệnh viện phát triển tốt hơn, nâng cao năng lực cho đội ngũ y, bác sỹ, nhưng cũng là thách thức, áp lực của bệnh viện trong điều kiện cơ sở vật chất có hạn. Ngay từ tháng 12/2020, Đảng ủy, Ban Giám đốc đã họp với các phòng, ban chức năng đề ra các giải pháp triển khai tốt quy định của Luật BHYT. Rà soát cơ sở hạ tầng, đầu tư thêm bốc khám ngoại trú; bố trí kê thêm khoảng 30-50 giường bệnh; quán triệt đội ngũ bác sỹ phải hết sức chặt chẽ trong chỉ định nội trú, tránh quá tải bệnh viện. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong phục vụ KCB, thanh tra, kiểm tra, giám sát KCB, kết nối với các cơ sở KCB để chuyển tuyến dưới các trường hợp sau thời gian điều trị tuyến tỉnh đã ổn định. Hy vọng từ năm 2021, việc thanh toán BHYT theo định suất và nhóm chẩn đoán liên quan (DRG) sẽ giảm bớt các vướng mắc trong thanh toán chi phí KCB theo giá dịch vụ như hiện nay.

Với cơ sở hạ tầng đầy đủ, tiện nghi, trang thiết bị máy móc hiện đại, phục vụ được các kỹ thuật tuyến trung ương đã thực hiện, BVĐK tỉnh Hà Nam tự tin đủ khả năng cạnh tranh với các bệnh viện tuyến tỉnh lân cận; cơ bản thực hiện được 70-80% các dịch vụ theo phân tuyến của Bộ Y tế. Các kỹ thuật thay khớp háng, khớp gối, phẫu thuật cột sống, phẫu thuật sọ não, đặt máy tạo nhịp, chụp mạch vành, đặt stent… được triển khai thành công tại bệnh viện, tạo dựng được lòng tin của người bệnh.

Không chỉ bệnh viện tuyến tỉnh phải đổi mới phương pháp quản lý, tăng cường chất lượng dịch vụ, nâng cao chất lượng KCB, mà các bệnh viện tuyến dưới cũng phải không ngừng đầu tư nhân lực, vật lực để thực hiện tốt nhiệm vụ KCB nhằm “giữ chân” người bệnh. Bên cạnh đó, tăng cường tuyên truyền để người dân nâng cao nhận thức, không ồ ạt đổ lên các bệnh viện tuyến trên khi mà các bệnh viện tuyến dưới vẫn triển khai được các kỹ thuật KCB.
Quy định thông tuyến BHYT nội trú tuyến tỉnh cũng sẽ là động lực quan trọng để phát triển BHYT bền vững, tiến tới BHYT toàn dân. Bởi khi quyền lợi được mở rộng, thuận lợi trong KCB BHYT, người dân chắc chắn sẽ tham gia tích cực để được chăm sóc sức khỏe toàn diện một cách tốt nhất.

Hải Yến

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy