Hiệu quả từ mô hình “Chợ thí điểm bảo đảm an toàn thực phẩm”

Với mục tiêu xây dựng và phát triển mạng lưới chợ truyền thống đáp ứng tiêu chí về an toàn thực phẩm (ATTP), bảo đảm sức khỏe và quyền lợi người tiêu dùng, mô hình “Chợ thí điểm bảo đảm ATTP” đã được triển khai tại 2 chợ trên địa bàn tỉnh: Đồng Văn (Duy Tiên) và chợ Bầu (thành phố Phủ Lý).

Các quầy bán thịt gia súc, gia cầm tại chợ Đồng Văn (Duy Tiên) đều treo biển hiệu và lắp đặt hệ thống chiếu sáng đạt chuẩn.

Năm 2017, mô hình “Chợ thí điểm bảo đảm ATTP” được triển khai tại chợ Đồng Văn (thị trấn Đồng Văn, Duy Tiên). Đây là dự án nằm trong chương trình Mục tiêu Y tế và Dân số do Bộ Công thương tổ chức thực hiện tại một số địa phương trong cả nước, trong đó có Hà Nam.

Triển khai thực hiện mô hình, chợ Đồng Văn đã được đầu tư xây dựng mới rộng rãi, khang trang với đầy đủ hệ thống xử lý nước thải, thu gom chất thải rắn; lắp đặt hệ thống biển hiệu; bàn bày bán thực phẩm thịt gia súc, gia cầm; bàn bán rau, củ, quả; bàn bán cá; xây dựng hệ thống rãnh thoát nước. Các quầy hàng thịt gia súc, gia cầm, rau, củ, quả… được bố trí, sắp xếp theo đúng tiêu chuẩn chợ ATTP. Qua đó, giúp người tiêu dùng dễ dàng hơn trong việc lựa chọn hàng hóa, thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Với mô hình này, hàng hóa trước khi đưa vào chợ được kiểm tra chặt chẽ, hạn chế tình trạng sử dụng hóa chất, tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan chức năng trong quản lý vệ sinh môi trường nói chung và ATTP nói riêng trong khu vực chợ.

Đánh giá về mô hình, đồng chí Nguyễn Thị Minh Thu, Bí thư Đảng ủy thị trấn Đồng Văn khẳng định: Sau hơn 2 năm nỗ lực thực hiện các tiêu chí xây dựng chợ kinh doanh thực phẩm an toàn, công tác bảo đảm ATTP tại chợ đã có những chuyển biến rõ rệt. Mô hình mang lại những lợi ích thiết thực cho cả người bán lẫn người mua. Đáng ghi nhận là mô hình đã dần thay đổi được thói quen tiêu dùng của người dân. Bà con đi chợ mua sắm đã quan tâm hơn đến nguồn gốc, xuất xứ, tem nhãn… của hàng hóa.

Từ hiệu quả mô hình “Chợ thí điểm bảo đảm an ATTP” tại chợ Đồng Văn, năm 2018, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2353/QĐ-UBND về việc phê duyệt đề án nhân rộng mô hình “Chợ thí điểm bảo đảm ATTP” trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, mô hình đã được triển khai thực hiện tại chợ Bầu, thành phố Phủ Lý với diện tích thực hiện là 600 m2, bao gồm các quầy thịt lợn, thịt bò; quầy hàng thủy, hải sản; quầy bán rau, củ, quả; quầy thức ăn chín và thực phẩm chế biến… được đầu tư, thiết kế bảo đảm tiêu chuẩn về độ cao, vật liệu, cách bày hàng…

Ông Phan Thanh Sơn, Trưởng phòng Quản lý thương mại, Sở Công thương cho biết: Trong quá trình triển khai mô hình, từ nguồn kinh phí của tỉnh, Sở Công thương đã hỗ trợ các tiểu thương mua sắm bàn bày hàng hóa; quầy, kệ, tủ kính chứa đồ ăn, biển hiệu chợ, biển hiệu quầy hàng, thùng đựng rác công cộng…

Bên cạnh đó, tổ chức cho đơn vị quản lý chợ và các hộ kinh doanh trong chợ đi khảo sát, học hỏi kinh nghiệm thực tế công tác ATTP tại một số chợ trong và ngoài tỉnh. Phối hợp với các sở, ngành liên quan tổ chức các lớp tập huấn nhằm tuyên truyền tới các tiểu thương, ban quản lý chợ những quy định của pháp luật về ATTP, tầm quan trọng của việc kinh doanh hàng hóa có nguồn gốc rõ ràng, bảo đảm chất lượng; thường xuyên tổ chức kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện các quy định bảo đảm ATTP tại các quầy hàng, nhất là đối với các sản phẩm có nguy cơ cao gây mất ATTP. Thông qua mô hình, nhiều tiểu thương đã lựa chọn và liên kết với các cơ sở sản xuất thực phẩm đạt tiêu chuẩn về vệ sinh ATTP để cung cấp sản phẩm bảo đảm an toàn cho người dân.

Theo đánh giá của Sở Công thương, các chợ thực hiện mô hình thí điểm chợ ATTP đều đã được đầu tư xây mới, nhiều hạng mục được nâng cấp, cải tạo bảo đảm đạt chuẩn chợ ATTP. Ngoài tiêu chí cơ sở vật chất, các tiêu chí khác về chợ ATTP được đặt ra cũng khá đầy đủ, nghiêm ngặt, đặc biệt là tiêu chí: Thực phẩm kinh doanh tại chợ phải có nguồn gốc rõ ràng; không bán thực phẩm nhiễm vi sinh vật, hóa chất độc hại, thực phẩm quá hạn sử dụng; các sản phẩm thịt gia súc, gia cầm phải có sự kiểm soát và chứng nhận ATTP của cơ quan chức năng; sản phẩm rau, củ, quả phải có giấy xác nhận xuất xứ, nguồn gốc; hàng thực phẩm chế biến được bảo quản trong tủ kính hoặc che đậy, bao gói vệ sinh...

Theo kế hoạch, đến hết năm 2019, toàn tỉnh sẽ xây dựng 5 chợ theo mô hình thí điểm chợ bảo đảm ATTP. Đến năm 2025, tất cả các chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh sẽ được đầu tư theo mô hình chợ ATTP.

Nguyễn Oanh

Nguyễn Oanh

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy