Ngày 4/10, tại Khách sạn Mường Thanh Luxury, Sở Y tế Hà Nam phối hợp với Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương tổ chức tập huấn phối hợp liên ngành Y tế - Thú y tăng cường năng lực hệ thống phòng, chống bệnh dại cho cán bộ liên quan đến công tác phòng, chống bệnh dại. Dự lớp tập huấn có trên 100 đại biểu đến từ các đơn vị: Chi cục Thú y vùng I; Sở Y tế Hà Nam; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bệnh viện Đa khoa tỉnh; Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh; Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh; Trung tâm Y tế huyện, thị xã, thành phố; Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện, thị xã, thành phố; bệnh xá quân y, công an và các Trung tâm tiêm chủng dịch vụ tư nhân trên địa bàn tỉnh.
Tại lớp tập huấn, các học viên đã được cung cấp thông tin về tình hình bệnh dại trên người tại Việt Nam và tại khu vực miền Bắc giai đoạn 2017-2024; thực trạng bệnh dại trên động vật, tình hình bệnh dại ở người tại Hà Nam.
Theo đó, tại Hà Nam, đối với động vật, năm 2015 ghi nhận 1 ổ dịch bệnh dại trên đàn chó nuôi tại xã Thanh Hải, Thanh Liêm. Trường hợp ghi nhận bệnh dại gần đây nhất trên địa bàn tỉnh là tháng 6/2016 tại xã Đồn Xá (Bình Lục). Công tác phòng, chống bệnh dại đã được ngành chức năng quan tâm nhưng vẫn còn những khó khăn, hạn chế nhất định. Nhận thức của một bộ phận người dân về bệnh dại và phòng chống bệnh dại chưa cao: Khi bị chó cắn vẫn tìm đến thầy lang để thử, sơ cứu vết thương chưa hợp lý… Tỷ lệ tiêm phòng vắc - xin dại cho đàn chó trên địa bàn tỉnh chưa cao (mới đạt 70%). Công tác chỉ đạo và quản lý nhà nước về tiêm huyết thanh kháng dại và vắc - xin phòng bệnh dại còn gặp khó khăn nhất định…
Tại lớp tập huấn các học viên cũng được giới thiệu tổng quan về giám sát IBCM (Hệ thống giám sát bệnh dại dựa vào cộng đồng nhằm phát hiện nhanh động vật nghi dại và cách ly khỏi cộng đồng); triệu chứng bệnh dại trên động vật, cách sàng lọc; hướng dẫn giám sát, điều tra, xử lý ổ dịch trên người và động vật, phối hợp lấy mẫu và sàng lọc các trường hợp lấy mẫu bệnh phẩm; hướng dẫn lấy mẫu, vận chuyển, bảo quản bệnh phẩm bệnh dại trên động vật; an toàn sinh học khi lấy mẫu, vận chuyển bệnh phẩm nghi dại; hướng dẫn phòng và điều trị dự phòng bệnh dại ở người; thực hành cơ chế phối hợp liên ngành y tế, thú y trong lấy mẫu, giám sát, cơ chế vận chuyển mẫu bệnh phẩm ở người và động vật; truyền thông nguy cơ, trước, trong và sau dịch dại, truyền thông trường học.
Lớp tập huấn nhằm tăng cường sự phối hợp giữa ngành y tế và thú y, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, người làm công tác chuyên môn trong thực hiện nhiệm vụ dự phòng, chống bệnh dại, bảo đảm mục tiêu quốc gia đến năm 2030 không còn người tử vong vì bệnh dại.
Đỗ Hồng