Với nhiệm vụ kế thừa, bảo tồn và phát huy tinh hoa y học cổ truyền (YHCT) dân tộc, Hội Đông y tỉnh đã thực hiện tốt công tác khám, chữa bệnh (KCB); bảo tồn và phát triển nguồn dược liệu… Qua đó, từng bước khẳng định vai trò, vị trí của mình, đồng hành cùng tây y trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, nhất là tại tuyến cơ sở.
Có mặt tại phòng chẩn trị YHCT thuộc Trạm Y tế (TYT) thị trấn Vĩnh Trụ (Lý Nhân) trong những ngày đầu năm mới 2021, dễ dàng nhận thấy lượng người đến khám và điều trị YHCT rất đông. Cơ sở vật chất khang trang, sạch sẽ; đồ dùng, dụng cụ được sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp. Vừa bốc thuốc cho bệnh nhân, lương y đa khoa Trần Văn Sỹ, Phó Chủ tịch Hội Đông y huyện Lý Nhân vừa chia sẻ rằng: Nhu cầu KCB bằng đông y của người dân hiện nay rất lớn bởi sự an toàn, chi phí thấp, ít tác dụng phụ trong khi hiệu quả điều trị có thể tương đương với tây y. Việc đặt phòng chẩn trị tại TYT không chỉ giúp lương y có điều kiện cơ sở vật chất thuận tiện để hành nghề mà người dân cũng được chăm sóc sức khỏe tốt hơn, hạn chế phải chuyển lên tuyến trên. Vai trò của đông y chắc chắn sẽ góp phần nâng cao chất lượng KCB tại TYT. Toàn huyện hiện có 14/21 xã, thị trấn có lương y hoạt động lồng ghép với TYT, điển hình như TYT các xã Văn Lý, Nhân Chính và Hội Đông y xã Đức Lý…
Được biết, ông Sỹ là đời thứ 3 trong gia đình có truyền thống về KCB bằng đông y. Tủ thuốc tại trạm hiện có khoảng 220 vị thuốc. Trung bình mỗi tháng, ông khám và điều trị cho khoảng 300 lượt bệnh nhân. Không chỉ người trong xã, trong huyện, phòng chẩn trị do ông Sỹ phụ trách còn nhận được sự tin tưởng của rất nhiều bệnh nhân đến từ các địa phương khác trong tỉnh và các tỉnh lân cận. Đã 80 tuổi, song mỗi lần bị đau lưng, đau chân, đau họng, ông Nguyễn Văn Hào, phường Lam Hạ (thành phố Phủ Lý) lại nhờ người chở đi, thậm chí tự đạp xe xuống thị trấn Vĩnh Trụ nhờ ông Sỹ bắt mạch, bốc thuốc.
Theo chia sẻ của ông Hào, chỉ sau một thời gian châm cứu kết hợp dùng thuốc, sức khỏe của ông đều tốt hơn. Còn với ông Nguyễn Văn Phúc ở thị trấn Vĩnh Trụ, sau khi thực hiện châm cứu do thoái hóa cột sống khoảng 30 phút, ông cảm thấy dễ chịu và có thể về nhà ngay. Đã hơn 10 ngày thực hiện châm cứu tại trạm, đối với ông là điều rất thuận tiện. “Đã hơn 10 ngày châm cứu, bệnh tình tôi đỡ hơn nhiều. Tôi có thể đến bất cứ lúc nào trong giờ hành chính mà không cần phải chờ đợi hay mất thời gian đi lại. Hiệu quả điều trị bệnh rất tốt, tôi rất tin tưởng điều trị bằng đông y ngay tại TYT” ông Phúc nói.
Theo thống kê, toàn tỉnh có 175 phòng chẩn trị YHCT, trong đó 52 phòng chẩn trị hoạt động lồng ghép với TYT. 18 xã, phường, thị trấn có tổ chức Hội Đông y. Mỗi năm, có trên 600.000 lượt bệnh nhân được khám và điều trị bằng YHCT. Với lợi thế được đào tạo bài bản, các lương y giàu kinh nghiệm, y thuật công tác tại TYT có thể ứng dụng tốt các phương pháp chữa bệnh cổ truyền đa dạng, từ châm cứu, xoa bóp bấm huyệt đến chiếu đèn, xông hơi bằng lá thuốc… Nhờ đó, bệnh nhân có những bệnh lý về xương khớp, đau thần kinh tọa, phong hàn… đều phục hồi với hiệu quả rất cao, số người đề nghị được KCB bằng phương pháp YHCT tại các TYT ngày càng nhiều.
Mạng lưới KCB bằng YHCT tại tuyến cơ sở phát triển đã khẳng định ưu thế của YHCT trong phòng bệnh, chữa bệnh tại cộng đồng. Các TYT xã, phường, thị trấn cơ bản đều xây dựng vườn thuốc mẫu để hướng dẫn người dân biết cách sử dụng cây thuốc sẵn có tại địa phương trong phòng và chữa một số bệnh thông thường.
Chủ tịch Hội Đông y tỉnh Phạm Ngọc Thuần nhấn mạnh: Phương pháp chữa bệnh kết hợp giữa đông y và tây y mang lại hiệu quả rất cao trong công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân tại tuyến cơ sở. Việc phát triển YHCT lồng ghép vào TYT góp phần thực hiện tốt Kế hoạch 665/KH-UBND của UBND tỉnh về việc phát triển y, dược cổ truyền tỉnh đến năm 2020, tỷ lệ KCB YHCT tuyến xã đạt 40%. Bên cạnh đó, động viên những người hành nghề YHCT cống hiến tài năng, kinh nghiệm đưa YHCT ứng dụng rộng rãi trong công tác chăm sóc, bảo vệ, nâng cao sức khỏe nhân dân.
Hải Yến