Tỉnh ta hiện có 19 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu giai đoạn 2015 - 2020. Theo quy định xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, các xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu phải hoàn thành tiêu chí bắt buộc có ít nhất 1 thôn thông minh. Tuy nhiên, hiện nay phần lớn các xã NTM kiểu mẫu trong tỉnh đều chưa xây dựng được thôn thông minh. Vậy đâu là khó khăn trong quá trình thực hiện tiêu chí này?
Tìm hiểu thực tế tại một số xã NTM kiểu mẫu cho thấy hiện nay đa phần các địa phương này vẫn đang cố gắng hoàn thành những tiêu chí NTM nâng cao. Việc xây dựng thôn thông minh mới đang trong giai đoạn bước đầu.
Tại xã NTM kiểu mẫu Liêm Phong (Thanh Liêm), qua đánh giá, đến hết tháng 6/2024, xã mới đạt chuẩn 18/19 tiêu chí, 55/57 chỉ tiêu. Về tiêu chí xây dựng NTM nâng cao, xã đạt chuẩn 17/19 tiêu chí, 72/75 chỉ tiêu. Các tiêu chí, chỉ tiêu đang tiếp tục phấn đấu hoàn thành gồm: Cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn; tổ chức sản xuất, phát triển kinh tế nông thôn (vùng nguyên liệu tập trung đối với nông sản chủ lực của xã được cấp mã vùng; có triển khai quảng bá hình ảnh điểm du lịch của xã thông qua ứng dụng internet, mạng xã hội). Như vậy, xã còn 2 tiêu chí cần hoàn thành theo quy định xã NTM kiểu mẫu giai đoạn 2021 – 2025, gồm: Đạt chuẩn NTM nâng cao và thôn thông minh. Riêng thôn thông minh, hiện nay xã mới chủ yếu tiến hành rà soát, lựa chọn thôn…
Theo ông Nguyễn Sỹ Hiệp, cán bộ giao thông – thủy lợi phụ trách xây dựng NTM xã Liêm Phong, việc triển khai xây dựng thôn thông minh gặp nhiều khó khăn khi áp dụng vào thực tế cơ sở tại địa phương. Yếu tố quan trọng và khó khăn nhất là hạ tầng số chưa đồng bộ. Do vậy, xã lựa chọn hoàn thành trước các tiêu chí xây dựng NTM nâng cao, thôn thông minh sẽ tập trung xây dựng trong thời gian tới.
Với các xã NTM kiểu mẫu khác, quá trình xây dựng thôn thông minh cũng gặp không ít khó khăn. Tại xã NTM kiểu mẫu Vũ Bản (Bình Lục), cùng với xây dựng thôn thông minh, còn được lựa chọn xây dựng xã thông minh để Bình Lục được công nhận huyện đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2025. Tuy nhiên, đến thời điểm này xã mới triển khai xây dựng được một số tiêu chí của thôn thông minh, gồm: Thành lập các tổ công nghệ số cộng đồng cấp thôn, thành lập các nhóm zalo, mochat (giao tiếp thông minh)…
Với Lý Nhân (hiện có 5 xã được công nhận đạt chuẩn NTM kiểu mẫu giai đoạn 2015 – 2025), để xây dựng thôn thông minh, huyện đã chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương xây dựng mô hình tổ dân cư kiểu mẫu, trong đó có chỉ tiêu “thông minh”: nhóm zalo của tổ dân cư kiểu mẫu, triển khai các hoạt động chung, 100% hộ bán hàng trên địa bàn có mã QR Code để thanh toán không dùng tiền mặt. Tuy nhiên, huyện mới chỉ có duy nhất xã NTM kiểu mẫu Xuân Khê cơ bản xây dựng được thôn thông minh (thôn Lưỡng Xuyên); các địa phương khác mới đang trong giai đoạn khởi đầu.
Bà Đỗ Thị Thu Hòa, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lý Nhân cho biết: Xây dựng thôn thông minh đang là nhiệm vụ khó khăn với hầu hết các xã NTM kiểu mẫu trên địa bàn. Phần lớn những tiêu chí thôn thông minh đều khá cao so với mặt bằng chung khu vực nông thôn. Do vậy, các địa phương cần có thời gian thực hiện từng bước theo lộ trình phù hợp mới có thể hoàn thành.
Qua tìm hiểu được biết, hiện nay các xã NTM kiểu mẫu xây dựng thôn thông minh chủ yếu dừng lại ở việc xây dựng kế hoạch, lựa chọn thôn, thành lập tổ công nghệ số cộng đồng, thiết lập kênh giao tiếp giữa trưởng thôn với người dân thông qua mạng xã hội (zalo, mochat…). Các tiêu chí còn lại của thôn thông minh đều chưa thực hiện như: tiêu chí các hộ sản xuất, kinh doanh, hộ kinh doanh cá thể trên địa bàn có đăng ký tham gia một trong những sàn thương mại điện tử để kết nối, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, thêm các kênh phân phối mới, mở rộng thị trường tiêu thụ...
Thực tế, các xã NTM kiểu mẫu đều đã lựa chọn thôn nổi trội nhất để xây dựng thôn thông minh, tuy nhiên, những thôn này lại khó lựa chọn được sản phẩm tương xứng để tham gia sàn thương mại điện tử. Về tiêu chí dịch vụ xã hội cũng rất khó thực hiện với tiêu chí bảo đảm tỷ lệ 70% người dân được hướng dẫn cài đặt và sử dụng các ứng dụng và nền tảng tư vấn, hỗ trợ chăm sóc tư vấn sức khỏe trên thiết bị thông minh. Các hộ sản xuất, kinh doanh trong thôn phần lớn nhỏ lẻ, chủ yếu tiêu thụ sản phẩm trên thị trường tự do, chưa có điều kiện ứng dụng giải pháp truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm hàng hóa…
Việc xây dựng thôn thông minh của những xã NTM kiểu mẫu cũng đang gặp khó khăn do hạ tầng công nghệ số khu vực nông thôn chưa thực sự đồng bộ. Đơn cử, yêu cầu tỷ lệ người dân dùng thiết bị thông minh đòi hỏi khá cao (có tối thiểu 80% số gia đình có kết nối Internet cáp quang và 90% hộ gia đình có điện thoại thông minh...). Thực tế nhiều người dân nếu có điện thoại thông minh cũng chỉ sử dụng chức năng nghe – gọi thông thường, do chất lượng thiết bị kém, tuổi cao không thể sử dụng thành thạo công nghệ. Việc các hộ gia đình được gắn mã địa chỉ trên nền tảng bản đồ số cũng chưa thể thực hiện đồng bộ...
Trao đổi về xây dựng thôn thông minh đối với các xã NTM kiểu mẫu, ông Nguyễn Hải Đăng, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (Sở NN & PTNT) cho biết: Xây dựng thôn thông minh phải có sự nỗ lực, cố gắng rất lớn của cả cấp ủy, chính quyền, MTTQ, ban, ngành, đoàn thể và người dân các xã NTM kiểu mẫu. Các thôn lựa chọn nông sản chủ lực sản xuất theo hướng an toàn, Viet gap đăng ký cấp mã vùng trồng, từ đó thực hiện truy suất nguồn gốc sản phẩm…
Với những xã NTM kiểu mẫu giai đoạn 2015 – 2020, việc thực hiện các tiêu chí giai đoạn 2021 – 2025, trong đó có thôn thông minh là yêu cầu cần thiết và bắt buộc trong thời gian sớm nhất. Để hoàn thành nhiệm vụ này, cùng với phát huy nội lực sẵn có, tranh thủ các nguồn lực xã hội hóa rất cần sự hướng dẫn, hỗ trợ tích cực của cấp trên và cơ quan chuyên môn.
Mạnh Hùng