Quyết tâm chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030

Sau nhiều năm liên tục bền bỉ, nỗ lực, công tác phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực. Bệnh nhân nhiễm HIV được điều trị thuốc ARV kéo dài thời gian sống, có sức khỏe làm việc, giảm tối đa việc lây nhiễm.

97% người điều trị thuốc ARV có tải lượng vi rút HIV thấp dưới ngưỡng phát hiện

Theo số liệu từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nam, trường hợp nhiễm HIV đầu tiên được phát hiện tại tỉnh Hà Nam là vào cuối năm 1996. Tính đến ngày 30/09/2023, lũy tích phát hiện nhiễm HIV tại tỉnh là 1.633 trường hợp, trong đó: số trường hợp nhiễm HIV hiện còn sống 852 người; số trường hợp bệnh nhân AIDS còn sống 528 người; số trường hợp tử vong do AIDS 781 người.

Tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư của toàn tỉnh hiện nay là 0,09%. Tỷ lệ hiện nhiễm trong nhóm người lớn (15-49) là 0,08%. 108/109 số xã, phường, thị trấn; 6/6 huyện, thành phố, thị xã của tỉnh đều phát hiện có người nhiễm HIV/AIDS. Trong 9 tháng năm 2023, cả tỉnh ghi nhận 18 trường hợp HIV phát hiện mới, 04 người nhiễm HIV/AIDS tử vong. Trong số người phát hiện HIV có 79% là nam giới, nữ 21%. Nhóm tuổi lây nhiễm HIV chủ yếu là nhóm 20-29 tuổi (26,3%); nhóm 30-39 tuổi (26,3%) và nhóm 40-49 tuổi chiếm 36,8%. Đường lây chủ yếu là quan hệ tình dục không an toàn (73,7%) và qua đường máu (10,5%), không phát hiện trường hợp nào lây truyền HIV từ mẹ sang con. Thành phố Phủ Lý là địa bàn hiện có số người nhiễm HIV cao nhất, với 227 người nhiễm chiếm tỷ lệ (26,6%). Kế đó là huyện Kim Bảng 182 người (21,3%), Lý Nhân 173 người (20,3%), Thanh Liêm 110 người (12,9%), Bình Lục và Duy Tiên có tỷ lệ nhiễm thấp lần lượt là 9,8% và 8,9%.

Hiện trên địa bàn Hà Nam có 9 đơn vị điều trị cho bệnh nhân HIV/AIDS, trong đó 2 đơn vị điều trị nội trú là Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Bệnh viện Lao và Bệnh phổi; 7 đơn vị điều trị ngoại trú gồm: CDC Hà Nam, Trại giam Nam Hà và 5 Trung tâm Y tế tuyến huyện, thị xã.

Quyết tâm chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030
Khám, tư vấn cho người dân tại Phòng khám ngoại trú CDC Hà Nam. Ảnh: Yên Chính

Bên cạnh những người được theo dõi, quản lý và điều trị tại các địa phương bạn, hiện có gần 700 người đang được điều trị bằng thuốc ARV tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh. Toàn bộ số người đang được điều trị tại tỉnh được làm xét nghiệm tải lượng vi rút HIV, kết quả cho thấy khoảng 97% người trong số này có tải lượng vi rút HIV dưới ngưỡng phát hiện, không có khả năng lây truyền qua đường tình dục.

ARV là thuốc kháng HIV. Người nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc ARV theo đúng liệu trình và khi đạt tải lượng vi rút ở ngưỡng không phát hiện được trong máu thì nguy cơ lây truyền HIV sang người khác qua đường tình dục rất thấp từ không đáng kể đến không có nguy cơ. Điều này có ý nghĩa rằng, một người nhiễm HIV được điều trị ARV khi có tải lượng vi rút dưới ngưỡng phát hiện sẽ vừa bảo vệ sức khỏe cho mình và ngăn ngừa lây nhiễm HIV sang bạn tình. Điều trị thuốc ARV tuân thủ liệu trình cũng giúp người nhiễm HIV khỏe mạnh, kéo dài thời gian sống. Trên địa bàn tỉnh có nhiều người nhiễm HIV đã sống khỏe mạnh hàng chục năm, làm việc bình thường nhờ điều trị thuốc ARV.

97% người nhiễm HIV được điều trị thuốc ARV có tải lượng vi rút HIV dưới ngưỡng phát hiện, không có khả năng lây truyền qua đường tình dục là một trong những thành quả rất có ý nghĩa trong công tác điều trị cho bệnh nhân HIV/AIDS của tỉnh, góp phần cùng với cả nước hướng tới mục tiêu Chiến lược Quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030.

