Đại dịch Covid-19 bùng phát trong 2 năm 2020, 2021, lấy đi tính mạng của hơn 6,6 triệu người trên toàn thế giới (tính đến hết tháng 11/2022). Năm 2022, sau bao nỗ lực của toàn xã hội, đại dịch Covid-19 cũng đã được kiểm soát. Tuy nhiên, Covid-19 vẫn còn nguy cơ tái bùng phát, các chủng mới vẫn có khả năng xuất hiện, vắc-xin sau một thời gian tiêm giảm khả năng miễn dịch. Vì thế, để bảo vệ thành quả, việc phòng chống dịch Covid-19 phải tiếp tục được duy trì, không phải là sự gấp gáp, dồn dập, thần tốc như trước, mà là sự kiên trì, bền bỉ, nhưng vẫn rất quyết liệt và cần cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, nhất là mục tiêu tiêm vắc-xin.
Quyết liệt và bền bỉ
Năm 2020, 2021, khi dịch Covid-19 ở giai đoạn cao điểm, các quy định đưa ra đều là “lệnh”, ai không thực hiện sẽ có các chế tài xử lý. Nhưng năm 2022, khi dịch đã được khống chế, mục tiêu trọng tâm là “phủ” vắc-xin, trong khi đó việc tiêm vắc-xin không thể bắt buộc mà chỉ có thể tuyên truyền, vận động. Hơn nữa, đối tượng tiêm chủ yếu trong năm 2022 là trẻ em, lại là lần đầu các cháu tiêm, tư tưởng của các gia đình càng đắn đo, không dễ thuyết phục, nhất là khi đại dịch đã được khống chế người dân bắt đầu có tư tưởng chủ quan. Các cuộc họp của Chính phủ đôn đốc việc tiêm vắc-xin phòng Covid-19 được tổ chức liên tục, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt.
Bên lề một cuộc họp về đôn đốc tiêm vắc-xin, các đồng chí lãnh đạo tỉnh thậm chí thực hiện tiêm vắc-xin mũi nhắc lại ngay tại chỗ và chỉ đạo truyền thông công khai hình ảnh đến toàn dân để tạo sức lan tỏa. Các cuộc họp cấp huyện, thị xã, thành phố cũng gay gắt, căng thẳng, không kém gì giai đoạn dịch cao điểm. Đảng viên gương mẫu đi đầu trong tiêm vắc-xin, đồng thời vận động gia đình, người dân đi tiêm. Các cơ quan, đơn vị, đoàn thể các cấp đều vào cuộc đẩy mạnh tuyên truyền để cán bộ, nhân viên, hội viên đi tiêm và vận động gia đình tiêm. Tỷ lệ tiêm vắc-xin của các đơn vị liên tục được cập nhật, công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, đơn vị nào thấp bị nhắc nhở, phê bình, yêu cầu phải có biện pháp đẩy mạnh. Việc nâng tỷ lệ tiêm vắc-xin không chỉ được bàn sâu ở những cuộc họp về vấn đề này, mà còn được nhắc đến, đôn đốc liên tục ở nhiều cuộc họp về các nội dung khác của các tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể, cơ quan, đơn vị, trên các nhóm chỉ đạo công việc... Ở nhiều xã, phường, thị trấn, lãnh đạo cấp ủy, chính quyền cùng đại diện các đoàn thể, lực lượng công an,... thành lập các đoàn đi từng nhà, rà từng đối tượng để tuyên truyền, vận động, thống kê nhu cầu tiêm,...
Không chỉ trong 2 năm bùng phát dịch Covid-19, lực lượng y tế luôn đi đầu và vất vả nhất, mà trong thực hiện mục tiêu phủ vắc-xin họ cũng vẫn luôn thế. Trung tuần tháng 4/2022, Hà Nam bắt đầu triển khai tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi. Ở các đơn vị người dân cho con em đến tiêm rất ít, một số vì các cháu mới bị Covid-19, không ít cháu không chống chỉ định, nhưng gia đình không cho con em đi tiêm.
Tại Phường Lương Khánh Thiện (TP Phủ Lý), chị Nguyễn Thị Diên, Trạm trưởng Trạm Y tế phường nhớ lại, đợt đầu tiên đối tượng tiêm là các cháu học lớp 6. Toàn phường có 123 cháu học lớp 6, nhưng chỉ có 37 cháu đăng ký tiêm và đến tiêm có 29 cháu. Các cháu chưa tiêm một phần do mới bị Covid-19, nhưng nhiều cháu do gia đình lo lắng chưa cho con em đi tiêm. Việc tuyên truyền được tập trung đẩy mạnh với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị. Là cán bộ trạm y tế, chị Diên kết nối với các nhóm zalo của tất cả các tổ dân phố trên địa bàn, tuyên truyền trực tiếp đến từng hộ dân, đồng thời công khai số điện thoại để người dân gọi khi có thắc mắc. Dù từ tháng 4/2022 trở đi dịch Covid-19 đã ổn, nhưng điện thoại của chị Diên vẫn bận suốt, chủ yếu giải đáp các thắc mắc của người dân về việc tiêm vắc-xin, những lưu ý trước khi tiêm, theo dõi sau tiêm... Quyết liệt thế, nhưng việc vận động không hề dễ dàng, mỗi đợt chỉ vận động được một số nhất định, rồi lại tổ chức tiêm, rồi lại kiên trì vận động. Các cán bộ y tế vẫn gần như không có ngày nghỉ vì cứ vận động được đến đâu lại tổ chức tiêm đến đó, có khi ít quá phải gửi tiêm chung với phường khác, phải liên tục rà danh sách, thống kê những người chưa tiêm, gọi điện, xuống gia đình tìm hiểu lý do, tuyên truyền, vận động... Tỷ lệ tiêm vắc-xin nhờ đó được nâng dần lên qua mỗi đợt tiêm...
Trong mục tiêu “phủ” vắc-xin phòng Covid-19 năm 2022 có vai trò rất lớn của các nhà trường, đặc biệt là các giáo viên chủ nhiệm. Các cán bộ y tế cơ sở cho biết, nhờ có sự quyết liệt đôn đốc của lãnh đạo các nhà trường, sự tích cực tuyên truyền, vận động của các giáo viên chủ nhiệm, tỷ lệ tiêm vắc-xin cho trẻ mới được tăng dần lên.
Thầy Phạm Trung Trực, Hiệu trưởng Trường Tiểu học thị trấn Quế (Kim Bảng) chia sẻ: Năm 2022 mới bắt đầu tiêm vắc-xin cho trẻ em. Với đối tượng trẻ em, các gia đình đều có sự lo lắng, băn khoăn rất nhiều khi quyết định một vấn đề liên quan đến sức khỏe. Thời điểm năm 2022 dịch cũng đã được khống chế, nhiều người dân càng chủ quan không muốn cho con em đi tiêm. Nhà trường chỉ đạo cán bộ, giáo viên, nhất là đội ngũ giáo viên chủ nhiệm phải đa dạng các hình thức tuyên truyền, vận động phụ huynh đăng ký cho con em tiêm. Qua điện thoại, nhóm zalo phụ huynh lớp, các giáo viên chủ nhiệm đã phân tích cặn kẽ về việc Covid-19 đã gây ra hậu quả to lớn trên thế giới, và đại dịch được khống chế, nhiều người mắc Covid-19 nhưng ở thể nhẹ là nhờ đã tiêm vắc-xin. Vi-rút SARS-CoV-2 vẫn có nguy cơ xuất hiện các biến thể mới, các nước phát triển cũng thực hiện “phủ” vắc-xin toàn dân, trong đó có trẻ em bởi họ đã khẳng định được những lợi ích trong việc bảo vệ sức khỏe do vắc-xin mang lại... Vì thế, việc đắn đo, lo lắng không cho con em đi tiêm là hoàn toàn không có căn cứ, và nếu dịch tái bùng phát, hệ thống y tế quá tải, những người chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ mũi vắc-xin sẽ dễ bị ảnh hưởng nặng nề như đã từng chứng kiến. Nhờ sự tích cực tuyên truyền, phân tích một cách khoa học, nhiều phụ huynh đã hiểu ra và đăng ký cho con đi tiêm.
Để những mùa xuân trọn vẹn
Tỷ lệ tiêm vắc-xin phòng Covid-19 phải được 95% mới đạt miễn dịch cộng đồng. Với Hà Nam, đến ngày 4/12/2022, tỷ lệ tiêm mũi 1, mũi 2 với người 18 tuổi trở lên và trẻ 12-17 tuổi đều đạt 100%. Mũi 1 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi đạt 97,72%. Tuy nhiên, tỷ lệ tiêm mũi 3 (nhắc lại lần 1) cho người từ 18 tuổi trở lên mới chỉ đạt 80,89%; tỷ lệ tiêm mũi 3 cho trẻ từ 12-17 tuổi mới đạt 66,67%; tỷ lệ tiêm mũi 2 cho trẻ từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi mới đạt 78,52%. Tỷ lệ này chưa đạt mức miễn dịch cộng đồng và đây là điều đáng lo ngại khi dịch Covid-19 vẫn tiềm ẩn nguy cơ tái bùng phát.
Còn nhớ Tết năm ngoái mọi người đi chơi trong thấp thỏm, luôn canh cánh nỗi lo và phải thực hiện “5K”. Tết năm nay, việc vui chơi chắc chắn thoải mái hơn, khi Covid-19 đã được kiểm soát. Tuy nhiên, mọi việc chỉ có thể yên tâm, cuộc sống chỉ có thể hoàn toàn trở lại như trước đây, thành quả chống dịch chỉ có thể được giữ vững, niềm vui của mỗi người, mỗi gia đình, mùa Xuân năm nay cũng như các mùa Xuân tới chỉ có thể trọn vẹn khi mỗi người dân tiêm đủ các mũi vắc-xin phòng Covid-19 theo khuyến cáo./.
Đỗ Hồng