Cùng với sự ra đời của ứng dụng VssID- bảo hiểm xã hội (BHXH) số, việc sử dụng căn cước công dân (CCCD) gắn chíp điện tử trong khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) là một bước tiến lớn trong việc cải cách thủ tục hành chính của ngành BHXH cũng như ngành y tế. Việc này không chỉ giảm bớt áp lực cho nhân viên y tế mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi đi khám chữa bệnh. Theo đó, thay vì tốn thời gian vào việc làm thủ tục giấy tờ, người dân sẽ được tiếp cận các dịch vụ y tế nhanh chóng hơn, cải thiện chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh BHYT.
Đến hết tháng 10/2022, số người tham gia BHYT trên địa bàn tỉnh là trên 800.000 người; tỷ lệ bao phủ BHYT đạt trên 92% dân số. Theo đánh giá của Phó Giám đốc BHXH tỉnh Lê Quang Ngọc, nhằm giảm tối đa các thủ tục hành chính, tiết kiệm thời gian, chi phí, phục vụ hiệu quả người dân, doanh nghiệp trong tham gia, thụ hưởng các chế độ BHXH, BHYT, BHXH tỉnh đã và đang tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và thực hiện nghiệp vụ của ngành.
Đặc biệt, phối hợp chặt chẽ với Công an tỉnh và các sở, ngành liên quan triển khai thực hiện đầy đủ, hiệu quả Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Phối hợp với Sở Y tế chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh đẩy mạnh tuyên truyền cho người bệnh biết và triển khai tiếp đón người bệnh khi đi khám chữa bệnh BHYT bằng CCCD có gắn chíp điện tử, hoặc qua ứng dụng định danh điện tử VNeID (chỉ áp dụng đối với công dân đã đăng ký thành công tài khoản định danh điện tử do Bộ Công an cung cấp).
Để triển khai hiệu quả việc sử dụng CCCD gắn chíp điện tử hoặc qua ứng dụng VNeID trong khám chữa bệnh BHYT, BHXH Việt Nam đã nâng cấp hệ thống phần mềm Cổng tiếp nhận thuộc hệ thống Thông tin giám định BHYT của ngành và sẵn sàng đáp ứng việc cung cấp thông tin thẻ BHYT để các cơ sở khám chữa bệnh tra cứu thông tin khi người dân sử dụng CCCD gắn chíp điện tử đi khám chữa bệnh BHYT. Tính đến giữa tháng 11/2022, số lượng thẻ BHYT tại tỉnh Hà Nam đã đồng bộ với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là 486.000 người; có 61 cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tiếp nhận công dân sử dụng CCCD để đi khám chữa bệnh; 7.901 lượt người dùng CCCD đăng ký KCB, trong đó có 3.732 lượt người tra cứu thành công.
Thực tế cho thấy, việc triển khai khám chữa bệnh BHYT bằng CCCD gắn chíp điện tử đem lại nhiều tiện ích cho người dân. Trong đó, rõ nét nhất là tiết kiệm được thời gian làm thủ tục đăng ký khám chữa bệnh. Đặc biệt, khi đi khám bệnh, nếu quên thẻ BHYT bằng giấy, người dân có thể sử dụng thẻ CCCD gắn chíp điện tử bệnh nhân không phải mang theo nhiều loại giấy tờ để thực hiện các thủ tục hành chính trong khám chữa bệnh. Theo đó, người dân cũng không phải mất thời gian hoàn tất các thủ tục xin cấp lại thẻ BHYT trong trường hợp mất hoặc thẻ rách, hỏng, hết hạn… Ngoài ra, cơ quan quản lý tiết kiệm được chi phí cấp phát thẻ, quản lý thẻ BHYT, chống lạm dụng, trục lợi quỹ khám chữa bệnh BHYT.
Cũng theo ông Lê Quang Ngọc, Phó Giám đốc BHXH tỉnh hiện nay thông tin công dân giữa cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm đang được hoàn thiện. Do đó, sẽ có trường hợp khám chữa bệnh bằng CCCD được và còn trường hợp chưa thực hiện được khi thông tin giữa 2 cơ sở dữ liệu chưa xác thực. Đối với người bệnh đã được cấp CCCD có gắn chíp điện tử khi đi khám chữa bệnh lần đầu nên mang theo thẻ BHYT hoặc điện thoại thông minh có tích hợp ứng dụng VssID - BHXH số kèm giấy tờ tùy thân có ảnh. Sau lần đầu đã khám chữa bệnh thành công bằng CCCD hoặc VNeID thì từ lần khám bệnh sau chỉ cần xuất trình CCCD hoặc sử dụng ứng dụng VNeID. Trường hợp CCCD chưa kịp tích hợp dữ liệu thẻ BHYT hoặc người tham gia BHYT chưa được cấp tài khoản VNeID, người bệnh vẫn sử dụng thẻ BHYT hoặc VssID để khám chữa bệnh theo quy định. Do đó, các cơ sở y tế vẫn đang triển khai song song giữa việc tra cứu thông tin BHYT bằng thẻ CCCD và thực hiện tiếp đón người bệnh theo quy trình khám chữa bệnh BHYT hiện hành là xuất trình thẻ BHYT và giấy tờ tùy thân có ảnh.
Thời gian tới, ngành BHXH tiếp tục phối hợp với các cơ sở KCB đẩy mạnh truyền thông rộng rãi đến người tham gia BHYT về việc triển khai sử dụng CCCD gắn chíp điện tử và mã định danh quốc gia VNeID trong khám chữa bệnh BHYT. Đồng thời, chỉ đạo đội ngũ giám định viên BHYT toàn tỉnh làm đầu mối liên hệ tại cơ sở khám chữa bệnh, phối hợp với cơ sở khám chữa bệnh BHYT giải đáp kịp thời các vướng mắc phát sinh khi người dân sử dụng CCCD gắn chíp điện tử trong quá trình khám chữa bệnh BHYT, bảo đảm quyền lợi của người tham gia BHYT.
Hoàng Hải