Có được thành quả trên, trước hết là nhờ có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh; sự cố gắng, nỗ lực của những người làm công tác phòng, chống HIV/AIDS, mà nòng cốt là các cán bộ y tế. Cùng với đó, những năm qua Hà Nam luôn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ rất lớn của Cục Phòng, chống HIV/AIDS-Bộ Y tế. Mới đây nhất qua sự kết nối của Cục Phòng, chống HIV/AIDS-Bộ Y tế, Dự án “Dự phòng, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS - Kết nối giữa cơ sở y tế và trại giam” đã được triển khai tại Hà Nam do Quỹ chăm sóc sức khỏe AIDS Hoa Kỳ (AHF) hỗ trợ.

Dịch HIV đang có xu hướng giảm số ca nhiễm HIV phát hiện, chuyển AIDS và tử vong do AIDS kể từ năm 2015 tới nay, tuy nhiên mức độ giảm của dịch chưa sâu, không ổn định. So với trước đây, hiện nay một số hành vi nguy cơ liên quan đến HIV/AIDS đang có những thay đổi theo hướng phức tạp và khó kiểm soát, can thiệp. Lây truyền qua đường máu giảm thì lây truyền HIV qua quan hệ tình dục đang có xu hướng gia tăng đặc biệt trong nhóm quan hệ tình dục đồng giới, quan hệ tình dục với gái bán dâm cảnh báo sự lây lan của dịch trong cộng đồng dân cư.

“Cộng đồng sáng tạo - Quyết tâm chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030”

Đây là chủ đề của Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2023 (từ ngày 10/11 đến 10/12/2023). Được phát động từ năm 2008, Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đã trở thành sự kiện quan trọng hằng năm thu hút sự quan tâm của không chỉ lãnh đạo mà cả người dân và huy động cả cộng đồng vào cuộc chiến với đại dịch HIV/AIDS.

Quyết tâm chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030
Phòng khám ngoại trú tại CDC Hà Nam.

Theo Kế hoạch của Sở Y tế, trong Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2023, tùy từng điều kiện cụ thể, các đơn vị, địa phương tổ chức hội nghị, hội thảo với hình thức phù hợp. Qua đó tiếp tục cảnh báo nguy cơ gia tăng lây nhiễm HIV trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM), đặc biệt nhóm MSM tuổi vị thành niên… Quảng bá các mô hình tư vấn, xét nghiệm HIV: Xét nghiệm HIV tại cộng đồng, tự xét nghiệm HIV và xét nghiệm nhiễm mới HIV, xét nghiệm cho bạn tình, bạn chích của người nhiễm HIV. Chiến lược xét nghiệm dựa vào mạng lưới người có hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV cao. Tuyên truyền vai trò, lợi ích của xét nghiệm HIV và vai trò của các tổ chức cộng đồng về hoạt động tìm các ca nhiễm HIV tại cộng đồng. Tuyên truyền về lợi ích của điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone. Điều trị dự phòng trước phơi nhiễm bằng thuốc kháng HIV (PrEP). Truyền thông về lợi ích của điều trị sớm bằng thuốc ARV và tuân thủ điều trị, điều trị là dự phòng. Điều trị các bệnh đồng nhiễm cho người nhiễm HIV… Tổ chức các sự kiện K=K (không phát hiện = không lây truyền) và chia sẻ kinh nghiệm, các mô hình có hiệu quả như: Xét nghiệm HIV tại cộng đồng do nhân viên cộng đồng thực hiện; mô hình trong dự phòng, chăm sóc, điều trị HIV/AIDS và chống kỳ thị phân biệt đối xử, do các tổ chức cộng đồng thực hiện để thấy rõ vai trò của các tổ chức cộng đồng trong hoạt động phòng, chống HIV/AIDS…

Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2023 nhằm đẩy mạnh các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, giảm số người mới nhiễm HIV và tử vong liên quan đến AIDS. Huy động sự tham gia của cấp ủy, chính quyền các cấp, hệ thống cung cấp dịch vụ và toàn thể cộng đồng cùng tham gia phòng, chống HIV/AIDS. Tăng cường các hoạt động dự phòng lây nhiễm HIV, xét nghiệm phát hiện và điều trị sớm HIV/AIDS, bảo đảm việc tham gia BHYT của người nhiễm HIV, cung cấp các dịch vụ toàn diện về phòng, chống HIV/AIDS cho người dân đặc biệt cho những người dễ tổn thương, người có hành vi nguy cơ cao. Giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV và ảnh hưởng bởi HIV/AIDS. Tăng cường sự hỗ trợ của gia đình, xã hội với người nhiễm HIV/AIDS và trách nhiệm của người nhiễm HIV/AIDS với gia đình, xã hội; sự tham gia của cộng đồng trong các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS. Tiếp tục mở rộng độ bao phủ các dịch vụ và nâng cao chất lượng của các dịch vụ dự phòng, xét nghiệm HIV, BHYT và điều trị HIV/AIDS; điều trị các bệnh đồng nhiễm, các bệnh lây truyền qua đường tình dục… Qua đó góp phần thực hiện mục tiêu chấm dứt dịch AIDS tại Việt Nam vào năm 2030, giảm tối đa tác động của HIV/AIDS đến sự phát triển kinh tế - xã hội.

Đỗ Hồng

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy