Theo Thông tư số 15 của Bộ Y tế, từ ngày 15/7 điều chỉnh, bổ sung giá của 88 dịch vụ kỹ thuật trong các cơ sở khám chữa bệnh (KCB), trong đó có tới 70 dịch vụ giảm, đa phần là các dịch vụ có tần suất sử dụng cao.
Giá khám bệnh, giường, dịch vụ kỹ thuật có tần suất sử dụng cao đều giảm
Theo ông Văn Tất Phẩm, Phó Giám đốc Sở Y tế, thực hiện Thông tư 15, từ 15/7 các cơ sở KCB điều chỉnh, bổ sung giá của 88 dịch vụ kỹ thuật gồm: Điều chỉnh giảm 70 dịch vụ, gồm: 6 giá khám bệnh, bình quân giảm 17%; 34 giá ngày giường bệnh, bình quân giảm 6%; 30 dịch vụ kỹ thuật và xét nghiệm, bình quân giảm 24%.
Điều chỉnh tăng 9 dịch vụ, gồm: 7 giá ngày giường chủ yếu là giường hồi sức tích cực và giường hồi sức cấp cứu, bình quân điều chỉnh tăng 5%; 2 dịch vụ xét nghiệm. Bổ sung giá của 9 dịch vụ kỹ thuật: người bệnh sử dụng các dịch vụ này sẽ được BHXH thanh toán. Điều chỉnh 12 dịch vụ (chủ yếu là các dịch vụ chụp CT, nội soi) theo nguyên tắc không tính chi phí thuốc, vật tư tiêu hao đặc thù trong giá dịch vụ do thuốc và các loại vật tư này có nhiều loại và mỗi người bệnh sử dụng khác nhau.
BHXH sẽ thanh toán theo số lượng thực tế sử dụng và giá trúng thầu. Bổ sung và điều chỉnh ghi chú cụ thể một số thuốc, vật tư chưa tính trong giá của khoảng 160 dịch vụ kỹ thuật làm cơ sở để BHXH thanh toán cho người có thẻ BHYT theo thực tế sử dụng; làm tăng quyền lợi của người tham gia BHYT.
Phẫu thuật cho bệnh nhân ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
Việc điều chỉnh viện phí theo hướng giảm là chủ yếu có lợi cho người dân vì họ vẫn được thụ hưởng quyền lợi KCB như trước nhưng giảm chi phí đồng chi trả. Hơn 90% nguồn thu từ các cơ sở KCB là do quỹ BHYT chi trả.
Việc giảm giá nhiều dịch vụ có tần suất sử dụng cao sẽ giúp cân đối quỹ BHYT. Năm 2017, quỹ BHYT của Hà Nam bội chi khoảng 90 tỷ đồng, tỷ lệ vượt quỹ là 15%. 6 tháng đầu năm 2018, bội chi quỹ khoảng 72,9 tỷ đồng, tỷ lệ vượt quỹ 12%.
Giảm đáng kể nguồn thu: Các cơ sở KCB lo lắng
Ông Đỗ Trung Đông, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh cho biết, do các dịch vụ giảm giá đều rơi vào các dịch vụ có tần suất sử dụng cao nhất, vì thế khi thực hiện điều chỉnh giá, đơn vị sẽ giảm đáng kể nguồn thực thu. BVĐK tỉnh là BV hạng I, giá khám bệnh cũ là 39 nghìn đồng, nay giảm còn 33 nghìn đồng.
Với số bệnh nhân đến khám khoảng 800 lượt/ngày, mỗi ngày riêng thu từ tiền khám bệnh đã giảm cỡ 4,8 triệu đồng, một tháng giảm hơn 100 triệu và 1 năm giảm trên 1,2 tỷ đồng. Tiền giường các loại cũng giảm cỡ 17%. Các dịch vụ kỹ thuật có tần suất sử dụng nhiều, chi phí cao cũng đồng loạt giảm như chụp cộng hưởng từ, chụp CT, một số phẫu thuật phổ biến như cắt ruột thừa,… Trong khi, đó bắt đầu từ quý IV/2018, BV thực hiện tự chủ bước 2 là tự chủ chi thường xuyên.
Việc giảm đáng kể nguồn thu là thách thức lớn đối với đơn vị trong việc vừa thực hiện tự chủ vừa phải không ngừng đầu tư để nâng cao chất lượng KCB.
Còn ông Nguyễn Xuân Sỹ, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Bình Lục cũng tỏ rõ lo lắng khi thực hiện giá viện phí mới. Theo ông Sỹ, giá khám bệnh trước đây là 31 nghìn đồng giờ còn 26,2 nghìn đồng, giảm 5,2 nghìn đồng/lượt khám. Mỗi ngày trung tâm khám khoảng 300 lượt, như vậy riêng thu từ tiền khám bệnh mỗi ngày giảm khoảng 1,5 triệu đồng, mỗi tháng giảm 33 triệu đồng, 1 năm giảm cỡ 400 triệu đồng. Tiền giường điều trị cũng thế, giảm từ 15-20 nghìn đồng tùy từng loại. Rồi dịch vụ kỹ thuật,… Ước tính theo giá mới mỗi năm trung tâm sẽ giảm thực thu khoảng hơn 1 tỷ đồng.
Dù có nhiều lo lắng nhưng theo chỉ đạo của Sở Y tế, các đơn vị đã chỉ đạo những bộ phận liên quan phối hợp rà soát trên phần mềm để cập nhật, mã hóa các danh mục chuyên môn kỹ thuật, giá dịch vụ theo Thông tư 15. Thông báo công khai, rõ ràng về mức giá mới. Bắt đầu từ 1h ngày 15/7, tất cả các BV đều thực hiện theo giá dịch vụ mới. Các đơn vị cũng tập huấn cho toàn bộ cán bộ, nhân viên về những thay đổi để triển khai thực hiện chuẩn chỉ.
Sở Y tế cũng yêu cầu các đơn vị có số lượt khám bệnh tăng phải thực hiện ngay các giải pháp như tăng số bàn khám, điều tiết tăng nhân lực cho phòng khám vào các giờ cao điểm để bảo đảm bác sỹ có thời gian khám, tư vấn cho người bệnh. Tăng cường điều trị ngoại trú, điều trị ban ngày, chỉ định người bệnh điều trị nội trú theo đúng quy định, tăng cường công tác chăm sóc, chống nhiễm khuẩn để giảm số ngày điều trị nội trú. Thực hiện chỉ định các dịch vụ kỹ thuật theo đúng quy định về chuyên môn y tế.
Đỗ Hồng
Đỗ Hồng, Trương Dũng