Năm 2024, tranh thủ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Y tế và của tỉnh; sự phối hợp của các sở, ban, ngành; sự giúp đỡ của các tổ chức quốc tế và trong nước, ngành Y tế tỉnh đã chủ động khắc phục khó khăn, tổ chức triển khai thực hiện và hoàn thành tốt các nhiệm vụ trọng tâm trong công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.
Các điều kiện phục vụ khám, chữa bệnh tiếp tục được nâng cao
Điều ghi nhận đầu tiên trong năm 2024 là hệ thống y tế cơ sở được quan tâm củng cố, nhờ đó nâng cao các điều kiện phục vụ công tác khám, chữa bệnh (KCB), chăm sóc sức khỏe nhân dân ở tuyến y tế gần dân nhất. Các trung tâm y tế (TTYT) đều được đầu tư sửa chữa, hoặc xây thêm một số khu nhà mới, chỉnh trang cảnh quan từ nguồn vốn phục hồi phát triển kinh tế - xã hội lĩnh vực y tế của Chính phủ, nguồn ngân sách địa phương. Các phòng khám, điều trị,… của các TTYT trước đây hầu hết đã xuống cấp khá nghiêm trọng do xây dựng từ lâu, nay được thay bằng các khu nhà mới khang trang, sạch sẽ, giúp công tác KCB và thực hiện các nhiệm vụ y tế khác được tốt hơn, đáp ứng yêu cầu của người dân.
Ở các trạm y tế, triển khai Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn đến năm 2030, thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao, NTM kiểu mẫu nên các điều kiện cũng được củng cố, hoàn thiện. Cơ sở hạ tầng được sửa chữa, xây mới, bổ sung trang thiết bị. Thông tin từ Sở Y tế cho biết, Hội đồng thẩm định chuẩn y tế xã đã tiến hành thẩm định, xét, đề nghị UBND tỉnh quyết định công nhận đơn vị đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn đến năm 2030; trong đó, năm 2023 công nhận đối với 12 xã và năm 2024 công nhận đối với 42 xã, phường, thị trấn. Các trạm y tế còn lại vẫn đang tiếp tục hoàn thiện, nâng cao các tiêu chí.
Bên cạnh đó hệ thống y tế cơ sở cũng được củng cố, đầu tư thêm nhiều trang thiết bị mới, hiện đại. TTYT Duy Tiên đã được phê duyệt đầu tư hệ thống máy chạy thận nhân tạo, TTYT Bình Lục năm 2025 sẽ tiến hành các thủ tục để được trang cấp máy chạy thận nhân tạo. Một số TTYT đang xây dựng kế hoạch mua sắm một số thiết bị hiện đại của các cơ sở điều trị, khối công lập thường chỉ bệnh viện hạng I trở lên mới có như: máy cộng hưởng từ, máy chụp cắt lớp vi tính,... Các đơn vị đã thực hiện tự chủ chi thường xuyên, một phần chi thường xuyên duy trì việc tiết kiệm các khoản chi để mua sắm một số trang thiết bị, sửa chữa nhỏ nhằm nâng cao các điều kiện để phục vụ tốt hơn công tác KCB.
Về việc bổ sung, ổn định nguồn đội ngũ nhân viên y tế, các TTYT cũng đã và đang tiến hành tuyển dụng để bổ sung đội ngũ. Đối với tuyến tỉnh, sau nhiều năm không tuyển dụng viên chức, năm 2024 đã thực hiện tuyển dụng, góp phần vào việc củng cố đội ngũ.
Tập trung nâng cao chất lượng khám, điều trị, dự phòng bệnh
Năm 2024, các đơn vị trong ngành Y tế tỉnh bám sát nhiệm vụ, chủ động đề ra các giải pháp hiệu quả để nâng cao công tác KCB, chăm sóc sức khỏe nhân dân; tăng cường công tác giám sát, báo cáo dịch truyền nhiễm được tăng cường; đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm, tiêm vắc-xin phòng bệnh, giúp kiểm soát dịch bệnh hiệu quả hơn. Số ca mắc các loại dịch như: sốt xuất huyết, tay chân miệng... đều giảm nhiều so với năm trước. Năm 2024, trên địa bàn tỉnh Hà Nam không có dịch lớn xảy ra.
Các cơ sở điều trị tiếp tục thực hiện nghiêm quy chế bệnh viện, đặc biệt quy chế: thường trực, cấp cứu, chống nhiễm khuẩn. Tinh thần, thái độ phục vụ, chăm sóc người bệnh được nâng cao ở tất cả các tuyến; các cơ sở KCB định kỳ tổ chức tự khảo sát sự hài lòng của người bệnh nội trú, ngoại trú theo quy định. Công tác nghiên cứu khoa học trong toàn ngành tiếp tục được đẩy mạnh. Trong năm các đơn vị đã triển khai thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu khoa học. Hội đồng khoa học của Sở Y tế đã tiến hành rà soát, đánh giá công nhận 58 đề tài, 1 sáng kiến khoa học. Các đề tài nghiên cứu khoa học đã góp phần nâng cao chất lượng KCB và phòng bệnh cho nhân dân trong tỉnh. Để nâng cao chất lượng KCB, năm 2024 Sở Y tế đã cử 183 lượt công chức, viên chức tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng sau đại học (thạc sỹ, bác sỹ chuyên khoa I, II).
Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, tuyến chuyên môn cao nhất ở tỉnh, việc học tập, nghiên cứu, đào tạo, chuyển giao, đưa những tiến bộ y học mới ứng dụng vào công tác khám, điều trị bệnh tiếp tục được quan tâm đẩy mạnh. Năm 2024 bệnh viện có 29 đề tài cấp cơ sở được nghiệm thu. Các đề tài đều được áp dụng có hiệu quả trong công tác KCB, chẩn đoán được chính xác hơn, rút ngắn thời gian điều trị, kịp thời cứu sống người bệnh. Bệnh viện cũng vừa thực hiện các kế hoạch đào tạo nâng cao trình độ cho đội ngũ của bệnh viện; đồng thời, đào tạo, hỗ trợ tuyến dưới về chuyên môn như: phối hợp với các khoa xây dựng 4 chương trình và tài liệu đào tạo liên tục; cử 118 cán bộ đi đào tạo nâng cao tay nghề; đào tạo thực hành, nâng cao tay nghề tại bệnh viện cho 133 cán bộ của bệnh viện cũng như TTYT huyện, bệnh viện khu vực trong tỉnh; thực hiện 9 buổi báo cáo ca bệnh hội chẩn chuyên ngành với các bệnh viện tuyến trung ương như: Bạch Mai, Việt Đức, Bệnh viện K, Bệnh viện Ung bướu Hà Nội... Đồng thời, nhận hỗ trợ chuyên môn từ tuyến trung ương các chuyên ngành về thần kinh cơ xương khớp, tiêu hóa, huyết học lâm sàng, cận lâm sàng... Thực hiện hỗ trợ chuyên môn cho tuyến dưới; tăng cường các buổi hội chẩn, đào tạo y khoa trực tuyến các chuyên khoa… Qua đó, đã góp phần tích cực nâng cao chất lượng khám, điều trị, phục vụ, ngày càng khẳng định được vị thế của bệnh viện. Trong năm Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã khám cho hơn 263.000 lượt người, điều trị nội trú cho gần 58.500 lượt bệnh nhân, phẫu thuật 6.846 ca (đạt 114,10% KH); làm thủ thuật các loại 280.450 ca (đạt 133,55% KH); thực hiện 974.459 tiêu bản xét nghiệm, 22.300 ca nội soi (đạt 111,50% KH); tổng số ca CT-Scanner là 24.980 ca (đạt 113,55% KH), ngày điều trị trung bình là 5,3 ngày.
Cùng với các cơ sở KCB tuyến tỉnh, các TTYT tiếp tục nghiên cứu áp dụng những kỹ thuật mới trong chẩn đoán và điều trị. Năm 2024, trên địa bàn toàn tỉnh không xảy ra sai sót về chuyên môn, kỹ thuật trong khám và điều trị; tổng số lần khám bệnh tuyến tỉnh là 355.651 lượt; tổng số lần khám bệnh tuyến huyện là 352.317 lượt; tổng số lần khám bệnh tuyến xã là 251.408 lượt.
Công tác bảo vệ, nâng cao, chăm sóc sức khỏe nhân dân năm 2024 cũng ghi nhận sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của hệ thống y tế tư nhân. Các cơ sở điều trị tư nhân như: Bệnh viện Đa khoa Hà Nội-Đồng Văn, Bệnh viện Mắt Hà Nam và một số phòng khám đa khoa, chuyên khoa, phòng tiêm chủng dịch vụ ở các huyện, thị, thành phố cơ sở hạ tầng khá khang trang, trang thiết bị hiện đại, thái độ phục vụ tốt; một số đơn vị đã có KCB BHYT... Qua đó, tạo điều kiện cho người dân có thêm cơ hội lựa chọn nơi KCB, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe đáp ứng nhu cầu; đồng thời tạo ra sự cạnh tranh, thúc đẩy các đơn vị y tế công lập không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ..
Toàn ngành cũng như mỗi cơ sở y tế tiếp tục quán triệt sâu sắc Quy tắc ứng xử của công chức, viên chức, người lao động làm việc tại các cơ sở y tế, 12 điều y đức, 10 điều dược đức, đổi mới phong cách, thái độ phục vụ, không ngừng tu dưỡng phẩm chất đạo đức, tác phong của người thầy thuốc, hết lòng hết sức phục vụ cộng đồng, phục vụ nhân dân.
2 chỉ tiêu chưa đạt là: tỷ lệ trạm y tế xã có bác sĩ làm việc (68%), tỷ số giới tính khi sinh (111 trẻ trai/100 trẻ gái). Đây là những chỉ tiêu khó từ nhiều năm nay, riêng ngành Y tế không thể giải quyết được mà cần sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền các cấp, các ban, ngành, đoàn thể và sự chuyển biến trong nhận thức của người dân.
Năm 2025 dự báo tình hình dịch bệnh vẫn phức tạp, khó lường, ngành Y tế tỉnh tiếp tục quan tâm công tác giám sát dịch, kịp thời phòng ngừa, ngăn chặn, khống chế không để dịch lan rộng. Cùng với việc đẩy mạnh ứng dụng các kỹ thuật cao vào chẩn đoán và điều trị, các cơ sở điều trị tiếp tục nâng cao năng lực, tinh thần thái độ phục vụ người bệnh; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ nhằm cải thiện hơn nữa chất lượng phục vụ. Ngành Y tế cũng phấn đấu cung ứng đầy đủ thuốc, bảo đảm chất lượng, nhất là thuốc thiết yếu; đẩy mạnh công tác kiểm tra việc thực hiện quy định sử dụng thuốc an toàn, hợp lý, không để thuốc kém chất lượng lưu hành trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, sẽ có những đề xuất trong việc tiếp tục nâng cao các điều kiện phục vụ công tác KCB, chăm sóc sức khỏe nhân dân về: chế độ đãi ngộ nhằm thu hút nhân lực có trình độ cao (đặc biệt là bác sĩ) về công tác tại các cơ sở y tế tuyến huyện, xã, y tế dự phòng; tạo điều kiện về kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng; đầu tư mua sắm thiết bị y tế...
Đỗ Hồng