Tăng cường truyền thông phòng, chống HIV/AIDS trong giới trẻ

Những năm qua, công tác phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh đã có nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, trên thực tế dịch HIV/AIDS vẫn còn diễn biến phức tạp. Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2022 được Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm phát động từ ngày 10/11 - 10/12/2022 với chủ đề “Chấm dứt dịch AIDS - Thanh niên sẵn sàng!”. Tháng hành động là sự kiện quan trọng nhằm huy động cả hệ thống chính trị và cộng đồng xã hội, đặc biệt là thanh niên vào cuộc chống lại dịch HIV/AIDS, hướng tới mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS tại Việt Nam vào năm 2030.

Thực hiện chủ đề Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2022, thời gian qua, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Hà Nam đã tập trung tổ chức truyền thông nâng cao kiến thức về phòng, chống HIV/AIDS cho các đối tượng là học sinh tại các trường trung học phổ thông (THPT), trường trung cấp, cao đẳng và công nhân lao động tại các khu, cụm công nghiệp. Tính đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức truyền thông cho trên 3.000 đối tượng.

Tại Trường THPT B Phủ Lý, CDC Hà Nam vừa tổ chức buổi truyền thông trực tiếp về phòng, chống HIV/AIDS. Trên 1.300 học sinh và cán bộ quản lý, giáo viên của nhà trường đã được cán bộ Khoa phòng, chống HIV/AIDS (CDC Hà Nam) truyền thông các nội dung liên quan đến bệnh HIV/AIDS, như: bệnh HIV/AIDS là gì; tình hình bệnh HIV/AIDS trong cả nước và trên địa bàn tỉnh; chẩn đoán HIV bằng cách nào; chẩn đoán ở đâu; các phương thức lây truyền HIV; các yếu tố làm tăng nguy cơ lây truyền HIV; cách phòng tránh bị lây nhiễm; cách chăm sóc người nhiễm HIV/AIDS… Thông qua trao đổi hỏi đáp, học sinh các khối lớp đều tích cực tham gia và thảo luận sôi nổi.

Cô giáo Nhữ Thị Nhuần cho biết: Buổi truyền thông là rất cần thiết giúp học sinh có hiểu biết đúng và đầy đủ về mối nguy hiểm của HIV/AIDS, làm giảm sự kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS và những người bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS trong cộng đồng. Bên cạnh đó, hình thành trong các em thói quen sống lành mạnh, nói không với ma túy và tệ nạn xã hội.

Tăng cường truyền thông phòng chống HIVAIDS trong giới trẻ
Cán bộ CDC Hà Nam tuyên truyền, tư vấn về cách phòng, chống HIV/AIDS cho học sinh Trường THPT B Phủ Lý. Ảnh: CDC Hà Nam

Theo thông tin từ CDC Hà Nam, kể từ khi ghi nhận trường hợp nhiễm HIV đầu tiên vào năm 1996, tính đến hết tháng 10/2022, trên địa bàn tỉnh ghi nhận lũy kế khoảng 1.600 người. Trong số hơn 800 ca nhiễm HIV còn sống có trên 530 ca đã chuyển sang giai đoạn AIDS. Riêng trong năm 2022, toàn tỉnh phát hiện mới 29 ca nhiễm HIV, trong đó có 2 ca đã chuyển sang giai đoạn AIDS, 6 người đã tử vong. Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, dịch HIV trên địa bàn tỉnh đang có xu hướng giảm số ca mới phát hiện, số ca chuyển AIDS và số ca tử vong do AIDS, tuy nhiên mức độ giảm chưa sâu, không ổn định. So với trước đây, hiện nay một số hành vi nguy cơ liên quan đến HIV/AIDS đang có những thay đổi theo hướng phức tạp và khó kiểm soát, can thiệp. Trong khi nguy cơ lây truyền HIV qua đường máu đang có xu hướng giảm thì nguy cơ lây nhiễm qua đường tình dục ngày càng tăng. Mỗi năm tại tỉnh vẫn có khoảng hơn 50 người nhiễm HIV mới được phát hiện. Trong điều kiện các dự án viện trợ quốc tế không còn thì công tác truyền thông để mỗi người dân, đặc biệt là người trẻ tuổi nâng cao nhận thức để chủ động phòng, chống HIV/AIDS là giải pháp quan trọng góp phần thực hiện thành công mục tiêu chấm dứt AIDS vào năm 2030.

Phát huy vai trò, trách nhiệm của tuổi trẻ, các cấp bộ đoàn trong tỉnh luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm trong phòng, chống HIV/AIDS. Trong đó, làm tốt công tác tuyên truyền để mỗi đoàn viên thanh niên sẽ là một tuyên truyền viên tích cực trong gia đình, cộng đồng và xã hội thông qua những việc làm cụ thể, thiết thực. Duy trì và nhân rộng mô hình “Xây dựng khu dân cư không phát sinh thanh, thiếu niên mắc tệ nạn xã hội” với 5 tiêu chí cụ thể. Năm 2022, các cấp bộ đoàn trong toàn tỉnh đã phối hợp, tổ chức 68 buổi tuyên truyền tại các trường trung học phổ thông và các xã, phường, thị trấn; tổ chức được 489 buổi sinh hoạt chuyên đề, sinh hoạt câu lạc bộ thanh niên với chủ đề về phòng chống ma tuý, mại dâm, HIV/AIDS, các tệ nạn xã hội… Thường xuyên cung cấp những thông tin, tài liệu, kiến thức cơ bản về công tác phòng, chống ma túy, HIV/AIDS trên website, trang mạng xã hội của của Tỉnh  đoàn, các huyện, thành, thị đoàn, đoàn cơ sở, qua đó góp phần giúp cho đoàn viên, thanh thiếu niên có nhận thức đầy đủ về hiểm họa, tác hại của HIV/AIDS cũng như các loại tệ nạn xã hội đối với bản thân, gia đình và xã hội. Tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao và các hoạt động xã hội khác giúp thanh, thiếu niên có môi trường để giao lưu, học hỏi, rèn luyện sức khỏe. Từ đó, tạo sân chơi lành mạnh cho đoàn viên, thanh niên, kéo người trẻ tránh xa các tệ nạn xã hội, giảm các hành vi nguy cơ cao để không bị nhiễm HIV/AIDS. Đây không chỉ là hành động để chung tay chấm dứt dịch AIDS mà còn nhằm xây dựng hình ảnh đẹp của thanh niên Hà Nam thời kỳ mới.

Theo đánh giá của Phó Bí thư Tỉnh đoàn Nguyễn Thị Phương Quỳnh, mô hình xây dựng “Khu dân cư không phát sinh thanh, thiếu niên mắc tệ nạn xã hội” trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, được các cấp ủy, chính quyền và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao. Việc thực hiện tốt các tiêu chí của mô hình góp phần giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật cũng như phòng, chống tệ nạn xã hội trong đoàn viên, thanh thiếu nhi. Bên cạnh đó, triển khai kịp thời các biện pháp can thiệp tại cộng đồng, giúp đỡ giáo dục thanh, thiếu niên mắc tệ nạn xã hội, phạm tội tái hoà nhập cộng đồng. Góp phần thực hiện mục tiêu chấm dứt đại dịch HIV/AIDS ở nước ta vào năm 2030, các cấp bộ đoàn tiếp tục nhân rộng mô hình xây dựng “Khu dân cư không phát sinh thanh, thiếu niên mắc tệ nạn xã hội” tại các địa phương. Đẩy mạnh các hoạt động truyền thông giáo dục về HIV/AIDS, ma túy, tệ nạn xã hội thông qua các buổi sinh hoạt chi hội, chi đoàn, ngoại khóa, tập huấn kiến thức, kỹ năng và tư vấn tiền hôn nhân, tư vấn tâm lý cho đoàn viên, thanh niên… nhằm thúc đẩy đoàn viên, thanh niên chủ động phòng, chống HIV/AIDS. Những hoạt động này không chỉ góp phần nâng cao nhận thức cho thanh, thiếu niên, mà còn chống kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS.

Việc lựa chọn chủ đề “Chấm dứt đại dịch AIDS - Thanh niên sẵn sàng” thích hợp với bối cảnh tình hình dịch HIV ở Việt Nam hiện nay. Đây cũng là đối tượng cần được quan tâm trong thời gian tới khi chúng ta muốn đạt mục tiêu kết thúc dịch bệnh AIDS vào năm 2030. Việc chấm dứt dịch AIDS chỉ có thể thành công nếu huy động được thanh niên chủ động tham gia có hiệu quả vào các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS. Các hoạt động xã hội lành mạnh do Đoàn thanh niên tổ chức là môi trường tốt giúp thanh niên rèn luyện và có những nhận thức tích cực, tránh xa các tệ nạn xã hội. Tuy nhiên, để công tác phòng, chống HIV/AIDS đạt hiệu quả hơn nữa, cần có sự quan tâm, phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành và sự chung tay của toàn xã hội…

Hoàng Hải

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy